CaffeineFX

Văn phong và lối hành văn

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Thursday, June 15th, 2017

Văn phong? Tới phần hay rồi đây. Khi bạn nói – Văn cũng như người vậy, tức là bạn đang nói tới văn phong hay cách hành văn? Đừng bảo với tôi xưa giờ bạn nghĩ hai cụm từ đó là một đó.

Thực ra thì hiểu biết về mặt này của tôi còn tệ hơn cả bạn. Tôi tự hỏi bạn bắt đầu dùng đại từ nhân xưng TÔI trong các bài văn từ khi nào? Tôi thì mãi tới tận năm lớp bảy mới làm điều này. Đó cũng là khởi điểm cho tích lũy kinh nghiệm của tôi tới tận ngày nay, để có thể đem nó tới cho bạn như một trong những phần hướng dẫn hay nhứt tôi từng viết.

1. Văn phong:

Đây tuyệt đối thuộc về yếu tố kỹ thuật. Bởi vì tôi đã từng “vỡ mộng” khá nhiều lần với các tác giả khi gặp mặt họ ở ngoài đời. Diễn tả một cách đại khái, bạn chết mê chết mệt vì giọng văn của tác giả nào đó và thử hình dung về con người họ, thậm chí còn xảy ra trường hợp có người còn trót dành tình yêu nồng cháy cho tác giả của một cuốn sách quá hay. Họ ôm sách, hình dung về con người của tác giả, say đắm theo từng cung bậc tình cảm của họ, mọi thứ về người đó đều hoàn hảo với nụ cười nhảm nhí.

Bạn đừng cho rằng thứ tình cảm này là vớ vẩn chỉ dành cho những kẻ rỗi hơi, đừng vội vã coi thường những người dễ xúc động như thế. Vì theo những gì tôi được biết thì hiện tượng này rất phổ biến và rất có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân bất kỳ lúc nào. Chúng thường xảy ra trong những thời điểm không ngờ nhứt của đời bạn, thường thì khi xảy ra biến cố nào đó trong cuộc sống, bạn trở nên mềm yếu, bạn sẽ cần chỗ dựa nào đó về tinh thần và bất chợt tìm thấy nó từ một câu chuyện viết trong sách, bạn sẽ để mình chìm đắm vào trong đó một thời gian mà có thể là vài giờ, vài ngày, hay ghê gớm hơn là trong nhiều năm sau đó.

Cũng trong loại trường hợp này có trường hợp ai đó lại rơi vào tình huống khó khăn hơn. Họ đâm mê nhân vật trong sách. Lạy trời, điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng nó xảy ra thường xuyên và ở nhiều mức độ phức tạp tới nỗi từ ngoài nhìn vào bạn chỉ có thể há hốc mồm và lắc đầu: “Tôi không thể hiểu nổi.”

Thực không lạ lùng chút nào khi trên thế giới này có cả mớ các ông chồng đã bị nhân vật trong sách hoặc một tác giả mà trong suy nghĩ của vợ họ là một người lịch lãm – mạnh mẽ - tinh tế lặng lẽ cắm sừng mà không hề hay biết. Và có không ít những chàng trai cô gái hân hạnh được hưởng cảm giác ghen tuông với một… cuốn sách.

Và? Nguyên nhân của hiện tượng này do đâu?

Là do Văn Phong. Bạn không bao giờ được quên điều này, rằng một câu chuyện, nói cho cùng chính là phương thức gián tiếp để truyền đạt. Với sự ra đời của văn học viết, nó chiếm vị trí quán quân trong số tất cả các phương tiện diễn đạt của loài người. Bạn nghe một giọng nói, bạn xem một DVD… bạn chỉ cần giác quan tương ứng là đủ. Nhưng với sách, bạn phải biết chữ. Một quá trình đọc sách chính là sự giải mã các tín hiệu và vì thế khả năng nó khắc sâu vào trí nhớ của chúng ta cao hơn bất kỳ phương tiện nào khác.

Tôi sẽ nói về vấn đề chính của chúng ta bằng nhiều khái niệm dưới nhiều góc độ khác nhau. Tất cả chỉ để đảm bảo rằng bạn có được sự chuẩn bị tốt nhứt cho sáng tác của mình.

Khi bạn chiết tự theo lối thông thường thì văn phong tức là phong cách viết văn. Đơn giản tới mức bạn không thể hình dung ra mặt ngang mũi dọc của thứ “phong cách” đó trông ra làm sao cả.

Với một so sánh mà tôi cảm thấy rất hài lòng. Văn phong chính là phéromone làm nên sự quyến rũ của một câu chuyện. Chỉ có những người viết không muốn đạt được thành công mới bỏ qua tầm quan trọng đặc biệt của nó.

Khi bạn viết ra một câu chuyện, điều làm nên sự khác nhau giữa nó và một bài đọc trong sách giáo khoa không phải là ở chỗ một thứ có chứa cảm xúc, còn thứ kia thì không. Cảm xúc thực ra quá trừu tượng để có thể đem ra so sánh bởi có người sẽ thấy một điều gì đó trong văn học là lãng mạn trong khi người khác thì thấy khô khan. Sự khác nhau là ở chỗ người đọc tìm thấy sự hiện diện của bạn trong phần nội dung mà họ đọc, dù sự thể hiện của bạn trong đó là chân thực hay giả tạo thì nó vẫn là một loại tồn tại đặc thù. Khi đó, chúng ta biết câu chuyện của bạn có văn phong.

Hay nói cách khác – bạn bốc mùi, và thứ mùi tỏa ra từ bạn qua các con chữ, chính là văn phong.

Tin tôi đi, văn phong chính là khuyết điểm trí mạng của mọi tác phẩm. Để được người đọc chấp nhận, bạn phải gây nên ấn tượng với họ, xây dựng hình ảnh cụ thể của mình trong lòng họ. Và không một chìa khóa nào thích hợp để làm nên điều này hơn văn phong.

Nếu bạn viết lách và cố tình mang nó tới cho người đọc mà không vì lý do gây ấn tượng và thu hút sự quan tâm của họ thì bạn còn có lý do gì để trở thành một tác giả vậy? Đơn thuần là vì lợi nhuận? Vì sở thích? Xin đủ cho, tôi không thể chịu đựng nổi thứ ánh sáng thần thánh phát ra từ những tâm hồn quá ngây thơ như vậy. Nó khiến bạn giống như một vị khách tham gia một bữa tiệc và làm việc duy nhứt là nhét đầy thức ăn vô dạ dày mà không có thu hoạch nào khác, ngay cả một mối quan hệ xã giao để có một cơ hội tham dự bữa tiệc tiếp theo cũng chẳng có.

Những gì bạn có thể làm với câu chuyện của mình để tạo ra một văn phong? Tôi đã nói đây là phần đáng để đọc mà. Nhưng bạn chỉ có thể làm tốt khi thừa nhận rằng lúc bạn viết ra một truyện đọc chính là lúc bạn đang trải qua một cố gắng tận dụng tất cả các khả năng về mặt kỹ thuật của mình để dụ dỗ, quyến rũ để người đọc càng mê mệt tác phẩm của bạn càng tốt. Bạn đang có liên tưởng kỳ lạ nào đó? Tốt, tôi thích ý nghĩ đó của bạn.

Những điều bạn cần phải làm ở đây là:

Xây dựng một chuẩn mực về diễn đạt: Hãy xem xét tất cả các khả năng về mặt ngôn từ của mình để xem bạn giỏi nói về những đề tài gì, hay bạn có sở trường tạo không khí như thế nào trong các lời lẽ. Hãy dùng các kỹ thuật ăn nói quen thuộc của bạn vào các câu văn để người đọc thấy một tác giả có tính cách dí dỏm, trầm lặng, u buồn, lãng tử… vv và vv… sao cũng được. Thực lòng cũng tốt, xạo sự cũng xong, miễn là đạt được mục đích.

Kích thích tâm lý người đọc: Khác với sự kích thích cảm xúc thông qua nội dung và diễn biến của một câu chuyện, đây là một việc mà nếu có mặt bên bạn trong lúc bạn đang viết, tôi sẽ không ngừng la ó thúc giục bạn thực hiện cho bằng được. Hãy làm cách nào đó để gây ra phản ứng của đọc giả với cách diễn đạt của bạn. Khi bạn nói đùa hãy chắc chắn rằng họ sẽ thấy thú vị, khi bạn thể hiện một cử chỉ duyên dáng thì hãy chắc chắn rằng sẽ có người vỗ tay khen ngợi. Còn không? Bạn có thể thủ một thủ thuật mang tính khiêu chiến hơn: Bạn sử dụng một tình tiết trái với mong đợi của mọi người và khiến họ có ấn tượng tiêu cực và nảy sinh phản ứng với bản thân tình tiết đó trong khi vẫn biết rõ thực ra bạn nghĩ một đằng làm một nẻo.

Không ngừng dẫn dắt mạch truyện: Một quá trình gian nan mà bạn không được phép dừng lại trong suốt cả câu chuyện của mình. Nó thể hiện sự tồn tại của tác giả trong toàn bộ câu chuyện với vai trò người viết, người kể. Nếu bạn lơ là, bạn mất hết tất cả. Bạn phải không ngừng hướng người đọc đi tới những cột mốc, trải qua những cung bậc cảm xúc theo con đường của riêng bạn. Vì điều này bạn có thể bất chấp mọi thứ, thậm chí kể cả việc cho phép bản thân bất thần nhảy xổ vào giữa nội dung câu chuyện để tham gia vào sự kiện chứa trong đó.

Phong cách diễn đạt phù hợp với nội dung: Tôi không cho rằng việc người ta cổ xúy một tác giả bắt buộc phải tự nghĩ ra phương thức diễn đạt của riêng mình để tạo văn phong lại là điều nên làm, tôi còn cho rằng đó là hành động đần độn là đằng khác, và tôi lại càng cho rằng việc tìm cách bới móc chỉ trích một tay viết mới vào nghề hoặc không chuyên chỉ vì cách người đó diễn đạt có nhiều điểm giống với một tác giả nổi tiếng là một loại hành vi hèn hạ không hơn không kém. Xin lỗi nếu những lời này đang làm bạn phật lòng, nhưng việc xây dựng một văn phong riêng biệt ngay từ đầu hầu như là chuyện không thể với một tay viết mới bắt đầu. Đó là một quá trình không ngừng nghỉ của việc kiểm nghiệm và sàng lọc tất cả mọi khả năng trên mọi phương diện của một người viết và bạn phải tốn hàng năm trời để có thể thành công. Vậy tại sao lại không thể vay mượn diễn đạt về một cái nhún vai hài hước, một cái chớp mắt trong phong cách viết ai đó để bổ sung vào những điểm còn thiếu trong lối viết của mình để làm khuôn mẫu thai nghén ra một phong cách diễn đạt hoàn chỉnh? Không ai hoàn thiện nhân cách ngay lúc mới sinh. Và? Tôi khuyến khích bạn vay mượn để tiết kiệm thời gian hình thành phong cách viết cho riêng mình, nhưng tôi không khuyến khích hành vi trộm cắp. Việc chôm chỉa văn phong để làm của riêng gây ra hậu quả lớn hơn bạn tưởng rất nhiều.

Tuy nhiên nếu bạn viết ra một câu chuyện mà không có văn phong cụ thể, hoặc văn phong của bạn khiến người đọc liên tưởng tới một tác giả khác thì đúng là bạn gặp rắc rối to rồi. tôi sẽ diễn đạt theo cách mà cả người lớn và trẻ em đều hiểu: Bạn bỏ thời gian, công sức và tình cảm ra làm một dĩa gà quay chuẩn mực để rồi khiến cho người bạn yêu mến tưởng nhớ tới những khoảnh khắc tuyệt vời khi đứng trước bức tượng bày bên ngoài hiệu bán ăn nhanh xứ Kentucky. Bạn bị đánh bại bởi một bức tượng thạch cao. Một câu thôi: Quá tan nát.

Bí quyết để có một văn phong làm nên thành công: Hãy viết sao để ấn tượng của người đọc về bạn ngang tầm với sự hấp dẫn trong nội dung bạn viết.

Văn phong chính là phéromone làm nên sự quyến rũ của một câu chuyện

2. Lối hành văn:

Sau khi nhận lời mời tham dự vào một bữa tiệc, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Câu trả lời đầu tiên mà mọi người đều nảy ra đương nhiên phải là một bộ trang phục hợp cách. Chịu thôi, ông bà ta có câu: Cái áo làm nên con người mà.

Và trong quá trình chuẩn bị, nếu lựa chọn văn phong tương ứng với việc bạn tìm ra cho mình một mùi nước hoa thích hợp (quỷ thần ạ, cuộc đời tôi chưa bao giờ dùng tới nước hoa, vậy mà lần này tôi lại phải lấy nó ra làm ví dụ) thì với việc chọn lựa một lối hành văn cũng đồng nghĩa với việc bạn đang lựa chọn cho mình một bộ cánh để xuất hiện trước mắt công chúng vậy.

Lối hành văn là một quá trình gắn kết các thành phần của một tác phẩm thông qua các biện pháp sử dụng ngôn từ theo nhóm ngữ cảnh.

Được rồi, tôi cũng cảm thấy đoạn in đậm ở trên nó có mùi sách vở, thực nhàm chán, tôi không có ý định viết sách giáo khoa. Vì vậy vào thời điểm này bạn có thể hiểu lối hành văn là một thứ gì đó cần phải có trong tác phẩm của bạn. Nó bao bọc, che đậy các khiếm khuyết của tác phẩm, làm nổi bật những đường nét cần thiết của cốt truyện và quá trình này thực hiện bởi việc bạn sử dụng một hệ thống diễn đạt nhất quán để kiểm soát các yếu tố:

  • Tốc độ diễn biến tổng thể.
  • Không khí tác phẩm.
  • Mật độ của các diễn biến trong mạch truyện.
  • Độ ảnh hưởng của tình tiết (hay còn gọi là mức độ nhấn mạnh).

Và điều mà tôi có thể khẳng định ngay với các bạn bằng kinh nghiệm đọc của bản thân: Trong suốt sự nghiệp của mình, mỗi một tác giả thành công chỉ có thể có một lối hành văn của riêng họ mà thôi. Đây là một điều hết sức tự nhiên, nhưng tôi không vội bàn luận về nó.

Bất chấp khả năng diễn đạt của bạn là tốt hay xấu. Bạn hoàn toàn có thể viết ra một câu chuyện chứa đựng một lối hành văn. Tôi đã tham khảo ý kiến của chị tôi, một người có kiến thức cực kỳ uyên bác về lĩnh vực văn học (Vì vài lý do đơn giản mà tôi không tham khảo ý kiến của những nhà học thuật ABC danh tiếng nào: số lượng tác phẩm chị tôi đọc qua ít nhứt nhiều gấp 5 lần so với những gì tôi từng đọc, vì chị tôi giỏi hơn tôi về mặt này, và vì chị không bao giờ dè xẻn các bí quyết thành công của mình đối với tôi) trước khi tiến hành viết về đoạn này.

Trước hết, tôi xin phép khai thác sâu một chút để tăng cường các ấn tượng của bạn về các yếu tố được nhắc ở trên về mặt lý thuyết.

Tốc độ diễn biến tổng thể: Là việc bạn thiết lập một tốc độ chung cho toàn bộ mạch truyện để nắm chắc khả năng vận dụng toàn bộ các tình tiết trong một câu chuyện. Việc làm này đảm bảo cho tác phẩm của bạn có một cấu trúc ổn định và khó bị xâm phạm bởi những sự cố không mong muốn và dựa vào đó bạn sẽ luôn biết được mình sẽ đi bao xa và kết thúc câu chuyện trong thời lượng bao nhiêu diễn biến. Tốc độ này hoàn toàn không dính dáng gì tới tốc độ cục bộ của các diễn biến, Vì cũng như lái xe vậy, việc bạn tăng tốc tại đoạn đường phẳng hay giảm tốc tại những đoạn có ổ gà thì có ảnh hưởng gì tới việc bạn biết rõ mình sẽ đi tới nơi làm việc trong khoảng thời gian 20 phút? Ở đây tôi không dùng khái niệm tốc độ trung bình vì khi bạn dùng một công thức tính trung bình cho các diễn biến, sớm muộn tất cả sẽ dồn ứ vào một chỗ như cảnh kẹt xe vậy.

Bạn nên nhớ, việc bạn thao tác tốc độ diễn biến tổng thể là nhằm đảm bảo cho sự thông suốt của mạch truyện để mọi diễn biến đều được hoàn thành. Đó không phải là hành động dòm chừng trên bảng đồng hồ countermeter.

Không khí tác phẩm: Bạn kiểm soát không khí của tác phẩm, việc này khó đấy. Tôi cũng phải nói là quá trình bạn tìm cách khuấy trộn các diễn biến trong câu chuyện và khiến chúng đổi sang màu này hay màu kia là cả một quá trình pha chế thú vị. Nó không phải vấn đề kiểu như bạn viết về cảnh bi đát thì phải dùng ngôn ngữ bi lụy và cảnh đó phải diễn trên một phông nền đượm buồn, không hề. Lý luận thế là vớ vẩn, bạn có phải con nít đâu.

Chính xác, tôi đang nói về việc bạn sẽ phải chọn loại phông nền nào để đạt được hiệu ứng tốt nhứt cho câu chuyện. Nghĩa là bạn phải chọn loại không khí đại diện cho tác phẩm mà ở đó bạn có thể diễn đạt thoái mái hơn cả, thay vì chọn một mặt bàn có thể khiến bạn lúng túng khi bày biện các món ăn lên trên. Bạn chọn một màu sắc cụ thể cho câu chuyện của mình thì phải chắc chắn rằng bạn có thể diễn tả mọi thứ trên đó đúng theo cách bạn muốn. Lối hành văn cầu kỳ hay đơn giản, mộc mạc hay tinh tế… đó là lựa chọn của bạn, và lựa chọn này cần được phát huy hiệu quả cao nhứt thông qua sự phối hợp với không khí của tác phẩm.

Thôi được, giải thích như vầy coi bộ vẫn còn quá khó hiểu. Tôi sẽ phải cố gắng hơn vậy. Khi tôi chọn cho mình lối hành văn nào đó làm nền tảng, kiểu như trường phái thiên về tốc độ, và viết về một câu chuyện có nội dung mạo hiểm. Trong quá trình đó tôi sẽ phải chuẩn bị các yếu tố cần thiết như cốt truyện, văn phong. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo những vị trí thiết yếu – nơi mà các tình tiết giật gân, các trường đoạn gây cấn sẽ được chèn vào vị trí thích hợp chỉ với một bản thiết kế và chúng sẽ gây ra được ấn tượng như mong muốn. Nhưng nó phải phù hợp với phương pháp diễn đạt riêng của tôi, với văn phong thú vị (ví dụ vậy). Thế là tôi đứng trước vài lựa chọn:

- Một không khí u ám, với những tình tiết bí ẩn dồn dập không ngừng kéo tới cái sau nối cái trước và những hành động gây nên cảm giác buồn cười của nhân vật.

- Một không khí đầy xung đột xoay quanh những diễn biến cực nhanh xuyên thẳng qua các bí ẩn tiền đề. Và thay vì thể hiện sự hài hước như trên, tôi có thể diễn đạt một sự kiện thê thảm với góc độ buồn cười của một cách nghĩ nào đó từ phía nhân vật.

Trông hai phương án đều khá tốt, vì đằng nào nó cũng cho ra một truyện đọc đáp ứng được các tiêu chuẩn về trường phái tốc độ và thể loại mạo hiểm.

Và? Tôi phải đánh giá hiệu quả của chúng và lựa chọn sao cho nó giúp tôi điều khiển mọi tình tiết một cách thoải mái. Tôi liên tưởng tới văn phong của mình, và không nghi ngờ gì, ngay cả bạn đọc có đánh giá về văn phong của tôi trong tài liệu này đều biết rõ rằng tôi sẽ chọn phương án sau.

Trên đây là một ví dụ nhỏ về cái gọi là không khí tác phẩm. Tôi cũng không rõ lắm rằng những người viết khác gọi nó là gì, đây là cách nghĩ của riêng tôi mà thôi (Điều này thể hiện khá là rõ trong bài viết về Điều tiết mâu thuẫn văn học trước đó). Nhưng tôi có thể chắc chắn với bạn rằng đây là yếu tố bạn sẽ có lúc phải tính tới nếu không muốn bị sa vào sự đơn điệu khiến cho hứng thú sáng tác bị nhạt đi.

Mật độ diễn biến: Tên như ý nghĩa – Nó sẽ nhắc bạn về về số lượng đơn vị diễn biến trong cùng một đơn vị thời gian. Đây là một khái niệm có mức độ co giãn tương đối và bạn nhớ, các hạn mức trung bình này chia ra bởi thói quen viết lách của riêng bạn. Hãy tưởng tượng bạn chia một mạch truyện thành nhiều phần bằng nhau và dùng khả năng của mình để phân bố tất cả những diễn biến vào đó. Tôi đã quyết định nguyên tắc hóa côn đoạn vốn thường xuyên bị người viết bỏ lỡ này một định nghĩa thú vị: Khay xếp chữ.

Nếu các bạn có làm quen trước đó về kỹ thuật in ấn monotype cổ điển, chắc hẳn các bạn sẽ biết mỗi dòng in về cơ bản đều thuộc về một khay sắp chữ rời có độ dài luôn bằng nhau và người ta sẽ sắp các chữ cái bằng chì lên đó để tạo ra âm bản. Bạn chia câu chuyện của mình ra nhiều “khay” và xếp các tình tiết trên đó một cách hợp lý để có thể cho ra một câu chuyện hoàn chỉnh về mặt diễn đạt. Nó cũng giống như việc bạn phải sắp xếp chữ cái sao cho cột báo đạt được hiệu quả cao nhứt về mặt thông tin nhưng vẫn đảm bảo vấn đề mỹ quan. Việc phân bố độ dày của các tình tiết là cả một nghệ thuật của sự cần mẫn. Bạn không thể để mọi thứ đều đều diễn ra, tới mức chính bạn cũng phải chán chết với câu chuyện của mình, nhưng cũng không thể dồn hết mọi thứ vào một chỗ để rồi khi không điều khiển được tốc độ của mạch truyện sẽ dẫn tới tình huống rối nùi. Đây là một trong các thể loại sự cố ghê tởm nhứt trong viết lách. Bạn sẽ phải cắt xén chỗ này, thêm thắt chỗ kia, loại bỏ tình tiết 123, xyz… tới khi mệt lử và nhận ra tác phẩm của mình trông giống một mớ phế thải.

Tại đây, tôi có thể mách cho bạn một bí quyết mà bạn có thể dùng cả đời: Hãy chọn một diễn biến đỉnh cao đặt ở nơi nào đó trong mạch truyện mà bạn cảm thấy nó sẽ đem lại hứng thú hơn cả cho người đọc, sau đó hãy bố trí những tình tiết mang tính chất “lừa đảo” làm đệm rải rác khắp tác phẩm để đánh lạc hướng họ, cố định chúng bằng những tình tiết ít quan trọng hơn như những kim gút trên tấm vải. Và tùy vào mục đích của tác phẩm, bạn lựa chọn một lối giải thoát ưng ý cho câu chuyện (Tôi không quan tâm, nếu bạn quyết định thẳng tay khiến cho mọi thứ bế tắc vào phút cuối và khiến độc giả phát điên thì đó vẫn cứ là một cách làm). Và thế là bạn thấy việc phân bố mật độ các tình tiết trở nên dễ dàng như ăn cơm uống nước vậy.

Lời khuyên nhỏ cho đoạn này: Ăn cơm uống nước là thói quen, hãy cố gắng hết mức có thể để tránh bị mắc nghẹn.

Mức độ ảnh hưởng của tình tiết: Khi bạn quyết định sử dụng một tình tiết nào đó, không chỉ giới hạn trong vấn đề viết truyện, bạn phải cân nhắc tới khả năng nó sẽ làm nên chuyện hay không. Một tình tiết quý giá có thể làm nổi bật một tác phẩm. Bản thân tôi thường nghĩ: Một câu chuyện chỉ có một hoặc vài chương hay, mỗi chương chỉ có một hoặc vài đoạn hay, và trong đoạn hay đó chỉ có một câu hay. Đó là cảm giác mà người đọc nhận thấy khi một tác giả đặt một tình tiết nào đó ở vị trí gần như hoàn hảo trong mạch truyện và phát huy tối đa tầm ảnh hưởng của tình tiết đó.

Về lâu về dài, khi bạn đọc nhiều bạn sẽ thấy bản thân trở nên có chọn lọc hơn trong vấn đề tìm kiếm cái hay trong tác phẩm. Nó không hề khác việc bạn nghe một album nhạc, trong mỗi album thường chỉ có một bài hay, và trong mỗi bài hay chỉ có một câu hay nhứt.

Thế là bạn trở nên khó tính.

Nếu như tất cả người đọc đều khó tính như vậy, thì có lẽ 90% các tác giả hiện nay (thập niên thứ 2 thế kỷ XIX) sẽ không sống nổi trước búa rìu dư luận. Nhưng rõ ràng thôi, nếu bạn cảm thấy may mắn vì độc giả đã dễ dãi thì đúng là thảm hại quá rồi còn gì? Công việc của bạn sẽ chả có tí ý nghĩa nào nếu bạn không nỗ lực để tạo ra thói quen đó cho cách độc giả. Vì kệ sách cũng như chiến trường vậy, bạn phải tìm cách bỏ xa đối thủ của mình bằng một sản phẩm vượt trội. Khi bạn khiến người đọc trở nên khó tính và tỏ ra ưa chuộng tác phẩm của mình bởi những đặc sắc chứa bên trong nó tức là bạn đã loại được rất nhiều sự cạnh tranh, giúp bạn bước lên một bậc thang mà ở đó nếu các tác giả khác không cố gắng nhận thức và cải thiện tình hình thì họ sẽ không thể nào sánh ngang được với bạn. Chúng ta dang nói về gì vậy? Chính xác, chúng ta nói về mức độ ưu tiên của người đọc.

Và đây là điều hoàn toàn có thể thông qua thao tác để giải quyết. Khi bạn cảm thấy tình tiết XYZ nào đó là đáng giá, thì nhiệm vụ của bạn là khiến nó trở nên lộng lẫy hơn, hay còn gọi là đánh bóng tình tiết. Bạn tập trung khai thác nó với toàn bộ kỹ thuật viết của mình để khiến người đọc nảy sinh cảm xúc đúng như bạn mong muốn. Họ vui vẻ, giận dữ, buồn, khóc… hãy đảm bảo rằng khi thực hiện một cử động nhấn mạnh thì hiệu quả của nó phải là trông thấy được.

Tôi có thể đơn cử ra một ví dụ:

Lúc này sự đau đớn kiệt quệ đang khiến Karl chỉ muốn xỉu luôn cho rồi.

- Đúng là thứ này không phải cho người xài mà.

Nó cười khổ, ngước mắt nhìn những quầng lửa không ngừng rơi xuống từ trời cao một lúc rồi chậm chạp lê bước vô hang đá, dứt khoát đạp vỡ bảng điều khiển ngay khi cửa hầm sập xuống.

À, mà có một việc mà lâu nay nó vẫn quên khuấy: Đặt tên cho bộ giáp mới này.

Cố gắng đứng thẳng vào khung giá đỡ, Karl ra lệnh giải khai trang bị, cảm giác đau xé người khi những ống kim loại rục rịch rút ra khỏi cơ thể đánh động tri giác đang dần rơi vào trạng thái mê sảng của nó. Karl nhìn máu tươi của mình chảy ra từ khớp nối chân giáp thành một quầng đỏ ngày càng lan rộng và nhanh chóng chuyển sang sẫm màu trên nền đất.

Là VELENOM.

Một thứ đồ chơi độc hại. Nhưng đã sao chớ?

Karl nhập nhoạng ngã ra sàn, hài lòng nhìn hình dáng to lớn với vỏ ngoài bằng thạch anh đen trông chẳng khác nào một con quái thú hình người đang chễm chệ đứng trên bệ thép. Đó là tác phẩm của nó. Nó đã dùng Velenom để bảo vệ đứa em nhỏ và người con gái nó thương mến. Có lẽ giờ họ đã an toàn ở dưới tầng ngầm của trường học, vậy thì nó có gì phải nghĩ ngợi nữa.

Chẳng phải chỉ là một cái mạng thôi sao? Tiếc rẻ làm gì?

Có lẽ rồi đây người ta sẽ tìm thấy nó. Nhưng không phải bây giờ. Karl thở dài xé một trang palyrus đặt ở nơi mà cặp mắt đang dần chuyển sang tối hù vẫn còn mơ hồ thấy được, nó bắt đầu viết những dòng cuối cùng.

… Em gái nhỏ bé của anh, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa. Phải hứa với anh, em sẽ không bao giờ sử dụng Velenom…

(Chú thích: Tôi thực sự xin lỗi vì không thể chuẩn bị cho các bạn một tình tiết đáng giá với ví dụ chính của bài viết. Vì vậy tôi đành lấy một đoạn từ cuốn truyện tôi mới hoàn thành trong thời gian gần đây, truyện có tên Gearrace.)

Rất dễ hiểu, phải không? Bạn chỉ cần thông qua việc phát huy một tình tiết nào đó bằng các kỹ thuật viết của mình để đánh động độc giả khỏi trạng thái đọc theo quán tính khiến họ nảy sinh cảm xúc. Tôi cho rằng bạn sẽ làm việc đó giỏi hơn tôi nhiều, vì bạn có ý định trở thành tác giả, còn tôi thì không.

Và lời khuyên cho đoạn này: Đừng nhấn mạnh quá nhiều chi tiết trong cùng một thời điểm, bởi vì đây là thao tác để đánh thức cảm xúc của người đọc chớ không phải là nỗ lực dìm họ trong một nồi lẩu nóng.

Như vậy, kết thúc phần này bạn đã ít nhiều đặt văn phong và cách hành văn của mình lên một vị trí quan trọng, tôi hy vọng thế. Và tôi đảm bảo rằng bất kỳ tác phẩm nào của bạn làm được những điều này, nó sẽ được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt đúng với công sức bạn đã bỏ ra.


Bài viết gần đây:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Văn phong và lối hành văn”

    Bạn phải ĐĂNG NHẬP để có thể tiến hành thảo luận.

    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears