TẠM HOÃN không có nghĩa là TỪ BỎ

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, January 2nd, 2017

Đừng để một bản thảo dang dở bị chôn vùi mãi mãi chỉ vì một trạng thái tồi tệ nhất thời. Cùng với chủ đề lần này, Chúng ta hãy cùng nhau cân nhắc tới lý do tại sao, khi nào và bằng cách nào mà một dự án viết xứng đáng có được cơ hội thứ hai của nó.

Khi bạn có một ý tưởng vĩ đại mới toanh cho cuốn sách sắp viết, liệu bạn có khi nào nghĩ tới chuyện mình đã từng làm việc với nó trước đây? Trên thực tế rất có thể bạn đã có ý tưởng này từ rất nhiều năm về trước rồi. Và hiện tượng mà chúng ta vẫn thường gặp được trong trường hợp này là thái độ tiêu cực của người viết đối với điều mà họ không có khả năng thể hiện ra một cách trọn vẹn với trạng thái lúc bấy giờ khiến họ đi tới quyết định gạt dự án đang thực hiện sang một bên. Điều này không có gì là trái với tự nhiên hay đạo đức gì cả bởi chúng ta đều biết rằng bạn không thể làm tất cả mọi việc trong cùng một lúc được. Thời gian của bạn hoặc tôi có thể dài, nhưng nó lại quá eo hẹp cho một lối sống đa nhiệm .

ĐÃ TỚI LÚC BỚI LẠI ĐỐNG TRO TÀN CHƯA?

Viết lách là một công việc mang nhiều tính trực giác nên đôi khi chúng ta có thể nói đùa rằng những cuốn sách nào tự viết ra được chính nó thì mới là sách hay.  Nhưng mà ít nhiều gì thì chúng ta cũng phải có chút động lực để mày mò với đống tư liệu của mình chớ. Việc nắm giữ những khái niệm vững vàng sẽ đem lại cho bạn những ý tưởng để phát triển chúng sâu hơn, xa hơn. Kiểu như: Tôi muốn đọc cuốn sách này vì nó có cái đáng để nghiên cứu, tôi có thể mường tượng ra cảnh này xuất hiện trong câu chuyện của mình, vv và vv…

Các tác giả thường có xu hướng chia làm hai nhóm: Nhóm người thuộc loại ba đầu sáu tay biết cách giữ vững phong độ với khả năng chế biến với nhiều món mới trên bếp lò, nhóm còn lại là những người mà thậm chí còn không có khả năng đặt vấn đề cho dự án viết thứ hai khi bản thân họ đang ngập ngụa trong dự án đầu tiên. Nếu bạn thuộc về nhóm thứ hai thì việc dẹp sạch mọi ý tưởng về các dự án khác đã và đang nảy sinh để có thể tập trung toàn lực vào phần việc trước mắt là hầu như không thể tránh khỏi. Với bạn, thời gian là vàng theo mọi nghĩa. Hãy tin tưởng vào bản năng của mình, hãy tìm dấu hiệu khả thi, rẽ vào một tiệm sách nào đó trên đường đi và tìm xem điều gì ở nơi đó đang thu hút sự chút ý của bạn. Điều gì đang vẫy gọi bạn vậy?  Bạn sẽ cần có nó để kết thúc cơn trằn trọc với sáng tác của mình.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT ĐƯỢC TÔI ĐÃ VỨT NHỮNG THỨ ĐÓ Ở ĐÂU?

Để dễ điễn đạt, hãy hình dung một ví dụ cụ thể mà khả năng rất lớn là bạn sẽ gặp phải thế này. Bạn có một số dự án và đã xếp xó chúng cho tới cái ngày bạn quyết định vực dậy một trong số đó một cách đầy cảm hứng. Hãy hình dung phản ứng chần chờ cự tuyệt của bạn khi bước vào đống hỗn độn của những ghi chú thừa mứa. A vâng, thú chơi “lội ngược dòng” này thường được quan tâm vào những giai đoạn nhất định của cuộc đời viết lách, khi mà bạn cảm thấy mình đat được trạng thái bùng nổ của sáng tạo và vấn đề chính là suy nghĩ của bạn không thể bắt kịp trạng thái tuyệt hảo đó. Quá trình “đào bới” sẽ dẫn lối cho linh cảm sáng tác của bạn, trong quá trình lội ngược dòng đó bạn sẽ nhận ra được những điều đã bỏ lỡ theo cách vô cùng sống động – những thời điểm thích hợp để thổi bùng lên sức sống của nhân vật, những diễn biến trọng điểm, những bước thúc đẩy trong các sự kiện hội thoại. Để rồi cuộc sống cứ thế trôi qua, bạn mua nhà, có con, viết cuốn sách đầu tiên trong đời, rồi cuốn thứ hai… Được rồi đấy, vụ này sao mà càng nghe lại càng giống với việc bạn tới tham dự họp lớp với đám bạn thân sau cả chục năm trời không có liên lạc quá vậy.

Rồi, giờ là tới phần của trò đổ xí ngầu, hãy cầu trời khấn phật rằng bạn đã có ghi lại những điều mình nghĩ ra thành văn bản đi. đây là một thói quen nên có ở một người viết bởi quá trình định hình ý tưởng và sưu tập dữ liệu viết đòi hỏi bạn phải làm việc trực tiếp với văn bản để có thể cụ thể hóa được mọi thứ cần thiết ở mức độ cầm nắm (tôi gọi đó là vấn đề về tính chiếm hữu, nó đem tới cho chúng ta một sự đảm bảo về sự kiểm soát và an toàn). Thời đại bây giờ chúng ta có quá nhiều lựa chọn cho công đoạn này. Bạn có giấy bút, điện thoại, tablet, máy tính, các dịch vụ văn bản trực tuyến… và các công cụ lưu trữ lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Với những điều kiện như vậy tôi không tìm ra lý do nào khác để biện bạch cho thói quen không lưu trữ những thứ quan trọng nữa rồi.

Và nếu bạn đã có các ghi chép rồi thì hãy cầu khẩn rằng mình đã không vứt béng chúng đi (Đừng bao giờ làm thế. Bạn có thể chuyển chúng thành một dạng lưu trữ khác tiện lợi hơn, nhưng chớ nên loại bỏ các tài liệu của mình).

Quay lại việc chính, có thể mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và bạn sẽ hạnh phúc khi tìm thấy được tình yêu đầu… à không, những bản thảo đầu tiên của mình. Tôi không dám chắc rằng đề nghị kiểu này sẽ có tác dụng với bạn một cách rõ rệt bởi quá trình ngược dòng để vớt lại một bản thảo bị lãng quên đòi hỏi một số điều kiện như đã nói để bạn có thể bắt gặp được phần tư liệu viết của mình tại nơi nó đã bị bỏ lại (bạn không ghi lại thì có cái gì để mà tìm chớ, điều duy nhất bạn có thể làm lúc đó chỉ có thể là… cố mà hình dung lại các ý nghĩ xưa cũ, mà như vậy thì có khác gì tạo mới đâu). Nếu bạn tìm thấy bản thân đang ngồi nhìn trân trối vô các bản thảo đó và tự hỏi: Tại sao mày lại chưa được hoàn thành vậy? – Thì tin tôi đi, cảnh đó thật khó coi.

GIỜ THÌ LÀM GÌ TIẾP THEO ĐÂY?

Điều đầu tiên mà tuyệt đại đa số các tác giả - những người có ý định trở lại với một dự án cũ nào đó thường xuyên phải đối mặt là cảm giác bất an rằng: Liệu tôi có còn nhớ rõ các ý tưởng đã giúp cho dự án của mình hoạt động hay không? Đây là một vấn đề khá hay. Về bản chất thì nó cũng giống với câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể tái khởi động một chiếc xe hơi lâu ngày không chạy với bồn nhiên liệu đã bị đông đặc hay không? Chỉ có thời gian mới có thể cho bạn được câu trả lời chính xác trong chuyện này. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng một dự án bỏ không sẽ dần bị hao mòn theo thời gian kể từ thời điểm bạn bỏ qua cơ hội tốt nhất để phát triển nó, lúc mà bạn có đầy đủ các kinh nghiệm ban đầu để triển khai.

Nói vậy thôi chớ thay vì ngồi một chỗ và tỏ ra bi quan về những điều bạn có thể đã quên, chúng ta hãy tính tới những lợi thế mình có để gom góp những thứ còn lại và kết nối chúng với nhau sao cho ra đầu ra đũa. Bạn chẳng còn bé bỏng gì để ăn vạ đâu. Ở đây chúng ta phải tạ ơn trời đất rằng một tác giả không phải là một vận động viên điền kinh – Những người chỉ có thể kiếm cơm bằng phong độ của sức trẻ. Là một tay viết, chúng ta luôn có những ngày đẹp trời và những ngày xấu trời trong sự nghiệp của mình nhưng kỹ năng tổng thể của chúng ta sẽ luôn luôn được cải thiện theo thời gian cùng với việc thực hành  không ngừng nghỉ. Và là một con người, nếu chúng ta có đủ hiểu biết về bản tính của con người thì điều này sẽ giúp chúng ta nếu có lúc lỡ quên diễn xuất đặc thù theo cá tính của các nhân vật, ví dụ vậy, kinh nghiệm sống sẽ giúp chúng ta bổ khuyết vào những thiếu sót đó giúp ta dễ dàng hình dung ra được một nhân vật có tính cách như thế sẽ làm ra những hành động thế nào trong thực tế.

Việc xa rời các bản thảo hàng năm trời đôi khi lại là một chuyện tốt so với những gì bạn có thể hình dung ra. Sự thật là có rất nhiều tác giả nổi tiếng đã bộc bạch trong lời tựa xuất bản của mình rằng họ đã không quá cố chấp với việc phải hoàn thành bản thảo trong từng ấy năm mà suốt khoảng thời gian đó họ đã sống hết mình, đọc thoáng hơn, dành nhiều công sức cho việc viết blog giao lưu và nhờ vào đó từ từ mài giũa chỉnh lý tác phẩm trở nên sắc sảo theo đúng ý mình.

Hãy luôn nhớ rằng: trọng điểm ở đây không phải là bạn đã từng đạt được những gì, điều chúng ta đang nhấn mạnh là sự tái khởi đầu. Vì thế, hãy cứ lắng nghe để có được sự đồng điệu trong mạch nghĩ, không ngừng tìm kiếm các yếu tố sáng tạo, và hãy cho dự án của bạn một không gian để nó có thể khiêu chiến bạn, mang lại cho bạn những điều kinh ngạc.

Trong quá trình phục hồi một dự án cũ, nhiều khi bạn sẽ tìm được chi tiết nào đó đã lỗi thời trầm trọng hoặc bắt gặp một ghi chép sai be bét thì những thứ này cũng chẳng thể trở thành nguyên nhân để bạn bỏ cuộc lần nữa. Trái lại, bạn dựa vào nhận thức về sự sai lệch đó để thay đổi và khiến chúng trở nên hay hơn. Như vậy, câu hỏi: Chúng ta còn làm được trò gì với nó không? Hoàn toàn có thể được diễn đạt lại theo cách trẻ trung và phấn khích hơn: Chuyện hay ho gì sẽ xảy ra nếu mình có thể vực dậy dự án này lần nữa?

Hãy luôn nhớ rằng: trọng điểm ở đây không phải là bạn đã từng đạt được những gì, điều chúng ta đang nhấn mạnh là sự tái khởi đầu. Vì thế, hãy cứ lắng nghe để có được sự đồng điệu trong mạch nghĩ, không ngừng tìm kiếm các yếu tố sáng tạo, và hãy cho dự án của bạn một không gian để nó có thể khiêu chiến bạn, mang lại cho bạn những điều kinh ngạc.

Và những lúc đang trong tình trạng thiếu tự tin, chúng ta sẽ tìm thấy vô khối lý do để biện hộ cho lời chất vấn rằng tại sao chuyện ngồi xuống để viết lại vất vả quá vậy. Nào là: mình đang lo lắng không biết có đi đúng đường hay không nữa, mình sẽ không thể nào mà viết được từ ngữ ngon lành giống như những hình dung trong đầu đâu, hoặc còn khuya mình mới bào chế ra được thứ gì đó cảm động đẹp đẽ giống như [thêm tên truyện bạn muốn so sánh vào đây]… Đấy, thiếu gì chớ. Bạn cũng có thể chất luôn câu kinh điển “Quá trễ rồi!” vô cái đống ấy cho đủ bộ.

Sao chớ? Sẽ chẳng bao giờ là quá trễ để một ý tưởng xưa cũ giúp bạn tiến tới tương lai cả. Có thể một dự án viết lách cũ của bạn đã trôi xa tới nỗi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được trình làng, mà cũng có thể sau rốt thì cái mà bạn tìm thấy lại chẳng phải một ý tưởng hay (Thỉnh thoảng tôi cũng thấy vậy). Song đừng bao giờ quên rằng rất có khả năng là một dự án nào đó từng bị bạn đào sâu chôn chặt đang lấp lóe với thứ ánh sáng không thể nhầm lẫn vào đâu được của một ý tưởng tinh tế báo hiệu rằng đã tới lúc nó được vực dậy.

Và thời điểm đó, biết đâu lại chính là ngay lúc này đây.


Bài viết gần đây:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “TẠM HOÃN không có nghĩa là TỪ BỎ”
    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears