• Cây Thuốc Việt Nam

Phơi sấy, chế biến và bảo quản dược liệu


Chia sẻChia sẻChia sẻ

I. PHƠI SẤY DƯỢC LIỆU.

1. PHƠI: Dược liệu được trải thành lớp mỏng trên sàng hoặc khay, đặt trên giá, phơi nắng trực tiếp. Đối với dược liệu dễ bị ánh năng làm hỏng thì phơi trong râm, nơi thoáng gió, trên các sàng, nong, khay... xếp trên giá nhiều tầng. Có thể xếp dược liệu thành bó nhỏ, treo thành dãy trên dây mắc song song dọc theo nhà phơi. Nhà phơi phải cao ráo, có nhiều cửa cho thoáng khí. Đối với những dược liệu không chứa tinh dầu, có thể phơi nắng nhẹ vài giờ rồi đưa vào phơi tiếp trong bóng râm.

2. SẤY: Dược liệu được làm khô bằng không khí nóng trong tủ sấy, nhà sấy. Nguồn cung cấp nhiệt sẽ làm nóng không khí. Do đối lưu, không khí nóng tiếp xúc với dược liệu sẽ rút hơi nước từ dược liệu ra, làm dược liệu khô dần. Có nhiều kiểu nhà sấy:

a) Nhà sấy gián đoạn: Sấy hoàn chỉnh từng mẻ dược liệu.

b) Nhà sấy liên tục: Dược liệu tươi đi vào một đầu của buồng sấy và chuyển động từ từ trên băng chuyền suốt dọc buồng sấy. Luồng khí nóng được thổi theo chiều ngược lại. Cần tính toán tốc độ di chuyển của dược liệu và tốc độ khí nóng sao cho khi ra khỏi buồng sấy, dược liệu đã khô hoàn toàn. Tùy theo từng loại dược liệu, nhiệt độ sấy thường từ 40 ° - 70 °C. Đối với các dược liệu có tinh dầu, các loại dễ bay hơi, thăng hoa, nhiệt độ sấy không quá 40 °C.

II. CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU.

Một số dược liệu được chế biến trước khi dùng với mục đích:

1. Làm tăng tác dụng của vị thuốc hoặc làm giảm, loại bỏ độc tính của dược liệu.

2. Loại bớt tác dụng phụ không cần thiết hoặc có hại.

3. Giúp cho mùi vị của dược liệu thơm ngon, dễ uống.

4. Giúp cho việc bảo quản được tốt hơn.

Các phương pháp chế biến thường dùng:

A. PHƯƠNG PHÁP DÙNG LỬA :

1. Nung: Đốt trực tiếp dược liệu trong lửa hoặc than hồng, hoặc nung dược liệu trong nồi đất, nồi gang. Phương pháp này thường dùng với các dược liệu thuộc khoáng vật (vỏ sò, vỏ hà, mai mực...).

2. Lùi: Bọc dược liệu trong giấy bản ẩm hoặc bao dược liệu bằng một lớp mỏng bột ẩm rồi vùi tất cả vào tro nóng cho đến khi lớp vỏ bọc khô và cháy đen. Để nguội, bóc lớp giấy hoặc bột hồ đi, những lớp học này sẽ hút bớt một phần chất dầu của dược liệu, nếu có.

3. Sao: Cho dược liệu vào nồi hay chảo gang, đảo trên lửa nhỏ đến khi dược liệu có màu vàng (sao vàng) hoặc sớm đen (sao cháy) tùy theo yêu cầu của vị thuốc. Vị thuốc sao thường có mùi thơm, dễ dẫn vào phủ tạng hơn. Sao cháy làm cho vị thuốc có tính thu sáp, cầm máu. Sao cháy cần phải tồn tính, nghĩa là tuy cháy đen nhưng còn giữ nguyên hình dáng dược liệu, không thành tro.

4. Trích: Tẩm dược liệu bằng mật, giấm, nước muối, rượu, nước gừng..., rồi đem sao hoặc nướng.

5. Nướng: Hơ dược liệu trên lửa đến khi chín, khô, giòn. Tùy theo yêu cầu mà dùng lửa mạnh hoặc nhẹ.

B. PHƯƠNG PHÁP DÙNG NƯỚC: Làm cho dược liệu mềm, dễ thái hoặc loại bớt tính độc, giảm tính quá mạnh của thuốc :

1. Rửa : Làm sạch vị thuốc. Không ngâm vị thuốc lâu trong nước.

2. Ngâm : Kéo dài thời gian tiếp xúc giữa dược liệu với nước làm vị thuốc bớt mùi tanh, vị mặn nếu có.

3. Dội: Đổ nước nguội hoặc nước nóng lên dược liệu, để ráo nước. Dược liệu dễ bóc vỏ hoặc thái mỏng.

4. Thủy phi: Cho nước vào dược liệu đã tán nhỏ, khuấy đều, để lắng. Loại nước, lấy bột.

C. PHƯƠNG PHÁP DÙNG PHỐI HỢP NƯỚC VÀ LỬA :

1. Chưng hoặc đồ: Cho dược liệu vào chỗ, đáy có vị thông với nồi đun chứa nước. Đun sôi cho hơi nước bốc lên, đi qua làm chín dược liệu.

2. Nấu: Cho dược liệu vào nước lã hay nước ép một dược liệu khác, đun trên lửa nhỏ tới chín.

3. Tôi: Nung thật nóng dược liệu rồi thả ngay vào nước lã hoặc nước ép một dược liệu khác cho ngấm vào trong. Thường áp dụng cho các khoáng chất.

4. Sắc: Nấu kỹ với nước, rồi cô cho hơi nước bay bớt đi.

5. Cất: Đun cho thành phần cần thu bốc hơi, sau đó làm lạnh cho ngưng tụ. Thường áp dụng trong việc thu tinh dầu trong dược liệu. III. BẢO QUẢN DƯỢC LIỆU.

Dược liệu cần được bảo quản tốt để giữ chất lượng đúng tiêu chuẩn. Có 5 yếu tố chính tác động đến chất lượng dược liệu :

1. Độ ẩm: Ở nước ta, độ ẩm tương đối trung bình trên 85%. Vào những tháng 2, 3, 4 và 7, 8, khí hậu ẩm nhiều. Độ ẩm làm phát triển sâu mọt, nấm mốc, làm dược liệu bốc nóng và tiêu hao hoạt chất. Để khắc phục, cần làm giảm độ ẩm của dược liệu hoặc giảm hơi nước trong môi trường. Dược liệu cần phơi sấy đạt độ ẩm an toàn 10 - 12%. Đối với dược liệu là rễ hoặc chứa đường thì tỉ lệ là 15%. Kho sấy phải thông gió, sạch sẽ. Dùng chất hút ẩm như vôi cục, silica gen, gạo rang. Bao bì đóng gói phải kín như thùng gỗ, chum, hòm kín.

2. Nhiệt độ: Nhiệt độ tốt nhất cho bảo quản dược liệu là 25 °C. Nhiệt độ cao làm bay tinh dầu ở dược liệu chứa tinh dầu, làm dược liệu chứa chất béo biến chất, có vị đắng khé. Kho chứa phải thông gió. Vận chuyển dược liệu nhanh chóng, bốc dỡ ở chỗ râm mát. Có định kỳ thời gian chuyển đảo dược liệu.

3. Thời gian tồn kho: Dược liệu để lâu trong kho sẽ giảm phẩm chất và mất công bảo quản. Hàng năm, nên xuất dược liệu theo thời vụ.

4. Bao bì đóng gói: Dùng bao bì sạch, khô và thích hợp cho từng loại dược liệu. Các dược liệu thảo mộc đựng trong bao tải, bao cói. Các loại hạt dễ bị sâu, mọt, dược liệu chứa tinh dầu đựng trong hòm gỗ. Dược liệu quý bảo quản trong hòm sắt đậy kín, có chất hút ẩm. Dược liệu động vật đựng trong hòm kẽm có xuyên tiêu.

5. Nấm mốc và sâu mọt: Đi đôi với việc chống ẩm, cần thường xuyên kiểm tra dược liệu để phát hiện mốc, cho cách ly và có kế hoạch bảo quản ngay. Kho có thuốc mốc phải được sát trùng bằng thuốc hóa chất.

Diệt sâu mọt bằng phơi nắng, sấy than và các phương pháp hóa chất như xông sinh, khử trùng bằng nhôm phosphur. Khi dùng các hóa chất, cần có biện pháp chống độc.

 

 


  • Lời giới thiệu
  • Lời các tác giả
  • Đại cương
  • Tổ chức điều tra, khai thác và sử dụng cây thuốc
  • Phơi sấy, chế biến và bảo quản dược liệu
  • Abrus Precatorius L.
  • Acanthopanax Trifoliatus (L.) Merr.
  • Achyranthes Aspera L.
  • Achyranthes Bidentata Blume
  • Aconitum Fortunei Hemsl.
  • Acorus Gramineus Soland.
  • Acronychia Laurifolia Blume
Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears