Dựng cảnh chiến đấu: Vận dụng các yếu tố của cảnh

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, June 26th, 2017

Rồi, tôi đã nói ở phần trước rồi phải không? Phần hai này sẽ đi vào chi tiết cách vận dụng các yếu tố của bối cảnh và bạn có thể dễ dàng theo dõi thấy với mục lục ở bên dưới. Nó sẽ chứa khá nhiều ví dụ kèm theo để bạn có thể hiểu rõ hơn và vì thế có thể sẽ hơi dài dòng một chút.

Tôi cũng phải thừa nhận rằng trong bài này tôi đã lượt bỏ đi một vài phần cực kỳ hay ho và quan trọng mà ngay lúc này các bạn mới vào nghề sẽ chưa đủ khả năng nắm bắt vì chúng quá mức trừu tượng và đòi hỏi bạn phải vắt khô cái óc để vận dụng. Tỉ như hiệu ứng Fisheye trong miêu tả, cách gia tốc tình tiết trong diễn biến... Nhưng không sao, sớm muộn rồi chúng ta sẽ có lúc nhắc tới nó vào một dịp khác không xa.

Còn bây giờ, chung ta cùng tới với phần 2 của loạt bài Dựng Cảnh Chiến Đấu ha.

Mục Lục:

  1. Thiết kế bối cảnh
  2. Chuẩn bị nhân vật
  3. Khống chế hành vi diễn xuất
  4. Tối ưu hóa vật phẩm
  5. Chọn góc nhìn lý tưởng
  6. Nắm bắt khung hình chuẩn xác
  7. Phát huy các đặc tính của hiệu ứng

Xem thêm phần 1: DỰNG CẢNH CHIẾN ĐẤU: CÁC KHÁI NIỆM CHUNG

1. Thiết kế bối cảnh

Bạn có thể sử dụng thời lượng ít hoặc nhiều cho giai đoạn mô tả này. Nhưng chúng đều phải đạt được một kết cấu nhất định để độc giả có thể thấy rõ ràng thông qua góc nhìn được bố trí. Điều này là hết sức quan trọng vì nó quyết định việc người đọc có muốn tham gia vào cảnh diễn xuất với vai trò người quan sát hiện trường/nhân vật hay không. Giống như chụp ảnh vậy, người chụp ảnh luôn có nhiệm vụ lựa chọn phối cảnh tốt nhất để tấm ảnh trở nên hợp lý trong con mắt người xem. Bạn phải khiến mọi thứ trở nên hợp lý tới mức dĩ nhiên (Thực sự sẽ rất ghê tởm nếu như bạn viết về một trận chiến đẫm máu thời trung cổ trên nền không gian vũ trụ lấp lánh các vì sao thơ mộng). Tôi nhấn mạnh lại lần thứ ba về Tính - Hợp - Lý. Đó là bí quyết để bạn có thể thao tác tốt yếu tố bối cảnh.

Nghe nó mới tào lao làm sao, dễ dàng biết mấy. Nhưng sự thật là trong những năm gần đây tôi rất ít khi tìm thấy một background chiến đấu cho ra hồn khi đọc một truyện, đừng nói là đẹp hay ấn tượng gì.

2. Chuẩn bị nhân vật

Công đoạn này không có gì nhiều để nói, cái chính là bạn chỉ cần biết cách chuẩn bị trạng thái cho nhân vật để giảm bớt các khả năng xuất hiện các chi tiết thừa ảnh hưởng tới toàn cảnh chiến đấu, cũng như việc thiếu hụt về trạng thái khiến nhân vật không thể giải quyết vấn đề một cách toàn vẹn. Nó giống như bạn phải học cách sạc điện cho chiếc xe đồ chơi vừa đủ để nó đi hết quãng đường cần thiết mà không làm quá lố. Vậy thôi. Đơn giản phải không?

Nhưng, điều vướng mắc ở công đoạn này là việc một tác giả không dự trù đầy đủ năng lượng để một nhân vật có thể thực hiện một cảnh chiến đấu ở độ khó tương ứng. Và sự hụt hơi trong diễn đạt là không thể tránh khỏi, và thông thường thì sau đó sẽ xuất hiện những tình tiết chữa cháy khiến cho kết cục trở nên lố bịch (Đối thủ bỗng nhiên lăn quay ra vì những lý do lãng nhách kiểu như trượt vỏ chuối, hoặc có ai đó không liên quan nhảy vào mạch truyện và thay đổi chuyện đã rồi). Chúng ta gọi đó là… phép màu của tác giả.

Phép màu, không phải lúc nào cũng đẹp đấy. Vì vậy hãy cố gắng để chuẩn bị cho nhân vật của bạn một trạng thái sẵn dàng và đầy đủ nhất trước khi cảnh chiến đấu của chúng ta bắt đầu. Bạn hãy ghi lại tất cả những điều mà nhân vật trung tâm của bạn cần làm để hoàn thành cảnh (vào một mảnh giấy ghi chú đính kèm chẳng hạn) và dựa vô đó dần dần trển khai các chi tiết liên quan theo kiểu mạng nhện để có thể kiểm soát được nhịp độ của anh/cô ta.

3. Khống chế hành vi diễn xuất

Bắt đầu tới đoạn quan trọng rồi đây, là một tác giả, bạn phải biết cách điều khiển các nhân vật diễn xuất sao cho đúng điệu và điều này đòi hỏi rất nhiều kiến thức có liên quan. Bạn không thể chỉ viết ra với sự tưởng tượng chủ quan (Ôi trời, tưởng tượng cảnh đấm vào mặt sếp thì ai mà chẳng làm được, nhưng vấn đè là đấm thế nào và sau đó ra làm sao kia kìa). Bạn phải có một giai đoạn nghiên cứu tương ứng để có thể diễn đạt vấn đề một cách khoa học và chính xác, thậm chí một người viết cảnh chiến đấu chuyên nghiệp sẽ buộc phải có một thư viện ngôn từ cho riêng mình. Điều đó là hoàn toàn cần thiết. Lắm lúc đọc truyện tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể viết ra những mô tả động tác chiến đấu trông ngây thơ ngờ nghệch kinh khủng với những hiệu quả lộn xộn mà vẫn đưa vào tác phẩm của mình được. Chớ sao, bạn có nghĩ rằng việc cố gắng ném một chiếc dĩa ăn vô mặt một tay vai u thịt bắp thì câu chuyện sẽ có một kết cục tốt đẹp? Được rồi, chúng ta sẽ dành một lượng thời gian cho ví dụ ngay dưới đây vậy.

Trong một cảnh cận chiến, bạn bảo nhân vật thực hiện một cú đấm, trên thực tế người ta chỉ thấy đó là một cú đấm, không hơn. Và nó gây ra thương tích đối với một đối thủ mạnh mẽ. Bạn viết:

A nhào tới và tung ra một cú đấm thẳng đầy sức mạnh gọn gàng hạ gục B.

Nghe cũng có vẻ ổn đấy, nhưng không, bạn phải làm nhiều hơn nữa, phải có kiến thức và biết kết hợp với trí tưởng tượng của mình.

Tôi sẽ viết:

Dạ Biền thuận thế trầm người xuống, nắm tay như dùi sắt giáng vào ngực đối phương chính ngay huyệt Cưu Vĩ. Cú đấm đơn giản tới mức kỳ dị xoáy gọn nửa vòng, các đầu ngón tay hốt nhiên bung ra thót lại trong một sát na kinh ngạc.

Đao thủ, đạn tử, bình quyền. Một đòn duy nhất.

Mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng tới nỗi Quỷ Ảnh Lệnh Chủ chỉ kịp định thần lại khi bóng áo đen đã lại một lần nữa rúc vào bóng tối kéo theo thân thể đã mềm nhũn của môn đệ Xích Lân Giáo.

Thiếu niên này ra tay thật chuẩn, thật độc.

Vâng, đại khái trông như vậy. Với ví dụ này thì để cảnh đánh đấm trông bài bản hơn, bạn buộc phải có một chút kiến thức về y học, về giải phẫu học, võ thuật… các loại. Kết hợp với các biểu cảm và hành động phụ trợ để tô đậm cho diễn xuất, kiểu như trong tình huống của ví dụ trên tôi có thể thêm vào vài từ để có được:

“Khẽ mím môi, Dạ Biền thuận thế trầm người xuống, nắm tay như dùi sắt…”

Có thể nói, phần diễn xuất của nhân vật gần như sẽ chiếm trọn thời gian thao tác của bạn đối với văn cảnh, do đó nó cũng là phần quan trọng nhất, thể hiện sự phân biệt cơ bản về trình độ ở các mặt kỹ năng, kỹ xảo giữa các nhà văn chuyên nghiệp và những tay viết nghiệp dư. Bí quyết để bạn sống sót trong giai đoạn này là: Hãy tìm hiểu và cố phân tích nghĩa của tất cả các động từ (đặc biệt là các động từ mạnh) và trạng từ tiếng Việt. Trong một cảnh chiến đấu, mọi động từ đều có thể trở thành vũ khí cho diễn đạt, chỉ khác nhau ở chỗ bạn biết cách vận dụng chúng đúng nơi đúng chỗ hay không mà thôi. Và cùng với đó, sự tồn tại của trạng từ trong diễn xuất chiến đấu chính là yếu tố trọng yếu làm nên sự bùng nổ của một phân cảnh, là dấu hiệu của điểm cao trào (Climax), là nơi tích trữ chất kích thích dành cho những cơn nghiện đọc.

Thật sự, tôi cũng phải đề cập thêm một điều rằng trong giai đoạn này rất nhiều người viết đã lầm lẫn về mặt cơ sở của việc tích lũy những kiến thức đúng đắn để viết ra một cảnh chiến đấu mang độ tin cậy cao. Tôi nghiêm túc đề nghị bạn phải luôn nhớ rằng: Một trong hai nguyên tắc lớn cho nghề viết là tác giả phải biết cách làm việc với các dữ liệu một cách có khoa học để đem tới cho độc giả trải nghiệm cốt truyện chân thực hơn cả trong khả năng của mình, đừng bao giờ đánh giá thấp kiến thức của người đọc.

Bạn thắc mắc về nguyên tắc còn lại? Tôi đã từng nêu ra trong một bài tổng cương kinh nghiệm cách đây khá lâu, do không có ích gì trong phần này nên tôi sẽ không đề cập tới.

4. Tối ưu hóa vật phẩm

Về mặt lý thuyết, một vật phẩm phải được thể hiện đầy đủ các hiệu quả cần thiết cho cảnh diễn, tuy nhiên trên thực tế thì trong các cảnh thông thường hoặc cảnh lướt (splash) thì việc này là không cần thiết với độc giả (Ai lại cần miêu tả đầy đủ tính năng và xuất xứ của một con dao cắt bơ chỉ vì nó được xuất hiện trên tay bà dì của nhân vật chính khi bà ta làm bữa sáng chớ?) Vậy nên đây là một công đoạn thường bị xem nhẹ, nói cho đúng ra thì phải nói là các món vật phẩm trong truyện thường không nhận được những dữ liệu viết phù hợp với vai trò của chúng trong một cảnh diễn xuất. Song khi viết cảnh chiến đấu thì bạn phải quên cách nghĩ này đi. Đơn giản là vì như khái niệm đã nêu ở trên, một vật phẩm xuất hiện trong cảnh chiến đấu sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng của màn biểu diễn.

Ôi giải thích sao mà dài dòng. Nói trọng điểm là các vật phẩm được thiết kế phục vụ cho một cảnh chiến đấu phải chứa một đặc tính cụ thể giúp kích hoạt các hiệu ứng chiến đấu và thể hiện chúng một cách có hiệu quả nhất. Ví dụ như bạn có một cây dao găm bản rộng dành cho nhân vật chính. Và trong cảnh chiến đấu cụ thể thì cụm từ “Cây dao găm” thôi là chưa đủ, bạn phải làm mới nó để có được những đặc tính sẵn sàng cho pha diễn để đời. Và như vậy rất có thể bạn sẽ có một cây dao găm hợp kim sáng loáng với những vệt máu khô đỏ thẫm vẫn còn đọng lại trong những khe xước hằn rõ trên bề mặt. Và nó sẽ được sử dụng để tạo ra các hiệu ứng đặc biệt trong một cú đâm trượt vào tường. Tất nhiên, chúng ta chỉ mô tả như thế này trong quá trình thiết kế. Và ví dụ kế tiếp:

Quân không rõ mình đã lấy đâu ra sức lực hay sự tàn nhẫn để thực hiện được nhát đâm đó, lại càng không thể tin nổi rằng đối phương lại có thể né được kết cục tưởng chừng mười mươi. Nó chỉ thấy con quái vật hình người vụt lách sang bên trái và con dao trong tay nó đâm ngay vào vách đá phía sau.

Ngay khoảnh khắc đó mọi cảm thụ giác quan của Quân bị phóng đại lên cả ngàn lần trong cơn tuyệt vọng. Cảm giác rung chuyển đau đớn truyền tới từ cổ tay, những vụn máu khô tróc ra từ các khe xước trên bề mặt hợp kim khi lưỡi dao găm quân đội cắm vào vách đá, không khí trước mặt nó trở nên đậm đặc ná thở.

Nó biết, vậy là hết.

Vì lý do xuất hiện vài kỹ thuật có liên quan nên ví dụ này sẽ được tái sử dụng trong một vài mục khác sắp tới (Tôi đang ngụy biện về cái sự lười của mình, đúng không?) Bạn có thể thấy cách mà một vật phẩm được thiết kế lại phát huy hoàn chỉnh các đặc tính của nó trong một cảnh diễn, làm phát sinh ra các hiệu ứng thỏa mãn nhu cầu thưởng thức về mặt kỹ xảo đối với người đọc. Có thể bạn cho rằng với các cảnh chiến đấu đối kháng diễn ra quá nhanh chóng thì việc diễn đạt như thế này là quá dài dòng.

Với những hiệu quả tuyệt vời mà nó mang lại, tôi tự hỏi tại sao bạn lại không dành cho việc thiết kế đạo cụ này một sự đầu tư xứng đáng kia chớ?

Tại đây, điều bạn cần làm là bắt đầu hệ thống hóa lại các tư liệu viết sẵn có của chính mình càng sớm càng tốt, và luôn chuẩn bị sẵn nhiều phương án cho một vật phẩm tùy thuộc vào mức độ quan trọng. Tuyệt đại đa số các tay viết đều có một lầm lẫn rất tệ hại về mặt thiết kế rằng bạn chỉ cần làm ra một vật phẩm ban đầu và sử dụng nó cho tới cuối truyện. Trên thực tế trong mắt của một nhà thiết kế đạo cụ thì đó chỉ là một hình mẫu mà thôi và bạn sẽ phải thiết kế ra một lô một lốc các mẫu chức năng tùy biến để sử dụng vào các kịch bản khác nhau sao cho phù hợp.

Trên thực tế trong mắt của một nhà thiết kế đạo cụ thì đó chỉ là một hình mẫu mà thôi và bạn sẽ phải thiết kế ra một lô một lốc các mẫu chức năng tùy biến để sử dụng vào các kịch bản khác nhau sao cho phù hợp

5. Chọn góc nhìn lý tưởng

Góc độ quay chụp của một cảnh thoạt nghe có vẻ trừu tượng hết sức với công việc viết văn (tôi dám cá là tới bây giờ bạn vẫn chưa thể hình dung được về điều này một cách cụ thể) bởi trên thực tế của thao tác đọc thì cái mà mắt chúng ta tiếp nhận chỉ là chữ và chữ mà thôi.

Hãy hình dung một chút về điều này, khi người đọc tiếp thu một nội dung truyện thông qua giác quan phù hợp (mắt/tai) thì các tình tiết trong một cảnh mặc nhiên sẽ được tái hiện dưới dạng hình dung ngày càng tiếp cận tới việc tạo lập các hình ảnh tương ứng về cảnh trong đầu. Các mô tả trong nội dung càng sắc sảo bao nhiêu thì độ “nét” của các hình ảnh càng cao bấy nhiêu và cách vận dụng ngôn từ càng phong phú và sát với nội dung bao nhiêu thì các hình ảnh này sẽ sống động bấy nhiêu. Đây là một trong các bí quyết đặc biệt mà người viết tiểu thuyết nên có trong danh sách kỹ năng của mình. Theo đó, bạn phải nắm bắt tâm lý độc giả để hình dung ra mô hình chung trong trí tưởng tượng của họ và thông qua đó lựa ra phương án sắp đặt các tình tiết ở góc độ sao cho chúng hiển thị sắc nét nhất và sống động nhất trong suốt quá trình đọc.

Chúng ta hãy cùng tìm tới một ví dụ cụ thể về góc độ:

Không đợi nó rên rỉ phân bì, Lee xoay người, tay trái thuần thục nắm lấy hai đầu ngón phải duỗi thẳng áp một bên hông trông như sửa soạn bạt một lưỡi gươm vô hình ra khỏi vỏ vậy. Và cùng với động tác rướn về phía trước, thứ mà cô bé rút ra từ tay phép còn hơn cả một thanh gươm.

Trong ví dụ này, chúng ta chọn được một góc cho phép người đọc quan sát được vẻ đẹp hình thể của nhân vật nữ trong tư thế chiến đấu đầy ấn tượng. Từ cử động [xoay người] dọn dẹp một vị trí quan sát thuận lợi, cái nhìn của người đọc sẽ theo đó được lôi kéo tới vị trí diễn đạt trung tâm mang tính nhấn mạnh [hai đầu ngón phải duỗi thẳng áp một bên hông] gây nên cảm giác hưng phấn của người đọc, tiếp theo là [rướn về phía trước] – một cử động mang tính bộc phát kinh điển và bạn hãy tận lực phát huy vốn từ để sự bộc phát đó trở nên đặc sắc: [thứ mà cô bé rút ra từ tay phép còn hơn cả một thanh gươm].

Tôi đã có thể viết khác đi kiểu như:

Lee băng về phía trước, một vầng lửa dài sáng rực vung lên trong những ngón tay phép theo một động tác rút kiếm lưu loát. Và cứ thế, cô bé lao thẳng vào móng vuốt con quái vật trước sự sững sờ của Remy.

Viết như trên sẽ tiết kiệm được không ít công sức của tác giả, nhưng ấn tượng nó thể hiện ra trong một cảnh chiến đấu thì lại chỉ ở vào mức thường thường bậc trung. Có lẽ điều khá nhất mà nó mang lại cho độc giả chính là sự kích động mang lại nhờ vào việc chọn góc nhìn từ phía sau và tạo sự tương phản về hình thể giữa cô gái nhỏ khi đối mặt với một con quái vật khổng lồ. Nhưng chỉ chừng đó thôi là chưa đủ để dẫn dắt trí tưởng tượng của người đọc để họ hình dung ra mức độ kịch liệt của pha hành động. Mà phải nói thêm một phần nguyên nhân tôi diễn đạt khác đi là vì ở một đoạn trước đó tôi đã từng sử dụng qua góc này rồi.

Tất nhiên, để sở hữu kỹ năng này thực sự là một điều khó khăn cho người viết mới bắt đầu. Nhưng đừng quá mặc cảm với sự vụng về ban đầu của mình. Bạn chỉ có một cách là luyện tập càng nhiều càng tốt để biết được mình nên tạo một góc nhìn như thế nào để diễn xuất của nhân vật trông ấn tượng nhất. Vậy trong kỹ thuật này có điều gì mang tính nguyên tắc mà bạn cần nắm giữ không? Đó là: Trong một phân cảnh đặc thù thì nhân vật và diễn xuất của anh/cô ta chính là một tượng đài trong lòng độc giả và nhiệm vụ của người viết chính là tìm được góc nhìn thể hiện ra đầy đủ những yếu tố mang tính tượng đài đó.

6. Nắm bắt khung hình chuẩn xác

Lại một yêu cầu kỳ cục khác. Vâng, tôi biết là có không ít bạn sẽ cười vì trông nó thực sự giống với các hướng dẫn dành cho cameraman (người cầm máy quay phim/chụp ảnh) hơn là bài tập dành cho một tay viết.

Và nếu như thủ thuật “bắt góc” ở trên đòi hỏi bạn phải có cái nhìn toàn cục đối với công việc dựng cảnh thì để mọi thứ trở nên hoàn thiện hơn bạn cần phải biết nắm bắt khung nhìn.

Tôi đã nêu một chút khái niệm ở trên rồi phải không? Và như đã nói, nó là một khái niệm đặc biệt mang tính trừu tượng về mặt thời gian, khi bạn tiến hành diễn đạt tất cả những chi tiết cần thiết để tạo ra một cảnh đầy đủ trong cùng một thời điểm.

Với tính chất đặc biệt đó, thao tác bắt khung nhìn thường chỉ được dùng để diễn tả những cảnh đặc sắc nhất trong tác phẩm.

Bạn biết phim Ma Trận (The Matrix, phim khoa học viễn tưởng do chị em nhà Wachowski viết kịch bản đồng thời làm đạo diễn, ra mắt lần đầu năm 1999) chứ? Vâng, nếu chưa xem thì bạn nên xem đi để dễ dàng hiểu về khái niệm Bullet Time trong kỹ xảo điện ảnh. Và trong quá trình diễn giải tiếp theo đây bạn sẽ dễ dàng nhận thấy 70% kỹ thuật nắm bắt khung hình mà tôi đang đề cập tới được xây dựng dựa trên cơ sở của kỹ xảo Bullet Time tuyệt vời này.

Cảnh anh chàng hacker Neo (Thomas Anderson) né đạn đã trở thành cảm hứng của rất nhiều tác phẩm về sau trên các lĩnh vực điện ảnh, trò chơi điện tử, truyện tranh... Người ta tôn sùng Bullet Time bởi cảm giác phấn khích tột đỉnh mà nó gây ra.

Vậy câu hỏi là nó có thể áp dụng vào trong văn học viết được không? Câu trả lời là: Tất nhiên có!

Để tôi lấy một ví dụ rõ ràng nhất có thể để bạn dễ dàng tiếp cận hơn:

Mọi thứ trong  tầm nhìn của Remy chợt dạt ra xa và đông cứng lại trong một khoảnh khắc rùng rợn. Nó thấy rõ từng giọt nước mưa hình cầu giăng trước mặt mình phản chiếu hàng triệu triệu hình ảnh từ mọi góc độ của những cái mồm há hốc, các cầu thủ trong tư thế nghiêng ngửa chìm đắm trong những biến động cực nhanh của pha bóng, kia là Trevor Moris với chân trụ nhấc hẳn lên khỏi mặt đất kéo theo một dải nước bùn trộn cỏ nơi đế giày.

Phía trên tất cả là bầu trời ngập ngụa những cuộn mây đen kịt thịnh nộ, từ đó thòng xuống một dải ánh sáng lam trắng chói lọi nhiễm qua từng giọt nước, xé toạc không khí quánh dẻo và nối ngay vô điểm chót lơ lửng trước mũi giày của Moris.

Bạn đã nhận ra rồi phải không, chúng ta có thể coi việc “dừng hình” này như một thứ mánh lới giúp bạn thể hiện trọn vẹn tất cả những điều muốn diễn đạt trong khi vẫn giữ được một cấu trúc diễn biến mang tính xuyên suốt không bị vón cục về phân bổ sự kiện vốn là điều thường gặp ở các tay viết mới. Bạn có thể thắc mắc rằng tại sao những diễn đạt dài dòng cho một pha bắt khung hình như tình huống trên lại không bị coi là lan man. Điểm mấu chốt giúp thủ thuật Bullet Time trong văn học đạt được hiệu quả mạnh mẽ là nhờ vào việc bạn – một người viết biết cách khai thác khả năng hình dung của người đọc. Bạn chỉ cần diễn tả và mọi thứ sẽ được tái hiện trong trí tưởng tượng hình ảnh của độc giả chỉ trong chớp mắt sau khi đọc xong với sự chấp nhận tiềm thức rằng tất cả những điều họ đọc chỉ thuộc về một hình ảnh duy nhất, cũng là điểm nhấn rõ ràng nhất trình diễn vẻ đẹp của một plot tại khúc cao trào.

Tiêu chuẩn của việc sử dụng Bullet Time khi bắt hình diễn đạt là bạn phải cho người đọc thấy một cái gì đó trông thật còn hơn cả thật. Và để thực hiện, bạn sẽ cần phải:

- Xác định chính xác điểm bắt hình. Thông thường thì như đã nói ở trên, mọi người sẽ chọn điểm cao trào của plot để thực hiện kỹ thuật này.

- Có một mô tả thông báo cho người đọc rằng họ đang được đưa vào trạng thái “pause” trong diễn đạt (Mọi thứ trong  tầm nhìn của Remy chợt dạt ra xa và đông cứng lại trong một khoảnh khắc rùng rợn). Ở trạng thái này, mọi sự miêu tả sẽ được người đọc nhận định mặc nhiên rằng chúng diễn ra trong cùng một khung hình duy nhất.

- Làm chậm tiết tấu của mạch truyện ở mức độ phù hợp. Điều này tùy thuộc vào biên độ hành động của nhân vật ngắn hoặc dài, đôi khi đó có thể là một chuỗi hành động có liên quan diễn ra trong thời gian rất ngắn (chạy + nhảy + vượt chướng ngại vật).

- Lựa chọn các chi tiết cần tái hiện trong trí tưởng tượng của người xem (những nhân vật, hành động, vật phẩm, sự kiện tức thì… có thể kết hợp với hiệu ứng) đồng thời loại bỏ những chi tiết thừa thải mà bản thân người đọc có thể tự động bổ sung (Trong ví dụ trên, người ta có thể tự hình dung ra cảnh một sân vận động chật kín người và các cầu thủ đang cố gắng lao vào tranh cướp bóng để phù hợp với độ gay cấn của phân đoạn, vì thế tôi sẽ không miêu tả chúng để tránh làm mất thời gian). Bạn hãy lựa ra những hình ảnh đẹp nhất, nét nhất cho phép tạo ra hiệu quả khắc sâu đối với nhận thức của người đọc (từng giọt nước mưa, những cái mồm há hốc, các cầu thủ trong tư thế nghiêng ngửa, Trevor Moris với chân trụ nhấc hẳn lên khỏi mặt đất, một dải ánh sáng lam trắng chói lọi) và thực hiện các biện pháp đặc tả để cụ thể hóa các đối tượng, xoáy sâu, nổi bật chúng lên thành một khung cảnh ba chiều trong tâm trí người đọc để đầu óc họ được nếm trải mọi va chạm và các hiệu ứng phát sinh.

Còn việc đặc tả như thế nào thì phụ thuộc vào phong cách viết của bạn rồi.

Phần còn lại? Hãy để độc giả tự tưởng tượng và hoàn chỉnh chúng để tạo ra cơn hưng phấn của riêng họ.

Điều cần phải chú ý ở đây là bạn đừng nên lạm dụng kỹ thuật này bởi nếu làm thế thì tính đặc sắc của các plot sẽ bị hủy hoại khi độc giả phải liên tục bị cưỡng ép phải quan sát một số lượng lớn các khung hình bất động mà đa số chúng không hề chứa những điều họ muốn theo dõi kỹ càng. Hãy nghiêm khắc với bản thân để sử dụng nó theo cách đúng đắn nhất có thể. Một khi bạn bài trí các chi tiết đúng nơi đúng chỗ thì những hiệu quả tổng thể tạo ra rất có khả năng sẽ để lại được ấn tượng không thể xóa nhòa trong tâm trí người đọc.

7. Phát huy các đặc tính của hiệu ứng

Tại sao chúng ta lại cần tới các hiệu ứng trong một văn cảnh? Bạn đừng liên tưởng tới điều gì nghiêm trọng kiểu: “Đó là sự nâng tầm diễn đạt lên mức nghệ thuật” làm gì, câu trả lời chỉ đơn giản là để câu văn của chúng ta trông đỡ chán hơn khi đọc thôi chớ có gì to tát đâu.

Chúng ta định nghĩa sao cho dễ hiểu ha: Sử dụng hiệu ứng trong văn học viết là việc người viết sử dụng thao tác ngôn từ nhằm làm nổi bật một chi tiết hiện hữu trong một cảnh, giúp người đọc nhận rõ được đặc tính của chi tiết đó trong điều kiện ưu tú nhất về hình ảnh hoặc âm thanh.

Chú ý ha, điều này hoàn toàn khác với phương pháp khoa trương trong diễn đạt. Vì khoa trương là việc một người sử dụng biện pháp ngôn từ để nâng giá trị diễn đạt của một sự vật/sự việc vượt lên trên giá trị thực tế vốn có của nó.

Nó cũng tương tự với việc bạn dùng kính lúp phóng đại một con kiến và việc bạn tả về một con kiến bự như cục tẩy vậy. Chúng ta đều có một con kiến lớn, nhưng chỉ có một trong số đó là được chấp nhận là hiện hữu (a vâng, có thể ví dụ này của tôi là sai vì biết đâu vào kỷ carbon hồi xưa cũng có giống kiến lớn cỡ đó thì sao chớ). Tất nhiên cả hai loại hành động này đều quan trọng và đều đạt được hiệu quả cần thiết trong trường hợp ta sử dụng chúng đúng lúc đúng chỗ.

Quay lại vấn đề chính – hiệu ứng. Sau khi phân biệt được thế nào hiệu ứng trong văn viết chúng ta sẽ phải giải quyết vài vấn đề liên quan  sau:

Làm thế nào để xác định vị trí cần gán hiệu ứng? Không hề khó vì bản chất của hiệu ứng là để làm nổi bật một hoặc một nhóm thuộc tính riêng biệt của một chi tiết trong cảnh. Như vậy chi tiết đó phải là chi tiết mà bạn muốn lưu lại ấn tượng trong lòng người đọc, và thông thường đó hẳn phải là chi tiết quan trọng nhất cảnh.

Làm thế nào để biết một hiệu ứng hoạt động tốt hay không? Câu trả lời nằm ngay bên trên, thông thường thì khi bạn chọn góc độ để thể hiện cảnh thì đó cũng là vị trí lý tưởng nhất để người đọc tận hưởng hiệu ứng, và khi bạn bắt hình thì hình ảnh sẽ dừng lại ở thời điểm mà chi tiết cần được làm nổi bật sẽ thể hiện đầy đủ những đặc tính mà người viết khuyến khích người đọc nhận ra.

Ta sẽ trực tiếp lấy lại ví dụ ở mục 4 cho dễ vậy.

Ngay khoảnh khắc đó mọi cảm thụ giác quan của Quân bị phóng đại lên cả ngàn lần trong cơn tuyệt vọng. Cảm giác rung chuyển đau đớn truyền tới từ cổ tay, những vụn máu khô tróc ra từ các khe xước trên bề mặt hợp kim khi lưỡi dao găm quân đội cắm vào vách đá, không khí trước mặt nó trở nên đậm đặc ná thở.

Trong đoạn này, tôi cố tình phóng đại và làm chậm cực độ hình ảnh [những vụn máu khô tróc ra từ các khe xước trên bề mặt hợp kim] để làm hiệu ứng nhấn mạnh cho cú đâm hụt ác liệt của nhân vật chính vì tôi biết họ sẽ phấn khích ra sao khi hình dung ra những vệt trông giống tinh thể màu đỏ sẫm bị lẫy rời ra khỏi bề mặt kim loại sần sùi được phóng đại hàng nghìn lần dưới tác dụng của quá trình va chạm. Người đọc biết rằng hình ảnh này là hiện hữu và thực tế, nhưng họ không thể xác nhận và tập trung tâm trí vào nó và điều họ nhận được khi không có hiệu ứng sẽ chỉ là thứ gì đó đại loại như [lưỡi dao chệch mục tiêu đâm thẳng vào vách đá khiến tay Quân tê rần] nếu tôi không khuyến khích trí tưởng tượng của họ thành lập ra toàn bộ quá trình này và xoáy sâu vào đó.

Mọi chuyện sẽ còn đơn giản hơn nhiều với các hiệu ứng về mặt âm thanh. Tất cả những gì bạn cần là gán một âm thanh phù hợp vào một sự kiện quan trọng cần làm rõ (một tiếng nổ) và dùng một tính từ nào đó để tạo sự khác biệt (một tiếng nổ chát chúa) và một chuỗi diễn giải kèm theo (một tiếng nổ chát chúa vang lên khiến cả hội trường sững sờ) để đẩy mạnh cảnh xúc của người đọc, giúp họ cụ thể hóa được tình huống đang diễn ra trong mạch truyện và cảm nhận được hiệu quả do âm thanh đó gây nên.

Nhân tiện, về mặt sử dụng hiệu ứng âm thanh. Tôi xin phép được đề cập lại một lần nữa cái điều mà tôi đã đề cập vô số lần trước đây với các bạn, rằng: Đừng bao giờ sử dụng hiệu ứng tiếng động trong văn học một cách trực tiếp. Vì sao? Tôi nói đơn giản, bạn cứ tưởng tượng bạn hay ai đó được gọi đứng lên trước đám đông để đọc tác phẩm hay ho của mình. Và khi bạn đọc tới những đoạn chứa các hiệu ứng âm thanh “Bịch! Bốp! Rầm! Cheng! Bùm! Chát! Hự…” các kiểu và bạn phải đọc chúng ra theo cách diễn cảm nhất. Ôi thôi, chỉ mới nghĩ sơ qua cũng đã thấy không khỏe hết cả người rồi.

Monester kể chuyện

Mà nguyên nhân của việc này rất đơn giản. Bởi vì các loại tiếng động như thế trong văn học là không có ngữ nghĩa về mặt ngôn từ. Và tiếng động va chạm, chim hót, gió thổi… sẽ được tái hiện theo cách khác nhau đối với mỗi người nên khi được diễn tả bằng giọng đọc trong một văn bản xác định chúng sẽ hoàn toàn khác với thực tế và hầu như vô nghĩa với giác quan nếu không có chú thích kèm theo. Vì thế, trong văn học viết thì các âm thanh chỉ được diễn tả theo cách gián tiếp để người đọc tự hình dung ra bằng kinh nghiệm của họ.

Những âm thanh như thế chỉ dành cho các thể loại truyện tranh – nơi các chuyển động hình ảnh sẽ thay thế cho phần lớn nội dung chữ viết mà thôi, bạn nhớ nhé. Hãy khắc sâu điều này vì sự nghiệp sáng tác của chính bạn. Nếu bạn vẫn còn cố phản bác điều tôi nói thì tại sao bạn lại không đem câu chuyện của mình tới một cuộc thi và đọc lên thử xem? Tôi đề nghị thêm là trong trường hợp có làm thế thiệt thì bạn hãy mang theo một cái xẻng tốt để bạn có thể đào một cái lỗ đủ sâu trên sàn nhà mà chui xuống.

Thế nhưng có những thứ mà người đọc không thể cảm nhận bằng giác quan theo cách thông thường. Tỉ như tâm trạng chẳng hạn. A ha, thực ra thì chúng ta có hẳn cả một bộ phận hiệu ứng ngôn tự riêng biệt để diễn tả những đặc sắc của tâm trạng. Song bởi vì đây là chuyên đề nói về xây dựng cảnh chiến đấu nên tạm thời chúng ta sẽ không đả động tới lĩnh vực này.

Nói chung, khi bạn gán một hiệu ứng vào một cảnh cụ thể tại một chi tiết cụ thể nào đó thì nghĩa là bạn đang nhấn mạnh quá trình diễn đạt và nhiệm vụ chính của bạn là làm nổi bật chi tiết đó trong nhận thức của người đọc.

Ở đây tôi phải đề cập một chút về các sai lầm trong quan niệm khi người viết làm việc với các hiệu ứng rằng trên thực tế có không ít tác giả sử dụng các hiệu ứng âm thanh/hình ảnh trong tác phẩm của mình một cách vô tội vạ vì họ nghĩ rằng càng nhiều hiệu ứng đặc sắc thì câu chuyện sẽ càng hấp dẫn mà quên mất rằng cũng giống như việc làm quảng cáo, bạn không thể tìm cách lừa dối người xem bằng cách thổi phồng những hiệu quả mà bản thân tình tiết không thể đạt được.

Ví dụ? Bạn làm sao có thể mô tả như thể một que củi có thể lóe sáng rực rỡ trong đêm như một thanh gươm được. Dù chúng ta đều công nhận rằng trong truyện thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng khi bạn viết: Que củi trên tay A vẽ một đường cong duyên dáng mang theo ánh kim loại xé toạc màn đêm, bổ thẳng xuống đầu vai đối thủ… Quỷ thần ạ, tôi thấy có rất nhiều truyện viết kiểu thế.

Vậy trong trường hợp bạn nhận ra một cảnh không đạt được hiệu quả nhấn mạnh như ý? Bạn có thể vận dụng một tổ hợp hiệu ứng để mở rộng phạm vi lên các chi tiết kế cận, giúp nó có đầy đủ không gian để phát huy sức ảnh hưởng lên người đọc.


CHỦ ĐỀ GẦN ĐÂY:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Dựng cảnh chiến đấu: Vận dụng các yếu tố của cảnh”
    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears