CaffeineFX

Phương pháp viết nhiều góc nhìn: Nhón gót qua... bãi mìn

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Friday, July 14th, 2017

Góc nhìn là... để tôi xem lại một chút cho chắc, rồi, thảo luận kỳ này chúng ta sẽ thuộc về mảng xây dựng nhân vật xoay quanh phương pháp viết nhiều góc nhìn (Đa ngôi thứ). Có lẽ tôi nên khái quát một chút xíu về những điều chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong nội dung bài viết.

Vào thời bây giờ có một điều khá rõ ràng là các tác giả có xu hướng thường xuyên sử dụng nhiều hơn một góc nhìn nhân vật (Point-of-view hay còn gọi là POV) cho câu chuyện của họ. Điều này hiển nhiên là rất đáng khuyến khích bởi đây là một kỹ thuật viết thực sự mạnh mẽ trong cấu tứ văn học. Nó cho phép chúng ta bố trí những tình tiết hồi hộp, tạo khả năng thúc đẩy các diễn biến truyện một cách tự nhiên, giúp khán giả có được nhận biết chặt chẽ hơn đối với các hệ thống gồm nhiều nhân vật, đồng thời nó mở ra khả năng viết nên những câu chuyện có quy mô liên hệ phức tạp hơn và cho phép chúng ta đưa vào những cảnh mà trong đó nhân vật chính của câu chuyện sẽ không hiện diện. Và đây cũng là lối viết hết sức thích hợp dành cho những tác phẩm có tiết tấu nhanh cũng như những ai có sở thích viết trường thiên.

Vậy chúng ta có gì đáng bàn ở đây?

Việc thể hiện nội dung một câu chuyện dưới nhiều góc nhìn có thể giúp chúng ta xử lý rất nhiều vấn đề. Nhưng bản thân nó cũng chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn có thể đánh gãy cấu trúc câu chuyện của bạn nếu phạm phải. Nếu bạn không chăm sóc câu chuyện của mình một cách đúng mực thì thể thức viết nhiều góc nhìn có thể gây ra nhiều nhầm lẫn không đáng có cho độc giả trong quá trình theo dõi truyện, gây loãng các diễn biến cũng như làm suy giảm tác động về mặt ấn tượng của câu chuyện đối với người đọc.

Sự thực là lối viết đa góc nhìn đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm và ý thức khi viết truyện, đòi hỏi bạn phải đặt sự quan tâm đúng mức đối với các nhân vật và mạch truyện gắn liền với bản thân nhân vật đó, đồng thời nó cũng đòi hỏi ở người viết một khả năng điều chỉnh lưu lượng viết và khống chế tình tiết ở mức nhất định để đồng bộ các mạch truyện một cách hợp lý nữa. Bởi vậy về ý kiến cá nhân, tôi không khuyến khích các bạn chọn nó ngay trong lần thử đầu tiên, nhưng về lâu về dài thì đây là một lựa chọn rất tuyệt nếu bạn muốn làm mới phong cách viết của mình mà vẫn giữ được những ưu điểm cá nhân đã xây dựng.

Nói một cách hình tượng thì khi bạn chọn phương pháp viết nhiều góc nhìn cũng giống việc bạn tiến vào một – bãi – mìn vậy. Bạn sẽ chẳng thể nhìn thấy được các hiểm họa rình rập chờ đợi bên dưới lòng bàn chân mình. Một khi bạn dẫm vào đó, chúng sẽ thổi tung bạn lên trời và để lại trong câu chuyện của bạn một đống xà bần phế thải (Tôi thừa nhận, lúc viết cái tiêu đề cho bài viết này tôi đã có một vài sự liên tưởng khá nặng mùi).

Và để bảo vệ câu chuyện của mình được toàn vẹn. Bạn phải tránh khỏi các nguy cơ này như một công binh, nhón gót thật nhẹ nhàng, tìm kiếm các dấu hiệu hiểm nguy và đánh dấu chúng, dẫn lối câu chuyện đi đến một lối ra an toàn.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm mà tôi hy vọng có thể giúp bạn dễ thở hơn.

DẤU HIỆU #1: HÓA ĐÁ!

Bạn đã từng chơi trò Hóa Đá chưa? À, đại khái nó là một trò chơi dân gian với khá nhiều tên gọi mà khi chơi người ta sẽ chia làm hai phe, một bên sẽ cố gắng đuổi bắt các thành viên phe còn lại và chạm vào họ. Người bị chạm phải sẽ bị hóa đá tại chỗ và không được cử động cho tới khi có thành viên của bên mình tới chạm vào để “giải cứu.”

Rồi, nói chút ít vậy để hình dung thôi ha, rằng trong quá trình vận dụng phương pháp viết nhiều góc nhìn bạn sẽ rất dễ phạm phải lỗi triển khai khi vô tình hóa đá nhân vật nào đó trong một diễn biến truyện trong khi các nhân vật còn lại vẫn chạy loanh quanh và diễn phần của họ trong một mạch truyện khác hẳn.

Ví dụ thế này đi, bạn đang viết một cảnh chiến đấu và chuyện đang diễn ra ngon trớn với cảnh nhân vật chính vung dao đâm vô đối phương, kế đó tác giả bỗng nhiên chuyển sang một nhân vật khác với một góc nhìn khác trong một mạch truyện khác và lải nhải hẳn 10 trang viết trước khi quay lại trận chiến để nhân vật của chúng ta có thể thọc được lưỡi dao vô đầu vai kẻ thù.

Vấn đề là gì? Vấn đề là nhân vật chính của chúng ta đã làm gì trong suốt thời gian 10 trang truyện vậy? Đứng đó ngoáy mũi và chờ tới lúc tác giả nhắc tới mình để diễn tiếp?

Không gì cả.

Anh ta bị đứng hình ngay giữa cuộc đấu.

Nói theo cách nào đó thì người này đã hóa đá luôn chớ sao.

Hãy nhớ điều này, khái niệm về thời gian trong một cuốn tiểu thuyết có thể co giãn hết sức (200 trang đầu có thể kéo dài 9 ngày nhưng 100 trang còn lại có khi chỉ diễn tả sự kiện trong vòng 14 tiếng đồng hồ) nhưng tỉ lệ thời gian trôi qua cho tất cả các nhân vật trong cùng một câu chuyện luôn là như nhau.

Vậy cho nên nếu một diễn biến chiếm dụng 12 tiếng đồng hồ của 1 nhân vật nào đó thì đồng nghĩa rằng 12 giờ đó đồng thời cũng sẽ trôi qua với các nhân vật khác. Và nếu nó chỉ tốn 2 giây… À vâng, những nhân vật khác cũng sẽ mất đi hai giây thôi.

Để tránh khỏi bãi… e hèm, tránh khỏi “trái mìn” này, điều bạn nên làm là xác định rõ các khoảng thời gian. Khi bạn cân nhắc chuyển đổi từ một góc nhìn này sang một góc nhìn khác, hãy tự hỏi: Lưu lượng thời gian dành cho các nhân vật khác có liên quan hoàn thành những gì có trong phần mạch truyện của riêng họ liệu có trùng khớp? Nếu không thì mình phải làm thế nào để đồng bộ mọi thứ với nhau?

DẤU HIỆU #2: DÉJÀ VU???

Thực lòng mà nói, tôi không thể cứ dùng từ “bãi mìn” hay “trái mìn” quá nhiều trong bài viết được, bởi vì một số liên tưởng không được lành mạnh lắm của bản thân có thể sẽ khiến tôi không hoàn thành bài viết này một cách trong sáng được. Vì vậy, về sau xin bạn đọc hãy cứ ngầm thừa nhận về hình tượng của chúng là được rồi.

Giờ ta quay lại vấn đề chính.

Tưởng tượng đi, bạn đang coi truyện tới đoạn rượt đuổi trên trực thăng hết sức gay cấn, bạn đang quan sát từ góc nhìn dành cho nhân vật chính Anh ta đeo bám anh dũng và khéo léo trên càng chiếc trực thăng của nhân vật phản diện ngay trên bầu trời thành phố.

Chiếc trực thăng vòng qua một tòa nhà chọc trời, biến mất trong tầm mắt người đọc. Kế đó góc nhìn được chuyển hướng.

Và giờ thì chúng ta cắt sang góc nhìn thuộc về nhân vật phản diện khi hắn leo lên trực thăng đang sẵn sàng cất cánh vào trước đó 10 phút…

Hả?

Chờ chút, làm ơn cắt ngay đoạn này giùm.

Độc giả vẫn cứ cho rằng câu chuyện sẽ tiếp tục tiến triển ngay tại thời điểm mà góc nhìn được chuyển đổi, góc nhìn mới sẽ tiếp nối những gì mà góc nhìn cũ đã trải qua. Và nếu mạch truyện của chúng ta không hoạt động theo hướng đó thì người đọc sẽ bị lộn tùng phèo lên về các khái niệm thời gian hoặc đơn giản hơn là họ thấy khó chịu khi phải đọc lại một tình tiết mà họ đã biết rồi, vì rõ ràng là thằng cha đó đã leo lên máy bay – hắn đang ở trong cảnh rượt đuổi trên trực thăng kia mà!

Để tránh khỏi hiện tượng “quay lùi” này, bạn nên đảm bảo rằng cấu trúc câu chuyện được xây dựng đủ chặt chẽ để giảm thiểu sự chênh lệch về mặt thời gian xuống thấp nhất có thể, tốt nhất là hãy làm sao cho việc chuyển đổi giữa các góc nhìn diễn ra trong cùng một dải thời gian thực, đồng nghĩa với mức độ chênh lệch là gần như ngay lập tức.

DẤU HIỆU #3: ĐÃNG TRÍ.

Giờ lại tới một trường hợp “dị” nhưng không lạ như thế này: Chúng ta nhớ là lần gần nhất gặp được nhân vật này trong truyện, cô ta đã thề là sẽ quyết tâm dành nguyên kỳ nghỉ của mình để thực hiện chế độ giảm cân. Nhưng vào lúc này bạn lại đang đọc cảnh cô nàng đang hớn hở nhấm nháp một ổ bánh bông lan mứt thơm ngon ngoại cỡ bên ly mocha pha vụn chocolate đậm đà trong lúc phân loại thư từ. Hành động này rõ ràng là đi ngược lại với quyết tâm ban đầu của cô ta – Trong khi người viết lại chẳng có lý do gì để viết ra cảnh đó.

Nó trông cứ như thể cô ta lại được chào sân lần nữa như một tờ giấy trắng và cảnh mà chúng ta đã đọc trước đó chưa tồn tại bao giờ vậy.  Tác giả đã lờ đi lời hứa của nhân vật không chỉ với bản thân cô ta mà còn với cả độc giả nữa và hậu quả tự nhiên là các hành vi của nhân vật trở nên mâu thuẫn sẽ không thể nào tránh khỏi.

Thông thường thì các tác giả gặp phải vấn đề này trong quá trình phác thảo ra câu chuyện. Họ biết mình cần phải đi tới đâu, nhưng lại không có đủ sự kiên nhẫn và thận trọng để xem xét lại những tiền đoạn mình đã viết ra trước đó. Vậy nên trừ phi là bạn đưa ra được lý do nào đó đáng tin (tức là có giải thích phù hợp, kiểu như: cô nàng đang cảm thấy tội lỗi biết bao khi đáng lý ra lúc này mình đang phải tiến hành bài tập chạy để có thể quên đi nỗi buồn bằng trò vận động đốt bớt mỡ thừa, cô đang tự lừa chính mình rằng “chỉ một lần này nữa thôi;” hoặc cũng có thể là cô ta bỗng dưng đổi ý tìm lại được tự tin với vẻ ngoài của mình chỉ nhờ vào một lời khen từ anh bạn trai chẳng hạn), lúc bấy giờ độc giả sẽ nhận định ngầm rằng tâm trạng của một nhân vật vào khởi điểm của một góc nhìn sẽ đồng dạng với thời điểm tạm dừng góc nhìn trước đó thuộc về cô ta.

Đào sâu hơn vào những suy nghĩ hiện tại của nhân vật nữ mỗi lần trở lại với góc nhìn dành cho cô nàng xem:

  • Cô ta lo lắng về điều gì? Do đâu mà cô ta bối rối? Cô ta muốn đạt được những gì?
  • Cô ta có cơ hội để điều chỉnh cảm xúc của mình hay không? Cô ta muốn gì vào thời điểm này của câu chuyện? Mong muốn đó của cô ta sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với cách mà cô ta giao tiếp với các nhân vật khác có tham gia vào chương truyện này trong cùng một thời điểm?

Và theo đó, bạn hãy cố gắng đảm bảo sao cho các diễn giải theo ý trên sẽ có ảnh hưởng đầy đủ đối với cách cô ta suy nghĩ, cảm nhận cũng như các phản ứng có thể có của cô ta trong mọi cảnh.

Nhớ ha, độc giả của bạn không có mắc chứng Alzheimer nên không có chuyện họ sẽ quên mất về thái độ hay mục tiêu của một nhân vật, vậy nên hãy chắc chắn rằng nhân vật của bạn cũng không bị mắc chứng đãng trí theo kiểu này.

DẤU HIỆU #4: ĐỌC Ý NGHĨ.

Bạn có thể viết kiểu:

Tôi lẳng lặng ngắm nhìn Trân bày biện bàn ăn. Nàng đã mong rằng tôi có thể nhớ tới dịp kỷ niệm lần hẹn hò thực sự đầu tiên của cả hai, và tôi biết nàng đã thất vọng dường nào khi biết tôi đã quên mất cái ngày trọng đại này.

Thoạt trông có hay ho đấy, nhưng mà nhưng mà không, tất nhiên bạn sẽ không viết vậy, bởi vì dưới góc nhìn của nhân vật khác thì làm sao mà biết được nhân vật Trân này đang nghĩ gì trong đầu chớ.

Dân gian gọi sự cố loại này là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, còn giới viết lách thì thường gọi là… “lộn não” (Head hopping), và bạn có thể dễ dàng phát hiện được những lỗi này khi rà soát lại các bản viết nháp nguyên thủy của bản thân câu chuyện ở một thời điểm nào đó. Đại khái mà nói thì đó là những lúc nhân vật của bạn bỗng nhiên có được thứ sức mạnh thần bí nào đó cho phép anh/cô ta đọc ý nghĩ người khác vậy. Về thường thức thì trong lúc viết tới viết lui một đoạn nào đó bạn hãy nhớ rằng: Nhân vật có thể giả định, phỏng đoán, cũng có thể suy luận, nhưng anh ta sẽ không có khả năng biết được ý nghĩ của người khác.

Để không vướng phải loại sự cố này đồng thời thể hiện được những điều muốn diễn đạt, bạn phải có gợi ý rõ ràng và uyển chuyển rằng nhân vật của bạn đang phỏng đoán ý nghĩ của người kia, kiểu như:

Nhìn vô cái cách mà Trân đang dằn dỗi trút các món ăn ra bát đĩa là thấy ngay rằng nàng không vui.

Dường như nàng đang rất thất vọng về tôi.

Vẻ mặt đó, trông mới tan nát làm sao.

Nói một cách hình tượng thì khi bạn chọn phương pháp viết nhiều góc nhìn cũng giống việc bạn tiến vào một – bãi – mìn vậy.

DẤU HIỆU #5: ĐỒNG HÓA NHÂN VẬT

Đây là một trong những sự cố hết sức nghiêm trọng, phổ biến nhưng rất khó nhận ra trong quá trình viết. Chúng ta có gì? Một câu chuyện diễn biến ngon lành, tác giả kiểm soát quá trình chuyển đổi các POV rất mượt, nhưng sau 300 trang thì vấn đề lộ ra, người đọc nhận thấy mọi nhân vật đã bắt đầu trông có vẻ na ná như nhau.

Dễ thấy các nhân vật lúc bấy giờ sẽ có khuynh hướng giống nhau về cách nói chuyện, cách dùng từ, kiểu nói cửa miệng, vv và vv… các loại. Quá trình này sẽ làm hệ thống nhân vật bị mất đi tính đặc sắc của riêng họ về mặt ngữ ngôn, bị đồng hóa về mặt phong cách và phẩm chất. Quá trình thoái hóa này sẽ khiến tác phẩm của bạn đối diện với nguy cơ bị độc giả vứt bỏ, thậm chí ảnh hưởng tới cái nhìn của họ với những gì bạn sáng tác về sau.

Bạn hãy chú ý, khi chúng ta đang tham dự vào một góc nhìn nhân vật, ta chỉ nhận thấy những điều mà nhân vật đó nhận thấy, và chỉ theo cách mà cô ta sẽ nhận thấy chúng. Chúng không chỉ thể hiện qua hành động phát sinh dựa trên góc nhìn của cô ta mà xa hơn thế, chúng ta còn phải xét tới quan điểm của cô ta, sự tìm tòi, nghi vấn, mong muốn và cả những phê phán nữa – tất cả những điều mà một người có thể bày tỏ.

Bạn hãy phân tích câu chuyện của mình, từng cảnh một, và hãy đánh giá kỹ càng xem nhân vật này có thực sự diễn giải mọi thứ theo cách riêng của cô ta hay không. Hãy chắc chắn rằng các nhân vật của bạn sẽ không phản ứng theo lối rập khuôn máy móc và mỗi một nhân vật đều bảo lưu được những đặc điểm riêng biệt của họ qua giọng kể.

DẤU HIỆU #6: CÁ LỌT LƯỚI.

Cứ hình dung rằng bạn của bạn khuyến khích bạn đọc một tiểu thuyết phiêu lưu nào đó và khi đọc được nửa cuốn truyện bạn bỗng ngớ người ra khi phát hiện nhân vật vốn nằm trong góc nhìn mà bạn đang theo dõi đã “lặn không sủi tăm” từ cuối chương 3 tới giờ. Bạn bắt đầu nghĩ: chuyện quái gì đã xảy ra với A vậy? Mình cứ tưởng thằng cha này mới là người quan trọng nhất trong đoàn mạo hiểm này chớ?

Chuyện diễn ra cứ như thể anh ta bỗng dưng được cho đi nghỉ mát đột xuất vậy. Sự cố này phát sinh khi tác giả vô tình quên mất một nhân vật nào đó suốt 10, 50, 100 trang hoặc đặt họ vào một trạng thái gián đoạn nào đó một cách cố tình nhưng lại quên không có thông báo mang tính nhắc khéo đến người đọc vậy. Thế là người đọc sẽ cứ tự hỏi rằng khi nào anh ta sẽ lại xuất hiện. họ sẽ thấy bối rối và mất dần lòng tin đối với tài kể chuyện của bạn.

Cách đơn giản để tránh khỏi quả nổ này cũng đơn giản thôi, bạn hãy theo dõi số trang hoặc chương truyện mà mỗi nhân vật xuất hiện và sau đó hãy thử đánh giá xem người đọc sẽ muốn nhân vật xuất hiện sớm hơn hay muộn hơn so với những gì bạn đã viết ra trước đó. Sau đó hãy thiết kế lại câu chuyện một lần nữa để khỏi làm độc giả của bạn thất vọng.

DẤU HIỆU #7: TUỘT CẢM XÚC.

Giờ thì hãy giả dụ rằng cuốn tiểu thuyết bạn đang đọc có hai góc nhìn nhân vật song các câu chuyện liên kết với mỗi góc nhìn lại không có cùng một tần suất.

Mỗi khi bạn ở góc nhìn của nhân vật nữ là một cảnh sát trẻ, bạn sẽ thấy mọi thứ đều trở nên sôi động và chúng ta dễ dàng cảm nhận được các sự kiện đang lao nhanh về phía một cuộc đối đầu đỉnh cao khốc liệt ngay tại sân bay với lũ tội phạm buôn lậu vũ trang tận răng. Và ngay sau đó, coi, góc nhìn được chuyển ngay tới một nhân vật khác, nam chính của chúng ta, cậu ta một mình trong phòng nghỉ khách sạn, ngồi một đống nơi góc phòng và vẫn đang mải mê với nỗi ân hận, cắn rứt và những suy nghĩ lộn xộn của tuổi nổi loạn tràn ngập cõi lòng.

Một bên tốc độ diễn biến chặt chẽ và nhanh tới mức khiến người ta phải nghẹt thở, để rồi đột ngột chuyển sang một bên khác với tốc độ rùa bò với những dòng văn rề rà ủy mị. Tôi nói đi, sự tương phản này quá đủ để khiến độc giả dễ tính nhất cũng phải phẫn nộ. Nếu người ta có phát rồ lên mà quẳng cuốn truyện của bạn đi thì cũng chẳng có gì là lạ.

Khi bạn bước vào vùng nguy hiểm này, tốc độ của các diễn biến cũng như cách mà một quả lắc đồng hồ dao động qua lại vậy. Các mạch truyện sẽ tiếp cận đỉnh điểm của chúng vào những thời điểm khác nhau. Bạn sẽ muốn tất cả các mạch truyện của mình đều được đẩy tới đỉnh điểm (climax), đạt được giới hạn thăng hoa (zenith) cùng lúc hay đồng thời được đưa về chiều hướng thoái trào. Cũng tương tự như khi ta kết thúc một chương truyện, các phần mạch truyện gắn liền với một góc nhìn nhân vật phải có sự kết thúc (cắt góc nhìn) với trạng thái chuyển động về thía trước của cốt truyện (Một sự tiết lộ, một quyết định, một phát hiện, một động thái, vv và vv…) hơn là lẩn quẩn với các lời biện bạch rườm rà.

A, để tôi giải thích thêm chút xíu nếu có bạn nào thấy khó hiểu về cùng lúccùng thời điểm nó khác nhau chỗ nào. Cùng lúc trong diễn đạt này của tôi tức là việc tất cả các POV đồng thời được tác động đẩy lên theo cao trào và chúng có thể lần lượt đạt tới đỉnh điểm hoặc cũng có thể là cùng lúc, còn cùng thời điểm tức là chúng ta nói tới việc thao tác để tất cả các POV đều đạt được cao trào tại một điểm thời gian xác định.

Để giải quyết vấn đề này thực ra không quá khó, bạn phải cẩn thận xác định nhịp độ và lưu lượng khi viết. Hãy chắc rằng nó phù hợp với thể loại bạn đang thao tác và không trở thành gánh nặng kéo các mạch truyện khác tụt lại đằng sau.

DẤU HIỆU #8: ĐÁNH BẢ NGƯỜI ĐỌC.

Bạn đã giả dụ bản thân là người đọc từ nãy giờ rồi thì chúng ta hãy ráng thêm chút nữa ha, lần này là với thể loại kinh dị (horror). Bạn đọc một cuốn tiểu thuyết kinh dị bắt đầu bằng cảnh một cô gái trẻ trung đầy sức sống đang chạy thể dục một mình trên bãi biển. Ok, cảm thấy có triển vọng rồi đấy, tiếp.

Giờ chúng ta đang ở trong góc nhìn nhân vật dành cho cô nàng và cùng tìm hiểu về cô – nơi cô lớn lên, trường đại học cô ấy đang học, tên con thú cưng đầu tiên của cô nàng, và công việc mà cô ấy mơ ước đạt được sau khi tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ hạng ưu. Sau đó là một chuyển cảnh tuyệt diệu: Cô gái bị giết tươi luôn tại chỗ ngay khi đoạn giới thiệu của chúng ta vừa kết thúc!

À vâng, thiệt là quá ảo diệu.

Quá dễ đá luôn.

Người đọc sẽ chẳng thấy có chỗ nào giật gân căng thẳng khi mà họ đã dành cả mớ thời gian và cảm xúc của mình cho nhân vật được giới thiệu qua một góc nhìn để trồi trơ mắt nhìn cô ta bị “giết phát chết luôn” như thế. Theo bản năng, họ sẽ dành sự chú ý của mình với một đối tượng theo khoảng thời gian đọc và theo dõi nó. Nếu một nhân vật thuộc loại diễn viên quần chúng kết thúc với một vai trò quan trọng hoặc ngược lại, một nhân vật quan trọng lại bị quét khỏi kịch bản một cách đơn giản, cách làm này chỉ tổ làm người đọc ghét bỏ tác phẩm mà thôi.

Hãy thật cố gắng làm sao để sự quan tâm của họ được đáp ứng như những gì bạn đã hứa hẹn. Các tác giả thu hút sự chú ý của độc giả vào một nhân vật thông qua tính cụ thể (chi tiết) và cường độ (số lượng từ trong một trang viết). Còn người đọc, về mặc tự nhiên họ sẽ cho rằng khi họ dành nhiều thời gian quan tâm theo dõi một góc nhìn nhân vật thì cũng có nghĩa là nhân vật đó sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện họ đang đọc.

Đừng khiến họ phải thất vọng.

Là tác giả, mỗi một từ bạn viết ra là một lời hứa hẹn và mỗi một tình tiết bạn dựng nên là một sự cam đoan dành cho độc giả. Vì thế hãy tránh thói quen hứa mà không giữ lời để bạn có thể hoàn thiện đứa con tinh thần của mình và mang nó đến với người đọc trên con đường toàn vẹn nhất.


Bài viết gần đây:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Phương pháp viết nhiều góc nhìn: Nhón gót qua... bãi mìn”

    Bạn phải ĐĂNG NHẬP để có thể tiến hành thảo luận.

    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears