Dựng cảnh chiến đấu: Các khái niệm chung

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, June 19th, 2017

Cảnh đánh đấm, chiến đấu trong viết văn – đây là một đề tài thực sự thú vị. Có lẽ về mặt kỹ thuật nó cũng là đề tài thú vị nhất mà tôi viết được cho các bạn kể từ đầu. Bởi vì cả bạn và tôi đều biết một điều rằng:

Bạo lực là cách trực tiếp và dễ dàng nhất để giải quyết một mâu thuẫn xã hội. Điều này chúng ta gặp hàng ngày rồi, nhưng trong văn học thì nó lại thuộc về yếu tố không được thừa nhận. Lý do? Rất dễ hiểu, vì những tác hại và hậu quả không thể thừa nhận mà hành vi bạo lực có thể gây ra nên chẳng ai (mà đặc biệt là các bậc phụ huynh) lại khuyến khích điều đó cả.

Sự thực là? Bạo lực chả có tí ý nghĩa cao thượng nào hết. Vậy nên mới có cái thứ mà chúng ta gọi là văn chương.

Và sự thực nữa là? Nó ngấm vào máu của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta rồi.

Vậy nên bất chấp sự thực thứ nhất, vì sự thực thứ hai nên người ta đã và đang cố gắng sử dụng văn chương để diễn tả hành vi bạo lực nhằm thỏa mãn các giác quan, nói tóm lại là cho “đã ghiền.” (A vâng, đừng nói với tôi là trong đời bạn chưa bao giờ có ý tưởng bạo lực, ngay cả như việc tưởng tượng ra cảnh bản thân thực hiện một cú đấm móc đáng đồng tiền bát gạo vô mặt sếp của bạn và đắm mình trong các hiệu ứng máu me, răng môi lẫn lộn của đối phương trong một loạt combo… hay điều gì đó tương tự cũng chưa bao giờ diễn ra. Căn bản là dối trá!).

Vậy là các loại truyện chưởng, truyện giật gân, hành động bắn giết… được viết ra. Những câu chuyện mà ít hoặc nhiều trong nội dung có diễn đạt chi tiết về hành động bạo lực. Hiện tại, chúng ta đang nói về cách viết ra những thứ như thế và các bạn có lẽ đang rất thắc mắc tại sao tôi lại mở đầu quá dài dòng như thế này. Hãy kiên nhẫn một chút nhé, bạn cần phải đọc để hiểu được ý nghĩa vì đâu người đọc lại thèm đọc các hoạt cảnh dã man, để sẵn sàng chấp nhận rằng một khi bạn tham gia viết ra những thứ đó, tác phẩm của bạn sẽ có được sự hấp dẫn thị hiếu người xem để rồi mất đi cơ hội được giải thưởng nhân văn.

Giờ thì, mặc dù không thường xuyên viết về các cảnh hành động chiến đấu cho lắm nhưng tôi nghĩ rằng một số chia sẻ sau đây sẽ giúp ích được phần nào cho bạn. Để bạn hiểu hơn về các yếu tố văn chương bạo lực và cách vận dụng chúng hợp lý để có những cảnh chiến đấu mãn nhãn.

Vì lý do bài viết khá dài nên tôi đã quyết định chia ra làm nhiều phần để các bạn dễ theo dõi hơn. Và trong phần khái quát lần này sẽ chứa những khái nhiệm cơ bản nhứt về dựng cảnh bao gồm các mục chính:

  1. THẾ NÀO LÀ CẢNH CHIẾN ĐẤU?
  2. CẤU TẠO CỦA MỘT CẢNH CHIẾN ĐẤU

[-0-]

1. THẾ NÀO LÀ CẢNH CHIẾN ĐẤU?

1.1. Cảnh

Là một bộ phận của một diễn biến truyện (Plot) mà trong đó sẽ diễn ra từng công đoạn diễn tả việc giải quyết một vấn đề do tác giả đặt ra và do các nhân vật thực hiện dưới một góc nhìn cụ thể. Một diễn biến truyện bao gồm một chuỗi các cảnh được kết nối với nhau thông qua các mối quan hệ dựa trên yếu tố không gian và thời gian. Khi bạn thực hiện việc giải quyết một vấn đề nảy sinh, bạn phải tạo ra các cảnh, đó là điều chắc chắn.

Thông qua việc thực hiện cảnh, bạn đã mang tới cho người đọc cái nhìn trực tiếp nhất đối với một diễn biến truyện ở mức độ thời gian thực.

Vì lý do giới hạn về mặt diễn đạt, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng việc triển khai cảnh trong văn học luôn diễn ra một cách tuần tự mà trong cùng một thời điểm của việc đọc, độc giả chỉ có thể theo dõi quá trình của một và chỉ một trong số chúng.

Việc xây dựng cảnh chia làm hai mức độ phụ thuộc vào không gian, bao gồm:

- Tiểu cảnh: Là việc sử dụng góc nhìn nhân vật (Ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba) để diễn tả một hiện tượng khách quan hoặc một chuỗi hành động của nhân vật nhằm giải quyết một diễn biến truyện diễn ra trong một thời gian ngắn và trong một không gian hẹp có liên quan tới tiến trình của diễn biến truyện.

Đơn vị nhỏ hơn của một tiểu cảnh được gọi là một phân cảnh.

- Cảnh đại hình: Thể hiện thông qua “góc nhìn thượng đế” (God) mang lại cho người đọc cảm giác tổng thể về mọi mặt đối với một hoặc nhiều tiểu cảnh. Cảnh đại hình cho thấy hiệu quả và mức độ tác động từ hiệu ứng của một tiểu cảnh nào đó lên tất cả các tiểu cảnh còn lại.

Về mặt cảm quan thực tế, các cảnh đại hình mang tới cho người đọc sự diễn đạt đơn giản ở mức tối thiểu nhưng lại đạt được hiệu ứng hoành tráng.

Có rất nhiều loại hình của cảnh, và tại thời điểm này chúng ta đang bàn về Cảnh Chiến Đấu.

1.2.Cảnh chiến đấu

Là quá trình diễn tả một sự kiện bạo lực hoặc một tập hợp các hành động diễn xuất đối kháng bạo lực của một hoặc nhiều nhân vật để giải quyết vấn đề trong một thời điểm và một mức độ không gian nhất định. Và trong bài viết ngắn này tôi sẽ tập trung chủ yếu vào các cảnh chiến đấu tiểu hình. Vì có thể các bạn không tin, nhưng sắp tới đây các bạn sẽ nhận ra cảnh đại hình trong chiến đấu kỳ thực rất đơn giản, tới mức có thể xem là… lừa đảo.

Rồi, khái niệm nhiêu đó được rồi. Tôi nghĩ là chúng vẫn chưa chuẩn lắm, nhưng cũng ở mức chấp nhận được.

2. CẤU TẠO CỦA MỘT CẢNH CHIẾN ĐẤU

Chúng ta đang nói về cảnh chiến đấu trên phương diện văn học. Nó khá là khác với nhưng gì bạn quan sát được trên thực tế (Đương nhiên, việc tường thuật bao giờ cũng chậm hơn hành động thực tế rất nhiều). Và là một người viết, bạn phải có được kỹ năng nắm bắt các yếu quyết của một cảnh, thẩm tách nó ra và đưa về các nguyên tắc cơ bản của diễn xuất. Và? Một cảnh chiến đấu thông thường sẽ dựa trên sự bài biện của các yếu tố:

- Bối cảnh (background): Là phông nền, nơi mà sự kiện bạo lực, diễn xuất đối kháng của các nhân vật diễn ra. Bối cảnh có thể là một căn phòng, một đống đổ nát, một phạm vi chiến địa, hải dương, vũ trụ… thậm chí, nếu bạn lười biếng, bạn có thể đặt một phông nền màu đen đơn giản và chỉ việc gọi nó là “không gian chiến đấu.”

- Nhân vật (Character): Là một thành phần trung tâm xuất hiện trong mọi cảnh chiến đấu với nhiệm vụ hoàn thành kịch bản chiến đấu thông qua hành vi diễn xuất trực tiếp, thể hiện hiệu ứng.

- Hành vi diễn xuất (Action): Tác giả thông qua các biện pháp thao tác ngôn từ bắt buộc nhân vật thực hiện một hành động mang tính diễn xuất khi đối mặt với một tiền đề bạo lực (sự đe dọa từ phía đối thủ, ý nghĩ bạo lực, mối nguy hiểm từ một hiện tượng khách quan…), hành động diễn xuất có thể mang tính chủ động  (hạ đối thủ, vượt qua sự kiện, tự sát…) hoặc bị động (chiến bại, không vượt qua sự kiện…) và qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của một diễn biến truyện. Hành vi diễn xuất biểu hiện thông qua hai loại:

Các động tác hình thể: diễn đạt chi tiết sức mạnh và năng lực đối kháng của nhân vật. Việc thể hiện động tác hình thể phụ thuộc rất lớn vào hiểu biết của tác giả về phương diện đối kháng cần miêu tả (Võ thuật, cơ giới, giải phẫu học, công trình học…)

Biểu cảm và diễn xuất phụ trợ: các cử động và biểu cảm của nhân vật nhằm hỗ trợ cho các động tác hình thể, qua đó tăng cường phẩm chất kịch tính của cảnh tượng chiến đấu (Nhe răng, trợn mắt, nín thở, gầm rú, lạnh lùng, sùi bọt mép…) khiến người xem cảm thấy chân thực hơn.

- Vật phẩm (Item): Là những đồ vật có khả năng tương tác được đưa vào cảnh diễn nhằm mục đích phụ trợ diễn xuất (Dao, kiếm, súng ống, roi da, nến, bàn ghế, quần đùi, nhân vật khác…), hỗ động sự kiện (một tảng đá, một quả bom, một đám mây, một vật thể khách quan không do nhân vật tác động…) nhằm đạt được ý đồ kết thúc cảnh chiến đấu.

- Góc độ quay chụp (Zoom): Là vị trí mà tác giả sắp đặt dành cho độc giả nhằm phơi bày tất cả những diễn đạt ngôn từ một cách hiệu quả nhất, lý tưởng nhất. Góc nhìn trong một cảnh có thể liên tục chuyển đổi giữa các nhân vật và bên thứ ba (người kể, người quan sát).

- Khung nhìn (Frame): Là một khái niệm đặc biệt về mặt thời gian của cảnh chiến đấu mà trong đó tất cả diễn biến bị ngừng lại để phục vụ cho một miêu tả chi tiết để tường thuật tất cả các yếu tố cần thiết với độc giả. Mục đích của việc triển khai khung nhìn là để mang lại sự nhấn mạnh mang tính kích động đối với tâm điểm của một sự kiện /diễn xuất bạo lực (diễn tả chi tiết hình ảnh của một thanh kiếm trong trạng thái đang tuốt khỏi vỏ, diễn tả cảm giác hồi hộp thót tim khi viên đạn sượt qua nhân vật chính trong đường tơ kẽ tóc…) nhằm thỏa mãn đòi hỏi về mặt tưởng tượng của người đọc.

- Hiệu ứng (Effect): Là phần đa dạng và phức tạp nhất của một cảnh chiến đấu, là các biện pháp ngôn từ mà tác giả sử dụng để làm nổi bật các hành động diễn xuất. Tương tự trong các loại hình nghệ thuật khác, hiệu ứng trong văn học chia hàm hai loại: thị giác (ánh sáng, vật thể, ảo giác…) và âm thanh (tiếng động hiện trường, giọng nói nhân vật).

Về cơ bản chúng ta có bấy nhiêu đó để phục vụ cho việc thiết kế một plot truyện. Và như đã nói ở trên, bạn tất yếu phải thành lập một thư viện ngôn từ riêng biệt dành cho chúng với một sự hệ thống hóa cao độ. Nếu không, bạn sẽ khó mà viết ra được một cảnh chiến đấu đủ sức thỏa mãn cảm quan của độc giả.

Trên đây là một số các khái niệm cơ bản mang tính lý thuyết để bạn có thể hình dung sơ bộ ra cấu trúc cơ bản của một cảnh chiến đấu thông thường. Tất nhiên những điều này có thể trông khá là cứng nhắc, nhưng tầm quan trọng cũng như cách vận dụng cụ thể đối với từng yếu tố trong số chúng sẽ nhanh chóng thể hiện ra khi chúng ta cùng tới với phần bài viết kế tiếp: Vận dụng các yếu tố của cảnh chiến đấu.

Và cũng phải nói trước, phần tới sẽ chẳng hề dễ thở nội dung như lần này đâu.


CHỦ ĐỀ GẦN ĐÂY:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Dựng cảnh chiến đấu: Các khái niệm chung”
    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears