CaffeineFX
•  Nhật ký vũ trụ của Ijon Tichy

Cuộc phiêu lưu thứ hai mươi hai


Chia sẻChia sẻChia sẻ

Hiện giờ tôi rất bận: phải sắp xếp lại những kỷ vật hiếm có mà tôi đem về trong các chuyến bay đến những nơi xa xôi nhất của Vũ Trụ. Từ lâu tôi đã định đem hiến cho bảo tàng bộ sưu tầm độc đáo có một không hai của mình; hôm qua viên quản thủ bảo tàng báo cho tôi biết ông ta đã chuẩn bị cho chúng một gian riêng.

Không phải tất cả các hiện vật đều được tôi quý như nhau: một số gợi lại những hồi ức dễ chịu, số khác lại làm tôi nhớ đến những sự kiện bi thảm đáng sợ, tuy nhiên tất cả đều là bằng chứng xác nhận sự thật về những chuyến bay của tôi.

Trong số những hiện vật làm sống dậy những hồi ức đặc biệt tươi sáng có chiếc răng lành lặn với hai chân răng được bày trên một tấm đệm nhỏ trong chiếc chụp thủy tinh: tôi đã đánh gẫy nó tại buổi chiêu đãi của Octopusa, vua người Memnog trên hành tinh Urtam; ở đó người ta dọn những món ngon tuyệt trần, chỉ hiềm một nỗi chúng quá cứng.

Chiếm một vị trí trang trọng như thế trong bộ sưu tập còn có chiếc tẩu bị gẫy thành hai phần không đều nhau; nó bị rơi khỏi tàu trong khi tôi đang bay trên hành tinh đá trong hệ Phi Mã. Tôi không chịu để mất như vậy và suốt một ngày rưỡi trời lang thang trên những bờ vực thẳm của cái hành tinh toàn đá lởm chởm để tìm nó.

Sâu hơn một chút trong chiếc hộp nhỏ là một viên cuội hơi lớn hơn hạt đậu. Lịch sử của nó rất đặc biệt. Khi tôi bay đến Xeruzji, một ngôi sao xa xôi nằm trong đám tinh vân đôi NGC 887, tôi đã không lượng đúng sức mình; chuyến bay kéo dài đến nỗi suýt nữa thì tôi bỏ cuộc; nỗi buồn nhớ Trái Đất dày vò tôi làm tôi đứng ngồi không yên trong tàu. Có trời mới biết mọi chuyện rồi sẽ ra sao nếu như ngày thứ hai trăm sáu mươi tám của chuyến bay tôi không tình cờ cảm thấy có gì vương vướng trong chiếc giày bên trái; tôi tháo nó ra và trào nước mắt khi tìm thấy trong bít tất của một cục đá nhỏ, một hạt sỏi thực sự của Trái Đất – chắc là nó rơi vào bít tất lúc tôi còn ở trên sân bay vũ trụ. Ghì chặt vào ngực mẩu đá nhỏ bé nhưng rất đỗi thân thương ấy của Đất Mẹ, tôi như được động viên và đã bay đến đích! Vì thế kỷ vật này đối với tôi đặc biệt quý giá.

Cạnh đó, trên chiếc đệm nhung là một viên gạch bình thường màu đỏ nhạt làm bằng đất sét nung, hơi bị rạn và sứt ở một bên; nếu như không có sự trùng hợp may mắn của hoàn cảnh và tôi không nhanh trí thì có lẽ vì nó tôi đã vĩnh viễn không trở về trong chuyến thám hiểm tinh vân Lạp Khuyển. Tôi đã quen cầm nó theo khi bay đến những vùng lạnh lẽo của vũ trụ: tôi có thói quen đặt nó vào lò phản ứng nguyên tử một lúc để rồi sau đó khi nó đã nóng rẫy lên thì đặt xuống dưới giường trước khi đi ngủ. Trong khu vực tọa độ ô vuông bên trái phía trên của dải Ngân Hà, chỗ chòm sao Lạp Hộ nối với chòm Nhân Mã, tôi đã chứng kiến cảnh hai thiên thạch lớn đụng nhau. Cảnh tượng một chớp lửa nổ bùng trong bóng tối làm tôi xúc động mạnh; tôi vớ lấy chiếc khăn bông định lau trán, mà quên mất là trước đó tôi đã gói viên gạch vào trong khăn. Khi vung tay, suýt nữa tôi đã đập vỡ sọ mình. Rất may là tôi đã phản ứng cực kỳ lanh lẹ.

Cạnh viên gạch là cái hộp gỗ nhỏ trong có đựng một con dao nhíp, vật bất ly thân của tôi trong nhiều cuộc thám hiểm. Tôi gắn bó với nó tới mức nào thì đã có câu chuyện sau đây làm chứng. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện đó, vì thực ra nó cũng đáng được thuật lại.

Tôi rời hành tinh Satelline vào lúc hai giờ trưa và đang bị sổ mũi nặng. Viên thầy thuốc địa phương mà tôi đến nhờ chữa đã đề nghị tôi cắt mũi, một phẫu thuật thực ra rất bình thường đối với cư dân ở đây vì mũi họ vẫn mọc như móng tay vậy. Cảm thấy bị xúc phạm bởi lối chữa ấy, từ nhà viên thầy thuốc tôi ra thẳng sân bay vũ trụ để bay tới vùng trời khác có nền y học phát triển hơn.

Chuyến bay không thuận lợi. Ngay từ đầu, khi tôi mới bay cách hành tinh được chừng 900 nghìn kilômet, tôi đã nghe thấy tín hiệu gọi của một con tàu nào đấy. Tôi liền điện hỏi xem ai gọi và nhận được trả lời cũng bằng chính câu hỏi đó.

- Anh hãy nói trước đi! – Tôi làu bàu khá gay gắt trước thái độ bất lịch sự của người lạ.

- Anh hãy nói trước đi! – Hắn đáp lại.

Cái trò bắt nhại như thế làm tôi tức điên lên, và tôi độp thẳng cho hắn biết những điều tôi nghĩ về thái độ xấc láo của hắn. Hắn cũng trả miếng ngay không chịu kém. Chúng tôi bắt đầu chửi rủa nhau ngày càng dữ cho tới một lúc sau, khi đã cáu đến tột độ, tôi mới chợt đoán ra là chẳng có con tàu nào hết, giọng nói mà tôi nghe thấy chẳng qua là tiếng vọng lại của chính những tín hiệu vô tuyến do tôi phát đi bị bề mặt của vệ tinh Satelline phản xạ (tôi đang bay ngang qua đó mà). Cho đến bấy giờ tôi không nhận thấy nó chẳng qua là vì nó quay phần tối về phía tôi mà thôi.

Lát sau, định gọt quả táo ăn thì tôi phát hiện ra là mình đã đánh mất con dao díp. Tôi chợt nhớ ra là lần cuối cùng mình còn cầm nó ở đâu – đó là lúc ở trong căng tin của sân bay vũ trụ trên hành tinh Satelline; tôi đã đặt nó trên mặt nghiêng của quầy hàng và có lẽ nó đã trượt rơi xuống sàn. Tôi nhớ lại tất cả những cảnh đó rõ đến nỗi có thể nhắm mắt mà vẫn tìm thấy con dao. Tôi quay tàu lại và chỉ đến lúc đó mới hiểu ra là mình đã sa vào một hoàn cảnh khó khăn như thế nào: bầu trời dày đặc những đốm lửa nhấp nháy và tôi không biết mình tìm Satelline ở đâu. Nó chỉ là một trong số 1480 hành tinh quay xung quanh vầng mặt trời Erysipelas. Đa số những hành tinh ấy lại còn có thêm một vài mặt trăng nữa, to chẳng kém gì hành tinh, điều đó làm cho việc định hướng càng thêm khó khăn. Sốt ruột tôi thử gọi Xtelin qua đài vô tuyến. Có đến vài chục đài trả lời làm cho tôi cứ rối tinh lên; các bạn nên biết là cư dân của hệ thống sao Erysipelas rất lịch sự mà cũng rất cẩu thả, dễ thường họ đã đặt tên "Satelline", cho 200 hành tinh không biết chừng. Tôi nhìn qua cửa sổ tàu thấy hằng hà sa số những đốm lửa bé tí xíu; còn con dao díp của tôi nằm ở một trong những đốm lửa đó; nhưng mò kim đáy biển còn dễ hơn là tìm cho ra cái hành tinh cần thiết trong cái tổ kiến nhung nhúc những sao là sao này. Cuối cùng tôi đành cầu may cho tàu lướt thẳng tới một hành tinh nằm ngay trước mũi tàu.

Mười lăm phút sau tôi đã đỗ xuống sân bay vũ trụ. Nó giống hệt như sân bay mà tôi vừa mới bay khỏi cách đây không lâu, tôi đã mừng cho là mình gặp may và đi thẳng tới quầy căng tin.

Nhưng tôi đã thất vọng xiết bao khi mà ở đó mặc dù đã tìm rất kỹ song tôi vẫn không thấy con dao đâu. Ngẫm nghĩ, tôi đi đến kết luận hoặc là đã có kẻ nào đó nhặt được nó rồi, hoặc là tôi xuống một hành tinh hoàn toàn khác. Hỏi những người dân ở đấy tôi tin vào giả thuyết thứ hai. Tôi đang ở trên hành tinh Andrygon, một hành tinh cũ nát, đang tan rã, đáng lẽ ra phải loại khỏi danh sách từ lâu rồi nhưng chả ai buồn làm việc đó vì nó nằm xa hẳn tuyến đường giao thông vũ trụ chính. Ở sân bay người ta hỏi tôi cần tìm hành tinh Satelline nào, vì các hành tinh ở đây đều có đánh số. Tôi đâm bí, con số cần thiết đã bay khỏi đầu tôi rồi. Cũng lúc đó chính quyền địa phương được ban chỉ huy sân bay thông báo đã long trọng đến chào mừng tôi.

Hôm nay là một ngày lễ lớn của người Andrygon: trong tất cả các trường phổ thông đang diễn ra kỳ thi tốt nghiệp. Một trong những đại diện chính quyền hỏi xem tôi có vui lòng đến dự để cho kỳ thi thêm phần long trọng không. Tôi không thể từ chối yêu cầu đó vì người ta đã tiếp đó tôi quá ư là nhiệt tình. Như vậy là từ sân bay vũ trụ chúng tôi cưỡi pidlac (một loại bò sát lớn, không chân, trông giống như rắn, được người ở đây sử dụng rộng rãi để cưỡi đi) tiến thẳng vào thành phố. Sau khi đã giới thiệu tôi với đám đông học sinh trẻ tuổi và các giáo viên như là một vị khách đáng kính từ Trái Đất tới, vị đại diện chính quyền rời khỏi phòng thi. Các giáo viên mời tôi ngồi vào chỗ danh dự cạnh “bồn” (một dạng bàn); sau đó buổi thi bị ngắt quãng lại được tiếp tục. Đám học sinh lúng túng trước sự có mặt của tôi, thoạt đầu ngượng ngập ngắc ngứ, nhưng tôi đã mỉm cười chân thành cổ vũ họ, đôi khi lại nhắc một em nào đó những câu cần thiết và chẳng bao lâu bầu không khí xa lạ đã tan. Những người vào cuối trả lời tốt hơn nhiều. Và đây, đứng trước ban giám khảo là một thanh niên Andrygon, người mọc đầy những vỏ ruddock (một loại sò được sử dụng làm quần áo) tuyệt đẹp mà đã lâu lắm rồi tôi không có dịp nhìn thấy. Anh ta bắt đầu trả lời những câu hỏi bằng một giọng hùng hồn và diễn cảm không thể tả nổi. Tôi hài lòng lắng nghe anh ta vì nhận thấy rằng trình độ khoa học ở đây thật là cao. Rồi một vị giám khảo hỏi:

- Anh có thể chứng minh vì sao trên Trái Đất không thể có sự sống được không?

Nghiêng mình một cái duyên dáng, người thanh niên bắt đầu trình bày các lập luận được sắp xếp hết sức logic, trong đó anh ta chứng minh đâu ra đấy rằng phần lớn Trái Đất bị những lớp nước lạnh và rất sâu bao phủ, nhiệt độ của các lớp nước đó khoảng gần không độ do ảnh hưởng của những núi băng nổi thường xuyên hình thành; rằng không chỉ hai cực mà cả các vùng bao quanh đều là những vùng lạnh quanh năm hết sức khắc nghiệt và trong suốt sáu tháng chỉ có đêm dài ngự trị; rằng qua các khí cụ thiên văn học thấy rất rõ là các vùng đất liền, ngay cả ở các khu vực có khí hậu ấm áp hơn, cũng có đến mấy tháng bị những đám hơi nước đông tụ được gọi là tuyết bao phủ, chúng rơi xuống làm thành từng lớp dày ở các vùng núi cao cũng như các vùng thấp; rằng vầng Mặt Trăng lớn của Trái Đất đã tạo ra trên đó những đợt sóng thủy triều lên xuống gây tác động xói mòn xâm thực; rằng bằng những khí cụ quang học cực mạnh có thể thấy là phần lớn diện tích hành tinh thường chìm trong cảnh mờ tối do lớp mây bao phủ gây ra; rằng trong bầu khí quyển thường nảy sinh những cơn gió xoáy, bão, lốc khủng khiếp và tất cả những điều đó gộp lại đã hoàn toàn loại trừ khả năng tồn tại sự sống trên Trái Đất dưới bất kỳ hình thức nào. Bằng một giọng oang oang, chàng thanh niên Andrygon kết luận, nếu như có sinh vật nào định đổ bộ xuống Trái Đất, chắc chắn nó sẽ bị chết bẹp dưới áp suất rất lớn của khí quyển ở đó, áp suất này là một kilôgam trên một centimet vuông hay là 760 mm thủy ngân.

Câu trả lời đầy đủ đó được ban giám khảo hoàn toàn tán thành. Đờ người ra vì ngạc nhiên, tôi ngồi như hóa đá một lúc, và chỉ khi viên giám khảo chuyển sang câu hỏi khác tôi mới thốt lên lời:

- Thưa các vị Andrygon đáng kính, mong các vị thứ lỗi... Nhưng... nhưng tôi đúng là người sinh trưởng ở Trái Đất; chắc các vị không nghi ngờ rằng tôi là một sinh vật sống hẳn hoi, và các vị cũng đã nghe người ta giới thiệu tôi...

Không khí im lặng khó xử. Những giáo viên bị xúc phạm nặng nề trước lời phát biểu xen vào của tôi và cố lắm mới giữ được bình tĩnh; đám thanh niên vốn còn chưa biết che giấu tình cảm của mình tài như những người lớn tuổi thì nhìn tôi với vẻ khó chịu ra mặt. Cuối cùng viên giám khảo lạnh nhạt nói:

- Xin lỗi anh bạn phương xa, nhưng phải chăng anh bạn đã yêu cầu quá nhiều đối với lòng hiếu khách của chúng tôi? Chẳng lẽ đối với anh bạn việc đón tiếp long trọng, tiệc tùng và các biểu hiện kính trọng như vậy vẫn còn là ít sao? Chẳng lẽ anh bạn chưa hài lòng với việc được mời ngồi vào "bồn" giám khảo cao quý đó sao?

Vẫn còn ít sao để anh bạn quấy rầy và đòi chúng tôi vì anh mà phải thay đổi chương trình phổ thông của mình?

- Nhưng... trên Trái Đất quả thực là có người sinh sống... – Tôi lúng túng thốt ra.

- Nếu như việc đó là có thật, – vị giám khảo nói là nhìn tôi như thể nhìn vào chỗ không người, – thì đó là sự vi phạm các quy luật của thiên nhiên.

Tôi coi lời của ông ta là sự nhục mạ hành tinh quê hương mình, vì vậy tôi bỏ ra ngay lập tức không thèm chào một ai, nhảy lên con pidlac đầu tiên vớ được và đi thẳng ra sân bay vũ trụ, rồi sau khi chùi chân cho sạch hết cái hơi hướm của bọn Andrygon, tôi lại bay tiếp tìm con dao.

Như vậy tôi lần lượt đỗ xuống năm hành tinh thuộc nhóm Lindenblad, các hành tinh của người Stereoptops và Melatia, bảy thiên thể lớn trong quần thể hành tinh của hệ mặt trời Cassiopeia, Osterilla, Avventura, Meltonia, Laternida: toàn bộ nhánh bên trái của tinh vân xoắn ốc lớn trong chòm sao Tiên Nữ, các hệ thống Plesiomachus, Gastroclantius, Eutrema, Symmenophora và Paralbab; trong năm sau đó tôi đã sục tìm tỉ mỉ có hệ thống các vùng xung quanh các chòm sao Sappona và Melenwa cũng như các hành tinh Erythrodonia, Arrhenoidium, Eodotus, Artenury và Stroglon cùng toàn bộ tám chục mặt trăng của nó, đôi khi có những cái nhỏ đến nỗi khéo chỉ vừa đủ để đậu con tàu. Tôi không thể đỗ xuống chòm Gấu Nhỏ vì ở đó đang kiểm kê; sau đó là đến lượt Cepheids và Ardenids; và tôi cảm thấy rời rã cả tay chân khi vì lầm lẫn một lần nữa lại cho tàu đỗ xuống Lindenblad. Song tôi không chịu thua và như một nhà nghiên cứu chân chính lại tiếp tục việc kiếm tìm. Ba tuần sau đó tôi nhận thấy có một hành tinh giống cái hành tinh Satelline đã ăn sâu vào trí óc tôi một cách lạ lùng; trái tim tôi đập rộn rã khi tôi cho tàu bay vòng quanh nó theo một đường xoắn ốc ngày càng hẹp dần, cố căng mắt tìm sân bay vũ trụ mà không ra. Tôi đã định quay vào khoảng không vũ trụ bao la thì chợt nhận thấy có một bóng nhỏ bé ở phía dưới đang ra hiệu cho tôi.

Tắt động cơ, tôi nhanh chóng cho tàu lượn xuống và đỗ gần một dãy vách đá trông rất ngoạn mục, trên đó nhấp nhô những tảng đá nhẵn bóng. Chạy băng qua cánh đồng đến đón tôi là một ông già vóc người cao lớn trong bộ áo thụng trắng toát dòng Dominican[footnote]Tên một dòng tu Thiên chúa giáo. N.D.[/footnote]. Hóa ra đó là cha cố Lacymon, người phụ trách các nhóm truyền giáo hoạt động trên lãnh thổ các chòm sao lân cận trong vòng bán kính sáu trăm năm ánh sáng.

Vùng này có gần năm triệu hành tinh trong đó hai triệu bốn trăm nghìn là có người ở. Cha Lacymon sau khi được biết nguyên nhân đưa tôi tới vùng này đã bày tỏ sự thông cảm và đồng thời cả sự vui mừng được gặp tôi, bởi vì như cha nói, tôi là người đầu tiên cha gặp trong vòng bảy tháng trở lại đây.

- Tôi đã quen, – cha nói, – với phong tục của người Meodracytes sống trên hành tinh này đến mức nhiều lần bắt gặp mình có những sai lầm tức cười: khi tôi muốn chăm chú nghe ai đó là tôi lại giơ tay lên cao giống hệt như họ... (tai người Meodracytes ở dưới nách).

Cha Lacymon hóa ra là người hiếu khách, chúng tôi cùng ăn bữa trưa nấu bằng thực phẩm địa phương (thịt pizangis để ôi khuấy kỹ, thịt spitch thái mỏng, và điểm tâm với quả meysior – tôi đã lâu chưa được nếm các thứ đó), sau đó chúng tôi đi ra hiên trụ sở Hội truyền giáo. Vầng mặt trời màu tím chiếu ấm áp, những con pterodactyl nhiều vô kể trên hành tinh này hót líu lo trong các bụi cây. Và trong sự tĩnh hằng của buổi trưa, đức cha đáng kính dòng Dominican bắt đầu thổ lộ những nỗi buồn phiền của mình – ông than vãn về những khó khăn đã cản trở hoạt động truyền giáo ở các vùng này. Chẳng hạn, những người Quinquenemarians cư trú trên hành tinh Antelena nóng bỏng (ở đấy nhiệt độ chỉ xuống sáu mươi độ bách phân là họ đã bị cóng) thậm chí không muốn nghe giảng về thiên đường, nhưng ngược lại những cảnh tả địa ngục lại đánh thức họ sự hứng thú sâu sắc vì ở đó có đủ thứ tiện nghi (dầu sôi, lửa cháy).

Ngoài ra không thể nào biết phong chức cha đạo cho ai trong số những người Quinquenemarians, bởi vì họ phân biệt thành những năm giống; điều đó thực là không đơn giản cho việc thờ phụng Chúa. Tôi bày tỏ sự thông cảm; đức cha Lacymon chỉ nhún vai.

- Hừ, thế đã thấm gì. Người Whd chẳng hạn, họ coi chuyện người chết phục sinh là việc hết sức bình thường giống như thay quần áo hàng ngày, và họ không chịu công nhận đó là phép lạ.

Người Sassid và Egillia không có cả tay lẫn chân; họ chỉ có thể làm dấu thánh bằng đuôi, song tôi không đủ sức giải quyết vấn đề đó; tôi chờ tòa thánh trả lời, nhưng Vatican vẫn lặng thinh hai năm nay... Thế ông chưa nghe kể về số phận bi thảm của đức cha Oribazy bất hạnh trong đoàn truyền giáo của chúng tôi à?

Tôi lắc đầu ra hiệu là chưa.

- Thế này nhé. Những người đầu tiên tìm ra xứ Urtam vui mừng không kể xiết về các cư dân ở đấy, những người Memnog hùng mạnh. Nhiều người quả quyết rằng những sinh vật có lý trí này thuộc về loại tốt bụng, hiền lành, dịu dàng và có tình nhất trong vũ trụ. Hi vọng rằng trên mảnh đất như thế hạt giống niềm tin gieo xuống sẽ tha hồ nảy nở, chúng tôi đã phái tới chỗ người Memnog đức cha Oribazy, cử ông làm giám mục in partibus infidelium[footnote]Tiếng La-tinh: ở đất nước của những kẻ ngoại đạo; chỉ một loại chức vụ phong cho những giám mục đi truyền giáo ở nước ngoài. N.D.[/footnote]. Đến Urtam, đức cha Oribazy được những người Memnog đón tiếp không thể nào tốt hơn; họ chăm sóc ông như mẹ đối với con, lắng nghe từng lời của ông, đoán trước từng ước muốn của ông và lập tức thực hiện ngay, họ nghe như uống lấy từng lời thuyết giảng của ông, và trung thành vô hạn với ông. Trong các bức thư của mình ông không đủ lời ngợi khen họ...

Tới đây đức cha dòng Dominican đưa tay áo choàng lên chùi nước mắt và kể tiếp:

- Trong bầu không khí thuận lợi như thế đức cha Oribazy ngày cũng như đêm tuyên truyền không biết mệt giáo lý của đạo.

Người giảng cho dân Memnog về kinh Cựu ước và Tân ước, kinh Khải huyền, rồi chuyển sang cuộc đời của các vị thánh; đặc biệt ông rất nhiệt tình và hùng hồn ca ngợi những bậc tử vì đạo chúa.

Con người khốn khổ... Đó luôn là sở thích của ông ta...

Cố nén xúc động, cha Lacymon lại nói tiếp, giọng run run:

- Thế là ông ta kể về thánh John, người đã được lên hàng các thánh do bị thiêu sống trong vạc dầu, về bà thánh Agnes vì đức tin mà bị chặt đầu, về thánh Sebastian thân mình bị vô vàn mũi tên xuyên thủng, người đã chịu đựng những cực hình tàn khốc và vì thế mà được các thiên thần ngợi ca đón tiếp ở thiên đường; về các thánh nữ đồng trinh bị phanh thây, bị bóp cổ, bị chẻ chân bẻ tay trên bánh xe hoặc bị thiêu sống trên ngọn lửa lom đom. Họ đón nhận những cực hình đó một cách phấn khích bởi vì biết rằng bằng cách đó họ sẽ có chỗ ở dưới chân Chúa. Khi ông đã kể cho họ nghe rất nhiều những tấm gương tự xứng đáng được noi theo, những người Memnog bắt đầu liếc nhìn nhau, rồi sau đó một người trong số họ rụt rè hỏi:

- Thưa đức cha chí tôn, người truyền đạo và người thầy vô cùng kính mến của chúng con, xin người hãy nói cho chúng con nếu như người hạ cố đoái thương tới đám tôi tớ hèn mọn của người: có phải linh hồn của bất kỳ kẻ nào sẵn sàng chịu tuẫn nạn cũng được lên thiên đường không ạ?

- Chắc chắn là thế rồi các con của ta! – Đức cha Oribazy trả lời.

- Vậy ư? Thế thì hay quá, – người Memnog dài giọng nói. – Còn cha, thưa đức cha linh hồn của chúng con, người có mong được lên thiên đường không ạ? – Người Memnog to lớn tiếp tục hỏi.

- Con của ta, ai lại không muốn cơ chứ, nhưng làm sao mà ta, một kẻ tội lỗi, lại có được cái vinh dự cao quý ấy; phải gắng sức và không ngừng vươn lên trong sự nhẫn nhục cao độ để có thể bước lên con đường đó...

- Có nghĩa là cha muốn trở thành thánh ạ? – Người Memnog hỏi lại một lần nữa, đưa mắt nhìn các bạn của mình với vẻ dò hỏi, và họ liền đứng lên khỏi chỗ.

- Tất nhiên, con của ta ạ.

- Thế thì chúng con sẽ giúp cha.

- Bằng cách nào vậy, các con chiên của ta? – Cha Oribazy mỉm cười hỏi, vì cha hài lòng với sự ngây thơ của đám con chiên ngoan đạo.

Để trả lời, những người Memnog tế nhị nhưng dứt khoát nắm lấy tay cha và nói:

- Bằng cách mà cha đã dạy chúng con ấy, thưa cha quý mến!

Sau đó trước hết họ lột da lưng ông ra rồi bôi dầu vào đó như bọn đao phủ Ireland đã làm đối với thánh Hyacinth, tiếp đến chặt chân trái ông như bọn đa thần giáo đã làm đối với thánh Pafnuce, rồi họ mổ bụng ông ra và nhét rơm vào đó như là số phận nữ thánh Elidabet Noocman đã phải chịu, cắm ông ta bêu trên cọc nhọn như bọn Emalkites đã xử với thánh Hugo, bẻ gãy tất cả xương sườn của ông như đám dân thành Tyracusans đã hành hạ thánh Henry Padua, rồi từ từ thiêu sống ông trên lửa nhỏ như cách dân Burgundi xử đức bà Orleans. Sau đó họ nghỉ xả hơi, tắm rửa và bắt đầu cay đắng khóc than vị linh mục đã qua đời. Khi tôi bay kinh lý các ngôi sao trong địa phận của mình, rẽ qua giáo khu của họ thì bắt gặp những người Memnog đang than khóc. Vừa biết chuyện, tóc tai tôi dựng cả lên. Tôi vật vã kêu lên:

- Quân tàn ác vô ơn kia! Mọi hình phạt dưới địa ngục không đủ để trừng phạt chúng bay! Liệu các người có biết như vậy là các người đã vĩnh viễn đầy đọa linh hồn mình nơi địa ngục không?

- Sao lại không ạ, – họ vừa gào khóc vừa trả lời, – Chúng con biết chứ! Còn cái người Memnog to lớn nhất trong bọn thì đứng dậy và nói với tôi:

- Thưa đức cha chí tôn, chúng con biết rõ là đến ngày tận thế chúng con sẽ chịu mọi đầy đọa và cực hình, vì thế trong lòng chúng con đã phải đấu tranh rất dữ trước khi quyết định làm việc đó, nhưng đức cha Oribazy đã không ngừng nhắc nhở chúng con là không có việc gì mà người thiên chúa giáo ngoan đạo lại ngần ngại không làm cho người anh em thân thiết của mình, cần phải hiến dâng cho người đó tất cả và sẵn sàng làm mọi việc vì anh ta; chúng con đã phải tuyệt vọng từ chối sự cứu rỗi linh hồn của chúng con mà chỉ nghĩ làm sao để đức cha Oribazy vô cùng thân quý có được vòng hoa tử vì đạo và lên hàng thánh. Con không thể diễn tả cho cha biết chúng con đã khổ sở thế nào khi quyết định làm điều đó, bởi vì trước khi cha Oribazy đến chỗ chúng con thì không một người nào trong chúng con lại làm hại ngay cả con sâu cái kiến. Chúng con hết ngày này qua ngày khác cầu xin, quỳ xuống mà cầu xin cha giảm nhẹ bớt đi tính khắc nghiệt của các yêu cầu đạo giáo, song cha vẫn kiên quyết nhắc đi nhắc lại là đối với người thân thì cần phải làm không từ một việc gì. Và thế là chúng con không thể từ chối đức cha. Chúng con hiểu rằng chúng con là những kẻ hèn mọn và không xứng đáng so với bậc thánh nhân khả kính ấy, và Người xứng đáng để chúng con tự đầy đọa và hy sinh vì Người. Chúng con tin rằng chúng con đã làm đúng và cha Oribazy giờ đang ở trên thượng giới. Đây, thưa đức cha vô cùng tôn kính, đây là túi tiền chúng con quyên góp cho buổi lễ phong thánh đúng như luật lệ đòi hỏi, đức cha Oribazy đã giảng giải rất chi tiết mọi điều cho chúng con. Cũng phải nói rằng, chúng con chỉ áp dụng những cực hình mà cha yêu thích và thường kể cho chúng con nghe với vẻ say sưa đặc biệt. Chúng con muốn làm cho cha vui sướng, nhưng cha chống cự lại, đặc biệt là không thích uống chì lỏng. Nhưng chúng con đâu có dám nghĩ là người giữ sứ mệnh chăn dắt đàn con chiên lại nói một đằng nghĩ một nẻo. Những tiếng kêu gào của cha chỉ chứng tỏ cái phần xác hèn mọn trong con người cha lên tiếng không bằng lòng mà thôi, và chúng con coi khinh nó vì luôn nhớ rằng phải phỉ báng xác thịt mà ngợi ca phần hồn. Để nâng đỡ tinh thần cha, chúng con nhắc cho cha nhớ những giáo lý của đức tin mà cha đã thuyết giảng cho chúng con, nhưng cha Oribazy đáp lại chúng con bằng một từ chúng con hoàn toàn không hiểu nó nghĩa là gì bởi vì không tìm thấy nó trong các sách giảng đạo cũng như trong Kinh thánh.

Chấm dứt câu chuyện của mình, cha Lacymon lau những giọt mồ hôi to tướng trên trán và chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu, cuối cùng đức cha đáng kính dòng Dominican lại nói; – Nào, ông thử nói xem, liệu có thể làm người chăm sóc phần hồn trong hoàn cảnh như vậy được không? Hay như chuyện này nữa! – cha Lacymon đập tay xuống tờ giấy ở trên bàn. – Đức cha Ipôlit từ Arpetus, một hành tinh không lớn trong tròm Thiên Bình, báo về là cư dân ở đó hoàn toàn không chịu kết hôn nữa, không sinh con đẻ cái và họ có nguy cơ bị diệt chủng hoàn toàn.

- Tại sao vậy? – Tôi kinh ngạc hỏi.

- Bởi vì sau khi nghe giảng về tội lỗi của các quan hệ xác thịt, họ mong muốn được cứu rỗi linh hồn quá mức đến nỗi tất cả đã phát nguyện và kiêng dọn mình! Hai nghìn năm nay nhà thờ thuyết giảng về việc cần thiết chăm sóc phần hồn hơn các công việc trần tục khác, mà có ai hiểu một cách cụ thể như thế đâu, lạy Chúa tôi. Những người Arpetus ấy muôn người như một đều cảm thấy họ có thiên chức và tất cả đều vào tu viện; họ triệt để tuân theo các giáo luật, cầu nguyện ăn chay và tu ép xác, trong khi đó thì công nghiệp, nông nghiệp đình đốn, nạn đói lan truyền và cả hành tinh có nguy cơ diệt vong. Tôi đã báo cáo việc này về La Mã nhưng ở đó, lúc nào cũng thế, lại im lặng...

- Phải, – tôi nhận xét, – việc truyền giáo đến các hành tinh khác là rất đỗi nguy hiểm.

- Nhưng biết làm sao được? Nhà thời không vội, Ecclesia non festinate[footnote]Tiếng La-tinh: Nhà thờ không vội vã.- N.D.[/footnote], như mọi người đều rõ, bởi vì quyền lực của ta không ở thế giới này, thế nhưng trong khi các vị Hồng y Giáo chủ họp bàn và phân vân do dự thì ở các hành tinh những phái đoàn truyền giáo của bọn Calvin, Tẩy Lễ, Tin lành, Mariavites[footnote]Tên các dòng tu tách khỏi nhà thờ Thiên cúa giáo.- N.D.[/footnote] và có trời mới biết còn những bọn nào nữa mọc lên như nấm sau cơn mưa. Chúng ta phải vớt vát những gì còn vớt vát được. Nhưng ông bạn thân mến của tôi ơi, một khi tôi đã nói cho ông hay... Mời ông theo tôi...

Cha Lacymon dẫn tôi vào phòng làm việc của cha. Chiếm cả một bức tường của căn phòng là một tấm bản đồ sao lớn xanh biếc; nửa bên phải của nó dán giấy kín.

- Ông thấy chứ? – Cha chỉ tay vào phần dán giấy.

- Thế là thế nào?

- Phần bị mất, ông bạn thân mến ạ. Bị mất hẳn rồi. Khoảng không gian này có một loài sinh vật với năng lực trí tuệ phát triển đặc biệt cao sinh sống. Họ truyền bá chủ nghĩa duy vật, vô thần và khuyên mọi người nên tập trung sức phát triển công nghiệp, kỹ thuật và cải thiện điều kiện sống trên các hành tinh. Chúng tôi đã cử đến chỗ họ những nhà truyền giáo xuất sắc nhất, các cha thuộc dòng Salesian, Benedictines, Dominican, thậm chí cả các cha thuộc dòng Jeduyt[footnote]Tên các dòng tu thuộc Cơ-đốc. – N.D.[/footnote], những nhà thuyết giảng lời Chúa một cách hăng hái, những diễn giả nói ngọt như mía lùi; thế mà tất cả, tất cả bọn họ khi trở về đều trở thành người vô thần!!!

Cha Lacymon cáu kỉnh đi lại phía bàn.

- Chỗ chúng tôi có cha Bonifacy, tôi vẫn nhớ ông ta là một trong những linh mục thánh thiện nhất; ngày đêm ông ta chỉ cầu nguyện, mọi công việc trần thế khác đối với ông ta đều không tồn tại, ông ta không biết một công việc gì khác ngoài việc cầu nguyện, một niềm vui nào lớn hơn là được hành lễ, thế mà sau ba tuần ở đó, – tới đây cha Lacymon chọc ngón tay vào phần bản đồ dán giấy, – đã vào tại trường Đại học Bách khoa và viết cuốn sách này đây! – Cha Lacymon giơ lên một cuốn sách dày rồi quẳng xuống bàn vẻ ghê tởm.

Tôi đọc đầu đề: "Các phương pháp nâng cao độ an toàn cho các chuyến bay của tên lửa"

- Ông ta coi sự an toàn của một vật vô tri vô giác quan trọng hơn việc cứu rỗi linh hồn, chẳng lẽ điều đó không đáng sợ sao?! Chúng tôi đã gửi đi các báo cáo báo động về việc này, và lần này thì Tòa thánh không chậm trễ. Với sự giúp đỡ của các chuyên viên trong tòa đại sứ Mỹ ở La Mã, Viện thần học của Giáo hoàng đã viết công trình này đây, – cha Lacymon đi tới chỗ một cái rương to và mở nó ra, chiếc rương chất đầy những cuốn sách dày cộp.

- Ở đây có gần hai trăm cuốn mô tả hết sức cặn kẽ những phương pháp bạo lực, khủng bố, ám thị, phá hoại ngầm, cưỡng bách, thôi miên, đầu độc, tra tấn và gây phản xạ có điều kiện mà người ta áp dụng để tiêu diệt đức tin. Tôi đọc chúng mà tóc tai dựng hết cả lên. Ở đó có ảnh, lời khai, biên bản, tang chứng, lời thuật lại của những người chứng kiến và có trời mới biết còn những gì nữa. Họ làm ra những thứ đó mới nhanh làm sao, nghĩ làm chóng cả mặt, kỹ thuật Mỹ mà... Nhưng thực thế còn đáng sợ hơn nhiều!

Cha Lacymon tiến lại sát tôi và thầm thì, hơi thở nóng hổi phải bên tai tôi:

- Tôi ở đây, ngay tại chỗ, nên định hướng tốt hơn... Họ không hành hạ, không bắt ép ai làm gì cả, không tra tấn, không xoáy đinh vít vào đầu, họ chỉ dạy cho hiểu rằng vũ trụ là gì, sự sống nảy sinh như thế nào, ý thức phát sinh ra sao và sử dụng khoa học như thế nào dể phục vụ lợi ích xã hội. Họ có những lý lẽ cụ thể nhờ đó mà có thể chứng minh rõ ràng như hai với hai là bốn rằng toàn bộ thế giới này là do vật chất tạo ra. Trong tất cả những nhà truyền giáo của tôi, chỉ còn có cha Serwacy là còn giữ được đức tin, mà cũng chỉ vì ông ta điếc đặc và không nghe được người ta nói gì!... Cái đó còn tệ hơn là hình phạt, ông bạn thân mến ạ! Chỗ tôi có một nữ tu sĩ dòng Carmelite, một đứa con tinh thần chỉ biết có Chúa; cô ta có thể ăn chay liên tục, tu ép xác, có các mối giao cảm với thánh thần, cô ta đặc biệt yêu mến bà thánh Melania và toàn tâm toàn ý bắt chước bà ta: hơn nữa, thỉnh thoảng ngay cả thiên thần Gabriel cũng hiện ra cho cô ta thấy... Có một lần cô ta đến đó, – cha Lacymon chỉ vào nửa bên phải bản đồ, – Tôi yên tâm cho phép cô ta vì cô ta là người tinh thần kiên định; thiên đường nơi thượng giới thuộc về những người như thế; còn người nào bắt đầu suy nghĩ: cái gì, ở đâu ra, tại sao, thì lập tức vực thẳm tà đạo nứt ra dưới chân họ. Tôi tin rằng mọi lý lẽ thông minh của cái bọn đó không thể tác động tới cô ta. Thế mà khi cô ta đến đấy, ngay trong lần đầu tiên cô ta hiển thánh trước công chúng kèm theo những lời bốc đồng tôn giáo cuồng nhiệt, họ lại cho là cô ta bị suy nhược thần kinh (hình như bệnh đó gọi là như vậy) và chữa cho cô ta bằng chế độ tắm rửa, làm vườn, đưa cho cô ta những thứ đồ chơi, những con búp bê gì đó, bốn tháng sau cô ta trở về, nhưng trong một tình trạng thật đáng sợ!

Cha Lacymon run bắn cả người.

- Cô ta không còn những mối linh cảm nữa, cô ta theo học lớp lái tàu vũ trụ và đã cùng với một đoàn thám hiểm khoa học bay tới trung tâm Thiên hà, khổ thế đấy! Cách đây không lâu tôi nghe nói cô ta lại mơ thấy bà thánh Melania hiện về, tim tôi đã run lên vì mừng và hy vọng, nhưng hóa ra chỉ là vì cô ta mơ thấy bà dì của mình mà thôi. Tôi đã nói với ông: thất bại, phá sản, sụp đổ! Những tay chuyên viên Mỹ ấy quá ngây thơ: gửi cho tôi năm tấn sách mô tả sự hung ác của bọn thù ghét đạo. Trời ơi, giá như họ truy bức tôn giáo, giá như họ đóng cửa nhà thờ, xưa đuổi con chiên thì lại đi một nhẽ; đằng này, than ôi, không hề có chuyện như thế, tất cả đều không phép: cả sự thờ phụng Chúa, cả trường dòng; họ chỉ phổ biết quan điểm và học thuyết của mình. Một thời gian chúng tôi đã thử áp dụng phương cách ấy, – cha Lacymon chỉ vào bản đồ, – song nó không đem lại kết quả.

- Xin lỗi, phương cách gì thế ạ?

- Đó là dán cái phần vũ trụ đó lại, coi như không có nó, nhưng điều đó cũng chẳng giúp được gì. Hiện nay ở La Mã người ta đang bàn đến một cuộc thập tự chinh bảo vệ đạo.

- Vậy cha nghĩ thế nào về chuyện đó?

- Kể ra thì cũng không đến nỗi nào; nếu như mà có thể làm nổ tung hành tinh của họ, phá hủy các thành phố, đốt sách vở, giết sạch không sót một ai thì có thể chúng ta sẽ cứu vãn được giáo thuyết yêu thương đồng loại của ta. Nhưng lôi kéo những ai vào cuộc thập tự chinh đó bây giờ? Người Memnog à? Hay là người Arpetus chăng? Thật nực cười và cũng thật đáng sợ!...

Bắt đầu một sự im lặng nặng nề. Lòng tràn ngập một niềm cảm thông sâu sắc, tôi đặt tay lên vai vị linh mục già mong động viên ông ta; đúng lúc đó có cái gì lấp lánh tuột ra khỏi ống tay áo tôi và rơi đánh cộp xuống sàn nhà. Thật không thể nào tả hết niềm vui sướng và ngạc nhiên của tôi khi nhận ra đó chính là con dao của mình. Hóa ra suốt thời gian đó nó nằm yên trong lớp áo lót blouson của tôi sau khi rơi vào đó qua lỗ thủng trong túi áo.

[---]


  1. LỜI NÓI ĐẦU
  2. Cuộc phiêu lưu thứ bảy
  3. Cuộc phiêu lưu thứ mười hai
  4. Cuộc phiêu lưu thứ mười bốn
  5. Cuộc phiêu lưu thứ hai mươi hai
  6. Cuộc phiêu lưu thứ hai mươi lăm
  7. Hãy cứu lấy vũ trụ (bức thư ngỏ của Ijon Tichy)
Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears