Có lẽ chưa lần nào tôi lại phải trải qua nhiều nguy hiểm như là chuyến đi thám hiểm Amauropia, một hành tinh trong chòm sao Cyclops.
Tôi phải biết ơn giáo sư Tarantoga vì những điều tôi đã nếm trải trong chuyến đi đó.
Nhà bác học vũ trụ đó không chỉ là nhà nghiên cứu vĩ đại. Ai cũng biết là khi rỗi rãi ông còn sáng chế, phát minh nữa. Chẳng hạn, ông đã chế ra một thứ thuốc nước mà uống vào ta sẽ quên đi những hồi ức khó chịu, hay những tờ giấy bạc với con số tám nằm ngang1 trị giá một số tiền vô cùng lớn, ba phương pháp tô điểm cho bóng đêm có màu mát mắt, cũng như là một thứ bột chuyên dụng, nếu đem rắc nó vào các đám mây đen làm cho chúng có hình thù ổn định dễ ưa. Chính ông là người đã chế tạo ra một cỗ máy nhằm sử dụng năng lượng mà lũ trẻ vẫn vung phí một cách vô ích, bởi vì ai cũng rõ là bọn chúng có bao giờ chịu ngồi yên đâu. Bộ máy đó là cả một hệ thống những tay đòn, bánh xe truyền lực, bàn đạp được bố trí ở khắp nơi trong các căn hộ: lũ trẻ sẽ đưa đẩy, xô kéo, xê dịch những thứ đó trong lúc nô đùa mà không biết là bằng cách đó chúng đã bơm nước, giặt quần áo, gọt khoai tây, quay máy phát điện, vân vân… Quan tâm đến những đứa trẻ nhỏ đôi khi bị bố mẹ để ở nhà một mình, giáo sư đã chế ra những que diêm không cháy, việc sản xuất hàng loạt loại diêm này ở Trái Đất đã được tổ chức ổn thỏa.
Một hôm, giáo sư tôi xem phát minh mới nhất của ông. Thoạt đầu, tôi có cảm giác trước mặt tôi chỉ là một chiếc lò sưởi bằng gang, chính giáo sư Tarantoga cũng công nhận với tôi rằng đúng là ông đã sử dụng cái lò sưởi để làm bộ phận chính của máy.
- Anh bạn Ijon thân mến của tôi ơi, đây chính là cái ước mơ bao đời nay của con người đã biến thành hiện thực, – ông giải thích, – nó chính là cỗ máy mở rộng, hay nếu anh muốn, cỗ máy làm chậm thời gian. Nó cho phép ta kéo dài cuộc đời tùy thích. Một phút trong ấy có thể dài gần bằng hai tháng ở ngoài, nếu như tôi tính không lầm. Anh có muốn thử không?...
Tôi bao giờ cũng say mê các thành tựu kỹ thuật mới, vì vậy tôi không ngần ngại gật đầu đồng ý và chui ngay vào máy. Tôi vừa kịp ngồi xuống trên hai gót chân thì giáo sư đã đóng ngay cửa lại.
Khi cánh cửa sập vào, lò bị rung làm những hạt mồ hóng còn sót lại bay tung lên, tôi hít phải chúng, mũi liền ngứa ngáy và thế là tôi hắt hơi. Đúng lúc đó giáo sư đóng cầu dao điện. Do thời gian bị làm chậm lại, cái hắt hơi của tôi kéo dài trong năm ngày đêm liền, và khi giáo sư Tarantoga mở máy ra ông thấy tôi mệt lả đi dở sống dở chết. Thoạt tiên ông ngạc nhiên và lo lắng, nhưng sau khi biết rõ chuyện xảy ra ông cười đôn hậu và nói:
- Thế mà theo đồng hồ của tôi thực ra mới chỉ có bốn giây thôi đấy nhé. Thế nào, Ijon, cảm tưởng của anh về phát minh mới này của tôi như thế nào?
- Thành thực mà nói, tôi có cảm giác là nó còn lâu mới có thể được coi là hoàn thiện, mặc dù cũng đáng chú ý đấy, – sau khi hoàn hồn, tôi trả lời.
Vị giáo sư đáng kính hơi buồn một chút nhưng rồi đã cao thượng tặng tôi chiếc máy sau khi giảng giải cho tôi rõ là có thể sử dụng nó rất tốt để kéo dài cũng như rút ngắn thời gian. Cảm thấy mình đã mệt mỏi, tôi tạm thời không thử nghiệm tiếp nữa, chân thành cảm ơn giáo sư và chở chiếc máy về nhà. Thực ra tôi cũng không biết rõ lắm là nên làm gì với nó, vì thế tôi đem tống lên trần nhà để tên lửa của tôi, và nó đã nằm chết gí ở đó suốt nửa năm.
Khi viết tập tám của bộ sách nổi tiếng "Vạn vật học vũ trụ", giáo sư đặc biệt chú ý đến những tài liệu liên quan tới các sinh vật sống trên hành tinh Amauropia. Và ông chợt nảy ra ý nghĩ chúng sẽ là đối tượng tuyệt vời để thử nghiệm chiếc máy kéo dài (và rút ngắn) thời gian này.
Tìm hiểu dự án đó, tôi cũng bị cuốn hút đến nỗi trong vòng ba tuần tôi vội chất lên tàu số thực phẩm, nhiên liệu dự trữ, mang theo những tấm bản đồ về khu vực đó của Thiên hà mà tôi chưa kịp nghiên cứu kỹ cùng chiếc máy của giáo sư Tarantoga rồi xuất phát ngay. Điều đó càng dễ hiểu hơn nếu biết rằng cuộc hành trình tới hành tinh Amauropia kéo dài chừng ba mươi năm. Về những chuyện tôi đã làm trong chuyến bay đó, tôi sẽ kể lại sau, vào một dịp nào đó. Tôi chỉ muốn nhắc đến ở đây một sự kiện hết sức thú vị là việc tôi tiếp xúc với những người thuộc bộ lạc du cư vũ trụ, vẫn thường được gọi là những kẻ tha hương, trong khu vực ngoại vi của tâm Thiên hà (mà cũng phải công nhận là không mấy nơi trong vũ trụ lại bụi bặm như ở đấy).
Những kẻ bất hạnh này nói chung là không có tổ quốc. Nói một cách nương nhẹ thì những người này có một trí tưởng tượng hết sức phong phú – hầu như mỗi người trong số họ kể lại lịch sử bộ tộc mình với tôi theo một kiểu khác. Về sau tôi mới biết là chẳng qua do tham lam, họ đã vung phí hết hành tinh của mình, khai phá bừa bãi mọi tài nguyên trong lòng đất, xuất khẩu đủ loại khoáng sản. Họ đã đào xới toàn bộ hành tinh của mình, đào đi bới lại đến nỗi nó chỉ còn là một cái hố khổng lồ, và vào một ngày kia nó vỡ vụn ra ngay dưới chân họ. Thật ra, có một số người lại quả quyết rằng họ là những kẻ một bận kéo nhau đi uống rượu sau rồi bị lạc, không còn nhớ ra đường về nhà nữa. Có đúng thế không, cũng chẳng ai biết, song bất luận thế nào thì những kẻ lang thang trong vũ trụ này cũng không được ai tiếp đón niềm nở cả; vì nếu như đi lang thang như thế mà họ bắt gặp một hành tinh nào chẳng hạn thì chẳng bao lâu sau cư dân trên đó sẽ phát hiện ra là mình bị mất một thứ gì đấy: lúc thì một ít không khí, lúc thì bị một con sông chợt cạn sạch cả nước, lúc thì lại thiếu mất một hòn đảo.
Có lần họ đã ăn trộm, hình như ở hành tinh Ardenuria thì phải, cả một đại lục, may thay là không có người ở trên đó vì nó bị băng bao phủ toàn bộ. Họ sốt sắng nhận làm thuê những việc như lau sạch và điều chỉnh vòng quay của các vệ tinh, song ít ai dám tin mà giao cho họ những công việc quan trọng như thế. Con cái của họ thường nghịch ném đá vào các sao chổi hay cưỡi lên các mảnh thiên thạch cũ nát để nghịch chơi – nói tóm lại, họ gây ra nhiều chuyện lôi thôi không kể xiết. Tôi quyết định không thể để tồn tại mãi những cảnh như vậy nên tạm thời ngừng chuyến bay lại ít lâu và bắt tay vào giải quyết vấn đề, và tôi đã thành công to.
Tình cờ tìm được một vệ tinh trông còn khá tươm tất, tôi nhờ người ta tu sửa lại nó, và nhờ những mối quen biết của tôi, nó đã được chuyển hạng lên hành tinh.
Thực ra, ở đó không có không khí, song tôi đã tổ chức quyên góp: dân chúng quanh vùng mỗi người mang đến ít nhiều tùy theo khả năng, và thật cảm động khi tận mắt thấy những người tha hương tốt bụng vui sướng đến nghẹn ngào đặt chân lên hành tinh riêng của mình. Lòng biết ơn của họ thực là vô giới hạn. Thân mật chia tay với họ, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đến Amauropia chỉ còn chưa đầy sáu quintillion2 kilomet; sau khi đi nốt quãng đường còn lại và tìm thấy hành tinh mình định tới (ở đấy có vô số hành tinh) tôi bắt đầu cho tàu hạ xuống bề mặt của nó.
Bật hệ thống hãm, tôi vô cùng hoảng hốt khi bất ngờ nhận thấy nó không hoạt động và con tàu cứ thế lao xuống hành tinh.
Ngó qua khung cửa sổ tôi chợt thấy bộ phanh tàu đã biến đâu mất. Tôi căm phẫn nghĩ tới bọn người tha hương vô ơn, nhưng cũng không còn thời gian để mà ngẫm nghĩ nữa: con tàu đương lao qua lớp khí quyển, vỏ tàu cháy sáng rực màu hồng ngọc- chỉ một tích tắc nữa là tôi bị thiêu sống. May quá, vào giây cuối cùng tôi chợt nhớ đến chiếc máy kéo dài thời gian; bật nó lên, tôi đã làm cho dòng thời gian trôi chậm lại đến mức thời gian con tàu rơi xuống hành tinh kéo dài đến ba tuần. Sau khi khó nhọc thoát ra khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng đó, tôi bắt đầu xem xét địa hình xung quanh.
Con tàu đậu trên một khoảng đất trống rộng rãi, xung quanh là những cánh rừng màu xanh da trời nhạt. Phía trên các ngọn cây mà cành của chúng trông giống như những chiếc xúc tu của loài mực, có những con vật gì đó đang bay lượn nhanh đến chóng mặt. Thấy tôi xuất hiện, vô số những sinh vật giống con người không thể tưởng, chỉ có điều da chúng màu xanh lá cây và lại lấp lánh, vội đâm bổ trốn vào các bụi rậm màu tím. Tôi đã được Tarantoga nói cho nghe vài điều về chúng, nhưng tôi vẫn lấy cuốn sách chỉ dẫn của các nhà du hành vũ trụ ra đọc thêm những điều cần thiết ở trong đó.
Sách cho biết rằng, sống trên hành tinh này là những sinh vật hình thù giống như con người, tên gọi là Microcephalids, còn ở giai đoạn phát triển hết sức thấp. Mọi cố gắng thiết lập giao tiếp với chúng đều thất bại. Chắc chắn là sách nói đúng. Microcephalids bò trên bốn chân, thỉnh thoảng lại ngồi xổm trên hai chân sau, nhanh nhẹn tìm bắt các giống sâu bọ, và khi tôi tới gần, chúng giương cặp mắt lấp lánh như ngọc lên nhìn tôi, miệng lẩm bẩm những tiếng gì không rõ. Mặc dù hoàn toàn không có khả năng trí tuệ, chúng đặc biệt hiền lành và tốt bụng.
Hai ngày liền tôi nghiên cứu cánh rừng màu xanh da trời và các đồng cỏ rộng lớn bao quanh. Khi về đến tàu, tôi quyết định nghỉ ngơi chút ít. Đã nằm vào giường rồi, tôi lại chợt nhớ tới cái máy tăng giảm thời gian và quyết định cho nó chạy một vài giờ để thử xem sáng mai có kết quả gì không. Tôi nhẹ nhàng bê chiếc máy ra ngoài tàu, đặt dưới một gốc cây, mở cho thời gian chạy nhanh lên rồi quay vào giường đánh một giấc say sưa.
Tôi tỉnh giấc vì có ai đang lay tôi rất mạnh, mở mắt ra, tôi ngạc nhiên thấy bộ mặt của những người Microcephalids đang cúi xuống trên người tôi, có điều là giờ chúng đã đi bằng hai chân, và nói líu ríu những gì đó với nhau, tò mò kéo tay tôi. Khi tôi định chống lại thì chỉ chút nữa là chúng bẻ gẫy tay tôi. Tên lớn nhất trong bọn, một gã khổng lồ da tím ngắt, dùng sức nậy miệng tôi ra thò ngón tay vào đếm răng tôi.
Kệ cho tôi giãy giụa, chúng lôi tôi ra ngoài bãi trống và trói tôi vào đuôi tên lửa. Trong cái tư thế không lấy gì làm thuận tiện ấy tôi nhìn bọn người Microcephalids lôi đủ mọi thứ trong tàu ra; những thứ to không lọt vừa khung cửa thì trước hết chúng lấy đá ghè ra từng mảnh nhỏ. Thình lình một trận mưa đá từ đâu bay tới đập rào rào vào tên lửa và trút xuống đầu bọn người Microcephalids đang túm tụm quanh tôi, một hòn đá giáng trúng đầu tôi. Bị trói chặt, tôi không thể nào quay đầu nhìn về phía đá bay tới. Tôi chỉ nghe thấy tiếng reo hò của trận xung sát. Cuối cùng, đám Microcephalids đã bắt trói tôi bỏ chạy. Một đám khác xuất hiện, tháo xiềng cho tôi, làm động tác cúi chào biểu lộ lòng vô cùng kính cẩn rồi công kênh tôi lên vai, mang vào rừng sâu.
Đoàn người dừng lại dưới một gốc cổ thụ cành lá sum suê.
Trên đám dây leo giữa các cành của nó có một cái gì trông giống như túp lều treo giữa trời với một ô cửa sổ nhỏ. Họ tống tôi vào lều qua ô cửa đó, trong khi ấy đám đông tụ tạp dưới gốc cây quỳ mọp xuống rống lên những lời cầu nguyện. Hàng đoàn Microcephalids đến dâng tôi hoa quả. Những ngày sau đấy tôi là đối tượng của sự thành kính chung, hơn nữa các vị tư tế còn dựa vào nét mặt tôi mà đoán trước tương lai, khi nào thấy mặt tôi có vẻ dữ tợn, họ đốt hương ngải xông khiến tôi suýt chết ngạt. May sao trong thời gian tế lễ các vị tư tế lại đung đưa tòa tháp tôi ngồi ở trong, nhờ vậy mà thỉnh thoảng tôi còn thở lấy hơi được.
Sang ngày thứ tư, những người sùng bái tôi bị một toán Microcephalids vũ trang bằng gậy gộc dưới sự chỉ huy của tên khổng lồ đã đếm răng tôi tấn công. Trong thời gian chiến trận, hết rơi vào tay toán này lại đến toán kia, tôi lúc thì là người được sùng bái, lúc lại là người bị sỉ nhục. Trận đánh kết thúc với thắng lợi của những kẻ xâm lược mà lãnh tụ của họ là gã khổng lồ tên là Glistolot. Thế là tôi bị trói vào đầu một cây sào dài và được bọn thân quyến của vị tộc trưởng vác trên vai, tôi không tham gia lễ diễu hành chiến thắng về khu trại của tên khổng lồ. Chuyện đó sau này trở thành tục lệ, và từ đó trở đi tôi trở thành một thứ biểu tượng, như một lá cờ mà họ mang theo trong tất cả các cuộc hành quân. Thật là mệt, song nó cũng mang lại cho tôi một vài đặc quyền nào đấy.
Học được chút ít thổ ngữ của người Microcephalids, tôi thử giảng giải cho Glistolot là chính hắn và đồng bào của hắn phải chịu ơn tôi đã giúp họ phát triển nhanh như vậy. Hắn rất chậm hiểu nhưng tôi có cảm giác là đầu óc hắn đã có sáng ra chút ít.
Nhưng than ôi, hắn lại bị đầu độc bởi đứa cháu họ của hắn là Otlopedo. Tay tộc trưởng này đã thống nhất các bộ lạc Microcephalids ở trên thảo nguyên và trong rừng vốn vẫn thù địch với nhau lại bằng cách cưới Mastozymasia, nữ tư tế của bộ lạc trong rừng, làm vợ.
Trong bữa tiệc cưới, khi trông thấy tôi (tôi là quan chuyên nếm thử các thức ăn – chức này do Otlopedo phong cho tôi), Mastozymasia đã thét kêu lên vui sướng : "Nước da anh sao mà trắng thế! ". Nghe vậy, tâm hồn tôi tràn đầy những linh cảm nặng nề, và chúng đã ứng nghiệm ngay. Mastozymasia bóp cổ chồng lúc hắn đang ngủ rồi cùng với tôi sống theo kiểu già nhân ngãi non vợ chồng. Bây giờ tôi lại thử giảng giải cho cô ta biết công lao của tôi đối với những người Microcephalids, song cô ta hiểu tôi rất sai lệch và mới nghe vài câu đã kêu lên: "Trời ơi, anh chán em rồi sao!" và tôi lại phải dỗ dành cô ta rất lâu.
Tiếp theo lại xảy ra một cuộc đảo chính cung đình và Mastozymasia bị giết, còn tôi chạy thoát được nhờ trốn qua cửa sổ.
Cuộc tình của chúng tôi chỉ còn lưu lại trên màu trắng tím của lá quốc kỳ. Sau khi chạy trốn tôi tìm được bãi trống trong rừng nơi để cái máy thời gian và đã định tắt nó đi, song tôi lại nghĩ có lẽ thông minh hơn là cứ đợi cho đến khi người Microcephalids xây dựng được một nền văn minh dân chủ hơn.
Tôi sống một thời gian trong rừng, ăn toàn rễ cây và chỉ đêm mới dám mò tới gần thị trấn, cái thị trấn, giờ đây đã nhanh chóng biến thành một thành phố có tháp chuông vây bốn mặt.
Những người Microcephalids sống ở nông thôn thì làm ruộng, còn những người thành phố tấn công họ, cưỡng hiếp vợ con họ, cướp bóc tài sản và giết hại họ. Cũng trong thời gian đó tôn giáo được củng cố vững chắc, các nghi lễ ngày càng trở nên phức tạp.
Rủi cho tôi hơn nữa là những người Microcephalids lại kéo con tàu vũ trụ của tôi từ khoảng đất trống trong rừng về thành phố và đặt nó ở giữa quảng trường chính thành phố, coi đó là báu vật, xây tường quây lấy nó và đặt lính gác. Nhiều bận những người nông dân hợp nhau lại và tấn công thành bang Tím (thành phố được gọi tên như vậy), tàn phá nó thành bình địa, song lần nào nó cũng được dựng lại.
Vua Sarcepanos đã chấm dứt những cuộc chiến tranh liên miên đó bằng cách đốt trụi các làng mạc, chặt hết những cánh rừng và giết sạch những người làm ruộng, những người còn sống sót bị bắt làm tù binh và đưa về sống ở quanh thành phố. Không còn chỗ nào để ẩn náu nữa, tôi đành phải phiêu bạt đến thành phố Tím. Nhờ có những mối quen biết (đám hậu cần trong cung đình biết tôi từ thời Mastozymasia ), tôi được phong chức quan tẩm quất của nhà vua. Vua Sarcepanos mến tôi và phong tôi làm trợ thủ của đao phủ quốc gia, hàm ác ôn cao cấp. Tuyệt vọng, tôi lại đến chỗ bãi đất trống, nơi chiếc máy thời gian đang chạy và gạt nó sang chế độ tăng nhanh cực đại. Tất nhiên, ngay đêm đó Sarcepanos từ trần do bị bội thực; Trimon Xanh Da Trời, tổng chỉ huy quân đội, lên kế vị. Ông ta đưa ra chế độ quan chức thứ bậc, lệ nộp cống và chế độ nghĩa vụ quân sự. Màu da của tôi đã giúp tôi thoát khỏi phục vụ trong quân đội. Tôi bị liệt vào hàng ngoại tộc và cấm không được bén mảng lại gần cung vua. Tôi sống với những người nô lệ và họ gọi tôi là Ijon Nhợt Nhạt.
Tôi bắt đầu tuyên truyền chủ thuyết mọi người đều bình đẳng và giải thích vai trò của tôi trong quá trình phát triển xã hội của người Microcephalids. Tôi đã tập hợp được xung quanh mình một nhóm đông đảo những người ủng hộ thuyết đó; người ta gọi họ là bọn thợ máy. Bắt đầu xảy ra những vụ chống đối và biểu tình.
Đội cận vệ của Trimon Xanh Da Trời đàn áp họ một cách không thương tiếc. Chủ nghĩa duy máy móc bị cấm và bị đe dọa kết án tử hình bằng cách cù cho cười đến chết thì thôi.
Nhiều bận tôi buộc phải trốn khỏi thành phố và ẩn trong vùng đầm lầy ven đô, còn những người đồng chí hướng với tôi bị truy nã gắt gao. Về sau xung quanh học thuyết của tôi tập hợp được ngày càng đông những đại diện của tầng lớp trên, dĩ nhiên là họ giấu tên tuổi. Khi Trimon chết một cách bi thảm, vì đãng trí mà quên không thở, thì Carbonzyl Thông Minh lên nắm chính quyền.
Ông ta là người theo học thuyết của tôi và ông đã đưa nó lên hàng quốc giáo. Tôi được phong tước vị Thần Bảo hộ máy móc và có cả một dinh thự nguy nga trong cung vua. Tôi bận vô số công việc và tôi cũng không biết từ khi nào nữa những viên tư tế dưới quyền tôi bắt đầu loan truyền cái giả thuyết về nguồn gốc thần linh của tôi.
Tôi đã ngăn cấm chuyện đó nhưng vô hiệu. Cũng trong thời gian đó một tổ chức chống đối những người Thợ máy bắt đầu hoạt động, họ tuyên truyền là người Microcephalids phát triển theo con đường tự nhiên, còn tôi, vốn là một kẻ nô lệ, đã lấy vôi quét trắng người và lừa bịp nhân dân.
Những người cầm đầu tổ chức đó bị tóm cổ, và nhà vua yêu cầu tôi, với tư cách là Thần Bảo hộ Máy móc, kết án tử hình họ.
Không tìm ra lối thoát nào khác, tôi đành bỏ trốn qua cửa sổ cung điện và ẩn náu một thời gian ở vùng đầm lầy ven đô. Một hôm, tôi được tin là các viên tư tế đã thông báo cho toàn thể nhân dân biết việc thánh Ijon Nhợt Nhạt sau khi hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình đã trở về Trời, về với gia đình thần thánh. Tôi liền đến thành phố Tím để bác bỏ tin đó nhưng khi tôi vừa mới cất lời thì đám đông đương quỳ trước bức tượng tôi đã toan lấy đá ném tôi chết.
Đội lính gác đền đã cứu tôi nhưng là để rồi giam tôi vào ngục tối dưới đất như một kẻ mạo danh và báng bổ thánh thần. Ba ngày liền họ kỳ cọ và cạo da tôi cho mất cái màu trắng đáng nghi mà tôi dựa vào đấy-như lời tuyên án đã nói-để tự xưng mình là thánh Nhợt Nhạt đã về trời. Bởi vì tôi không thể nào xanh ra được, họ liền quyết định đem tôi ra tra tấn. Tôi thoát được tai họa đó là nhờ một người lính gác đã cho tôi một ít sơn xanh. Tôi phóng chạy vào rừng, nơi để chiếc máy thời gian, sau một hồi lâu hí hoáy, tôi đã điều chỉnh nó ở mức dồn nén thời gian hơn nữa với hy vọng là như thế sẽ đẩy nhanh được thời điểm xuất hiện một chế độ văn minh nào đó tạm chấp nhận được; sau đó tôi ẩn náu ở vùng đầm lầy ven đô hai tuần liền.
Tôi trở lại thủ đô khi chế độ cộng hòa được tuyên bố thành lập cùng với nạn lạm phát, lệnh ân xá và quyền bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội. Ở các trạm kiểm soát người ta hỏi giấy tờ, và vì tôi không có giấy tờ nên bị bắt vì tội du thử du thực. Sau khi được thả, vì không còn phương tiện gì để sinh sống tôi phải làm nghề chạy giấy cho Bộ giáo dục. Chính phủ đôi khi thay đổi đến hai lần trong ngày và cũng vì bất kỳ một chính phủ mới lên nào cũng bắt đầu bằng việc hủy bỏ các sắc lệnh của chính phủ trước và ban hành các sắc lệnh mới, nên tôi cứ phải chạy đi chạy lại suốt ngày. Kết cục là chân tôi mỏi rã rời, và tôi nộp đơn xin về hưu, nhưng người ta không chấp nhận và đúng vào lúc đó tình trạng quân luật được ban hành. Sau khi trải qua hai chế độ cộng hòa, hai chính phủ đại nghị, việc phục hồi nền quân chủ lập hiến, chính quyền độc trị của tướng Rozgroda, rồi chứng kiến cảnh ông ta bị giết như là một kẻ phản bội Tổ quốc, rút cục tôi không chịu đựng nổi sự phát triển chậm chạp như vậy của nền văn minh nên lại bắt đầu sục sạo trong cỗ máy và loay hoay thế nào mà làm gẫy một cái ốc nhỏ. Tôi không coi điều đó là hệ trọng lắm, nhưng một vài ngày sau chợt nhận ra là có chuyện kỳ lạ gì đó đang xảy ra.
Mặt trời mọc ở đằng Tây. Từ phía nghĩa địa vọng lại những tiếng ồn ào đủ loại, những người đã chết chẳng hiểu vì sao lại đi đầy trên các đường phố, thêm vào đó tình trạng sức khỏe của họ mỗi lúc một khá lên, còn những người có tuổi thì trẻ lại trông thấy.
Thời kỳ chính quyền của tướng Rozgroda trở lại, rồi đến chế độ quân chủ lập hiến, chế độ đại nghị và cuối cùng là chế độ cộng hòa. Khi chính mắt tôi trông thấy đám tang của vua Carbonzyl đi giật lùi trở lại và ba ngày sau chính nhà vua từ áo quan đứng dậy và tháo bỏ lớp vải liệm thì tôi hiểu rằng tôi đã làm hỏng cái máy rồi và bây giờ thời gian trôi ngược lại. Tệ hơn cả là tôi thấy trong người tôi cũng có những dấu hiệu trẻ lại. Tôi quyết định chờ đến khi vua Carbonzyl Đệ nhất sống lại và tôi lại trở thành Người Thợ máy Vĩ đại, vì khi đó lợi dụng những ưu thế có được, tôi có thể lọt vào con tàu vũ trụ.
Nhưng tốc độ thay đổi quá nhanh làm tôi hốt hoảng: tôi không còn tin chắc là mình đợi được cho tới lúc cần thiết. Hằng ngày tôi tới chỗ cái cây trong sân và vạch một vạch dấu ngang đầu.
Tôi thấy người mình thấp đi nhanh quá. Khi tôi lại trở thành Thần Bảo hộ Máy móc dưới triều vua Carbonzyl thì trông tôi giỏi lắm chỉ bằng đứa bé lên chín, thế mà tôi lại còn phải tích trữ lương thực cho chuyến đi nữa. Đêm đêm tôi chuyển chúng lên tàu, công việc thật hết sức vất vả vì tôi yếu đi rất nhanh. Nguy hơn nữa, tôi phát hiện ra rằng mình luôn có ý thích không cưỡng nổi là mút ngón tay.
Khi con tàu đã sẵn sàng cất cánh, từ sáng sớm tôi đã trốn sẵn trong tàu, và khi tôi định nắm lấy cần khởi động thì thấy sao nó ở cao thế. Tôi buộc phải trèo lên chiếc ghế đẩu mới kéo được nó.
Tôi muốn chửa rủa cho hả giận nhưng thật kinh hoàng khi thấy mình chỉ có thể sụt sịt mũi mà thôi. Lúc tàu cất cánh tôi còn đi lại được, nhưng hình như tác động của sóng thời gian còn tiếp tục một lúc nữa thì phải, vì sau khi tàu bay lên rồi và khi hành tinh chỉ còn là một cái chấm nhỏ lấp lánh tít tận nơi xa, tôi phải khó nhọc lắm mới bò lên được chỗ bình sữa mà tôi đã cẩn thận chuẩn bị trước. Sáu tháng liền tôi phải ăn uống theo cách như vậy.
Chuyến du hành tới hành tinh Amauropia, như tôi đã nói lúc đầu, kéo dài gần ba mươi năm, vì thế khi trở về Trái Đất vẻ ngoài của con người tôi không làm cho các bạn tôi kinh ngạc. Chỉ tiếc là tôi không có tài tưởng tượng, nếu không tôi đã chẳng phải tránh mặt giáo sư Tarantoga và tôi có thể bịa ra một câu chuyện ngụ ngôn hoang đường nào đấy để khen ngợi tài phát minh của ông mà không làm cho ông phật ý.