Thể loại Non-fiction: Năm thói quen nên tránh đối với người viết mới

bởi Morning's Ears

Chia sẻChia sẻChia sẻ
Ngày đăng Monday, June 6th, 2016

Đổi món một chút, hôm nay chúng ta sẽ bàn chút xíu về thể loại hình Non-fiction (Hay còn gọi là Phi Tiểu Thuyết, những tác phẩm không phải Truyện Đọc, không chứa yếu tố hư cấu trong quá trình tường thuật). Nếu bạn là một người đang tập tành về thể loại này, có thể bạn sẽ cảm thấy có chút hứng thú muốn biết thêm về các nguyên tắc của mảng Non-fiction mà đáng kể nhất có thể lấy ra làm tiêu chuẩn để bạn luận trong công tác viết lách chính là mảng Ký Sự.

Ký Sự - Tên như ý nghĩa, là loại hình tác phẩm Non-fiction viết mà trong đó ghi lại các sự kiện / nhân vật có thật trong cuộc sống. Và với đặc tính này, nó hoàn toàn có thể trở thành thể loại được đại diện trong bài viết này, tất nhiên, các nhắc nhở cũng áp dụng rất tốt với các thể loại phụ khác trong loại hình Non-fiction khác như các Hướng Dẫn, Tài Liệu Nghiên Cứu, văn bản Học Thuật… vv và vv… (vì nói cho cùng thì chúng cũng mô tả về các nhân vật có thật và các hoạt động thực tế, có điều chúng ta tìm cách tách ra để chúng thuộc về mảng Kiến Thức dễ phân biệt và phù hợp với nhu cầu độc giả).

Và trong bài viết này tôi sẽ không đề cập tới những điều cần có mà chỉ dành cho bạn những hiểu biết được tóm gọn thành những điều mà một người viết mới cần nên tránh. Vậy những điều đó là gì?

1. Làm việc một mình.

À vâng, những người viết mới thường thích chơi solo lắm. Ngày xưa tôi cũng vậy (và thực ra tôi phải nhắc lại là tôi không phải nhà văn). Đại khái biểu hiện kiểu bạn thích viết một mình, lấy keo con voi dán luôn mình vô ghế ngồi máy tính, tắt bén điện thoại đi, treo một tấm thẻ “Miễn Tiếp Khách” trước cửa? Thế là bạn được yên thân mà tập trung bào chế ra tác phẩm để đời.

Nhưng hãy nghĩ lại một chút coi cách làm đó có nên hay không khi bạn là một tay viết mới? Bởi vì chuyện giao lưu với những người có liên quan trong cuộc sống của bạn về chuyện viết lách, chia sẻ với họ, tiếp thu các ý kiến mới thực sự là một việc làm thông minh. Bởi vì? Bạn là người mới, bạn làm thế nào mà học hỏi được khi mà bạn tự nhốt mình trong phòng hay cứ tìm cách trốn ra xó xỉnh không người nào đó suốt cả ngày chớ?

Bên cạnh sự góp sức từ các thành viên trong gia đình, bạn nên kiếm cho mình một “đội ngũ cố vấn” (nôm na thế, mặc dù trên thực tế thì chả tới mức đó), những người này có thể là các nhà văn, người viết giàu kinh nghiệm hơn bạn, biên tập viên, nhà báo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, người dẫn chương trình, nhân vật nổi tiếng, thủ thư… - Những người có vai trò cung cấp cho bạn các chỉ dẫn cần thiết, các tài liệu viết, những báo cáo dành cho chủ đề bạn đang theo đuổi, cho bạn quyền tiếp cận các tài liệu hiếm. Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản có thể giúp bạn đánh giá tiềm năng của một tác phẩm trên thị trường đọc. Các nhân vật nổi tiếng sẽ chỉ cho bạn cách phát triển chủ đề theo xu hướng ăn khách hơn cả. Và chắc chắn là không gì tuyệt vời hơn khi có một nhà nghiên cứu chuyên sâu có thể tháo gỡ bế tắc trong tác phẩm của bạn bằng việc chia sẻ kiến thức chuyên ngành của họ.

Và thật sự là trong các chủ đề Non-fiction thì bạn quá cần tới sự trợ giúp của mọi người. Bạn sẽ phải hỏi họ rằng: “Bài viết của tôi thế này đã được chưa?” hay “Anh/chị có biết người nào mà em có thể phỏng vấn chút đỉnh về mảng đề tài này không?” hoặc “Tôi không biết mình phải viết quái gì với đề tài này cả, cậu là người nổi tiếng giao thiệp rộng, hẳn có thể cho tôi ý kiến nào đó?”

Có không ít người viết có khả năng sáng tác độc lập để không chịu sự ảnh hưởng từ phía bên ngoài. À vâng, hiển nhiên là tôi biết về điều này. Nhưng tin tôi đi, một tác phẩm không thể ra mắt theo cách đó. Một tác phẩm được cho ra đời luôn có mối liên hệ khăng khít với công việc của các biên tập viên, người hiệu đính, các nhà thiết kế, những người cung cấp tư liệu cho bạn… và khi hoàn thành, bản thân nó không chỉ mang dấu ấn của mỗi mình bạn mà thôi (Bạn không vô ơn tới mức loại bỏ họ ra khỏi lời bạt của mình đó chớ?). Xuất bản là một trò chơi đồng đội và bạn cần phải làm quen với nó ngay trong quá trình viết.

2. Chọn TÔI – hoặc không gì cả.

Đây là một vấn đề khá trầm trọng… được rồi, thực sự là nó nghiêm trọng tới mức khiến người ta phải mắc cười. Hẳn là bạn có nhận được lời khuyên rằng “hãy nên viết về những điều mà bạn biết rõ” từ ai đó rồi. Và nó thường được tự động phiên dịch theo nghĩa rằng bạn am hiểu hơn người khác về vấn đề cần viết. Chất liệu, tài nguyên, lý luận… mọi thứ đều nằm hết trong đầu bạn rồi, chỉ chờ viết ra thành tác phẩm thôi.

Nhưng mà có đúng khi nghĩ vậy không? Giỏi hơn người khác? Bạn á?

Tôi phải thừa nhận rằng bản thân đã vô số lần cho người khác những lời khuyên kiểu này, và hầu hết trong số họ sau đó đã không thể nhịn nổi việc phải phát biểu ngay và luôn với cả thế giới về các quan điểm và ý kiến của bản thân để rồi phóng ngón tay trên bàn phím viết ra hàng tràng những câu chữ về chính mình, hoặc về ai đó theo kiểu mà theo ông bà ta đã bảo đại khái là “Nói như thánh” ấy.

Nếu bạn có một kịch bản truyện phiêu lưu mạo hiểm hay ho nào đó thì có thể bạn sẽ nghĩ tới chuyện tìm ngay một người biên tập cho vụ này. Khi bạn có một ý kiến gì đó cảm thấy hay ho và muốn tạo thành một mảng tranh luận, bạn có thể nhượng lại các ý tưởng này cho báo chí, đăng nó lên chốn công cộng cho mọi người đọc. Nó giống như tự bán mình vậy, mọi việc sẽ diễn ra kiểu kiểu đó. Nhưng vấn đề ở chỗ là một người mới thường khó mà phân biệt nổi phần đầu óc nào của mình có thể đem ra bán được giá và phần nào thì không. Khi bạn thất bại với việc đem bán bản thân, rơi vô tình cảnh ế ẩm do chọn nhầm sản phẩm thì rất dễ dẫn tới nản lòng. Các ý kiến chỉ trích từ người đọc sẽ càng khiến bạn nhức nhối, mà bạn thì phát hiện ra da mặt mình quá mỏng. Độc giả thì cứ mặc sức dày xéo, chà đạp bạn, đau khỏi nói luôn chớ sao.

Bạn dỗi.

Vậy bạn tự hỏi mình đã làm gì sai mà phải chịu cảnh đó? Để tôi cho bạn biết, độc giả rất ích kỷ. Họ khoái đọc mấy chuyện có liên quan tới bản thân họ hơn là coi bạn lải nhải về chính mình trên trang viết. Nói ra hơi phũ phàng nhưng họ chẳng cần biết bạn là ai đâu dù bạn có nỗ lực thể hiện bản thân trong tác phẩm của mình. Thứ họ muốn bạn viết là những quan tâm và chủ kiến của họ, hoặc là chuyện về bản thân họ. Vấn đề nằm ở đó.

Thế giới người đọc thực sự muốn gì? Câu trả lời không hề phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của bạn. Bạn cần phải tìm các ý tưởng từ bên ngoài, điều bạn cần làm là hiểu được nhu cầu của người khác và hiểu được hạn mức hiểu biết của mình. Bạn đã hiểu được bao nhiêu về điều mình muốn viết? Bạn có thực sự có cái nhìn thấu đáo với vấn đề như bạn tưởng chưa? Đừng để nó chỉ là trí tưởng tượng đơn phương.

Hãy khiêm tốn học hỏi, thử coi lại những nguồn trợ giúp mà tôi đã đề cập ở điều thứ nhất. Những người trong danh sách đó sẽ chỉ đường cho bạn, để bạn giảm thiểu những va chạm và trầy xước không đáng có.

3. Không đọc.

Đây là một trong những lý do trời ơi đất hỡi nhất nhưng tệ ở chỗ nó lại rất phổ biến trong giới viết lách. Cái lý do “Tôi không có thời gian cho việc đọc” quả thực là đi đâu cũng nghe thấy, đủ kiểu. Bạn không có thời gian để đọc trong khi lại có thời gian để viết? Thực không thể chấp nhận được! Tại sao bạn không làm như vầy? – cắt bớt phân nửa thời gian viết của bạn và dành nó cho việc đọc. Điều này là rất quan trọng bởi việc đọc sẽ kích thích sự sáng tạo ở bạn, mở mang kiến thức, tăng vốn từ, giúp bạn cũng cố các cấu trúc ngữ pháp vững chắc hơn để bạn biết khi nào nên chấm và khi nào thì nên phẩy. Khi làm như thế, tức là bạn đang bơm đầy những vấn đề và cảm hứng vô mạch máu của một người viết. Bạn sẽ tìm thấy nhiều điều hay ho hơn với việc đọc, mọi vấn đề sẽ rạng rỡ hẳn lên.

Nói cách khác, đọc chính là thứ nhiên liệu bạn cần để vận hành động cơ viết lách.

Hãy dành thời gian cho việc đọc một thứ gì đó, có thể chỉ là một công thức nấu ăn, truyện tranh… vụ này không quan trọng lắm, quan trọng là bạn bắt đầu việc đọc và muốn đọc. Bạn có thể đề nghị một sự giúp đỡ từ những người có khả năng trong đội ngũ tư vấn để có được tài liệu mình muốn. Kiểu như bạn có thể nói một chút với nhân viên quản lý thư viện về các nhu cầu của bản thân, đừng ngại, hẳn là anh/cô ấy sẽ rất vui lòng được giúp bạn lựa ra cuốn sách tốt nhất có chứa chủ đề bạn quan tâm.

Có một điều mà những người viết mới rất quan tâm: Bạn sợ việc đọc sẽ gây ra ảnh hưởng bất lợi tới phong cách viết hay “tiếng tăm” vốn có của mình? Chưa phải lúc để lo việc đó đâu. Một bản Non-fiction tốt là một tác phẩm bao hàm sự đơn giản, thực tếcó tính giáo trình. Bởi vậy bạn đừng tìm cách làm rối các biên tập viên và người đọc của mình với những chi tiết văn vẻ hay các ngôn từ bóng bẩy làm gì.

Một khi bạn đã quen với việc đọc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng bạn muốn đọc nhiều hơn, mục tiêu ngày càng trở nên đa dạng hơn từ sách báo tới e-book, hóa đơn, hộp sữa, biển báo, tin blog, status facebook, các điều khoản sử dụng dịch vụ, thậm chí là các loại thư rác, danh bạ điện thoại… vv và vv… Bạn đọc, bạn thưởng thức bất kể giới hạn.

4. Chẳng có ý tưởng nào trong đầu.

Chẳng bao giờ lại có chuyện bạn thiếu ý tưởng cảPhải nói, cái lý do nghe tưởng chừng không thể hoang đường hơn này lại có thể trở thành rào cản phổ biến đối với hầu hết những người mới vào nghề trong xã hội này, người viết chỉ là một trong số đó.

Chẳng bao giờ lại có chuyện bạn thiếu ý tưởng cả. Vấn đề ở đây là bạn có quá nhiều ý tưởng tới nỗi bị nghẹt hết cả đầu óc. Nói không đâu xa, ngay cả việc đọc bài viết này cũng đã cho bạn vô khối ý tưởng rồi. Để coi, sau khi đã đọc qua điều thứ nhất ở trên bạn có thể thử nghĩ ra gì đó đại loại như “Những sự giúp đỡ bạn cần để viết được một cuốn tiểu thuyết”? Rồi khi đọc xong điều thứ ba bạn lại có ngay một ý tưởng khác để viết, bạn có thể đọc một thông báo bất kỳ dán trên cột điện và sau đó dẫn tới việc tìm hiểu về cách thức hoạt động của loại hình đăng tin này, bạn có thể gọi điện cho các đơn vị liên quan để hỏi xin dữ liệu thống kê và thành lập một bộ dữ liệu viết đầy đủ để triển khai vô số đề tài kế đó như “Những địa điểm đẹp để dán quảng cáo hiệu quả” hay “Làm thế nào để có một chiến dịch quảng cáo vừa túi tiền?”

Mọi kinh nghiệm thông qua cảm nhận bằng các giác quan đều đem lại các ý tưởng, mọi điều bạn nghĩ tới đều có thể là ý tưởng. Nhiệm vụ của bạn chính là nuôi nấng và khám phá chúng.

5. Bỏ quên độc giả.

Đối với các tay viết thể loại Non-fiction, điều này là tuyệt đối quan trọng. Có thể sẽ có nhiều tuýp độc giả sẽ đến với tác phẩm của bạn trong suốt vòng đời của nó, song có một điều tôi đề nghị bạn nhớ cho: Đừng bao giờ xao lãng khỏi các độc giả mà bạn đã hoạch định làm mục tiêu viết.

Đây chính là một sai lầm phổ biến, chính xác, tôi nhấn mạnh rằng đó là sai lầm. Ngay trước khi khởi thảo một chủ đề bạn phải biết được những ai sẽ đọc nó. Trước hết bạn cần phải xác định rằng bạn đang viết cho ai đọc. Việc bạn viết mà chẳng hướng về độc giả chẳng khác nào dạy học trong một căn phòng trống cả.

Và một khi đã xác định những đối tượng đọc làm mục tiêu cho bài viết của mình. Bạn sẽ không được phép dính dáng hay lân la gì tới những gì nằm bên ngoài ranh giới đó. Hãy thử nghĩ xem bạn bỗng nhiên quay ra ngâm thơ trong khi đang viết về “những thói quen không nên của người viết mới trong thể loại Non-fiction” thì hậu quả sẽ là gì? Tức là thay vì dành thời gian cho những người đang chăm chú đọc bài viết này, bạn lại đuổi theo một nhà thơ ABC nào đó – người đã chẳng mảy may bận tâm ngó qua những dòng bạn viết. Điều này chẳng khác nào một nhân viên cửa hàng tạp hóa bỏ lại khách quen bên quầy tính tiền để đuổi theo một tay chơi bỏ đi vì không tìm được một con xế hộp đời mới trong cửa hiệu.

Bạn bảo rằng tác phẩm của bạn phải càng được công chúng biết tới nhiều thì mới tốt? Bạn muốn giao lưu và việc được nhiều người biết tới là vinh hạnh, là hào quang của bạn. Thực khó cưỡng lại cái cám dỗ lớn lao rằng tác phẩm của bạn sẽ đến được với mọi loại độc giả trên đời hoặc chí ít là với đa số người đọc. Hãy quẳng ngay cái ý nghĩ phi thực tế đó đi. Sự thực rành rành ở đây là hầu hết người ta không hề nghĩ tới chuyện đọc tác phẩm của bạn, như việc những người quan tâm theo dõi tới những dòng cuối cùng của bài viết này hầu hết đều là các tay viết, và phần lớn trong số họ là những tác giả trong dòng sách Non-fiction mà bạn coi là nguồn sống. Con số những người đó chẳng đáng kể chút nào so với hàng tỷ người trên thế giới song bạn không được phép làm ngơ với họ. Hãy giữ chân họ, giao lưu với họ. Và nếu bạn làm tốt, các độc giả của bạn sẽ muốn được đọc nhiều hơn nữa và họ sẽ thôi thúc bạn tiến về phía trước.


CHỦ ĐỀ GẦN ĐÂY:

Bình luận  Chưa có bình luận nào dành cho “Thể loại Non-fiction: Năm thói quen nên tránh đối với người viết mới”
    Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears