CaffeineFX

Kiểm soát Ý Tưởng

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, May 29th, 2017

1. Định nghĩa về Ý Tưởng trong viết truyện

Nếu không có ý tưởng, sẽ không có văn học, và khi bạn không có ý tưởng, bạn không phải là một tác giả. Chỉ cần hình dung đơn giản như vậy bạn đã có thể hiểu được tầm quan trọng của ý tưởng trong toàn bộ quá trình sáng tác của mình. Và cũng vì nó quá quan trọng nên việc một người viết vội vã đi tìm kiếm ý tưởng trong khi chưa có đủ những hiểu biết thấu đáo về công việc mình đang làm chính là một sai lầm tuyệt đối. Bạn nghi ngờ? Vậy thì ví dụ: Bạn nảy ra ý tưởng thiết kế một chiếc xe có thể bay được cho cuốn truyện của mình, bạn có thể tưởng tượng gì đó về hệ thống phản trọng lực, đệm từ thực sự hiện đại trong khi bạn thậm chí còn chưa hình dung ra hiệu quả của nó đối với người đọc, thậm chí tồi tệ hơn, bạn nghĩ về một chiếc xe như thế trong khi đang viết về thể loại… phép thuật cổ xưa huyền bí. Tôi không nghĩ mình sẽ có thêm bất cứ bình luận nào cho phương thức tư duy kỳ quặc này.

Vì sao? Vì đó là điều làm nên sự khác biệt giữa một tác giả và một người viết. Có hàng tỉ người trên thế giới đã không kết thúc được câu chuyện của mình chỉ vì sai lầm cơ bản nêu trên. Thậm chí đa số họ còn chưa viết ra được quá mười dòng của câu chuyện mà theo họ là một tác phẩm để đời. Họ đã làm gì vậy? Tôi cứ hay hình dung rằng việc họ làm là đi lùng sục các ý tưởng, moi chúng ra khỏi cái hang thỏ Alice và bóp chúng chết tươi ngay tại chỗ thay vì nuôi chúng lớn bằng các kỹ năng của mình.

Được rồi, vậy là tình hình đang trở nên nghiêm trọng, tôi không muốn làm các bạn đang đọc tài liệu này với cố gắng làm nên chuyện phải nhụt chí. Chúng ta xoay chuyển chủ đề theo hướng dễ chịu hơn để tạm quên đi con ác mộng này bằng một câu hỏi nhỏ:

Ý tưởng sáng tác, thực ra nó là cái gì?

Nó là cái gì? Bạn đang vận động đầu óc để cho ra câu trả lời, có rất nhiều thứ đang lòi ra trong cái óc của bạn. Và? Nó là gì? Là gì?

Có một thời gian tôi từng làm thử một thống kê nhỏ để thử tìm hiểu xem sự liên quan giữa khả năng nắm bắt ý tưởng của một người tỷ lệ thuận như thế nào với thời gian họ dành cho việc định nghĩa nó. Kết quả chẳng được như ý muốn nhưng tôi không thấy thất vọng khi phát hiện ra một điều thú vị rằng không ít người đang nặn óc tìm một ý tưởng cho câu chuyện của họ trong khi còn chẳng biết cụ thể về thứ đó. Tình huống này chẳng khác nào việc bạn đi bắt đom đóm vào buổi tối, không thèm nghĩ cũng biết rằng đom đóm là một loại côn trùng phát sáng và biết bay, đơn giản. Cứ thế, tôi không rõ vẻ mặt trầy trụa của bạn sẽ ra sao sau khi bươn qua hàng đống bụi rậm để bắt được con vật để rồi sau đó phát hiện thực ra nó là một… con bửa củi? Tôi cá là nhiều bạn đọc tới đây vẫn chưa biết rằng có nhiều loại bửa củi có thể phát sáng.

Điều này không quan trọng, cái bạn đi tìm là một con bọ phát sáng, chỉ vì bạn đã tưởng nó là đom đóm thôi, không quan trọng. Ý tưởng cũng thế, mỗi người một cách hình dung và nó cần sớm được định nghĩa để chúng ta không giống những con ruồi mất đầu bay loăng quăng trong không khí. Với tôi, ý tưởng chính là điều người viết tìm kiếm để thay đổi một câu chuyện. Một ý tưởng có thể thay đổi bất cứ điều gì – một đoạn văn, một tình tiết, hoặc cả một mạch truyện. Bạn hãy hình dung ra khuôn mẫu về ý tưởng của bản thân trước khi bắt đầu tìm kiếm, đây là việc nên làm hơn cả nếu bạn không muốn mất quá nhiều thời gian để tìm ra phương hướng cho tác phẩm.

2. Bắt đầu tìm kiếm ý tưởng

Đây là một vấn đề khá dễ nên tôi sẽ không nói nhiều về lý thuyết. Bởi vì cứ theo những điều tôi đã nói cụ thể ở trên về kỹ năng đầu tiên mà bạn cần sở hữu để trở thành một tác giả viết truyện. Nắm được kiến thức cơ bản về thể loại truyện, đó cũng là một trong những công cụ thiết yếu để bạn định hình ý tưởng cho riêng mình. Điều bạn cần làm là xác định thể loại mà ở đó bạn cảm thấy mình có năng khiếu hơn cả. Tiếp theo thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản… Khoan, tôi xin lỗi vì đi quá nhanh, chúng ta quay lại một chút. Làm thế nào để biết bạn phù hợp với thể loại viết nào hơn cả?

Hãy thử lấy giấy bút ra, không, tôi yêu cầu bạn không – dùng – bàn – phím. Bạn hãy đảm bảo cây bút của mình có mực, và hãy giúp tôi viết dòng chữ:

TÔI, TỰ TIN.

 

Và hãy làm điều đó ngay lúc này, trước khi đọc bất cứ điều gì bên dưới như một kẻ gian lận.

Tôi sẽ chỉ ra lý do vì sao mình lại đề nghị bạn viết một dòng ngớ ngẩn như vậy để biết được năng lực của bản thân mình. Bạn nghĩ nó rất ngớ ngẩn? Rất “sến?” Tốt. Hãy xem. Đây chẳng phải là thủ thuật lên dây cót tinh thần hay cổ vũ quái quỷ gì cả. Nó chỉ để bạn kiểm nghiệm chính bản thân mình, từng những góc độ mà bạn chưa từng khám phá ra.

Có hai trường hợp:

- Bạn không viết ra, vì bạn nghĩ nó vớ vẩn (như đã nêu trên). Tôi không hề ngạc nhiên khi bạn thậm chí đã không cho phép mình viết ra một câu đơn giản như thế. Nếu là một người viết thực thụ, bạn sẽ sớm chấp nhận rằng trong sự nghiệp viết lách của bạn sẽ còn xuất hiện nhiều câu có nội dung “nổi sảy” như vậy. Bạn nên xem lại về ý định viết ra một câu chuyện đáng đọc. Nếu chỉ với một việc đơn giản như vậy mà bạn còn không làm được thì trước mắt bạn không có cơ hội nào để bước trên con đường viết lách cả.

Nội dung của những điều tôi đề nghị bạn viết, thực sự chúng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một mớ chữ viết. Bạn chỉ cần viết ra là được. Bạn nghĩ tôi định đùa giỡn gì đó sao? Đừng đánh giá bản thân quá cao.

ý tưởng chính là điều người viết tìm kiếm để thay đổi một câu chuyện. Một ý tưởng có thể thay đổi bất cứ điều gì – một đoạn văn, một tình tiết, hoặc cả một mạch truyện. Bạn hãy hình dung ra khuôn mẫu về ý tưởng của bản thân trước khi bắt đầu tìm kiếm, đây là việc nên làm hơn cả nếu bạn không muốn mất quá nhiều thời gian để tìm ra phương hướng cho tác phẩm.

- Nếu bạn thẳng thắng viết ra và không đọc gì ở bên dưới. Bạn có thể nhìn lại nội dung, để tìm hiểu bạn có viết ra chính xác nội dung trên hay không. Bạn có bỏ qua các dấu chấm phẩy không? (Đừng thêm vào, muộn rồi). Bạn có chú ý viết hoa tất cả các chữ không? Tôi chỉ hỏi vậy. Tiếp theo bạn có thể nhìn thấy bản thân đã chứng tỏ được chất lượng ngôn từ của mình qua những chữ đó. Vô tình hay cố ý, thời gian bạn viết, những đắn đo của bạn, những thắc mắc bạn nảy ra, và lý do gì bạn phạm phải những sai lầm (nếu có) trong quá trình viết. Đó chính là tính cách của bạn. Và điều duy nhứt tôi có thể chỉ ra sau khi bạn phát bực lên với bài trắc nghiệm này giống như một cú huých – Thừa nhận bản thân mình. Bởi không một ai trên thế giới này rõ bạn thích hợp với thể loại viết lách nào hơn chính bạn, bạn luôn biết điều đó, dễ dàng, không ảo tưởng.

À vâng, tôi không nghĩ là bạn nên tỏ ra tự tin thái quá. Vì nói cho cùng tôi cũng thấy “TÔI, TỰ TIN.” – Cái dòng chữ này có vẻ sách vở và chướng mắt. Hãy dẹp nó sang một bên và bắt đầu tìm hiểu các ý tưởng sau khi đã biết bạn nên viết theo thể loại nào.

Ý tưởng viết lách từ đâu ra? Theo như tôi thường thấy, phần lớn chúng đến từ các câu chuyện bạn đọc trước đó, một số từ phim ảnh, các phương tiện truyền thông khác.

Một số khác tới từ những kiến thức khô khan bạn học hàng ngày. Học, không phải chỉ là trên ghế nhà trường. Chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm về sự nghiệp học tập của mình lên các giáo viên và sách vở.

Một số khác, tới từ những cảm nhận trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các sự kiện đời sống mà bạn chứng kiến.

Và các ý tưởng xuất hiện khi bạn cảm thấy có gì đó không bình thường trong quá trình tiếp thu. Hầu hết là do bạn muốn phản đối về điểm không thích hợp đó và muốn có một sự khác biệt và bạn muốn viết ra một câu chuyện khác hướng tới một sự thay đổi hợp lý hơn. Hoặc bạn muốn xây dựng một câu chuyện hoàn toàn khác so với những gì bạn nhận thấy.

Cũng có khi sự không bình thường đó là một dạng tương tự có thể diễn đạt bằng cụm từ “cảm hứng” khi bạn muốn phát triển một tình tiết nào đó thành một câu chuyện có nội dung hẳn hòi. Như David H. Burton, một người bạn của tôi trên facebook làm nghề viết sách, anh ấy viết ra cuốn truyện thiếu nhi thể loại ảo tưởng có tên Simian’s Lair với các ý tưởng đến từ những trò chơi tưởng tượng hàng ngày mà những đứa con nuôi của anh vẫn thường lặp lại. Hoặc với một ví dụ khác – Veronica Roth, người đã mất sáu năm để từ một cô gái mảnh dẻ có thói quen lang thang trên các trang chia sẻ mIRC trở thành một cô nàng bự phấn đã có chồng và nổi tiếng trong giới văn học tới mức tôi cảm thấy ngại khi nói về cô như một người quen, rằng rất ít ai biết được phần lớn nguồn cảm hứng của cô ấy thực ra tới từ các chương trình về kiến trúc trên kênh truyền hình Discovery.

Và? Dẹp hết mọi đúng sai trong các ý nghĩ đó của bạn đi. Ý tưởng luôn là thuần túy. Bạn chỉ tính toán về khả năng nắm bắt và phát triển nó thành một câu chuyện đáng đọc, về tương lai của nó.

3. Đánh giá tiềm năng của ý tưởng:

Với một người mới bắt đầu thì thường thường điều luôn khiến bạn phải lo lắng trong suốt toàn bộ quá trình viết ra một câu chuyện, nói thực ra là vấn đề tiềm năng của một ý tưởng (Nó có thành công hay không? Có đạt được sự chấp nhận từ phía người đọc như mong đợi hay không?). Tôi thấy sự lo lắng đó chẳng có gì là đáng xấu hổ cả vì hầu hết thời gian viết cuốn hướng dẫn này tôi cũng ở trong trang thái như vậy. Cũng như một võ sĩ boxing vậy, bạn cần có thời gian để trở nên “lì đòn” hơn và quen với nỗi lo đó. Và nếu không muốn bỏ cuộc thì bạn chỉ còn một con đường là tìm mọi cách tăng tiềm năng cho ý tưởng của mình.

Muốn làm vậy, trước hết, bạn phải nắm vững nó.

Việc nắm vững một ý tưởng sẽ quyết định phần lớn đầu ra cho một câu chuyện, theo tôi là vậy. Chỉ khi bạn chắc chắn một ý tưởng nằm gọn trong lòng bàn tay của mình, bạn mới có mục tiêu để hướng tới, để đi hết một diễn biến cụ thể thông suốt cả quá trình viết. Vấn đề này dường như hơi trừu tượng, nếu tôi không nói cụ thể về nó có lẽ bạn sẽ chán không muốn theo dõi tiếp. Vậy từ bây giờ tôi sẽ sử dụng một ví dụ hoàn chỉnh cho một ý tưởng mà tôi mất ba mươi giây để mò ra và sẽ dùng nó để phát triển làm ví dụ cho toàn bộ hướng dẫn này.

Tôi đã nói sở trường của bản thân là SFF, đúng không? Vậy thì giờ tôi đang nhìn màn hình máy tính, tôi muốn viết một câu chuyện đơn giản thể loại Viễn Tưởng về thư viện sách trên mạng. Trước hết, tôi nhấn mạnh cụm từ đơn giản. Và tiếp theo tôi cần phải nắm được cơ bản về ý tưởng này. Không phải là kiến thức mà là vấn đề về việc hiện tại tôi nhận thức được bao nhiêu về cái điều tôi vừa nghĩ ra – sự tồn tại của một thư viện sách trên mạng Internet và những điều đặc biệt chứa bên trong nó. Chưa nhắc tới bất kỳ điều gì khác, tôi nhấn mạnh cụm từ: Những điều đặc biệt.

Tiếp theo, tôi đánh giá tiềm năng ban đầu của nó. Đây là một vấn đề thông dụng với hầu hết mọi người có kiến thức về internet. Chúng ta đều biết có hàng trăng hàng nghìn thư viện như thế tồn tại trên mạng, những cuốn sách được số hóa, có nhiều tác phẩm đã nói về chủ đề thư viện, thư viện điện tử… do đó họ dễ dàng có hiểu biết cơ bản, thậm chí rất uyên bác về chủ đề này. Đánh giá ban đầu là vậy, tôi đang nhìn thấy rằng nó được càng nhiều người biết tới, vậy, khi nó trở nên đặc sắc thì sẽ càng được quan tâm.

Nhưng tôi không được phép quên rằng, có nhiều người vẫn chưa biết tới sự tồn tại của cái gọi là thư viện điện tử, họ sẽ không hiểu câu chuyện của tôi. Điểm này khiến tiềm năng của câu chuyện bị hạ thấp, bộ phận người đọc này sẽ không thèm đọc truyện của tôi. Tôi phải bổ cứu cho khuyết điểm thảm khốc này bằng cách gì? À, tất nhiên không thể lờ họ đi, vì những người đọc khác sẽ không tha thứ cho tôi về sự vô trách nhiệm này. Vì vậy, tôi phải tìm cách diễn đạt để hầu hết mọi người có thể hiểu được.

Như vậy, bằng cách đặt mốc tại các điểm:

  • Đơn giản.
  • Những điều đặc biệt.
  • Đặc sắc sẽ càng được quan tâm.
  • Diễn đạt để hầu hết mọi người có thể hiểu được.

Tôi đã bước đầu nắm được ý tưởng thư viện sách trên mạng của mình và giữ nó đủ chắc chắn để có lý do phát triển câu chuyện tới mức tận cùng.

Bên trên là ví dụ nhỏ về nắm vững một ý tưởng viết lách. Song chỉ là với một ý tưởng mà thôi. Mà một câu chuyện thì không thể chỉ viết ra với một ý tưởng đơn nhất được, bạn luôn phát nghĩ ra cái mới trong quá trình viết, không ngừng sáng tạo, thêm thắt ý tưởng mới. Rốt cục câu chuyện của bạn có nhiều ý tưởng tới mức bạn không thể kiếm soát hết tất cả chúng. Vì thế, điều bạn làm tiếp theo, để kiểm soát các ý tưởng, bạn cần thiết phải sàng lọc. Trên thực tế Chúng ta tốn phần lớn thời gian của mình cho việc loại bỏ các ý tưởng hơn là tìm ra chúng.. Đừng cố tìm cách giữ lại một ý tưởng không ăn nhập với mạch truyện cho dù nó có thú vị tới cỡ nào đi chăng nữa. Bỏ thì thương, vương thì tội, đây là một việc làm tai hại có thể khiến bạn mất cả đống thời gian để giải quyết hậu quả, tệ hại hơn có khi việc thương tiếc một ý tưởng không hợp thời có thể khiến bạn phải viết lại từ đầu toàn bộ tác phẩm.

Và về vấn đề kích thước, một ý tưởng chỉ có thể hữu dụng khi nó được đặt đúng chỗ, vào đúng thời điểm cần thiết. Bạn không thể cứ tìm cách sử dụng một ý tưởng với kích cỡ của một truyện ngắn cho một Oneshot, hoặc một ý tưởng có không gian phát triển của một truyện ngắn rốt cục lại đi đặt vào khuôn khổ của một bản tiểu thuyết. Cách làm này làm bạn mất thời gian vô ích, có khi làm hỏng việc bởi cứ tưởng tượng xem, bạn cố nhồi hết số bánh bích quy vào một cái hộp đựng quá nhỏ và khiến chúng vỡ vụn ra thành một đống bung bét. Thảm họa.

Sự ăn khớp của một ý tưởng quan trọng hơn mức độ đặc sắc của bản thân ý tưởng đó. đây là nguyên tắc căn bản của việc sàn lọc, bạn chỉ nên giữ lại những gì giúp tác phẩm đi được tới cùng, còn ý tưởng tuyệt vời nào đó vốn dĩ không có cơ hội, hãy dành cho nó một câu chuyện khác. Và tuyệt đối, đừng đứng núi này trông núi nọ, tôi mất rất nhiều thời gian để nhận ra rằng việc cứ tìm cách phát triển một câu chuyện mới với một ý tưởng thú vị vừa bị loại bỏ ngay trong thời điểm đang viết một câu chuyện khác là việc làm vô nghĩa tới mức nào.

Ưm, tới đây tôi nhận thấy là mình không cần thiết phải đào sâu thêm khiến phần tổng quan này trở nên lê thê. Viết như vầy là quá dài dòng rồi.


Bài viết gần đây:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Kiểm soát Ý Tưởng”

    Bạn phải ĐĂNG NHẬP để có thể tiến hành thảo luận.

    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears