Tìm hiểu và xử lý Cốt Truyện

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, June 5th, 2017

Tiếp tục loạt bài về Kỹ Thuật Viết Truyện. Trong bài viết lần này chúng ta sẽ cùng tiếp cận với một số kiến thức cơ bản khác trong kỹ thuật viết: Cốt Truyện. Hẳn là nội dung của nó sẽ khá là khô khan với những bạn đọc không thích ràng buộc nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng chúng ta đang nói về vấn đề kỹ thuật viết nên đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng như mọi bài viết khác trước đó, bạn sẽ tìm được những tổng kết hết sức ngắn gọn và mang tính yếu quyết nhưng không kém phần quan trọng của việc sáng tác mà rất có thể bạn đã bỏ qua vì lý do nào đó. Tôi mong rằng những yếu quyết này sẽ giúp bạn củng cố các kỹ năng xây dựng cốt truyện của mình vững chắc hơn, giảm bớt được những rắc rối trong quá trình thiết kế một mạch truyện. Bởi vì?

Điều bắt buộc phải có ở một cốt truyện không gì khác hơn là sự hoàn chỉnh.

Bài viết sẽ bao gồm các mục về:

  • Cốt truyện và tầm quan trọng của cốt truyện
  • Thủ thuật xử lý cốt truyện.

1. CỐT TRUYỆN VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CỐT TRUYỆN:

Có rất nhiều tác phẩm truyện ngắn thực sự không chứa cốt truyện nào, nhưng người ta chỉ có thể đạt được thành công khi người viết nắm được tầm quan trọng của một cốt truyện. Chính xác, tôi đã gặp rất nhiều tác phẩm loại này và phải nói rằng rất ít trong số chúng tạo ra được ấn tượng về mặt thực tế. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng mỗi tác phẩm nổi tiếng về mặt này đều là những thành quả đầy tính kinh nghiệm. Và những người viết ra thành quả đó tuyệt đối phải nắm vững về mặt cốt truyện. Nghe có vẻ mâu thuẫn? Thực ra rất dễ hiểu, chỉ khi bạn nắm được hiểu biết đầy đủ về cốt truyện bạn mới có khả năng cắt xén, rút tỉa nó từng chút một cho tới khi không còn tồn tại cốt truyện nữa. Đừng động chạm tới công đoạn này khi bạn chưa đủ khả năng.

Tới đây cũng phải nói một chút, tôi thấy rất phấn khởi khi nghĩ về chuyện mình đã có thể níu kéo sự chú ý của bạn với bộ hướng dẫn này tới tận bây giờ. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết mức có thể để không lạm dụng sự tử tế và kiên nhẫn của bạn.

Giờ chúng ta hãy nghĩ một chút với tư cách của một người đọc. Đôi khi trong quá trình đọc một cuốn sách chúng ta phát hiện ra sự kệch cỡm nào đó phát sinh giữa các tình tiết hay câu chữ, sự bất hợp lý khiến bạn khó chịu. Những thứ đó được định nghĩa như một thứ sạn cát xen lẫn trong món ăn tinh thần, nó khiến người ta thấy mất ngon. Và trên tinh thần của chủ nghĩa nghi ngờ, không một câu chuyện nào là hoàn hảo cả. Nếu một người đọc không nhận thấy điều đó thì chỉ có thể là do họ chưa đủ khả năng để nhận ra chúng mà thôi.

Và những hạt sạn đó, nói cho cùng chúng tới từ đâu? Đây là thắc mắc tôi dành cho bạn, hãy thử một chút với nó.

Các tác giả suy nghĩ khá nhiều về điều này, và thực khó chấp nhận khi chúng ta phát hiện ra rằng nguồn gốc chủ yếu của các tì vết này tới từ cốt truyện. Đôi khi, những sai lầm này là không thể cứu vãn, cũng như một sợi tóc trong tô có thể làm hỏng cả một món canh khai vị ngon lành vậy, sẽ càng khủng khiếp hơn khi người dùng bữa bắt đầu tự hỏi liệu thứ họ vớt ra được là tóc hay là thứ gì đó tồi tệ hơn? Tới lúc đó thì đúng là bạn – tiêu – rồi.

Không đùa nữa. Thực ra chỉ cần bạn không quá tự tin rằng câu chuyện của mình là một tác phẩm hoàn hảo thì mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Tiếp theo chúng ta bắt đầu từ đâu đây? Tôi nghĩ là bạn nên có một chút kiến thức về cốt truyện. trước khi bàn sâu hơn về nó.

Tìm hiểu về cốt truyện:  Đây là thứ duy nhứt trong kỹ thuật viết lách không thể dùng định nghĩa cụ thể để hình dung vì bản thân nó đã nói lên tất cả. Vì vậy, đôi khi bạn rất dễ lầm lẫn nó với một Kịch Bản trong khi thực tế hai thứ này khác xa nhau. Bạn có thể hiểu đơn giản rằng Cốt Truyện chính là sự cụ thể hóa của một ý tưởng ban đầu. Một Ý Tưởng là khởi điểm cho tất cả, và vì nó là một điểm cho nên – Bạn biết định nghĩa về điểm trong toán học rồi phải không? Nó không có kích thước hay một hình dạng cụ thể nào, không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể chạm vào bằng xúc giác. Nó là vị trí mà bạn chỉ có thể biết là nó có tồn tại ở đó, một cách dĩ nhiên. Khi đó, cốt truyện thể hiện vai trò của nó như một lớp khung định hình bọc bên ngoài ý tưởng, tạo cho bạn khả năng nhìn thấy và sờ mó vào ý tưởng. Hãy lấy một ví dụ cụ thể, bạn ngồi trước bục gỗ và biết rõ ý tưởng về một tượng thạch cao đang nằm trên đó, nhưng bạn chỉ có thể chạm vào nó và có khả năng thao tác khi khung thép được đặt trùng vào nơi bạn ước lượng chiều cao và tư thế, tại nơi bạn có điều kiện uốn các sợi kim loại theo hình dạng của tác phẩm trong ý  tưởng. Và cốt truyện cũng giống khung sắt vậy, bạn dùng mô hình cơ bản đó như một môi trường trung gian để kết dính các vật liệu viết lách của mình thành một câu chuyện. Bạn có thể chạm vào cốt tượng từ các sợi kim loại, thì giờ đây với cốt truyện, bạn đã có thể dùng giác quan của mình với các ý tưởng.

Nếu không có cốt truyện, cũng như việc bạn nặn một bức tượng mà chẳng có cốt tượng vậy. Bạn cố tình làm điều đó dù biết trước rằng khả năng đổ vỡ tại vị trí mấu chốt nào đó có thể sẽ là trăm phần trăm.

Sẽ có bạn đọc nào đó cười vô mặt tôi rằng tôi vừa gây ra mâu thuẫn khi so sánh những lời vừa rồi với chính cái ví dụ về những truyện ngắn không chứa cốt truyện ở đầu phần này. Có thể bạn đã quên rằng tôi đã bảo đó là những sản phẩm đầy kinh nghiệm không thuộc về một tay mơ hay loại thiên tài nào đấy. Tác giả viết ra các câu chuyện như thế đã có quá rõ về cốt truyện rồi, nắm rõ tới nỗi họ nhận ra các khuyết điểm trong một câu chuyện không có cốt truyện chỉ trong chớp nhoáng và có đủ năng lực để bổ cứu hoặc tránh né nó ngay từ đầu. Những truyện như thế một khi được công nhận thường có một kết cấu hoàn chỉnh tới nỗi chúng ta không thể tìm ra cách bắt bẻ từ đầu tới cuối dù là một câu hay một chữ.

Nghĩa là? Một người viết bắt buộc phải có ít nhiều kiến thức về cốt truyện, càng biết về nó nhiều bao nhiêu thì quá trình viết sẽ chắc chắn bấy nhiêu.

Không bao giờ có lập luận sai cho một tác phẩm, chỉ có lý luận hợp lý và nhất quán hay không mà thôi.

2. XỬ LÝ CỐT TRUYỆN:

Đây là một phân đoạn khô khan, nặng về kỹ thuật và dài dòng kinh khủng. Tôi sẽ cố gắng để chúng trở nên thú vị… Ưm, thú vị, tôi muốn vả vào mặt mình một cái khi cho rằng mình có thể làm thứ kiến thức gạch ngói này có thể mọc cánh.

Như đã nói, hiểu biết của bạn về cốt truyện càng nhiều bao nhiêu thì truyện của bạn sẽ chắc chắn bấy nhiêu. Và trong phần này, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khái niệm: Mạch Truyện (Storyline), Diễn Biến (Story Plot), Tình Tiết (Action), Lý Luận (Logic)… cả đống thuật ngữ. Đáng ngạc nhiên, những thứ đó lại nằm trong một loại chuẩn mực hẳn hòi.

Tốt nhứt, bạn nên biết về chúng như những công thức bùa chú mà bạn sẽ phải lảm nhảm suốt những năm tới trong sự nghiệp viết lách của mình hơn là tìm cách ăn sẵn. Bạn không thể ăn một cái bắp cải còn nằm trên luống.

Trước hết chúng ta có một ý tưởng chủ đạo cho câu chuyện và bạn bắt đầu kéo khung cho nó bằng cách?

Giới hạn điểm đầu và điểm cuối – Mở đầu và kết thúc. Thực buồn cười, và cũng thực phổ biến làm sao khi mà hầu hết người cầm bút trên thế giới đã mở đầu một câu chuyện mà không biết được mình nên kết thúc ở đâu và vào lúc nào. Vì vậy, tôi xin phép được đề nghị bạn đừng phạm phải sai lầm trẻ con này. Hãy cho câu chuyện của bạn một kết cục ngay trước khi bắt đầu viết, đừng hành hạ nó quá đáng chỉ vì lòng tự tôn. Tin tôi đi, nó chẳng ảnh hưởng gì tới các sáng tạo của bạn đâu.

Dựng Điểm Ngắt – Một câu chuyện cần phải có điểm ngắt hợp lý, giống như những nhịp thở giữa lúc vận động vậy. Nó cho phép cả tác giả lẫn người đọc đều có được sự thư giãn cần thiết để đi tới tận cùng của câu chuyện. Trong truyện dài, chúng thường xuất hiện dưới hình thức Chương(Chapter), Phần(Part), nhưng khi bàn về truyện ngắn thì khác, bạn buộc phải dùng chiến thuật tuần tự mà trong đó các điểm ngắt có thể là bất kỳ tình tiết nào, bất kỳ đâu, chỉ cần bạn coi nó là điểm ngắt và cố định nó lại, vậy là đủ. Nhiệm vụ của bạn là khởi tạoghi nhớ chúng, càng nhiều càng tốt. Và tất nhiên, tôi không cần nhắc với bạn là phải xếp chúng theo trật tự để câu chuyện không trở nên đần độn, phải không?

Với ví dụ về ý tưởng truyện “Thư viện trên mạng,” tôi nghĩ là trông nó đại khái như thế này:

Mở Đầu: Khởi động máy tính.

Điểm ngắt: Trang web lạ - lời mời – sự cố - nhóm người lạ - dữ liệu bí mật – Công thức – Vệ tinh rơi…

Kết thúc: Tắt máy, đi ăn cơm.

 Hơi hài hước, trông những gì tôi viết ra có vẻ ngớ ngẩn và đích thực trong thời điểm này chúng chả có ý nghĩa gì cả. Nhưng tôi không quan tâm. Ai cần viết ra sự kiện hoành tráng chỉ với mục đích đánh dấu? Cái tôi cần là các mốc diễn biến được thiết lập chính xác giữa mở đầu và kết thúc. À phải, kết thúc trông có vẻ cũng nhảm nhí không kém, tôi cá là không ít người đọc đang nghĩ vậy. Vậy đã sao? Tôi chưa quan tâm gì về yếu tố hay/dở cả. Cái gì cũng có lúc của nó.

Như vậy chúng ta đã có một Mạch Truyện ở dạng sơ khai. Mạch truyện, như bạn thấy, chính là một quá trình xuyên suốt của việc thiết lập cốt truyện trên nền ý tưởng từ điểm mở đầu cho tới điểm kết thúc. Sự xuyên suốt này được đảm bảo bởi số lượng của các điểm ngắt.

Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy việc đặt điểm ngắt sai chỗ sẽ khiến cốt truyện trở nên vòng vèo vô nghĩa, và một câu chuyện có mở đầu mà không có kết thúc từ trước sẽ khiến bạn kiệt sức như thế nào.

Quay lại với mạch truyện của chúng ta. Có đôi khi tôi sẽ dùng cụm từ Storyline để thay thế, chủ yếu là nhằm mục đích để bạn quen mắt hơn thôi. Nếu bạn dùng bút vẽ nó ra thành hình dạng cụ thể trên giấy (tôi đã nói rồi đó thôi, chỉ khi bắt đầu thiết lập cốt truyện bạn mới làm được loại việc này) bạn sẽ thấy trông cốt truyện giống với quãng đường dẫn từ lối vào tới trước mặt nhân viên bán vé ở rạp chiếu phim và mạch truyện thì trông chẳng khác nào một dãy rào chắn trước cổng mua vé vậy. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn thế, để thấy được hình dạng thực sự của ý tưởng, và công cụ để làm điều này chỉ có thể là:

Các Diễn Biến, hay còn gọi là các Plot.

Về Diễn Biến, chúng ta nên bỏ chút thời gian nghiên cứu một chút về mô hình thông dụng hiện nay. Sở dĩ nói đây là việc nên làm là vì trước sau gì bạn lại chả tìm thấy nó, có chăng là sớm hay muộn mà thôi. Tôi sẽ dùng kiến thức thông dụng từ wikipedia cho đoạn này, chủ yếu là do cách giải thích cá nhân của tôi cũng chẳng có khác biệt gì. Và thành thực mà nói, bạn chỉ cần đọc lướt qua để nắm lấy các ý chính. Khi viết tới phần này, tôi thấy ớn kinh khủng nhưng vẫn phải viết. Bạn có thể hình dung tôi đã phải đấu tranh nội tâm cỡ nào với cái ý nghĩ khuyên bạn đọc nó kỹ càng hay dẹp nó đi cho rồi. Vì tôi biết, phần lớn các bạn đọc đã cảm thấy mình bị dạy dỗ trong trường học thế là quá đủ rồi, và tôi cũng không có ý định trở thành giáo viên của các bạn.

Các lý giải của Aristotle về diễn biến.

Ô vâng, nếu đã từng tham khảo qua bộ môn triết học bạn sẽ biết Aristotle là một người rất nổi tiếng. Nổi tiếng bởi những triết lý đa hình, và tài hùng biện. Chúng ta, những người viết truyện không cần phải biết nhiều về những suy nghĩ lớn lao của ông ta, chỉ cần biết những thứ sau đây:

Theo Aristotle, diễn biến mới là thứ chiếm vị trí quan trong nhất trong một tác phẩm văn học. Nó quan trọng hơn cả nhân vật chứa trong câu chuyện đó. Một câu chuyện phải có một diễn biến (âm mưu), nó phải có khởi đầu, giải quyết và kết thúc. Và các sự kiện bên trong nó phải có tính nhân quả với nhau để có thể xảy ra.

Cũng theo Aristotle. Điều quan trọng hơn cả của một tác phẩm chính là khả năng mà một diễn biến có thể khơi dậy cảm xúc, ảnh hưởng tới tâm lý của người đọc. Trong các bi kịch, những cảm xúc đó có thể là thương hại, buồn, giận dữ, sợ hãi… được ông cường điệu hóa với tài diễn đạt của mình.

Tiếp theo đó, Aristotle đã dựa trên những điều này để triển khai những tư liệu, phát triển nhân vật… vẽ ra các tình cảnh bi đát, các lỗi lầm mà nhân vật sẽ gây ra để tạo nên trạng huống thảm khốc cho câu chuyện. Minh họa cho điều này, Aristotle đã lấy một ví dụ về việc nhân vật chính đã bị đẩy tới con đường giết hại những người thân trong gia đình mình.

Chẳng biết bạn cảm thấy như thế nào, nhưng nói thực là những điều viết ở trên với tôi giống như nước đổ đầu vịt vậy. Và tôi không phải học trò xuất sắc về bộ môn liên tưởng. Những điều tôi có thể rút ra được từ đây và vắt sạch nó thành kết luận khô khan: Ông ấy giỏi nói chuyện, ông ấy có một lựa chọn về thể loại sở trường, và sau cùng là các mối quan hệ giữa những thứ nằm giữa điểm khởi đầu và điểm kết thúc của một câu chuyện thực sự quan trọng, trong quá trình đó cần phải cân nhắc vấn đề tâm lý nhân vật.

Tôi tự hỏi Aristotle sẽ còn phát biểu ra sao nếu ông ta xăm mình xông vào lĩnh vực văn học hài hước? Đa phần những điều Aristotle nhắc tới đều cực kỳ hợp lý sau khi đã phân loại lượt bỏ hết sạch các ngôn từ hoa mỹ. Bạn không thể trách cứ vị thầy giáo của nhân loại (trong triết học) về sự lẫn lộn một cách cố tình giữa kỹ thuật viết, Logic và các kiến thức về tâm lý học bởi vì vào thời Hy Lạp cổ, cái thời của tín ngưỡng đa thần ấy người ta phải nhồi nhét các yếu tố siêu hình vào khoa học để có thể tạo ra một món ăn tinh thần thập cẩm đầy tính huyền bí và thấm đẫm các triết lý để thuyết phục được người nghe.

Freytag lý giải về Plot:

Gustav Freytag chia cấu trúc của một diễn biến trong truyện ra làm năm phần, kiểu như năm giai đoạn của một hành vi bao gồm: Dẫn Nhập (Exposition) – Cao Trào (Rising Action) – Đỉnh Điểm (Climax) – Thoái Trào (Falling Action) – Giải quyết vấn đề (Resolution).

Trong đó chúng ta có thể hiểu:

Dẫn Nhập: một quá trình thiết kế ban đầu với việc đặt để các nhân vật có liên quan vào diễn biến. qua trình này diễn tả mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau, các mục tiêu, động lực, tính cách… Người đọc luôn có thể đặt câu hỏi về bất cứ thành phần nào trong số này và theo đuổi một hướng giải quyết nào đó của riêng họ. Quan trọng, người đọc phải biết rõ về nhân vật chính, và nhân vật chính phải biết rõ về các mục tiêu của mình và những mối đe dọa ảnh hưởng tới các mục tiêu đó.

Tôi có thể giải thích những dòng in nghiêng cho ai còn rối rắm: Khi bạn đọc về nhân vật chính và nhờ vào rất nhiều góc độ phân tích tương quan, bạn biết rõ về các nhân vật này còn hơn cả chính bản thân anh/cô ta. Trong khi đó, bạn chỉ có thể chờ đợi theo dõi những dòng đọc kế tiếp trong phần dẫn nhập để biết được những gì nhân vật chính sắp thực hiện, những ý nghĩ của anh/cô ta – chính là những thứ mà chỉ có bản thân nhân vật chính mới biết được. Và? Freytag nhấn mạnh cách làm quan trọng này trong một diễn biến. Vậy thôi, quá đơn giản.

Và, dẫn nhập trong một diễn biến kết thúc bằng tình huống mở màn cho xung đột diễn ra.

Cao Trào: Trong kết cấu năm pharse của Freytag, nó bắt đầu bằng cái chết của một nhân vật, hoặc một cuộc xung đột (Conflict).

“Xung đột” Theo định nghĩa của Freytag khác so với cách hiểu về “xung đột” của một nhà văn nổi tiếng khác Thomas Quiller-Couch. Trong khi Quiller Couch sử dụng “xung đột” như một khái niệm để diễn tả sự đối đầu kiểu như giữa một người với xã hội… thì Freytag tập trung diễn tả nó thông qua cách đơn giản hơn: Ông ta bắt đầu cho các nhân vật tìm cách chống lại lẫn nhau sau khi đã dẫn nhập về họ.

Nói chung, giai đoạn Cao Trào này rất nóng nảy và nó thể hiện quá trình nhân vật chính tìm cách vượt qua một trở ngại do sự cố xung đột kích động. Vậy thôi, Freytag diễn tả dài dòng, còn tôi thì rút lại chừng đó.

Đỉnh điểm: Là điểm mà cao trào được đẩy lên tới bước ngoặc thông qua một sự kiện diễn ra bởi quyết định của nhân vật chính. Quyết định này mang tính duy nhất. Và kịch tính tại điểm này là cao nhứt. Freytag cho các nhân vật của mình đấu tranh lẫn nhau và kết quả là hành động chấm dứt quá trình đấu tranh đó, nhân vật chính của diễn biến có thể thắng, thua, có khi chả có thẳng thua gì cả, hoặc lại bắt đầu một cuộc đấu tranh khác cho tới khi nào giải quyết sạch sẽ các xung đột với đối thủ thì thôi.

Quá trình này chấm dứt bằng việc nhân vật chính loại bỏ được cản trở trong diễn biến dành cho mình.

Thoái trào: Giai đoạn “hạ nhiệt” cho diễn biến. Nó là một quá trình thả lỏng, rơi, trượt gì đó của câu chuyện sau một màn kích động. Nhưng đây cũng là nơi mà các tác giả dễ làm hỏng chuyện hơn cả.

Với Freytag, đây là thời điểm các nhân vật phản diện trong diễn biến có lợi thế hơn. Nhân vật chính không thể nào hoàn thành trọn vẹn được mục tiêu của mình, cái ác vẫn tồn tại (dù trong diễn biến bi kịch hay hài kịch) và nhân vật chính còn có nhiều điều phải làm. Lý do rất dễ hiểu là với tư cách tác giả, Freytag đặt nhân vật chính vào trạng thái căng thẳng rằng anh ta đã ở đúng chỗ làm đúng việc hay chưa và không có ý định để người đọc biết tỏng về kết thúc ngay trước khi xem xong.

Giải quyết vấn đề: Nơi diễn biến kết thúc, bí ẩn của nó được giải quyết. Đây là sân chơi của các yếu tố nghệ thuật phông nền, các hiệu ứng kèm theo với sự kiện chấm dứt diễn biến.

Có thể thấy khi quy mọi thứ về bản chất thì một diễn biến cho dù lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, sâu hay cạn, đó chỉ là một quá trình đặt ra và giải quyết một vấn đề mà thôi.

Tới đây tôi nhứt định phải nói về cảm giác của buồn nôn thường trực của mình khi phải sử dụng các ví dụ của Aristotle và Freytag để minh họa. Những giải thích của họ chiếm hơn hai trang viết và làm rối loạn cả phần này. NÓ LÀ HƯỚNG DẪN DO TÔI VIẾT MÀ.

Quỷ thần ạ, giờ thì tôi đã có thể hít thở không khí trong lành và đá họ ra khỏi tập tài liệu này. Biết làm sao được, những lý giải của tôi không khác gì so với họ, và họ thì được cả thế giới công nhận trong khi tôi thì không.

Tóm tắt về Diễn Biến: Một diễn biến về mặt kỹ thuật sẽ có năm bước như đã nhắc ở trên. Và vai trò của diễn biến trong một mạch truyện là để tạo sự thay đổi. Một mạch truyện có thể bao gồm một hoặc nhiều diễn biến lồng vào nhau, kết nối hay cùng tồn tại song hành, theo lý giải cá nhân của tôi: Diễn biến là một quá trình liên tục của việc đặt vấn đề và giải quyết vấn đề dựa trên các quan hệ cụ thể.

Và, lời khuyên dành cho tất cả những ai chưa biết cách, hoặc chưa làm đúng cách: Trong một câu chuyện, mỗi diễn biến đều phải được giải quyết dứt điểm. Đây là luật bất thành văn làm nên sự hay/dở của mỗi câu chuyện.

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể với ý tưởng truyện về Thư Viện Mạng, một diễn biến tổng thể theo kiểu thường gặp:

Dẫn nhập: Nhân vật chính rời khỏi nơi trú ẩn của người nắm giữ chìa khóa duy nhứt cho phép truy cập vào thư viện tài liệu với quyền truy cập tối cao. Anh ta bị phát hiện và vì nắm trong tay bí mật đó.

Cao trào: Anh ta bị bắt bởi những người muốn có được chìa khóa mật mã đó, anh ta phải trốn thoát trước khi mọi việc quá muộn, anh ta phải lên một kế hoạch và thực hiện nó.

Đỉnh điểm: Kế hoạch được thực hiện cùng với sự va chạm nảy lửa giữa nhân vật chính, anh ta tìm thấy một chiếc ca nô, ngay lập tức anh ta nhảy lên nó, ngay khi đối phương tìm thấy anh ta.

Thoái trào: Nhân vật chính điều khiển ca nô chạy đi, trên con đường thoát khỏi hang ổ của những người lạ. Anh ta vẫn đang gặp nguy hiểm, không ai biết anh ta có thoát được hay không, và anh ta có thể ngăn chặn chuyện xấu tiếp tho hay không.

Giải quyết vấn đề: Nhân vật chính trốn thoát trong gang tấc, chạy ra sông lớn và lẫn vào đám đông tàu thuyền tấp nập. Sau đó anh ta lên bờ và hướng tới tình tiết tiếp theo.

Hoặc, sử dụng một ví dụ cho thấy một diễn biến nội bộ khó nhận thấy hơn:

Dẫn nhập: Nhân vật chính rời khỏi quán ăn trong trạng thái lo lắng, lẩm nhẩm ghi nhớ về đoạn mật khẩu anh ta vừa nhận. Anh ta không nhận ra mình đã bị phát hiện.

Cao trào: Nhân vật chính bước vào một con hẻm tối, và lập tức lọt vào sự bủa vây.

Đỉnh điểm: Nhân vật chính bị hạ gục bằng một đòn đánh vào gáy.

Thoái trào: Nhân vật chính bị lôi lên một chiếc Lamborghini màu vàng.

Giải quyết vấn đề: Anh ta chuếnh choáng nghĩ về các khả năng tồi tệ trước khi mất đi ý thức.

Có thể thấy khi quy mọi thứ về bản chất thì một diễn biến cho dù lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, sâu hay cạn, đó chỉ là một quá trình đặt ra và giải quyết một vấn đề mà thôi.

Còn một khái niệm nữa có phần trừu tượng mà bạn cần biết: Lập luận, hay còn gọi là Logic. Nó liên quan tới tinh thần và định hướng của tác phẩm. Về cơ bản, lập luận là điều bạn phải đưa ra để đảm bảo sự hợp lý trong cốt truyện của mình, nó bao gồm các giải thích xen kẽ, các bối cảnh, phông nền để lấp đầy những lổ hổng trong mạch truyện. Và tất nhiên, việc bạn làm khán giả thích truyện của bạn hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng cày xới của bạn trong logic (Tôi gọi đùa rằng thực tế đó là một quá trình phét lác đầy nước bọt của tác giả để rù quến người đọc). Không bao giờ có lập luận sai cho một tác phẩm, chỉ có lập luận hợp lý và nhất quán hay không mà thôi.

Bạn phải nhớ, logic trong mỗi tác phẩm của bạn đều khác nhau, do đó chỉ có một cách để làm tốt công việc này là xem xét mọi thứ dưới góc độ khoa học. Mọi cảm xúc và sự cảm tính nảy ra trong lúc triển khai lập luận cho một tác phẩm là biểu hiện mất tỉnh táo gây ảnh hưởng xấu tới tính hợp lý và nhất quán. Điều này chắc chắn chả có liên quan gì tới cụm từ “sáng tạo” cả. Việc gán ghép chúng với nhau chỉ tổ khiến ý tưởng của bạn bốc mùi thối rữa.

Tới đây, tôi cho rằng bạn đã phần nào nhận thấy lợi ích từ việc hệ thống hóa các kiến thức về cốt truyện có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức như thế nào trong quá trình thiết kế một cốt truyện. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói trong phần này để tăng hiệu quả trong câu chuyện của bạn: Hãy xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh trước khi bắt đầu đặt bút.


CHỦ ĐỀ GẦN ĐÂY:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Tìm hiểu và xử lý Cốt Truyện”
    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears