Cứ giả sử bản thân câu chuyện là một cỗ máy thì để nó có thể hoạt động hết công suất bạn cần phải nắm rõ được từng chi tiết bên trong để khai thác được tối đa nguồn năng lượng tới từ việc giải quyết các mâu thuẫn lớn nhỏ. Song trên thực tế có rất ít người viết nhận ra rằng có một số yếu tố cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng giúp người viết có thể nắm giữ và kiểm soát nguồn năng lượng đó lại nằm ngay trong công đoạn xây dựng nhân vật – Ham Muốn. Và việc nắm rõ và lý giải các nhu cầu, những điều cần và muốn nảy sinh ra với nhân vật trong suốt chiều dài của câu chuyện để xây dựng một hình mẫu nhân vật rõ nét chính là một trong những phương pháp giúp câu chuyện của bạn phát huy năng lượng mạnh mẽ vốn có để thông qua đó chiếm được cảm tình của người đọc.
Tôi thật sự mong rằng bài viết lần này có thể mang lại cho bạn một cái nhìn rõ ràng và hệ thống hơn trong việc xây dựng nhân vật, thể hiện được vai trò của các ham muốn trong tiểu thuyết và ở ngoài đời là trọng tâm của nó. Bởi vì bạn không thể chỉ đơn giản giao cho nhân vật của mình một điều cụ thể bất kỳ để tạo ra sự ham muốn là có thể giải quyết được bài toán rằng làm cách nào để khiến cho sự tồn tại của họ trở nên thú vị.
Để coi, chúng ta phải kiếm vài ví dụ mang tính triết lý để triển khai vấn đề xem sao. Trước hết có thể hình dung rằng cuộc sống của chúng ta là những cuộc đua cạnh tranh ác liệt dựa trên thứ luật chơi từ những điều thuộc về chuẩn mực đạo đức mà con người đã tạo dựng nên và ghi nhận lại qua các thời kỳ lịch sử mà theo đó thì:
PLATON1 hình dung linh hồn hoàn mỹ giống như một tạo vật có cánh sẽ vĩnh viễn bay cao hướng về chân lý. Trong khi đó các linh hồn khiếm khuyết sẽ đánh mất đôi cánh của chúng và sa ngã xuống trần gian đầy rẫy những thú vui trụy lạc, sự bội bạc và những định kiến giai tầng. Cũng vì vậy, chỉ có sự thành tâm hướng về chân lý tinh khôi mới có thể khiến những linh hồn đọa lạc tìm lại được đôi cánh của chúng.
AUGUSTINE2 thì cho rằng con người sẽ mãi mãi bị ô uế bởi những tội lỗi của Adam, tuy nhiên chúng ta vẫn giữ còn được khao khát được trở về cuộc sống vô ưu nơi vườn địa đàng, mà con đường hồi quy đó chỉ có thể đạt được thông qua sự ban ân bởi đức chúa trời.
NHÀ PHẬT tin rằng linh hồn con người ta sẽ vẫn chìm đắm trong những vòng luân hồi một khi vẫn còn vướng phải thất tình lục dục giữa trần thế trong cuộc sống vô vọng chỉ biết theo đuổi vật chất và niềm vui thể xác. Để được siêu thoát, người ta sẽ phải hướng mình đến những điều bản chân, rũ bỏ những điều trần tục và từ đó đạt được tâm thái vô ngã.
FREUD3 lý luận rằng con người chúng ta được kiềm chế bởi hai yếu tố mâu thuẫn nhưng cân đối về mặt bản năng: Né tránh những đau đớn trong khi lại ham muốn sự khang kiện và lành lặn. Theo đó chỉ khi nào chúng ta tự mình xé mở vết thương cũ để đối diện với những nỗi đau và vượt qua chúng thì đó mới là lúc ta xóa bỏ được những hành hạ tinh thần.
… vân vân và vân vân…
Bạn thấy rồi đó, mỗi một quan điểm, dù thế nào đi chăng nữa thì chúng cũng thể hiện ra cái gọi là “dục vọng” hay còn gọi theo cách thuần Việt là sự “khao khát” tiềm ẩn trong mỗi chúng ta về một trạng thái thỏa mãn về tinh thần hoặc thể xác, hạnh phúc, khỏe mạnh, tình yêu vĩnh cửu… nói chung là vô số các mong ước. Thậm chí ngay cả khi bạn cho rằng những triết lý sâu xa đó chỉ là hư ảo thì bạn vẫn chẳng thoát khỏi thực tế đơn giản rằng việc bạn muốn chúng không tồn tại cũng chỉ là một trong số các mong muốn mà thôi.
Mỗi quan điểm trên đều chỉ ra những tranh chấp nội tại trong lòng một cá nhân giữa những đấu tranh của đức tính cao thượng và xu hướng vị kỷ, can đảm hay đớn hèn mà chúng ta buộc phải giải quyết.
Thực sự, nói tới đây thì ngay cả tôi cũng đã bắt đầu cảm thấy vấn đề này nó có vẻ hơi… thâm ảo quá mức cần thiết rồi. Và nhiệm vụ của chúng ta lại chính là phải bằng cách nào đó hiểu rõ mọi đầu dây mối nhợ của mớ bòng bong những tư tưởng mâu thuẫn điên rồ này và dựng lên các xung đột đặc sắc. Vậy chúng ta cần phải biết những gì? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra được một câu chuyện từ những thứ như vậy?
Trong quá trình xây dựng mô hình ở các bước sơ khởi, bạn hãy tập trung xem xét nhân vật của mình dựa trên bốn yếu tố có liên quan trực tiếp sau:
Có thể hiểu nôm na về các yếu tố trên rằng:
1. Nó thể hiện khi một câu chuyện ở vào khởi điểm và nhân vật chính của chúng ta trình làng với một phần giới thiệu cơ bản mà trong đó có đề cập ít nhiều tới trạng thái thiếu sót của anh/cô ta mà rất có thể ngay cả bản thân nhân vật cũng không hề nhận thấy: Tâm nguyện bất thành, mệt mỏi, chán nản, hận đời… thậm chí là cả nỗi sợ hãi.
2. Khi một nhân vật thể hiện sự thiếu sót, tỷ như khi một khát vọng của anh/cô ta không trở thành hiện thực thường sẽ tạo ra sự mất cân bằng về mặt tâm lý, khiến cho mục đích sống của nhân vật đó trở nên mơ hồ, không xác định (ít nhất là trong giai đoạn đầu của câu chuyện).
3. Lý do khiến cho một người không thể hoàn thành được mong muốn của cô ta sở hữu một hoặc vài đặc điểm tiêu cực nào đó về mặt tính cách và điểm đó đã tác động lên nguyện vọng ban đầu để rồi khiến nó trở nên vớ vẩn, bất khả thi, khủng hoảng, không lối thoát (Ôi đời mà, như vậy nó mới đúng chớ) và chúng có thể là:
Các yếu tố trên – Điểm yếu, thương tổn, ngưỡng tinh thần hay tì vết có thể tự thể hiện ra vai trò của chúng một cách riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau. Các tì vết của một người có thể là hậu quả của các tổn thương hoặc sự yếu đuối – kiểu như bạn có thể thấy cách mà Rick Blaine tan nát cõi lòng đã trở thành một con người của sự cay nghiệt và đắm chìm vào bóng tối của chủ nghĩa hoài nghi như thế nào trong tác phẩm Casablanca (Bạn biết Casablanca mà, đúng không? Một trong những tác phẩm điện ảnh thể loại lãng mạn kinh điển, thậm chí bài hát trong phim cũng là một trong những bài hát nổi tiếng nhứt) – và thường thì biểu hiện của chúng không chỉ đơn thuần là về mặt cảm xúc hay tâm lý mà còn ở trên khía cạnh đạo đức nếu ở vào trường hợp mà nhân vật chẳng những tự hành hạ bản thân mình mà còn gây hại đối với người khác.
Dù hình tượng nhân vật của bạn có chứa một hay nhiều những điều ở vào dạng mà chúng ta đã nói ở trên thì hậu quả sẽ luôn là việc anh/cô ta có thể đối diện với bản thân mình một cách thành thật sẽ ngày càng trở nên khó khăn, nó sẽ càng đẩy mọi thứ đi tới tiệm cận nghĩa đen của miêu tả “hủy hoại bản thân” mà chúng ta thường biết tới.
4. Và rồi có sự kiện nào đó xảy ra – Người trong mộng xuất hiện, một xác chết được phát hiện, một cuộc thám hiểm bắt đầu, chiếc xe nhân vật đang lái bị lao xuống một chỗ nào đó – và nó thúc đấy ham muốn phản ứng hoặc hành động của nhân vật như một yếu tố thuộc về bản năng,.
Tại đây ta có thể dễ dàng thấy rằng ham muốn hành động thường hiển hiện ra theo cách dễ dàng và đơn giản nhứt: Giành được tình yêu, bắt được hung thủ, hoàn thành cuộc thám hiểm, ráng lết tới thị trấn gần đó để tìm kiếm sự giúp đỡ. Tính chất đơn giản của các mục tiêu khiến mọi hoạt động của nhân vật trở nên chính xác và tỉ mỉ hơn bởi nó cho phép chúng ta đẩy mạch truyện vượt ra khỏi vũng lầy loanh quanh của những đau khổ. Nói một cách giản đơn: Ham muốn cho nhân vật lý do để tồn tại và trở nên hấp dẫn và đầy ấn tượng trong mắt độc giả.
Trong suốt quá trình theo đuổi ham muốn của bản thân, nhân vật sẽ được đưa vào một hình thức mà trong đó chứa đầy các tình huống khó khăn khi anh/cô ta phải đối mặt với các loại trở ngại, kẻ thù, địch thủ. Và hình thức đó được biết tới với định nghĩa: Xung Đột. Quá trình đấu tranh đầy gian nan để tiến lên bất chấp các khó khăn sẽ tại ra một hoàn cảnh tâm lý dành riêng cho việc đánh giá lại đối với vấn đề đang phải đối mặt mà tại đó nhân vật sẽ buộc phải tự hỏi bản thân rằng: Tại sao lại phải tiếp tục? Tại sao lại không đầu hàng, thỏa hiệp, buông bỏ?
Câu trả lời: Khát vọng. Cụ thể là khi đứng trước viễn cảnh thất bại hay thậm chí bị hủy hoại, nhân vật của chúng ta sẽ buộc phải nhận thức được những nhu cầu rõ rệt hơn, những khát khao thuần túy mà anh ta đã không nắm bắt được trước đó. Hoặc cũng có thể bản thân nhân vật đã phát hiện ra điều này từ trước và cuối cùng đã đánh giá đúng được áp lực không thể cưỡng lại cũng như sự bức thiết của nó. Điều này sẽ đánh thức các cảm giác về nguy cơ đối với cô ta.
Khát vọng của nhân vật sẽ mách bảo anh ta sự thực rằng: Lối sống mà anh ta chọn, con người mà anh ta muốn được trở thành – Một khi đã quay lưng với chúng, anh ta sẽ phải rời khỏi cuộc chơi. Bất kể là mục tiêu khái quát (Mục tiêu mà nhân vật sẽ cố gắng đạt được vào thời điểm kết thúc câu chuyện), hoài bão hay tham vọng mà nhân vật theo đuổi trong câu chuyện thì việc bạn làm sẽ là tìm mọi cách để xoáy sâu và thể hiện được tính bức thiết của các nhu cầu và khát vọng của anh ta trong câu chuyện bởi tác dụng rất rõ ràng của cách làm này chính nhằm mục đích tạo ra các mối nguy cơ thực sự.
Hãy thử xem xét một chút với một trong những tác phẩm đỉnh cao trong văn học cổ điển đang được đào bới khá sôi nổi trong những năm qua – Thần Khúc (The Divine Comedy) của Dante Alighieri. Thông qua tác phẩm này Dante đã bộc lộ một cách tha thiết rằng điều đã cứu ông thoát khỏi những giờ phút tăm tối nhứt trong cuộc đời chính là một lần nữa được khám phá tình yêu dành cho người bạn đời quá cố của ông – Beatrice. Ông nhận ra rằng tình cảm của họ là nguồn sống, là chân lý tươi đẹp của đời mình và nếu ông làm ra bất kỳ điều gì xấu xa hay suy đồi trong mắt nàng thì đó chính là một tội ác khủng khiếp. Beatrice không chỉ là ánh sáng lương tri của ông, nàng còn là bầu trời rực rỡ để linh hồn ông được thăng hoa. Kỷ niệm về nàng mang nặng nỗi khao khát trong ông, và mọi dấu hiệu bất tín sẽ chỉ khiến linh hồn ông tàn phế.
Chúng ta có thể tổng kết ngắn gọn vài câu về khát vọng của nhân vật như thế nào đây? Đó là: Để được che chở, được tự do, để có được tình yêu đích thực.
Nhưng đó là chúng ta thử nói gọn vậy thôi, thực tình mà nói thì nếu mà bạn vẽ ra một khát vọng quá mức đơn giản thì tác phẩm của bạn sẽ trông chán phèo cho mà coi. Theo lẽ thường thì khi một khát vọng sẽ bị coi rẻ vào lúc đầu và sau đó nó sẽ buộc phải được công nhận ở mức độ nào đó để rồi có được đền đáp trong quá trình câu chuyện diễn ra. Chúng ta có thể hiểu như vậy.
Để khơi gợi ra những ý nghĩa tương ứng với niềm khao khát của nhân vật về con người anh ta muốn trở thành, cuộc sống anh ta mong đợi thì bạn cần có điều gì đó lớp lang phức tạp hơn mà không phải chỉ bằng vào vài câu khẩu hiệu đơn thuần là có thể diễn tả được. Bạn cần phải có được cảm thụ, khả năng hình dung cũng như sự lý giải đối với những niềm mong mỏi và nguyện vọng sâu kín nhứt của nhân vật. Những lý giải đó tới từ việc khám phá các sự kiện xoay quanh quá khứ đã góp phần quan trọng vào việc định hình nhân vật – Những khoảnh khắc mà nhân vật bộc lộ sự khiếp hãi cùng cực, sự dũng cảm, nỗi nhục nhã, niềm tự hào, hổ thẹn, lòng khoan dung, căm hận, si mê – những khoảnh khắc mà bạn sẽ phải khai phá và nắm bắt trong suốt quá trình ghép nối các mảnh rời rạc của bối cảnh nhân vật thành một chỉnh thể của ấn tượng không chỉ về mặt tầm vóc mà còn về tính đa phương (khai thác tối đa các khía cạnh) đối với các nguy cơ hiện hữu trong cuộc sống của anh ta. Mặt khác quá trình khai phá này sẽ không chỉ dần hé lộ ra các yếu tố xác định mong muốn của nhân vật mà còn giúp anh ta giác ngộ, chấp nhận và toàn tâm toàn ý đeo đuổi nó.
Con người mà nhân vật của bạn muốn trở thành, cuộc sống mà anh/cô ta muốn sống – cả hai điều này sẽ ghi lại dấu ấn không thể phai mờ trong suốt phần đời còn lại của nhân vật và sẽ ngày càng được định hình vững chắc hơn thông qua các sự kiện diễn ra trong câu chuyện bạn viết. Những quá khứ và các sự kiện kèm theo nó sẽ giúp tạo ra được một ấn tượng tinh vi hơn đối với những điều chúng ta đã thử tổng kết ngắn gọn ở trên dành cho khát vọng: Sự An Toàn, Tự Do, Tình Yêu, vv và vv… các thể loại.
Cũng bởi vì tính chất bất định và khó nắm bắt của khát vọng, tôi khuyến khích bạn hãy cố gắng tưởng tượng ra nó không chỉ thông qua ngôn từ mà còn thông qua một hình ảnh, một tác phẩm nghệ thuật hoặc một đoạn nhạc cụ thể nào đó (Hãy nhớ rằng: Khát vọng thường trái ngược với cách sống và tính cách làm nên con người của nhân vật trong cùng thời điểm. Do đó cái mà bạn cần tìm chính xác sẽ phải là những điều bị thiếu sót trong cuộc đời anh ta chớ không phải là chơi nhạc nền hay vẽ chân dung về một hình tượng mà nhân vật cho rằng đó là biểu hiện con người anh ta). Phương thức hình dung về khát vọng này cho phép bạn lý giải cặn kẽ hơn, trực quan hơn cũng như giảm thiểu được khả năng xuất hiện những lý luận logic vô nghĩa, giản hóa các lý luận về nhân vật. Nó sẽ mang lại một góc nhìn mà ở đó bạn có thể quan sát được tất cả sự náo nhiệt đến từ bản chất của nhân vật đó trong cự ly rất gần.
Tất cả những điều thuộc về ham muốn đó thể hiện bản chất của chúng ta theo nghĩa tự nhiên mà thôi. Đừng nên quá thiên về việc khai thác một yếu tố nào đó trong số chúng một cách cứng nhắc mà thay vào đó hãy sử dụng chúng để cân nhắc mức độ phức tạp của nhân vật, các mối nguy cơ trong câu chuyện của bạn và những vướng mắc mà bạn bài bố dành cho anh/cô ta. Độc giả có bản năng của riêng mình và họ sẽ thông qua đó để gắn kết chúng lại một cách tự nhiên và sâu sắc.
Về bản chất, tham vọng là một nhân tố khó thể nắm bắt. Nó luôn có xu hướng vượt qua các giới hạn, không ngừng trương phình lên, đói khát và bất định. Lý do là bởi chúng tùy thuộc vào những điều cần và muốn sẽ liên tục nảy ra đối với nhân vật trong suốt tiến trình của câu chuyện.
Khi một diễn biến truyện tiến tới đỉnh điểm của nó (plot và climax, tôi đã từng có bài viết tổng quan nêu rất rõ các khái niệm này, bạn có thể tìm đọc nếu có hứng thú), câu chuyện của bạn sẽ cần tới một phương thức thực dụng nào đó để thỏa mãn ít nhứt là một phần của khát vọng bởi chúng ta đều biết rằng sự thèm khát xuất phát từ sâu bên trong con người ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ có giới hạn. Tới lúc này kịch bản sẽ xoay chuyển tới bước ngoặc mang tính thiết yếu trên con đường truy cầu mục tiêu trọn đời của nhân vật.
- CHỐN AN TOÀN, vốn dĩ ban đầu tôi có ý định dùng cụm từ một nơi để về (hay gì đó có nghĩa tương tự) bởi trong câu chuyện thì khái niệm này có thể được hiểu theo cách thông thường như việc bạn xác định cho nhân vật một nơi chốn nào đó cụ thể vào cuối cuộc hành trình của họ. Nhưng ở đây, vì bạn là một tác giả nên bạn cần phải hiểu điều này theo nghĩa bao quát hơn rằng “nơi chốn” đó không chỉ mang nghĩa đơn thuần như một địa điểm mà còn chính là nơi nhân vật của chúng ta có thể dừng cuộc hành trình để rồi tìm thấy sự che chở, bình yên, thành công… một nơi mà anh/cô ta được chấp nhận và từ đó trải qua cuộc đời mới (À phải, dù rằng cuộc đời đó rất có thể chỉ kéo dài vài giây đồng hồ trước khi tác giả nhẫn tâm hạ bút cho nhân vật của mình tử ẹo ngay trước mắt người đọc).
- TÌNH YÊU luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của đa số các tác giả khi viết truyện bởi đó là cách dễ nhứt đễ tạo ra sự lãng mạn tột đỉnh. Bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy rằng việc tìm kiếm tình yêu trong một câu chuyện sẽ tập trung chủ yếu vào một người (hoặc gia đình) mà ta có thể hiểu rằng đây là một bước rất quan trọng trên con đường của nhân vật nhưng lại không phải là bước cuối cùng trong cuộc đời. Nó được đánh dấu bằng những chi tiết thể hiện rằng một mối quan hệ với ai đó sẽ tiến xa hơn, sâu hơn và đạt tới một tầng thứ mới.
- TỰ DO thì còn dễ bàn hơn nữa. Chúng ta có thể gán ghép các ý nghĩa tự do vào bất kỳ vấn đề gì. Và nếu như không có điều gì quá bất bình thường trong câu chuyện của bạn thì sự tự do thường có được nhờ vào việc nhân vật thông qua diễn xuất của mình để thoát khỏi trạng thái nô dịch bởi ai đó hoặc điều gì đó (Thế lực thống trị độc ác, tiền bạc, quỷ quái, vợ, chính bản thân…). Để tóm gọn vấn đề này nhằm phục vụ cho việc viết lách, ta có thể hiểu rằng Tự Do sẽ mở ra cho nhân vật của chúng ta một cánh cửa tới với một cuộc sống hoàn toàn mới. Hãy bám chắc vào nó trong lúc xây dựng các plot, bạn sẽ thấy việc diễn đạt của mình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong suốt quá trình tiến triển của câu chuyện, nếu bạn quá chăm chú với những khẩu hiệu về khát vọng đã gán cho nhân vật, điều này rất có khả năng sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới việc triển khai nhân vật của bạn và khiến nó không đạt được tầm cỡ và chiều sâu xứng đáng. Và hậu quả là thay vì triển khai được một nhân vật hấp dẫn như theo như dự tính cái chúng ta tạo ra trong trường hợp này sẽ trông giống một con rối trong một vở kịch mẫu giáo hơn, bởi nếu nhân vật lúc nào cũng đeo bảng hiệu ghi mấy chữ Giải Thoát, Tình yêu, Tự Do… mà đi loanh quanh thì điều tất yếu là nội dung câu chuyện sẽ trở nên quá đơn giản và dễ đoán chớ sao nữa. Trong khi chúng ta đều phải công nhận rằng cũng giống như phụ nữ vậy, bí ẩn làm nên sự quyến rũ.
Người đọc sẽ không bực bội đối với biểu hiện diễn xuất của nhân vật, nhưng chẳng vì vậy mà họ sẽ cảm thấy thoải mái trong suốt quá trình theo dõi nội dung câu chuyện, họ cứ có xu hướng suy diễn một hoặc vài bước tiếp theo của các diễn biến trong khi đang đọc thôi, đây hoàn toàn là lẽ thường tình. Và nếu bạn nắm bắt được điều này thì chúng ta có thể tận dụng nó một cách thỏa đáng để lựa ra được phần ngon nhứt trong bữa tiệc ngôn từ. Hãy nhớ rằng: Giống như những ví dụ đã đề cập ở đầu bài viết này, Ham Muốn có thể có khả năng thể hiện mâu thuẫn hoặc gây nên sự xung đột. Dù nhân vật có hành động thế nào đi chăng nữa thì điều mà bạn cần làm chính là sắp đặt các tình tiết sao cho các độc giả của mình cảm nhận được rằng những hành vi đó là xuất phát từ tổng thể tính cách của anh/cô ta – sự cắn rứt, các bí mật và những thương tổn, sự gắn bó với bạn bè và gia đình, nỗi kinh sợ với kẻ thù, tình yêu và lòng thù hận, cảm giác cực đoan (hổ thẹn, kiêu ngạo, tự hào, tội lỗi, hân hoan…)
Là một yếu tố quan trọng đối với nhân vật, sự khát vọng không tồn tại một cách vô nghĩa, và nó cũng có mối quan hệ không thể tách rời với những chi tiết khác liên quan tới nhân vật (đó là lý do tại sao các bước cơ bản về xây dựng bối cảnh để thể hiện ra căn nguyên khát vọng thuộc về nhân vật của chúng ta lại quan trọng tới vậy).
Nói không muốn nói cũng phải nói, khi ta càng khai thác sâu hơn vào nội dung câu chuyện, chúng ta đều buộc phải thừa nhận rằng nhân vật sẽ chẳng bao giờ thực sự thỏa mãn với những khát vọng từ đáy lòng cả. Đời là vậy. Và cái gọi là tham vọng thì chẳng khác nào một con vật trơn tuột với cái dạ dày không đáy, nắm bắt nó chẳng dễ dàng, chấm dứt cơn đói của nó lại càng là điều không thể. Tuy nhiên điều đó không đáng để chúng ta lấy ra làm cái cớ để biện minh cho những diễn đạt mơ hồ để rồi chuốc lấy sự phẫn nộ từ phía độc giả. Câu chuyện của bạn luôn cần phải có được một điểm chấm dứt gọn gàng ngay cả khi khát vọng của nhân vật vẫn chưa được đáp ứng. Vào những lúc như thế trong mạch truyện sẽ xuất hiện những điểm đến tạm thời; xác định làm thế nào, vào cuối các sự kiện trong câu chuyện, nhân vật sẽ ít nhiều có được nhận thức khắc sâu hơn cũng như có khả năng hơn trong việc trở thành con người mà anh/cô ta thầm mong hoặc sống cuộc đời mà anh/cô ta biết rồi đây mình sẽ trải qua.
Trong đoạn kết của các câu chuyện, bạn hãy luôn dành thời gian cân nhắc về việc làm thế nào để nhân vật có thể can đảm hơn một chút, lương thiện hơn, tình cảm hơn – hoặc là làm cách nào để những điều này không xảy ra. Và trong trường hợp nói không thì vì lý do gì? Tinh thần dũng cảm có thể bị vùi dập, lương tri có thể bị xúc phạm, trái tim cũng có thể trở nên sắt đá, song chúng vẫn là những điểm mốc mà bạn sẽ phải đánh dấu trên cuộc hành trình của nhân vật tới với cuộc sống mà anh/cô ta tin rằng nó đáng giá và vẻ vang hơn so với con người mà họ đã sống (theo như những gì ta đã nói về quá khứ nhân vật ở đầu bài viết).
Theo như nghĩa vụ mà nội dung của một câu chuyện phải đáp ứng độc giả, Nhân vật của bạn có thể chỉ mang trong mình họ một khát vọng giản đơn như được tìm thấy chốn yên bình (bất kỳ chốn nào, miễn là cảm thấy thanh thản là được); đến với tự do (nhân vật sẽ dựa vào những kiến giải của bản thân để tìm tới tự do thông qua các sự kiện diễn ra trong câu chuyện); hoặc tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình (cảm thấy mê đắm, khuất phục trước các giá trị của tình yêu). Song đừng bao giờ quên rằng đây chỉ là điểm dừng tạm thời trong hành trình kéo dài cả cuộc đời của nhân vật để hướng tới những điều cao thượng hơn, những điều sẽ khiến anh/cô ta trở nên trọn vẹn.
Việc khắc phục những xung đột phát sinh một cách tự nhiên trong quá trình theo đuổi các ham muốn sẽ tự động khiến nhân vật nhận ra những khát vọng từ tận đáy lòng và dựa vào đó để đối mặt với một bản thân đầy nhược điểm, tổn thương, hạn chế, thiếu sót – con người đã ngăn cản anh/cô ta tự hoàn thiện. Nó chính là quá trình tìm kiếm mối liên hệ giữa mục tiêu khái quát của nhân vật và những mong muốn sâu xa có liên quan. Và tùy vào khả năng của người viết, việc diễn đạt ra được mối liên hệ này sẽ khiến các nhân vật của bạn cũng như câu chuyện của họ trở nên phức tạp và đầy hấp dẫn.