Lựa Chọn Thể Loại Viết - Những Điều Cần Biết

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, May 15th, 2017

Bài viết này được tách và chỉnh lý từ bộ tài liệu Hướng Dẫn Kỹ Thuật Viết Truyện với những nội dung mang tính cơ sở về thể loại dành cho những người viết mới.

1. PHÂN BIỆT THỂ LOẠI

Đây là điều đầu tiên, và cũng là CĂN BẢN của kỹ thuật viết truyện. Bạn sẽ không bao giờ viết được một câu chuyện ra hồn nếu như không nắm rõ được thể loại của nó. Do đó, bạn bắt buộc phải học cách phân biệt được thể loại truyện ngay trước khi có ý định trở thành một tác giả. Đó là việc làm mang tính ý thức tối thiểu mà nếu bạn bỏ qua dù là vô tình hay cố ý thì nó cũng đem lại hậu quả tiêu cực kéo dài ảnh hưởng tới tất cả các tác phẩm về sau của bạn.

Bạn có thể viết một nội dung truyện mà không cần biết nó thuộc thể loại nào. Nhưng người đọc thì cần. Đúng không? Nếu họ không cần biết thì việc quái gì phải chia ra làm các thể loại này nọ cho phiền phức?

Có trường hợp nào bạn có thể đạt được trạng thái xuất thần, viết ra được một câu chuyện đạt đủ mọi tiêu chuẩn trong khi không có kiến thức nào về phân loại? Có thể, nhưng bạn nghĩ mình có thể lặp lại điều đó bao nhiêu lần trong cuộc đời này? Lựa chọn đi, tìm hiểu lý do tại sao mình lại đạt được trạng thái đó và tìm cách phát triển nó trở thành một kỹ năng, hay ôm cây đợi thỏ và để cơ hội bị chôn vùi. Lựa chọn đi.

Bạn cần phải biết bản chất của việc phân loại các truyện có ý nghĩa gì. Chúng không đơn giản là một loại hiểu biết theo thói quen, sở thích, không phải là sự hình dung trừu tượng. Thực tế, chúng là các tiêu chuẩn thiết yếu mà một tác phẩm cần phải có để đạt được sự chấp nhận từ phía người đọc. Bạn không thể mơ màng trong việc xác định tiêu chuẩn được, sẽ là sự ích kỷ tồi tệ nếu như bạn cho rằng bản thân làm việc rất cực nhọc và người đọc được lợi lớn hơn từ việc đọc tác phẩm của bạn trong khi nhiều nhứt họ chỉ phải bỏ ra một số tiền nào đó để có được quyền đọc. Vì giống như một món hàng vậy, cái mà người đọc bỏ ra cho tác phẩm của bạn thực ra rất nhiều – Thời gian, trí nhớ, sự quan tâm, tiền bạc… - những thứ mà nếu không vì lý do đọc truyện bạn viết họ đã có thể dùng chúng vào việc khác có ích hơn. Mối quan hệ giữa bạn và người đọc luôn luôn là một sự công bằng và bạn phải luôn cố gắng để tạo ra một sản phẩm xứng đáng, đạt tiêu chuẩn.

Tôi không hề nghiêm trọng hóa vấn đề, bạn thử nghĩ câu chuyện dở ẹc của bạn đã lấy đi năm phút cuộc đời của hàng trăm, hàng nghìn người xem chỉ vì họ lỡ đọc nó. Bạn chịu trách nhiệm nổi không? Bạn không cảm thấy có lỗi? Như vậy, bạn không cần giải thích gì, và bạn có thể dừng việc đọc phần tài liệu này ở đây được rồi.

Và nếu bạn đang tiếp tục đọc thì bạn thấy đó, nếu muốn truyện mình viết được công nhận rộng rãi thì nó phải đáp ứng được ít nhứt một trong số các tiêu chuẩn về mặt thể loại. Hãy xem câu chuyện của bạn như một sản phẩm nếu có ý định xuất bản nó dưới bất kỳ hình thức nào, và bạn phải là một nhà sản xuất có trách nhiệm, một người chơi biết tuân thủ quy định.

Hiểu biết cơ bản về thể loại:

Hơi rắc rối đấy, tôi nghĩ phân loại tác phẩm là một quán tính về kiến thức đọc của loài người từ khi văn học xuất hiện được tích lũy qua hàng nghìn năm để có được những tiêu chuẩn như ngày nay. Nhưng có thể bạn nghĩ khác tôi. Do đó chúng ta chỉ nhắc tới những kiến thức căn bản. Có hai thứ bạn cần phân biệt: Hình ThứcThể Loại.

Vì sao tôi lại nói tới điều này như một vấn đề quan trọng? Bạn có thể đọc ngay bên dưới. Để thấy không phải ai cũng có được sự phân biệt hợp lý về mảng này, tôi sẽ nêu kèm định dạng thông thường theo cách gọi thường dùng trên thế giới mặc dù thực ra phải nói là tôi không hề cho rằng mình có kiến thức đầy đủ về tất cả trong số chúng, nhưng sẽ nêu đại khái dựa trên hệ thống hiểu biết của tôi vậy. Tôi nghĩ phần này chỉ có tác dụng giúp bạn tiết kiệm một quãng đường ngắn trong cách thức thu thập, phần còn lại bạn có thể từ từ tìm kiếm các trải nghiệm cho riêng mình.

Hình thức: Là dạng viết của một câu chuyện. Thường được phân biệt theo độ dài, mục tiêu diễn đạt của tác phẩm. Nó tồn tại dưới các dạng: Truyện đọc (Fiction), Tiểu Thuyết (Novel), Truyện Ngắn (Short Story) Văn Tuyển (Anthology)… Sự tồn tại của chúng thuần túy là về mặt kỹ thuật xuất bản.

Thể loại: Là sự phân loại tiêu chuẩn hoàn toàn dựa trên nội dung tác phẩm. Đây là một thứ phức tạp, nó bắt đầu bằng những tiêu chuẩn cơ bản, và mở rộng ra tùy vào người đọc nhận định. Có thể kể ra các thể loại cơ bản:

- Theo nội dung: Lãng mạn (Romance), Ảo Tưởng (Fantasy), Viễn Tưởng (Sci-fi – viết tắt của Science Fiction), Bí Ẩn (Mystery), Giật Gân (Thriller), Hài hước (Comedy) Khiêu Dâm (Erotic, vâng, chính xác, nội dung khiêu dâm, tôi nhấn mạnh, vì nó nhạy cảm)… Đấy có thể coi như những căn bản trong phân biệt thể loại, và một câu chuyện ít nhứt sẽ phải tuân theo một trong số các tiêu chuẩn này.

- Theo tính chất: Phiêu Lưu (Adventure), Tiếu lâm (Humor), Kinh Dị (Horror), Huyền Bí (Paranormal), Tối Tăm (Dark), Ấm Áp (Cozy) Kinh Điển (Classic) Phép Thuật (Magic), Cơ Khí (Steampunk), Khoa Kĩ (Cyberpunk)… Đây có thể nói là một dạng mở rộng kèm theo của việc phân biệt thể loại mà phần lớn là tùy vào sự đánh giá của người đọc, những tính chất mà họ cảm thấy trong quá trình đọc, họ sẽ gắn kèm vào các thể loại cơ bản trên. Tất nhiên, việc người viết đưa chúng vào tác phẩm một cách chủ ý là chuyện có thể.

Ngoài lề một chút: Hiện nay có nhiều người Việt Nam dịch cụm từ Fantasy thành thể loại “Huyền Ảo,” song đây là một cách nghĩ thay đổi do tiếp xúc với văn học Trung Quốc quá nhiều dẫn tới sự ngộ nhận trong việc dùng các cụm từ Hán – Việt. Fantasy từ rất lâu trước đây đã có được nghĩa dịch chuẩn là thể loại Ảo Tưởng trong định dạng văn học Việt Nam, nghĩa là Tưởng tượng phi thực tế. Cụm từ “Huyền Ảo” đúng theo so từ ở đây là Fancy, cũng như không thể lầm lẫn nó với trí tưởng tượng (Imagination) sự hoang tưởng (Paranoia) hoặc Ảo giác (Illusion). Cũng như việc có vô khối tác giả cho rằng Giật GânKinh Dị, Bí ẨnHuyền Bí… là giống nhau về thể loại trong khi trên thực tế chúng thuộc hai phân lớp hoàn toàn khác. Nghiêm trọng và kỳ dị hơn, có người lại cho rằng Hình Thức đồng nghĩa với Thể Loại. Đây là những hiểu biết vô cùng thường thức với những người đọc có kinh nghiệm, và việc phân biệt nó với một tác giả sẽ là rất quan trọng nếu bạn muốn triển khai cốt truyện của mình theo hướng có chiều sâu về nội dung và diễn biến.

- Theo độ tuổi, giới tính, sinh lý: Đây là vấn đề về phương diện văn hóa và đạo đức tùy theo địa phương thôi. Nhưng thế giới này có một nơi có thể xác định tiêu chuẩn đại khái về phương diện xã hội cho việc viết lách của bạn là… Liên Hiệp Quốc. Họ công bố những chuẩn mực này nọ về độ tuổi của một người và bạn có thể dựa vào đó để tự nhận xét về mức độ phù hợp của tác phẩm đối với các lứa tuổi, bạn dành câu chuyện này cho những ai. Còn lại thì bạn không cần quan tâm. Với cách phân chia này bạn có thể nhìn thấy các thể loại kiểu như theo độ tuổi chúng ta có Văn Học Trẻ Em (Children), Tuổi Mới Lớn (Young Adult), Vị Thành Niên (Teen), Người Lớn (Adult)… theo giới tính và sinh lý thì có các loại Nữ Giới (Women Fiction), Đồng Giới (GLBT – Gay, Lesbian, Bisexual, Transgender)… Lạy chúa tôi, cái hệ thống phân loại theo tiêu chuẩn đạo đức và xã hội này đối với tôi mà nói thì thực sự rắc rối và là sự phân biệt đối xử. Và mỗi khi viết tôi đều cố gắng quên đi sự tồn tại của chúng để có thể diễn đạt một cách sáng sủa nhứt có thể. Điều khiến tôi thực sự ngạc nhiên là thể loại dành cho Nam Giới (For Men???) dường như trở nên tuyệt chủng.

- Theo niên đại nội dung: Đây là vấn đề không có gì phải bàn, chúng chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh thời gian của câu chuyện và là một hình thức phân loại để người đọc dễ tiếp cận hơn với các câu chuyện về những khoảng thời gian mà họ muốn đọc. Đương Đại (Contemporary), Cổ Điển (Historical)…

Phần còn lại của phân biệt thể loại, có vô vàn, nhưng bạn không cần quan tâm, vì người đọc nhận định những thể loại này dựa trên những sự kiện, tình tiết mà họ tìm kiếm trong tác phẩm, kiểu như: Halloween, Thiên Văn (Astronomy), Án Mạng (Crime), Huyền Bí (Paranormal)… Điều này không ảnh hưởng tới bạn nếu bạn là tác giả.

2. LỰA CHỌN THỂ LOẠI VIẾT

Dĩ nhiên, không ai bắt các bạn phải trung thành tuyệt đối với một thể loại duy nhứt. Truyện của bạn nên có sự kết hợp nhiều thể loại để mọi thứ nhuần nhuyễn hơn. Nhưng cần phải có thể loại chủ đạo cho phần lớn các tác phẩm của bạnNhư vậy, thông qua việc tìm hiểu cơ bản về cách phân loại tác phẩm, bạn đã xác định chúng ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với tác phẩm của bạn và bạn cần phải làm việc gì để có thể viết tốt.

Điều mà tôi sẽ nói kỹ hơn về sau, nhưng bạn phải làm ngay lúc này: lựa chọn một thể loại sở trường cho riêng mình. Điều này tùy vào khả năng của bạn, và bạn phải xem xét kỹ lựa chọn của mình vì nó sẽ làm nên thương hiệu, tiếng nói của bạn trong lĩnh vực viết lách. Bạn chỉ có thể thử cho tới khi đạt được hiệu quả tốt nhứt. Đây là điều phải làm, nó mang tính tất yếu so với những gì bạn nghĩ. Nếu nói việc phân biệt thể loại là kỹ năng ở mức căn bản thì việc lựa chọn thể loại sở trường chính là quá trình đặt NỀN MÓNG cho toàn bộ đời sống viết lách của bạn. Nó sẽ tác động tới cách hành văn, phong cách viết, tiến độ, khả năng triển khai ý tưởng… những thứ làm nên một tác giả đúng điệu.

Dĩ nhiên, không ai bắt các bạn phải trung thành tuyệt đối với một thể loại duy nhứt. Truyện của bạn nên có sự kết hợp nhiều thể loại để mọi thứ nhuần nhuyễn hơn. Nhưng cần phải có thể loại chủ đạo cho phần lớn các tác phẩm của bạn – tôi cho rằng đây là điều mà một tác giả nên hướng tới nếu muốn trở nên chuyên nghiệp. Vì sao? Thực tế là người đọc thích sự chuyên nghiệp hơn, và sự nhập nhằng hay mơ màng trong việc phân loại sẽ khiến họ cảm thấy bạn giống một nhà sản xuất hàng rởm. Vậy đó.

Lấy ví dụ, bạn lựa chọn trở thành một nhà văn chuyên viết thể loại Viễn Tưởng thì phần lớn sự nghiệp của bạn sẽ xoay quanh các tác phẩm thể loại khoa học viễn tưởng, nhưng nó phải nói về một mảng nào đó để mỗi tác phẩm đều chứa sự khác biệt. Một truyện ngắn Viễn Tưởng có thể nói về chủ đề Cơ Khí hoặc Khoa Kỹ, nó chứa các tình tiết Lãng Mạn, Phiêu Lưu, Hài Hước… và dành cho lứa tuổi mới lớn chẳng hạn. Đây là điều mà mỗi một tác phẩm cần phải có. Chúng ta có thể áp dụng nhiều chuẩn thông qua mức độ liên quan của chúng. Nếu làm tốt về mặt này trong công tác chuẩn bị, thì bạn đã có tối thiểu 30% khả năng thành công với tác phẩm của mình rồi.

Một chút kinh nghiệm về lựa chọn thể loại: Tôi thấy khá nhiều tác giả từng nhầm lẫn trong việc chọn thể loại nào đó làm sở trường của mình và thường thì chúng để lại hậu quả khá lớn cho tới khi họ nhận ra mình không có tí cơ hội nào tại mảng đó cả. Hãy nghĩ kỹ về tính cách của bản thân để thấy liệu bạn có nên theo đuổi thể loại cụ thể hay không. Sở thích là một chuyện, tính cách của bạn có cho phép bạn viết ra nội dung thuộc về thể loại đó một cách thuận lợi hay không lại là chuyện khác. Bạn viết ra những dòng ướt át và ói mửa luôn vô đó khi đọc lại? Bạn viết truyện khiêu dâm chỉ vì cảm thấy đó là hoạt động kích thích trong khi bạn biết rõ những cảnh khêu gợi bạn viết ra thực tế chẳng khác nào tường thuật show diễn của một bầy lợn, hoặc thậm chí còn dở hơn cảnh con lợn nái biểu diễn tư thế sexy? Nếu chỉ viết cho vui thì không có gì đáng nói, tôi không nghĩ việc ép uổng bản thân viết ra những điều trái với nguyên tắc sống và cố tỏ ra hứng thú với chúng lại là điều hay ho gì. Tự tổn? Quá phí phạm thời gian, quá lãng phí năng lượng sống.

Trên đây là một vài kiến thức cơ bản về các thể loại trong viết văn. Có thể bản thân nội dung chưa hẳn là đầy đủ để đáp ứng được yêu cầu của người xem song tôi rất hy vọng rằng thông qua bài viết lần này bạn sẽ ý thức tốt hơn về tầm quan trọng cũng như phân biệt rõ ràng hơn về các thể loại viết thông dụng và nhờ đó có thể tìm thấy một định hướng thật tốt trên con đường trở thành một nhà văn.


Bài viết gần đây:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Lựa Chọn Thể Loại Viết - Những Điều Cần Biết”
    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears