• Nhật ký vũ trụ của Ijon Tichy

Hãy cứu lấy vũ trụ (bức thư ngỏ của Ijon Tichy)


Chia sẻChia sẻChia sẻ

Sau một thời gian dài ngồi nhà trên Trái Đất, tôi lại sửa soạn lên đường đến thăm những chỗ mà tôi ưa thích qua các chuyến du hành trước đây của tôi – những khối cầu khổng lồ của chòm sao Anh Tiên, chòm sao Kim Ngưu và đám tinh vân lớn ở trung tâm Thiên hà. Đâu đâu tôi cũng gặp những sự thay đổi mà phải viết về chúng, tôi cảm thấy rất nặng nề, vì đó là những thay đổi không tốt đẹp gì. Bây giờ người ta đang nói nhiều về sự phát triển của ngành du lịch vũ trụ. Không nghi ngờ gì, du lịch là việc tốt, nhưng mọi cái đều phải có mức độ của nó.

Sự hỗn độn bừa bãi bắt đầu ngay khi vừa bước chân qua ngưỡng cửa. Vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc[note]Trong sách gốc câu này như sau: "Vành đai tiểu hành tinh giữa Trái Đất và Sao Hỏa", trong khi trên thực tế, với kiến thức của Thiên văn học, vành đai tiểu hành tinh chủ yếu nằm giữa quỹ đạo Sao Hỏa và Sao Mộc, đặc biệt các tiểu hành tinh lớn như Eros, Ceres, Junon... là nằm trong vành đai này, ở đây không hiểu là tác giả nhầm hay người dịch nhầm.

Theo Wikipedia: Trong Hệ Mặt Trời, các tiểu hành tinh là các thiên thể nhỏ hơn hành tinh, thường không đủ khối lượng để giữ hình dạng hình cầu, có quỹ đạo nằm chủ yếu giữa Sao Hỏa và Sao Mộc (giữa 2,3 và 3,3 AU từ Mặt Trời), và cấu tạo chủ yếu từ các khoáng chất không bay hơi. (AU: đơn vị thiên văn, là khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời, 1AU = 149 597 870,691 km).[/note] nằm trong tình trạng thật thảm hại. Những khối đá đồ sộ này trước đây đắm mình trong bóng đêm vĩnh cửu giờ đã được ánh điện chiếu sáng, nhưng thay vào đó mỏm đá nào cũng chi chít những chữ ký và tên họ viết tắt được cần cù khắc đủ kiểu.

Tiểu hành tinh Eros[note]Tên thần Ái tình trong thần thoại cổ Hy-lạp. – N.D.[/note] rất được các cặp trai gái ưa thích, thường xuyên rung lên bởi tiếng búa nện của những nhà "điêu khắc" nửa mùa đục những hàng chữ kỷ niệm lên vỏ của nó. Một số những kẻ láu cá lại còn kiếm ăn bằng cách cho thuê các loại đục, búa, khoan nén khí, và bây giờ không thể nào tìm ra được lấy một mỏm đá nào còn nguyên sơ trên cái khung cảnh trước đây hoang dại này.

Dù có quay đi hướng nào, đâu đâu cũng đập vào mắt những câu gây kinh hoàng như "Trên mảnh thiên thạch xưa cũ này, anh ngụp trong tình yêu của em, như trong đại dương cồn sóng cả", "Trên tiểu hành tinh tuyệt diệu này, tình hai ta như một lời ca, đốt tâm hồn cháy rụi ra tro" và những câu tương tự bên cạnh những trái tim thô thiển bị mũi tên xuyên thủng. Trên tiểu hành tinh Ceres[note]Tên nữ thần Sinh sản trong thần thoại cổ La-mã. – N.D.[/note], mà không hiểu sao được các gia đình đông con rất ưa thích, thì đúng là đang diễn ra loạn chụp ảnh. Vô số các nhà nhiếp ảnh lăng xăng chạy đi chạy lại, họ không chỉ rao cho thuê những bộ quần áo vũ trụ để làm "phông", mà còn phủ lên các mỏm đá một lớp thuốc tráng ảnh đặc biệt và in lên trên đó những tấm ảnh lớn bên ngoài có phủ keo cho bền. Hàng loạt những gia đình – bố, mẹ, ông, bà, con cháu, – đứng ngồi đủ mọi tư thế từ trên các mỏm đá mỉm cười nhìn xuống và tạo nên, như tôi đọc được trong một bài quảng cáo nào đó, cái "không khí gia đình" ấm cúng. Còn Junon, một tiểu hành tinh trước đây đẹp đến vậy, bây giờ hầu như không còn tồn tại nữa: bất kỳ người nào ngứa tay đều có thể bẻ của nó một mẩu rồi ném tứ tung vào không gian. Người ta không tiếc cả những thiên thạch sắt niken – chúng bị xoáy để làm cúc áo và nhẫn lưu niệm – lẫn các sao chổi. Bây giờ hiếm có sao chổi nào xuất hiện mà đuôi còn nguyên vẹn.

Tôi hy vọng rằng khi ra khỏi giới hạn của Hệ Mặt Trời, tôi sẽ thoát khỏi cái mớ hỗn độn nhốn nháo này, khỏi các bức chân dung gia đình trên vách đá và những câu thơ ngây ngô, nhưng nào có được!

Giáo sư Bruckee ở đài thiên văn mới đây có than thở với tôi rằng ánh sáng của hai ngôi sao trong chòm Bán Nhân Mã đều bị mờ đi. Mà làm sao có thể khác được, nếu như những vùng lân cận đều bị đổ đầy rác rưởi?! Xung quanh hành tinh nặng Thiên Lang (có thể nói, nó là cái đinh của hệ thống này), dần dần đã hình thành nên một vành đai giống như vành đai nổi tiếng của Sao Thổ, chỉ có điều là bằng vô số vỏ chai bia và nước ngọt. Các nhà du hành vũ trụ qua đây phải tránh không chỉ những dòng thiên thạch, mà cả từng luồng vỏ đồ hộp, vỏ trứng và giấy báo cũ. Có nhiều nơi các thứ rác này che lấp cả những ngôi sao. Các nhà vật lý vũ trụ hàng năm trời nát óc tìm nguyên nhân của tình trạng bụi vũ trụ phân bố rất không đồng đều trong các Thiên hà khác nhau.

Tôi nghĩ rằng lời giải đáp ở đây hết sức đơn giản – nơi nào nền văn minh Thiên hà càng phát triển nơi đó càng xả rác nhiều, vì vậy mà càng lắm bụi bặm, rác rưởi và chất thải.

Đây là một vấn đề gay cấn không chỉ đối với các nhà vật lý vũ trụ, mà còn cả đối với những người dọn rác. Tuy rằng ở các Thiên hà khác người ta cũng chưa biết cách giải quyết nó, nhưng nói thẳng ra, điều đó cũng chẳng an ủi được bao nhiêu.

Một trò nghịch ngợm nữa cũng rất đáng phải lên án là thói nhổ vào khoảng không, bởi vì nước bọt, cũng như bất kỳ một thứ chất lỏng nào khác, ở nhiệt độ thấp đóng băng lại, và việc đụng phải nó sẽ dễ dàng dẫn tới tai nạn. Nói về điều này quả là không tiện lắm, nhưng hình như những người kém chịu đựng các cuộc du lịch cứ coi vũ trụ là một cái ống nhổ, dường như họ không biết rằng dấu vết các cơn khó ở đó của họ rồi sẽ còn bay hàng hàng triệu năm theo các quỹ đạo của mình gây nên ở các khách du lịch những liên tưởng khó chịu và sự kinh tởm có thể hiểu được.

Tệ uống rượu cũng là một vấn đề đặc biệt.

Ở gần sao Thiên Lang, tôi đã thử cố đếm xem có bao nhiêu dòng quảng cáo khổng lồ treo trong khoảng không, kiểu "Chất cay Hỏa tinh", "Thiên hà", "Mặt Trăng đặc biệt" hay "Bạn đồng hành chọn lọc", nhưng chẳng mấy chốc đã bị lẫn và đành bỏ cái việc làm vô bổ đó. Các phi công vũ trụ quen biết kể với tôi là một số sân bay vũ trụ nhỏ đã buộc phải dùng axit nitric thay cho nhiên liệu cồn; nhiều khi vì thiếu chất đốt mà phải hủy cả những chuyến bay khẩn cấp. Các nhân viên tuần tra khẳng định rằng, ở trong khoảng không vũ trụ rất khó nhận ra kẻ say rượu từ xa, vì ai nấy đều giải thích các động tác không chính xác và bước đi lảo đảo của mình là do tình trạng không trọng lượng gây ra. Nhưng cũng cần nói rằng thái độ đối với khách hàng ở một số trạm phục vụ vũ trụ cũng thật đáng phẫn nộ. Có lần, ở một trạm nọ, tôi yêu cầu bơm đầy oxy vào các bình cầu dự trữ, nhưng sau khi đã bay xa được một parsec[note]Đơn vị đo khoảng cách trong Thiên văn học, bằng 3,26 năm ánh sáng, hay 3,08.10^13 km.[/note], tôi bỗng nghe có tiếng òng ọc kỳ lạ, và tôi phát hiện ra các bình cầu đều chứa đầy cồn nguyên chất! Khi tôi quay trở lại trạm, viên trạm trưởng khẳng định rằng, khi tôi nói với anh ta dường như tôi có nháy mắt. Có thể là tôi có nháy mắt thật, vì rằng tôi đang bị viêm kết mạc, nhưng chẳng lẽ điều đó lại có thể biện minh được cho sự việc đã xảy ra hay sao?

Trên các tuyến đường giao thông chính thường diễn ra những trò không thể chịu đựng nổi. Bây giờ không còn ai ngạc nhiên trước số lượng các vụ tai nạn tăng nhanh, vì có rất nhiều người thường xuyên phóng với tốc độ không cho phép. Mà chủ yếu đó lại là phụ nữ, bởi vì khi bay với các tốc độ lớn, thời gian sẽ chạy chậm lại, và như vậy họ sẽ lâu già hơn. Thỉnh thoảng còn gặp cả những con tàu cũ kỹ thải khí xả mù mịt làm uế bẩn cả đường hoàng đạo.

Khi ở trên hành tinh Palindronia tôi yêu cầu sổ góp ý thì người ta trả lời là hồi trước nó đã bị một mảnh thiên thạch tiêu hủy mất. Việc cung cấp oxy cũng ở trong tình trạng tồi tệ. Ở cách Beluria sáu năm ánh sáng, tôi đã không thể nào kiếm được oxy nữa; kết quả là những người đến đây với mục đích du lịch buộc phải nằm vào tủ lạnh và chờ trong tình trạng chết khả hồi cho đến khi nào có tàu chở không khí đến, vì họ không còn gì để thở mà sống nữa. Khi tôi bay lên đó, trên sân bay vũ trụ vắng tanh không một bóng người, tất cả đều đang nằm trong các thiết bị đông lạnh, nhưng ở quầy căng tin tôi tìm ra được cả một tủ đồ uống – từ dứa ngâm cognac đến bia thượng hạng...

Tình trạng vệ sinh, đặc biệt là trên các hành tinh thuộc khu Bảo tồn lớn, thật thảm hại. Trên tờ "Tiếng nói Mersituria", tôi đọc được một bài báo, trong đó tác giả kêu gọi tiêu diệt kỳ hết loài thú tuyệt đẹp chờ – nuốt. Số là ở môi trên của loài động vật ăn thịt này có những dải hạt cơm tự phát sáng tạo thành những hình thù khác nhau. Trong mấy năm gần đây ở khu vực này xuất hiện ngày càng nhiều lại thú có những hạt cơm tạo thành hình hai con số không. Chúng thường lẻn đến gần các trại du lịch và mở rộng miệng trong bóng tối chờ những kẻ đi tìm chỗ kín đáo. Nhưng chẳng lẽ tác giả bài báo không hiểu rằng những con vật đó hoàn toàn không có lỗi và không nên buộc tội chúng, mà phải buộc tội các cơ quan chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu các công trình vệ sinh cần thiết.

Cũng ở trên Mersituria này, tình trạng thiếu các tiện nghi công cộng đã gây nên một loạt đột biến di truyền ở các loài côn trùng.

Ở những nơi có cảnh đẹp, ta thường thấy những chiếc ghế bện rất tiện nghi dường như đang mời gọi khách đi đường mệt mỏi ngồi xuống nghỉ ngơi. Nhưng nếu như vị khách du lịch thuận theo sự quyến rũ đó mà ngồi xuống một chiếc ghế như vậy, thì anh ta sẽ bị ngay những đám mây đen côn trùng vây bọc. Cái mà ta ngờ là ghế bành đã biến thành hàng nghìn con kiến sao lốm đốm (loài kiến bện ghế, hay là Multipodium pseudostellatum Trylopii), chúng ken sát bên nhau một cách khéo léo để tạo thành chiếc ghế bện tưởng tượng. Tôi còn nghe đồn rằng một số loài chân đốt còn giả vờ làm ra các quầy nước ga, võng hóng mát hoặc thậm chí cả buồng tắm có vòi hoa sen lẫn, khăn mặt, nhưng độ chính xác của các tin đồn đó thì tôi không dám chắc, vì chính tôi chưa trông thấy tận mắt, còn các nhà chuyên gia về lĩnh vực này vẫn im hơi lặng tiếng. Nhưng bên cạnh đó cần phải báo trước để đề phòng loài chân-rắn-kính-viễn-vọng (Anencephalus pseudoopticus tripedius Klaczkinensis). Chúng hay rình sẵn ở những nơi có cảnh đẹp, xoãi những chiếc chân dài và mảnh ra giống hệt như giá đỡ ba chân, chót đuôi loe như ống kính chĩa về phía có cảnh đẹp, nước miếng tiết ra đầy miệng giả làm mặt kính viễn vọng; và một người thiếu thận trọng nào đó có thể ghé mắt nhìn, kết quả tất nhiên là thật đáng buồn. Một loài rắn khác (loài này ở trên hành tinh Gaurimachia) là hai-mặt-hại-ngầm (Serpens vitiosus Reichenmantlii), chúng thường nấp trong các bụi rậm và thò đuôi ra ngoài để người qua lại vấp ngã. Nhưng, thứ nhất, loài bò sát này chỉ ăn thịt người tóc vàng, và thứ hai, chúng không giả bộ biến thành vật gì khác. Vũ trụ không phải là vườn trẻ, và sự tiến hóa sinh học không phải là một cảnh điền viên. Cần phải xuất bản những cuốn sách nhỏ như tôi đã thấy trên Derdimona, trong đó người ta báo cho các nhà thực vật học nghiệp dư đề phòng loài hoa vẻ-đẹp-bạo-tàn (Pliximiglaguia bombardons L.). Loài cây này nở những bông hoa tuyệt sắc, nhưng hãy coi chừng, chớ có tìm cách ngắt nó, vì vẻ-đẹp-bạo-tàn luôn luôn sống cạnh quả-chùy-đá, một loài cây có quả như dưa bở nhưng có gai lớn. Chỉ cần ngắt một bông hoa đẹp, kẻ thiếu cảnh giác sẽ bị ngay một trận mưa những quả cây rắn như đá rơi lên đầu. Cả vẻ-đẹp-bạo-tàn lẫn quả-chùy-đá đều không làm điều gì xấu đối với người bị giết, vì chúng đã thỏa mãn với những kết quả tự nhiên do cái chết của người đó mang lại – làm màu mỡ thêm đất đai xung quanh chúng.

Nói cho cùng, những chuyện lạ lùng tương tự như vậy của hiện tượng thay hình đổi dạng có thể gặp ở tất cả các hành tinh của Khu bảo tồn. Chẳng hạn, các đồng cỏ nhiệt đới của Beluria sặc sỡ đủ mọi màu sắc hoa, trong đó nổi bật lên một loại hoa hồng đỏ chói có mùi hương và sắc đẹp tuyệt vời. Các hoa giả đó thực ra là núm đuôi của một loài thú ăn thịt ở Beluria có tên là đuôi-câu. Khi bị đói, thèm mồi, thú đuôi-câu giấu mình trong rừng, ném cái đuôi dài lạ thường ra ngoài bãi, và giữa đám cỏ người ta chỉ thấy mọc lên những bông hoa rất đẹp. Khi người khách du lịch, hoàn toàn không nghi ngờ gì, cúi xuống để ngửi hoa, thì con quái vật liền từ phía sau nhảy tới. Loài thú ăn thịt này có những chiếc răng nanh dài gần bằng ngà voi. Cho nên câu ngạn ngữ "Hồng nào mà chẳng có gai" quả cũng không sai ngay cả trong điều kiện vũ trụ.

Dù phải đi lạc đề, tôi cũng không cưỡng nổi ý muốn kể về một điều kỳ quái khác ở Beluria, đó là một loài thực vật có họ hàng xa với khoai tây, cây đắng-cay-trí tuệ (Gentiana sapiens suicidalis Pruck). Củ của nó rất ngon, còn tên gọi của nó có nguồn gốc từ một số đặc tính tinh thần. Sự thể là ở loài đắng-cay này do kết quả của các đột biến mà nhiều khi thay vì các củ tinh bột bình thường lại mọc ra những khối não nhỏ. Biến chủng này có tên là đắng-cay-mất-trí (Gentiana mentecapta), nó càng lớn càng cảm thấy bất yên, tự nhổ rễ lên rồi đi vào rừng sâu, và ở đó bắt đầu chìm đắm vào những suy ngẫm cô đơn. Thường thường nó đi đến kết luận là cuộc đời này không đáng sống, và sau khi hiểu được toàn bộ nỗi đắng cay của sự tồn tại liền tự tử. Đối với con người, loài cây này không có gì là nguy hiểm, khác hẳn với một loài thực vật khác ở Beluria là cây rồ-dại. Bằng quy luật của sự thích ứng tự nhiên, cây rồ-dại thích nghi với môi trường được tạo ra bởi những đứa trẻ hư thân mất nết lúc nào cũng chạy rông ngoài đường, xô đẩy, đá đạp tất cả những gì bắt gặp và thích đập vỡ trứng của loài chim cánh-hậu-nhảy-nhanh. Trái cây rồ-dại giống những quả trứng này một cách lý tưởng. Đứa trẻ trông thấy tưởng là trứng, liền thỏa cơn ham muốn phá phách và đá vỡ vỏ nó ra; nhờ vậy những bào tử nằm trong quả trứng được giải thoát ra ngoài và thâm nhập vào cơ thể đứa bé.

Bị nhiễm độc, đứa bé lớn lên thành một người vẻ ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng ít lâu sau nó bị một cơn sốt không thể nào chữa khỏi: đam mê cờ bạc, nghiện ngập rượu chè, dâm ô trác táng là những giai đoạn lần lượt của căn bệnh này, sau đó thì hoặc là kết thúc bằng cái chết, hoặc là bắt đầu một bước đường công danh nhanh đến chóng mặt. Đã nhiều lần tôi được nghe những ý kiến là phải tiêu diệt tận gốc loài rồ-dại này. Nhưng những người nói như thế không nghĩ đến một giải pháp đơn giản hơn nhiều – Ấy là giáo giục lũ trẻ để chúng đừng ngứa chân đá đạp tất cả những gì gặp trên các hành tinh lạ.

Theo bản tính tự nhiên tôi là người lạc quan, và tôi hết sức cố gắng giữ ý kiến tốt đẹp về con người, nhưng, thú thật, điều đó không phải bao giờ cũng thành công. Trên hành tinh Prostostenesa có một loài chim nhỏ giống con vẹt trên Trái Đất chúng ta, nhưng nó không nói, mà viết trên các bờ dậu những câu, than ôi, nhiều khi rất mất lịch sự, những câu được các nhà du lịch từ Trái Đất lên dạy cho. Một số người cố ý làm cho con chim này nổi khùng lên bằng cách chỉ cho nó thấy những lỗi chính tả của nó. Vì tức giận, nó bắt đầu nuốt chửng tất cả những gì nó trông thấy. Người ta nhét vào dưới mỏ của nó nào là gừng cay, nào là ớt tiêu, có khi cả loài cỏ phát ra tiếng kêu vang rền kéo dài vào lúc mặt trời mọc (nhiều khi nó còn được sử dụng làm đồng hồ báo thức nữa). Khi con chim bị chết vì bội thực, người ta đem xiên nó lên que nướng thịt. Loài chim này có tên gọi là nhà-văn-viết-ngọng (Grafomanus spasmaticus Essenbachii). Đến nay loài chim này đang có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, vì bất kỳ người khách du lịch nào cũng lăm le được nếm món mĩ vị nhà-văn-viết-ngọng nướng chấm nước xốt.

Lại nữa, một số người vẫn cho rằng nếu chúng ta ăn thịt các sinh vật của các hành tinh khác, thì mọi việc đều ổn thỏa cả; nhưng còn ngược lại thì họ lập tức làm ầm ĩ lên thật khủng khiếp, kêu gọi giúp đỡ, đòi hỏi phải tổ chức những cuộc viễn chinh trừng phạt, vân vân... Vậy là bất kỳ một lời buộc tội các hệ thống hoặc thực vật vũ trụ nào khác là đạo đức giả hoặc xảo quyệt đều là điều vô nghĩa theo thuyết nhân hình.

Nếu như loài cột-chỉ-đường-xỏ-lá với hình thù như một gốc cây mục đứng trên hai chân trong một tư thế giống hệt cột chỉ đường ở các vùng núi để lừa cho những người đi đường bị lạc lối rơi xuống vực làm mồi cho nó chén đẫy, nếu như, tôi xin nhắc lại, nó có làm như vậy thì cũng chỉ vì các cơ quan phục vụ không theo dõi để cho các cột hiệu chỉ đường trên Khu bảo tồn bị tróc sơn mục nát giống hệt như loài thú kia. Ở vào địa vị và hoàn cảnh như vậy có lẽ ai cũng đều làm như thế cả.

Còn các ảo ảnh khét tiếng trên hành tinh Stredogentsia tồn tại được chủ yếu là nhờ những ham muốn thấp kém của con người.

Trước đây trên Stredogentsia mọc vô số loài hơi-lạnh, còn loài hơi ấm hầu như không gặp. Thế mà hiện nay loài hơi ấm lại phát triển đến mức không thể hình dung nổi, trên các bãi rậm của chúng làn không khí được hun nóng phản chiếu ánh sáng tạo thành những ảo ảnh hình quán rượu, chúng đã quyến rũ khá nhiều người từ Trái Đất lên đến với cái chết. Người ta nói rằng tất cả tội lỗi là do loài hơi-ấm. Nhưng thử hỏi tại sao những ảo ảnh do chúng tạo ra lại không mang hình trường học, hiệu sách hay phòng hòa nhạc?

Tại sao chúng lại chỉ phỏng theo hình ảnh những quầy bán rượu?

Rõ ràng là do tính không điều khiển được của các đột biến sinh học, nên lúc đầu loài hơi-ấm cũng tạo ra tất cả những ảo ảnh có thể, nhưng dần dần những cá thể nào mang ảo ảnh giảng đường, thư viện hay câu lạc bộ đều bị chết đói hết, chỉ còn biến chủng quán rượu (Thermomendax spirituosus halucinogenes thuộc họ ăn thịt người) là còn sống. Như vậy đúng là cái hiện tượng kỳ lạ, cái khả năng thích ứng nó cho phép loài hơi-ấm tạo nên ảo ảnh bằng cách phun không khí nóng lên không, đã trở thành một sự tố cáo đầy thuyết phục những thói hư tật xấu của con người chúng ta. Kẻ tạo nên chiến thắng của biến chủng quán rượu này chính là con người, là bản chất đáng thương hại của con người.

Tôi lấy làm phẫn nộ trước bức thư của một bạn đọc đăng trên báo "Tiếng vang Stredogentsia". Tác giả bức thư đòi hủy diệt toàn bộ loài hơi-ấm cũng như loài phun-nhựa (những cây đẹp tuyệt vời này có thể làm niềm tự hào trang điểm cho bất kỳ công viên nào). Vì rằng nếu dùng dao cứa vào thân cây thì từ dưới lớp vỏ của nó sẽ phun ra những tia nhựa làm mù mắt. Phun-nhựa là loài cây cuối cùng của Stredogentsia không bị chạm khắc từ trên xuống dưới với những dòng chữ và ký hiệu đủ kiểu, thế mà bây giờ chúng ta lại phải loại bỏ nó đi! Có lẽ một số phận tương tự cũng đang chờ những tạo vật quý giá của tự nhiên như các loài không-lối-trả-thù, bắn-ra-lửa, món-ăn-thầm-kín, hoặc là nhiễu-điện-trường. Để cứu mình và con cháu của mình khỏi bị tê liệt hệ thần kinh bởi tiếng ồn quá mức của vô số những chiếc radio mà các khách du lịch mang vào rừng sâu, loài nhiễu-điện-trường này theo quy luật chọn lọc tự nhiên đã tạo ra một biến chủng có khả năng làm tiêu âm những buổi phát thanh quá to, đặc biệt là nhạc Jazz! Các bộ phận điện tử của nhiễu-điện-trường phát ra những sóng giống như máy thu đổi tần; cái tạo vật lạ thường này của tự nhiên cần phải cấp tốc được bảo vệ!

Còn về cây thối-hoắc, thì tôi phải công nhận rằng cái mùi mà nó tỏa ra đúng là vô địch – tiến sĩ Hopkins ở trường Đại học Tổng hợp Milwaukee đã tính ra rằng những cây sung sức nhất có thể tỏa ra đến năm nghìn độ thối (đơn vị đo mùi hôi) trong một giây. Nhưng ngay cả đứa trẻ cũng biết rằng cây thối-hoắc chỉ tỏa mùi thối khi bị người ta chụp ảnh mà thôi. Hình ảnh chiếc ống kính chĩa vào nó gây nên cái gọi là phản xạ dưới thấu kính, nhờ đó mà thiên nhiên tìm cách bảo vệ cái tạo vật vô tội này của mình khỏi những kẻ vô công rồi nghề. Thực ra, do cận thị nên cây thối-hoắc người khi nhận nhầm là máy ảnh cả những vật như hộp thuốc lá, bật lửa, đồng hồ và thậm chí cả các loại huy chương, huy hiệu đeo trên khuyết áo, nhưng chuyện đó xảy ra một phần cũng là vì ngày nay nhiều khách du lịch sử dụng các loại máy ảnh tí hon, và như vậy rất dễ nhầm. Còn trong những năm gần đây cây thối-hoắc tăng cường mức độ hoạt động và nhiều khi tỏa ra đến bảy mega độ thối trong một hecta là do việc sử dụng hàng loạt các loại ống kính tầm xa gây nên.

Tôi không muốn tạo cho bạn đọc ấn tượng là tôi coi tất cả các loài động vật và thực vật vũ trụ là không được xâm phạm đến.

Chắc chắn là các loài như bóp-chết-nghẹt, ôm-quyến-rũ, háu-nhai, lưỡi-dao-dài, xác-đen hay ngốn-tất đều không đáng để ta có thiện cảm. Tình hình cũng như vậy đối với các loài chiếm-đoạt thuộc họ Tự cấp như Gauleiterium fragellans, Syphonophiles pruritualis hoặc đục-khoét-vòi-vĩnh. Nhưng nếu suy ngẫm một cách thấu đáo và cố gắng thật khách quan thì của đáng tội, cũng không rõ tại sao con người lại được phép hái hoa ép khô trong các tập mẫu thực vật, trong khi một loài cây nào đó ngắt tai người ngâm trong nhựa của mình thì lại bị coi là trái tự nhiên? Và nếu như loài tiếng-vang-xấc-xược (Echolalium impudicum Schwamps) sinh sôi nảy nở quá mức trên hành tinh Aedonoxia, thì đấy là lỗi của con người. Bởi vì cây tiếng-vang lấy năng lượng sống từ các nguồn âm thanh – trước kia đó là tiếng sấm, vì vậy cho đến ngày nay chúng vẫn còn thích thú lắng nghe dư âm của các cơn giông nhưng bây giờ chúng chuyển hướng sang các vị khách du lịch, người nào cũng coi mình có trách nhiệm phải tặng cho chúng những tràng chửi rủa thô tục.

Họ nói rằng họ rất thích thú trước cảnh loài cây này nở hoa ngay trước mặt họ khi nghe những câu chửi tục. Quả là chúng nở hoa thật, nhưng đó là nhờ năng lượng sinh ra bởi độ rung của âm thanh chứ không phải bởi ý nghĩa đáng tởm của những lời lẽ mà các vị khách du lịch bị kích động tuôn ra.

Tất cả những chuyện đó sẽ dẫn đến cái gì? Trên bề mặt các hành tinh đã biến mất các loài như gắt-gỏng-màu-xanh hay số-phận-bướng-bỉnh. Hàng nghìn loài khác cũng đang bị hủy diệt.

Những đám mây rác rưởi làm tăng thêm các vệt đen trên Mặt Trời. Tôi còn nhớ vào thời kỳ trước đây phần thưởng tốt nhất đối với một đứa trẻ là hứa cho đi thăm Sao Hỏa ngày chủ nhật, còn bây giờ các cậu con trai õng ẹo sẽ không chịu ăn sáng nếu như ông bố không tạo riêng cho chúng một vụ nổ sao siêu mới!

Trong khi tiêu phí năng lượng vũ trụ cho những trò tiêu khiển như vậy, làm uế bẩn các hành tinh và thiên thạch, phá tan hoang Khu bảo tồn, để lại sau mỗi bước chân mình trong khoảng không gian các Thiên hà vô số vỏ trứng, mẩu thức ăn thừa, giấy lộn, chúng ta đang hủy hoại Vũ Trụ, biến nó thành một bãi rác khổng lồ. Đã đến lúc cần tỉnh ngộ lại và bằng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp hà khắc nhất, buộc những người du lịch tuân theo các nội quy đã được đề ra. Tin chắc rằng mỗi phút giây chậm trễ đều nguy hiểm, tôi lên tiếng báo động và kêu gọi: Hãy cứu lấy Vũ Trụ!


  • LỜI NÓI ĐẦU
  • Cuộc phiêu lưu thứ bảy
  • Cuộc phiêu lưu thứ mười hai
  • Cuộc phiêu lưu thứ mười bốn
  • Cuộc phiêu lưu thứ hai mươi hai
  • Cuộc phiêu lưu thứ hai mươi lăm
  • Hãy cứu lấy vũ trụ (bức thư ngỏ của Ijon Tichy)
Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears