Hôm nay chúng ta hãy cùng tới với một chủ đề khá ấn tượng trong viết lách và tôi đã quyết định thể hiện nội dung bài viết ngắn và nặng tính giải trí để các bạn đọc cảm thấy thư giãn hơn ha. Tôi nghĩ là không ít bạn cũng đã rõ ràng về vấn đề này, nhưng hẳn là vẫn có nhiều người chưa để ý. Nó chính là: Cách mở đầu một câu chuyện dành cho người chơi thể loại Phiêu Lưu có yếu tố Giật Gân.
Thể loại Giật Gân (tiếng Anh gọi là Thriller) là cách gọi dành cho thể loại tiểu thuyết văn học mô tả những nhân vật mang vai trò anh hùng với nội dung có tính mạo hiểm với những pha biểu diễn gay cấn và hồi hộp về tâm lý và cả hành động được thiết kế dành cho những độc giả yêu thích những màn rượt đuổi ngoạn mục, những suy luận đầu óc sắc bén và xử lý cơ bắp gai góc trong những tình huống căng thẳng thần kinh, những tình tiết phiêu lưu dồn dập đến nghẹt thở và những cảnh thoát hiểm trong các hoàn cảnh ngặt nghèo tưởng chừng không còn hy vọng.
Nói chung, thể loại Giật Gân, là phải… giật gân. Và chính vì bản chất của nó, có rất nhiều tay viết đã xăm mình lao vào lĩnh vực văn học này với ý nghĩ rằng mình sẽ viết ra được một câu chuyện đủ làm người đọc phải bùng nổ theo từng trang viết, nín thở dõi theo từng con chữ. Ngay cả việc các tác giả chuyên các thể loại khác về chủ đề Ảo Tưởng, Viễn Tưởng, Kinh Dị, Trinh Thám (À phải, tôi cá là rất nhiều bạn vẫn nghĩ rằng Trinh Thám hay Kinh Dị thường gắn liền với yếu tố giật gân)… cho tới khi phát hiện ra truyện mình viết bị độc giả chê tơi chê tả. Nhưng vẫn phải thấy là có một số khác đạt được những thành công đáng kinh ngạc khi chuyển sang viết truyện giật gân (tiêu biểu như với James Rollins một tác giả ăn khách hàng đầu của văn học Mỹ hiện nay với tuyệt phẩm The Sigma Force từng được xuất bản một phần tại Việt Nam, ông đã từng viết thể loại Kinh Dị và viết dở tới mức đã phải đem truyện của mình chôn đâu đó trong sân vườn và thề sẽ không để lòi nó ra trước mắt người đời khi nào còn sống).
Và tới đây mọi người đều phải thừa nhận rằng truyện Giật Gân không phải là một đề tài dễ xơi mà các cây bút non tay có thể tùy tiện chọc vào.
Tuy nhiên, vào thời nay, khi việc sáng tác đã trở nên dễ dàng hơn chúng ta luôn có cách thích hợp để diễn tả một hình tượng anh hùng nào đó – những người mà ý nghĩa tồn tại của họ được diễn đạt phù hợp với một môi trường xã hội cụ thể cũng như nguyện vọng của người đọc. Cũng vì thế, lý do để viết về một hình tượng người hùng không còn là một vướng mắc quá nghiêm trọng nữa.
Vậy, vấn đề nằm ở đâu?
Chính xác, nó nằm ở cách chúng ta hiểu thế nào là một câu chuyện giật gân đúng điệu. Bạn hiểu nó thế nào?
Nghe thì có vẻ như tất cả những điều trên đều có lý cả. Hẳn là có bạn đọc sẽ cho rằng tôi sắp phán: “Truyện giật gân sẽ bao gồm tất cả những yếu tố đó, mỗi thứ một ít.” Và có lẽ trong tình huống bình thường tôi cũng sẽ nói vậy, nhưng cả tôi và bạn đều biết rằng những cách hiểu trên ngay cả khi gom lại cùng một chỗ cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng ta trong việc tạo ra một tác phẩm Giật Gân hút khách. Bạn và tôi nên nhìn sâu hơn một chút, đơn giản hóa một chút để tìm thấy được các điểm mấu chốt của việc viết lách, rằng:
Một câu chuyện giật gân chính là một cuộc săn tìm sự thật kinh hoàng bị che đậy bởi ai đó.
Rất hiển nhiên, ai đó ở đây chính là các thế lực đối chọi được tác giả tạo dựng lên để cản trở nhân vật chính. Còn sự thật kinh hoàng là cách gọi dành cho hậu quả mà chúng ta có thể tìm thấy đằng sau một bí mật được ẩn giấu trong kịch bản. Và những thứ này luôn – được – báo – trước. Bạn phải cho người đọc cái mà họ muốn thấy.
Có chút xíu chú ý mà tôi nghĩ là mình nên đề cập với các bạn như một nhắc nhở: Giật Gân và Trinh Thám (Mystery) là hai thể loại nằm ở các phân mảng hoàn toàn khác nhau của truyện đọc. Mặc dù thể loại trinh thám có xu hướng mô tả về các vấn đề tội phạm là chính nhưng việc người ta điều tra một vụ bí ẩn nào đó không có nghĩa là quá trình này sẽ kéo theo các hiệu ứng bạo lực máu me đe dọa tới cuộc sống của anh/cô ta, cũng không có nghĩa là nội dung và tình tiết của vụ bí ẩn đó sẽ dẫn toàn bộ nhân loại này tới hồi bế mạc. Ví dụ? Nancy Drew (Edward Stratemeyer) và bà Marple (Agathar Christie) cũng là thám tử đấy, nhưng ai lại nghĩ tới việc để một cô thám tử học trò phải cưỡi xe phân khối lớn truy lùng kẻ buôn lậu vũ khí hay một bà cụ tỉnh lẻ ở tuổi xưa nay hiếm phải cầm hai tay hai khẩu Ingram mà xả đạn vào bọn tội phạm chớ? Đơn giản là làm vậy thì đúng là lố bịch hết chỗ nói.
Thêm một nhắc nhở cũng không kém phần quan trọng trong việc triển khai các tình tiết mang tính giật gân là: Hầu như không tồn tại yếu tố siêu nhiên nào dành cho nhân vật chính trong các truyện có yếu tố giật gân và anh/cô ta sẽ phải sử dụng những khả năng trong giới hạn của người thường để vượt qua những trở ngại trong câu chuyện. Điều này đã gần như là luật bất thành văn với việc sáng tác mà rất nhiều tác giả dù vô tình hay cố ý cũng đã lờ đi để rồi chuốc lấy thất bại. Lý do? Người Hùng và Siêu Anh Hùng là hai khái niệm nhân vật khác nhau, bạn không thể coi việc một võ sĩ biểu diễn sức mạnh cơ bắp hủy diệt trong cuộc chơi nhà trẻ lại là điều bình thường được.
Một câu chuyện Giật Gân thì phải có mở đầu mang tính giật gân chớ sao nữa. Và nhiệm vụ của bạn là phải viết cho bằng được cái đoạn mở đầu này. Trong phạm vi bài viết chúng ta sẽ thử xem xét một vài công thức thông dụng mà bạn có thể xài được ở đây:
Một sự kiện mang đậm các dấu ấn của các thời kỳ lịch sử với những mốc thời gian cụ thể, chứa đựng một bối cảnh hẹp phù hợp với việc diễn xuất của nhân vật khởi động (tạm gọi vậy) và nhân vật này có nhiệm vụ là đưa ra quyết định hoặc gây ra sự kiện ảnh hưởng xuyên suốt câu chuyện của chúng ta, thậm chí có khả năng quyết định cốt truyện. Nhưng bạn hãy nhớ rằng nhân vật này sẽ không được sử dụng cho các diễn biến nổi bật có liên quan tới nhân vật chính vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới mức kịch tính của toàn bộ câu chuyện – với một thể loại truyện mà kịch tính được xem như sức sống thì đó là hành động cấm kỵ.
Đây cũng là một trong những điều khiến một truyện Giật Gân khác với các thể loại phiêu lưu SFF (Sci-fi / Fantasy Fiction – Cách gọi tắt dành cho mảng truyện thể loại Khoa Học Viễn Tưởng hoặc Ảo Tưởng). Và nó cũng giải thích tại sao các nhà văn viết thể loại Viễn Tưởng hoặc Ảo Tưởng làm hỏng chuyện khi chuyển đổi thể loại, nếu không thay đổi thói quen mở đầu của mình một cách quyết liệt và cứ để quá trình tích lũy kịch tính bị xâm phạm thì thất bại là điều khó thể tránh khỏi.
Dạng mở đầu này cũng khá thông dụng, tuy rằng hơi khó điều khiển đối với những người mới bắt đầu. Trong hầu hết các trường hợp, những người viết thường lựa chọn vật phẩm có sức ảnh hưởng lớn hơn cả đối với toàn bộ câu chuyện kiểu như một xác chết, cổ vật, một đồ vật có hàm lượng công nghệ cao, một quyển ghi chép với nội dung chưa biết. Điểm chung của các vật phẩm này là chúng đều bốc mùi… nguy hiểm.
Để một mở đầu kiểu này đạt được thành công, rất đơn giản, và cũng rất khó: Bạn phải dùng tới một vật phẩm độc nhất vô nhị, cho dù đó là thứ đã từng được biết tới thì bạn vẫn phải bằng vào ngòi bút của mình để khiến nó trông kỳ bí – rùng rợn – khủng khiếp hơn nữa. Đi kèm theo đó là một lượng tri thức khổng lồ đủ để làm người đọc kinh ngạc. Bạn bảo tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề thành thứ rắc rối? À vâng, vậy bạn cho rằng các nhà văn ăn khách chỉ việc ngồi một chỗ và tưởng tượng ra mọi chi tiết học thuật cho một câu chuyện Giật Gân? Ý nghĩ đó mới trẻ trung làm sao (bạn có thể hiểu là tôi cố ý nói tránh). Tóm lại, khi sử dụng một vật phẩm dạng huyền bí, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng một tổ hợp kiến thức khoa học độc đáo về nó.
Tuy nhiên, yếu tố làm nên sự bí ẩn không nhất thiết phải tới từ ai/cái gì/sự kiện to tát nào. Kỹ thuật viết này vẫn cho phép bạn chọn một đồ vật hết sức bình thường kiểu như đồng xu, bút máy, một tấm ảnh chụp thất lạc, cúc áo… và sự thực là các đồ vật này thường gắn với… các loại sự kiện mang tính tai họa, những vụ mất tích bí ẩn …vv và vv…
Tôi luôn khuyến khích lối mở đầu này vì nó đòi hỏi một thái độ nghiêm túc của người viết đối với việc cân nhắc từng gram kích thích tố để nung nấu những chi tiết tầm thường trở nên sắc sảo cũng như sự liên tưởng thực sự mạnh mẽ mà bạn buộc phải vận dụng khi đã chọn chơi thể loại Giật Gân sẽ luôn thể hiện rõ ở đây. Nói một cách hình tượng, cách viết này giống như một sự đụng chạm vào câu chuyện về mặt cảm giác, những nhân tố ẩn về thiện ác và nhân văn dường như nhắc nhở người đọc rằng chúng tồn tại đâu đó trong tác phẩm để chờ đợi sự tìm kiếm của họ.
Đây cũng là một trong những phương án được các nhà văn hiện đại ưa thích sử dụng, đặc biệt là trong mảng tiểu thuyết. Bối cảnh đó có thể là tiệm cà phê, bên máy tính, trong công viên, nhà hàng, hội nghị… hoặc thậm chí là trên một chuyến xe dã ngoại bất kỳ. Bạn nên chọn một địa điểm công cộng mà bất kỳ ai cũng có khả năng lui tới để có thể đưa ra các tình huống khó hiểu. Và trong quá trình này, người viết sẽ phải đảm bảo rằng sự kiện khởi đầu cho cốt truyện sẽ tới từ bất kỳ hướng nào, dưới bất kỳ dạng nào mà người đọc khó thể ngờ tới hơn cả.
Đây là một kiểu mở đầu tương đối dễ ăn, tuy nhiên, một người viết vẫn có thể ngã ngựa nếu quá tự tin vào cách viết của mình mà quên mất rằng chúng ta không nên dài dòng cho một đoạn mở đầu. Đặc biệt là với những người viết thể loại Lãng Mạn hoặc thể loại Dành Cho Tuổi Mới Lớn, họ có khuynh hướng nhầm lẫn giữa đoạn mở đầu (prologue – dẫn nhập, đoạn bắt đầu câu chuyện mà bạn vẫn biết dưới dạng ngắn: ngày xửa ngày xưa. Đôi khi nó được thay bằng các Intro – lời giới thiệu) và chương khởi đầu (beginning – mốc đánh dấu việc nhân vật chính tham gia vào tiến trình của câu chuyện). Và cứ thế họ sa đà vào việc mô tả tâm trạng, cảnh vật, thời tiết các kiểu, các mối quan hệ này nọ, thậm chí tệ hơn họ mất tỉnh táo tới mức để lộ cốt truyện cho diễn biến tiếp theo – điều này là rất không nên. Bạn có thể nhận ra điều đó khi bỗng nhiên lại có một cuộc gặp gỡ giữa nhân vật chính với nhân vật đầu mối mà đáng lý ra nên để dành cho chương kế tiếp thì lại xuất hiện ngay tại những trang đầu truyện, kiểu vậy. Tất nhiên tôi không nói viết như thế là sai lầm hoàn toàn, nhưng bạn phải có một trình độ viết nhất định để dàn dựng một mở đầu mang tính giật gân.
Bí quyết dành cho bạn: Cũng là một điều rất hiển nhiên mà ai cũng có thể tìm thấy, bạn phải viết về mở đầu này giống như mô tả sự tĩnh lặng trước cơn bão, tư thế của một con thú săn trong tư thế rình mồi. Mọi thắc mắc của người đọc (Cái gì sắp xảy ra thế?) sẽ rơi vào hố sâu không đáy của sự im lặng.
Bạn cần một ví dụ kinh điển? Để coi… Hãy tưởng tượng ra cảnh:
Một đứa trẻ gạt nước mắt, ánh mắt kiên định, lầm lũi cất bước vào đêm tối trên con đường báo thù. Sau lưng là một tòa trang viện cháy rừng rực…
À vâng, đùa chút thôi (tôi có một người bà con rất là ghiền cái thể loại mở đầu kiếm hiệp này) chớ tôi tin là bạn cũng đã từng tiếp xúc với nhiều ví dụ về cách dẫn nhập này rồi. Thực tình mà nói thì thể loại mở đầu bằng hồi ức tuy không kinh điển nhưng vẫn khá là được ưa chuộng trong thể loại Giật Gân, đặc biệt là những câu chuyện về nhân vật trung tâm được đào tạo và sở hữu một hoặc một nhóm khả năng đặc biệt nào đó sau khi đã trải qua một quá khứ đen tối khắc nghiệt. Loại này thường phù hợp với các series tác phẩm dài hơi. Và vì tính cứng nhắc của bản thân cách triển khai này, phần mở đầu với việc hé lộ quá khứ của nhân vật chính thường khá là giống nhau với những đoạn ký ức đứt gãy mà phần lớn trong đó thể hiện sự đau đớn về mặt thể xác hay tinh thần. Nếu bạn muốn xây dựng một hình tượng nhân vật tài năng, u ám, khắc khổ, tàn phế, bất cần đời, trụy lạc… thì hiển nhiên đây chính là phương pháp mở đầu mà bạn đang tìm kiếm. Điểm chung mà ta có thể thấy được và bạn có thể tận dụng một cách hiệu quả là tìm cách che giấu các hồi ức đó như những bí mật song hành với nhân vật tới phút chót. Bạn có thể làm ra vẻ như anh/cô ta tìm cách từ chối việc ghi lại những ký ức đó, hoặc lưu giữ chúng theo kiểu đào sâu chôn chặt và biến chúng thành ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể chỉ cần khiến cho nhân vật của bạn… mất trí nhớ luôn, và thế là bớt được khoản giải thích dài dòng không cần thiết.
Cách làm này có vẻ máy móc và thiếu tính sáng tạo. Song đôi lúc nó lại cứu câu chuyện của bạn khỏi bàn thua trông thấy. Bởi thông thường với các series dài tập, theo thời gian người đọc sẽ cảm thấy chán với các diễn biến trong truyện và điều có thể giữ chân họ lại trong lúc chờ đợi một luồng gió mới tới với tác phẩm chính là các khúc mắc về quá khứ của nhân vật.
Tại sao tôi lại dùng cụm từ Nhân Vật Trung Tâm? Bởi đôi khi cũng xuất hiện những câu chuyện mà người đọc lại dành sự quan tâm hay thậm chí là say mê với một nhân vật phụ, thậm chí là “vai ác” trong truyện (Bạn nghĩ sao về James Moriarty trong tác phẩm Sherlock Homes của Conan Doyle? Ông ta có rất nhiều fan hâm mộ trên toàn thế giới đấy). Và việc lựa chọn nhân vật trung tâm cũng là một nét đặc sắc của câu chuyện mà tôi sẽ đề cập kỹ càng hơn vào một dịp khác.
Tại điểm này sai lầm của người viết, đặc biệt là những người viết chuyển thể thường sẽ bộc lộ ra, vẫn vì lý do quán tính. Họ có xu hướng phú cho nhân vật của mình một khả năng phi phàm mang tính siêu nhiên. Mà như đã nói ở trên, một trong những điều phải biết khi làm việc với thể loại Giật Gân chính là năng lực của nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính, chúng chỉ nên nằm trong giới hạn tâm sinh lý mà cơ thể người có khả năng thừa nhận. Khi việc tô vẽ này trở nên quá đà, người đọc sẽ chỉ dành cho câu chuyện của bạn một từ thôi – vớ vẩn.
À há, đây chính là một trong những kiểu prologue “ăn gian” nhất mà người ta có thể biết tới. Bởi vì nội dung những sự kiện diễn ra trong một dẫn truyện như thế dụ có khó tin hay vặn vẹo tới cỡ nào đi chăng nữa thì đều sẽ được chấp nhận chỉ vì lý do: Nằm mơ thôi mà. Bạn có thể thấy rằng cách làm này hầu như thể hiện ra đặc điểm của tất cả các cách dẫn nhập đã được đề cập ở phía trên nhưng lại mang tính chất hư cấu khá rõ ràng.
Điểm hay ho của cách viết này là bạn chẳng cần tốn công thanh minh với độc giả về tính chân thực của nội dung dẫn nhập (Mơ thôi mà, trong mơ mọi chuyện đều có thể xảy ra).
Viết thế nào? Chúng ta có một giấc mơ kỳ lạ về con chuột nhỏ nhảy múa trên đỉnh kim tự tháp, hoặc cảnh một cô nàng với nụ cười ma mị đứng nơi cuối giường của bạn vào lúc nửa đêm, miệng thì thầm không ngừng nhắc bạn về điều gì đó qua lời hát mà còn – khuya – bạn – mới – nhớ – nổi. Và bạn sẽ tìm ra một thứ logic nào đó để khiến những thứ như vậy trở nên ăn nhập với các sự kiện xảy ra trong câu chuyện. Cách làm này sẽ khiến các tình tiết truyện trở nên khó đoán hơn, song lại giàu sức liên tưởng hơn. Điều mấu chốt là bạn biết dừng lại ở đoạn nào và khéo léo bao nhiêu trong cách dẫn dắt độc giả lướt qua những mối liên hệ tưởng như ngẫu nhiên nhưng luôn có cách để giải thích giữa mơ và thực.
Như bạn thấy đấy, đoạn mở đầu cho một truyện thể loại Giật Gân là rất quan trọng. Nó chính là yếu tố chủ chốt mà người đọc sẽ dựa vào nhằm lập tức xác định xem bạn có phải là một cây bút đáng tin cậy để họ có thể gửi gắm niềm tin hay không. Và cũng như một người hùng trong câu chuyện phiêu lưu, bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức để sống sót qua cửa ải đầu tiên này. Chúng ta có một vài mánh khóe để lấy làm lợi thế nhưng bạn vẫn phải luôn cẩn thận nắm chắc những tiềm năng mà một mở đầu có thể mang đến cho câu chuyện để có lựa chọn xác đáng hơn cả. Dựa trên những nền tảng đó, bạn hãy bằng vào khả năng biến tấu của mình đối với ngôn từ và các thiết lập để tạo ra được một prologue thỏa mãn được với quy mô của câu chuyện.
Tới đây tôi có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm từ bản thân rằng trong vai trò là một người viết có đôi khi bạn có thể viết ra được một mở đầu rực rỡ tới nỗi ánh sáng của nó sẽ xuyên suốt qua toàn bộ câu chuyện, dẫn lối cho hành trình của các nhân vật đến tận cùng trên một con đường đầy cảm xúc đến với trái tim của người đọc. Hãy luôn tìm kiếm trạng thái đó vì sự phấn khích tuyệt vời không thể tả mà nó mang lại.