• Cây Thuốc Việt Nam

Tổ chức điều tra, khai thác và sử dụng cây thuốc


Chia sẻChia sẻChia sẻ

VIỆT NAM biển rộng, sông dài, có nhiều núi rừng. Điều kiện tự nhiên đó đã tạo ra thảm thực vật và quần thể động vật phát triển Phong phú. Trong ngàn vạn sinh vật đó, có nhiều cây và con có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Có thể nói bất cứ ở đâu, cũng tìm ra được thuốc : lên rừng, xuống biển, dọc quanh nhà.

Rừng núi chiếm 3/4 đất đai, trải dài trên những vùng cao rộng lớn. Ở đây, có thể tìm được không những cây thuốc thông thường như cỏ tranh, mã đề, bồng bồng mà cả cây thuốc quý như sa nhân, vàng đắng, mã tiền...

Bờ biển dài 2.500 km là xứ sở của gần 300 loài rong biển, trong đó nhiều loại được dùng làm thuốc như rong mơ, rau câu, tảo xanh. Ngoài ra, còn có khoảng 250 loài cây vùng nước mặn gồm những cây thuốc như mạn kinh, dừa cạn, sài hồ nam...

Xung quanh nơi ở, một cảnh quan quen thuộc cũng có rất nhiều cây thuốc tốt. Nhọ nồi, rau má, cỏ gấu mọc dại khắp nơi ; những cây rau ăn và gia vị như hành, tỏi, cải bắp, rau ngót; những cây ăn quả như chanh, đào, táo, bưởi; những cây lương thực như ngô, khoai, sắn; ngay cả những cây cảnh như đinh lăng, trắc bá, phù dung và những giờ phong lan như thạch hộc, hoàng thảo cũng chữa được nhiều bệnh.

Để làm giàu thêm nguồn dược liệu phong phú của đất nước, hơn 260 loài cây thuốc của nước ngoài đã được di thực, trong đó rất nhiều loài đã sống và phát triển tốt như bạch chỉ, bạch truật, đường quy, solanum laciniatum...

Đứng trước nguồn dược liệu vô cùng phong phú đó, việc nghiên cứu điều tra, khai thác và sử dụng có một ý nghĩa rất lớn và tầm quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực y học và kinh tế.

Công tác điều tra được tiến hành từ năm 1961. Qua nhiều chặng đường khó khăn từ một bộ phận điều tra nhỏ, tính chất công tác lẻ tẻ, qui mô nhỏ, đã trưởng thành mau chóng với nội dung nghiên cứu khá phong phú và toàn diện. Đến nay, nhiều công trình điều tra đã được công bố nói lên thành tựu đáng kể của công tác điều tra dược liệu trong 25 năm qua:

Phát hiện được 1.863 loài cây thuốc của 238 họ thực vật với gần 8.000 tiêu bản gồm những cây thuốc quý hiếm, những cây thuốc thu mua có giá trị, những cây thuốc đang được nghiên cứu, những cây thuốc thông thường theo kinh nghiệm dân gian, hầu hết là cây mọc hoang dại, trong đó có nhiều loại trước đây tưởng như không có ở trong nước. Nhiều cây thuốc là đặc sản mọc hoang của từng miền, từng vùng; những cây thuốc mọc tập trung có khả năng trữ lượng lớn; những cây thuốc có giá trị bị tàn phá nặng nề cũng được phát hiện. Ngoài ra, còn phát hiện gần 40 loài động vật làm thuốc từ những loài quý có giá trị chữa bệnh cao đến những loài thông thường dùng theo kinh nghiệm dân gian.

Nắm vững và xây dựng danh lục mùa hoa quả của hơn 1.000 cây thuốc phân loại theo từng tháng, góp phần xác định mua điều tra dược liệu, lịch thu hái cây thuốc, vị thuốc. Hàng trăm bài thuốc, hàng nghìn tranh vẽ và ảnh chụp các loài cây thuốc và các hoạt động điều tra dược liệu.

Công tác khai thác nguồn thuốc thiên nhiên cũng được đẩy mạnh cả về mặt số lượng và khối lượng, đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng tăng của việc sử dụng dược liệu trong nước cũng như xuất khẩu. Gần 400 loại dược liệu đã được khai thác và thu mua với khối lượng lớn. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu dựa vào hoang dại. Những dược liệu có giá trị lớn như ba kích, hồi, mã tiền, sa nhân, xương hồ, mật ong, nhung hươu... được dùng cho sản xuất thuốc trong nước và cho xuất khẩu; những dược liệu thông thường như lạc tiên, kim ngân, lá lốt, ké đầu ngựa đáp ứng yêu cầu phát triển thuốc nam tự túc.

Nhưng nhìn chung, việc khai thác còn có nhiều bất hợp lý :

  1. Tốc độ khai thác luôn luôn lớn hơn tốc độ tái sinh, do đó khá năng cung cấp dược liệu tự nhiên giảm sút rõ rệt so với trước đây.
  2. Khai thác cây không phải để dùng làm thuốc mà lạm dụng vào việc khác như lấy gỗ làm đồ dùng gia đình, làm vật khắc trang trí, làm củi đun. Chặt cây, phá rừng, đốt rừng lấy đất làm nương rẫy.
  3. Đặt kế hoạch tận thu, khai thác bừa bãi, bất hợp lý, khiến cho cây thuốc bị kiệt quệ, làm thu hẹp dần diện phân bố của nhiều cây thuốc.

Do đó, khai thác phải đi đôi với bảo vệ, bảo đảm cây thuốc và động vật làm thuốc tái sinh tự nhiên và ngày một phát triển là một việc làm hết sức khẩn trương và cần thiết.

Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho con người đã có một quá trình lịch sử hàng nghìn năm. Tổ tiên ngày trước đã dày công tìm kiếm, phát hiện và chọn lọc để đưa vào ứng dụng điều trị rất nhiều cây thuốc và động vật làm thuốc. Và từ đó đến nay, kho dược liệu Việt Nam vốn đã phong phú lại tích lũy được vô vàn kinh nghiệm quý báu.

Thừa kế và phát huy vốn cổ truyền của dân tộc, trong cuộc đấu tranh hàng ngày với bệnh tật để bảo tồn cuộc sống và bảo vệ sức khỏe, nhân dân Việt Nam vẫn áp dụng, chỉnh lý và nâng cao những kinh nghiệm quý báu đó. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều cây thuốc đã trở thành cứu tinh trên chiến trường như thường sơn chữa sốt rét ; mỏ qua, dây khai, lân tơ uyn có tác dụng kháng khuẩn chữa vết thương; nõn chuối rừng làm thuốc cầm máu; cây bèo tây chống chất độc hóa học; vỏ cây dền làm rượu bổ... Dược liệu đã được đưa vào áp dụng tại tuyến cơ sở trong phong trào phát triển thuốc nam tự túc ở xã bảo đảm hậu cần tại chỗ. Tỷ lệ thuốc nam được áp dụng đã tăng dần, có nhiều nơi đạt 100%, có tác dụng đáng kể và thiết thực trong việc giảm nhẹ lượng thuốc đưa từ trên xuống. Đến nay đã có hàng nghìn xã đạt tỷ lệ sử dụng thuốc nam do Bộ Y tế quy định. Phong trào này không những phát triển ở quy mô xã mà còn mở rộng đến quy mô toàn huyện.

Ngày nay, do kết hợp tốt đông y và tây y, dược liệu Việt Nam đang được hiện đại hóa từng phần để tiện sử dụng và xuất khẩu. Có những thuốc đã được chiết xuất và chế biến tinh khiết, một số thuốc đã được xuất khẩu dưới dạng thành phẩm hay nửa thành phẩm. Ngành sản xuất tinh dầu và hương liệu gần đây cũng đạt nhiều kết quả. Bước đầu, đã có được một số thiết bị kỹ thuật tương đối hiện đại và đã điều chế được nhiều dược phẩm từ nguyên liệu trong nước có khả năng thay thế được thuốc tây và thuốc bắc mà từ trước ta vẫn phải nhập.

Đất nước Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam quả là một kho tàng dược liệu nhiệt đới vô cùng phong phú. Càng đi sâu vào lòng đất, lòng rừng, người Việt Nam càng thấy tự hào và có trách nhiệm đem kiến thức khoa học và kỹ thuật vào nghiên cứu bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên quý giá đó.


  • Lời giới thiệu
  • Lời các tác giả
  • Đại cương
  • Tổ chức điều tra, khai thác và sử dụng cây thuốc
  • Phơi sấy, chế biến và bảo quản dược liệu
  • Abrus Precatorius L.
  • Acanthopanax Trifoliatus (L.) Merr.
  • Achyranthes Aspera L.
  • Achyranthes Bidentata Blume
  • Aconitum Fortunei Hemsl.
  • Acorus Gramineus Soland.
  • Acronychia Laurifolia Blume
Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears