• Đồi sói hú

Hương Giang


Chia sẻChia sẻChia sẻ

Dũng dắt tay Hương Giang đang mặt xanh mày xám sau khi nghe tiếng hổ gầm đi nhanh về phía con suối rộng mà tiếng nước đổ ầm ào như vẫy gọi hai người. Nhưng thôi, cứ để cho họ đi tìm chỗ ngủ. Tôi muốn quay về dĩ vãng trong chốc lát kể cho các bạn nghe mối quan hệ giữa Dũng với Hương Giang trong những ngày họ còn cùng ngồi trên ghế nhà trường.

Đó là những ngày đầu Cách mạng. Bấy giờ Dũng đang học đệ tứ trường Phan Bội Châu, trường mở ngay trong làng của Dũng. Dũng có một thằng bạn tản cư đến, tên là Kiên. Tháng nào thằng Kiên cũng đe dọa giành vị trí nhất nhì lớp của Dũng. Trường khai giảng được hơn một tháng, thì một sự kiện quan trọng xảy ra.

Hôm ấy đang giờ học thì thầy hiệu trưởng dẫn vào lớp Dũng hai cô bạn gái cực kỳ xinh đẹp, có lẽ nên gọi là hai nàng tiên thì đúng hơn. Những người có mặt hôm ấy đều có chung một cảm giác rằng, lớp học như bừng sáng lên trước vẻ đẹp của hai cô bé. Cả lớp im phăng phắc. Cánh con trai, nhất là những anh chàng lớn tuổi1 thì bàng hoàng, mắt nhìn hai nàng không chớp, như bị thôi miên. Bọn choai choai mười bốn mười lăm, những đứa nghịch nhất hội lại cố tỏ ra nghiêm túc nhất. Trong số này có thằng Kiên. Còn cánh con gái thì bỡ ngỡ. Có đứa khẽ khàng kín đáo cố giấu đi những nét thừa thãi vô duyên của mình trước vẻ đẹp hoàn mỹ của hai cô bạn mới.

Thầy hiệu trưởng nói:

- Xin giới thiệu với cô giáo và các trò, lớp ta thêm hai trò mới,hai chị em sinh đôi: Tôn Nữ Hương Cầm... và Tôn Nữ Hương Giang...

Thầy hiệu trưởng giới thiệu đến tên ai, thì người ấy bước lên một bước, khẽ nghiêng đầu chào, cứ y như văn công trên sân khấu. Có tiếng xì xào khe khẽ trong số các chị lớn tuổi:

- Điệu đời...

Thầy hiệu trưởng nói thêm:

Thầy xin nói thêm, cảnh nhà eo hẹp nên hai trò vào học muộn. Thầy mong các trò gắng giúp đỡ bạn mới, "Nhiễu điều phủ lấy giá gương."

Cô giáo Công dạy văn học Pháp, phụ trách lớp này, xếp hai cô bạn mới vào ngồi cùng bàn với Kiên, có lẽ dụng ý để cậu chàng bớt tính nghịch ngợm đi. Kiên đứng dậy, đưa tay sửa lại cổ áo, nhìn Dũng rất nhanh, lịch sự lùi ra, nhường lối cho hai cô bé vào chỗ. Xem ra sắc đẹp của hai chị em này hiệu nghiệm thật, nó làm cho tính tình nghịch ngợm, bướng bỉnh của bọn con trai bớt đi. Đấy, cứ xem thằng Kiên thì biết.

Ít lâu sau, gia đình Hương Giang, nói cho đúng, mẹ Hương Giang, tản cư đến làng Dũng, nghe nói bố cô bé ở lại làng, không đi tản cư. Nhưng đấy cũng là chuyện bình thường. Nhiều gia đình tản cư vẫn thế. Người ta gọi bà mới tản cư đến là bà giáo Nhân. Về sau Dũng biết thêm bố Hương Giang vốn dạy học nên người ta mới gọi mẹ cô là bà hoặc cô giáo. Buổi ấy người lạ, người quen sống trong tình đùm bọc thật sự. Bà con lối xóm giúp dụng cho bà giáo một cái quán để bán nước chè và các thứ hàng khô ngay cạnh đường cái quan, gần nhà Dũng. Những tấm lá cọ nhà Dũng được bố con Dũng chặt xuống, mang ra lợp mái cho cái quán mới này. Thế là buổi đầu hai nhà này đã có thiện cảm với nhau.

Từ ngày quán bà giáo Nhân khai trương, mẹ Dũng ít khi phải đi chợ. Bà thường sai Dũng ra quán mua khi thì gói tép khô, vài con mực khô, khi thì bao diêm, gói thuốc lào... Đôi khi bà giáo Nhân sai con gái mang vào biếu bố mẹ Dũng vài viên thuốc ký ninh, hộp dầu cao, cái bút, lọ mực từ vùng tề gửi lên. Đáp lại, khi săn bẫy được thú rừng, bố mẹ Dũng lại sai nó mang biếu bà giáo xâu thịt, bát canh. Sự qua lại ấy dần dà khiến hai nhà trở nên thân thiết.

Đi giúp mẹ đến quán bà giáo Nhân, lúc đầu thỉnh thoảng Dũng cùng chị em Hương Giang trò chuyện về việc học hành, cho nhau mượn sách vở hoặc trao đổi, bình phẩm những câu thơ, những đoạn văn ý hay, lời đẹp; những bài toán lý thú. Về sau, không biết bắt đầu từ bao giờ, như thể là tình cờ, họ cùng đi về trên đoạn đường từ quán hàng đến trường học vốn xa bỗng hóa gần. Rồi đến độ cây duối khuất bên đường, cạnh quán, nhiều cành con bị bẻ quặt xuống; vách đá phẳng bên chân núi gần cửa trường bị khoanh những vòng tròn bằng phấn đủ màu nho nhỏ, dấu hiệu truyền tin hò hẹn đi về.

Cái buổi "trai thời loạn", thời kỳ Cách mạng sục sôi, các chàng trai thôn dã, con nhà nghèo, có học hành... rất được giá. Dũng, cậu con trai "quê mùa" miền rừng núi, thanh mảnh, có chữ nghĩa, chất phác, trung thực, can đảm, tự tin, sẵn sàng giúp đỡ mọi người này thật sự được hai chị em con bà giáo Nhân quý mến. Nhất là Hương Giang với Dũng.

Một lần đi học về, qua eo núi đá lúc trời sắp tối, một con khỉ độc xồ ra, đuổi theo Hương Giang, Dũng đã xông lên che chắn cho cô bé. Nó chống trả quyết liệt với con khỉ độc cứu Hương Giang thoát nạn.

Lần khác, cả bọn vào truông kiếm gỗ làm trường, một đàn sói xô tới vây lấy hai chị em Hương Giang, Dũng đã xách rựa chạy tới giải tỏa vòng vây sói cho hai cô bé. Và không ngờ chính lần này Hương Giang được làm quen với con Sói Lửa. Số là trong lúc Dũng đang chống trả sói đàn và cất tiếng hò hét đuổi thú thì con sói đầu đàn chạy tới với Dũng. Thấy Dũng, con sói dữ bỗng vẫy đuôi. Dũng reo lên:

- Ôi, Sói Lửa! - nó vứt rựa, vồ lấy "người bạn rừng".

Trong lúc các bạn và chị em Hương Giang đang ngạc nhiên thì Dũng gọi:

- Các cậu ơi, lại đây!

Dũng vừa âu yếm con sói, vừa kể cho các bạn tản cư nghe về con Sói Lửa.

Từ cuộc gặp gỡ bất ngờ này, về sau con Sói Lửa nhận Hương Giang như một người quen, mỗi lần gặp bất ngờ.

Thằng Kiên xưa nay vốn là đứa nghịch ngợm, giờ đã biết tu chí hơn. Nhưng dù vậy, và dù nó cũng là đứa học giỏi vào loại nhất nhì lớp, lại ngồi cạnh hai chị em họ Tôn Thất này, đôi khi cần hỏi han, trao đổi điều gì, Hương Giang, Hương Cầm thường quay xuống với Dũng ngồi bàn dưới. Thằng Kiên tức lắm, nhưng biết làm thế nào được. Chuyện đâu phải tại Dũng.

Một hôm vào giờ thầy Xứng giảng Kiều, giờ mà bọn học trò lớp đệ tứ, lớp "chim đầu đàn" này rất thích thú. Thầy Xứng gọi Hương Giang bình giảng hai câu thơ về vẻ đẹp của hai chị em Kiều. Hương Giang kín đáo sửa lại vạt áo dài, nhẹ nhàng đứng dậy. Bỗng đầu Hương Giang ngả ra phía sau, còn Hương Cầm thì rướn cổ lên. Bọn con trai tinh quái cười phá lên. Thì ra trước đó thằng Kiên đã buộc tóc hai cô bé lại với nhau, quên cởi ra. Thầy Xứng giận lắm. Buổi học vì thế mất hào hứng hẳn. Lần đầu tiên thằng Kiên bị ông giám thị gọi lên văn phòng. Cô Công cho họp lớp. Kết quả là thằng Kiên chuyển xuống ngồi chỗ Dũng, còn Dũng thì thay vào chỗ Kiên.

Chuyện tưởng như thế là yên. Nhưng không, thằng Kiên chuyển sang oán Dũng. Nó thường tìm những sơ suất của Dũng, nêu ra trước lớp làm trò cười.

Hôm ấy lại giờ cô Công giảng văn học Pháp. Hương Giang đang hý hoáy viết lách gì đó thì cô Công đột ngột gọi.

Hương Giang đứng lên, đã vội vàng toan ngồi xuống. Quần Hương Giang bị kẹt vào giát tre2 ghế băng, khiến cô bé lúng túng. Cả lớp đang cố nhịn cười, còn Dũng thì thương tình, không suy tính gì, đưa tay gỡ hộ. Thấy cả lớp cười, cô Công ngạc nhiên hỏi:

- Có chuyện gì thế các trò?

Thằng Kiên láu táu đứng dậy thưa:

- Thưa cô, trò Dũng nghịch trò Hương Giang.

Đối lúc những chuyện bịa đặt không rõ vô tình hay cố ý thật khó thanh minh. Cô giáo càng ngạc nhiên, hết nhìn Dũng lại nhìn Hương Giang. Dũng vừa ức, vừa xấu hổ, cứng cả miệng, không thanh minh được câu nào. May thay, Hương Giang cố nén hồi hộp, cứu nguy cho Dũng. Cô bé e thẹn nói:

- Thưa cô, không phải thế đâu ạ. Em xin lỗi vì vô ý. Cô giáo đãhiểu, mỉm cười độ lượng. Giờ học lại tiếp tục

Con sông chảy qua làng Dũng nước rất trong. Lòng sông không sâu, toàn cát vàng. Sông mỗi ngày có hai con nước. Khi thủy triều lên hết cỡ, nước thác chỉ chảy lăn tăn, còn khi nước ròng thì thác chảy rất xiết, ào ạt, tung bọt trắng xóa. Dọc bờ sông là bãi sỏi cát, có nhiều vạt cây rì rì xanh um như những bồn trúc đào mát rượi. Đấy là những nơi cất giấu và thay quần áo lúc tắm rất thuận tiện và kín đáo. Bọn trẻ trong làng và bọn học trò tản cư nghèo, cả con trai lẫn con gái thường tìm những chỗ vắng, cởi quần áo, giặt phơi lên ngọn rì rì, rồi nhảy ùm xuống sông tắm, chờ cho khô.

Dạo này con Sói Lửa hay đảo về làng chơi với Dũng. Nói cho đúng, con Sói Lửa về với con Khoang. Nhưng ít khi nó vào xóm giữa ban ngày, mặc dù người trong xóm, cả trong làng đều biết nó và chẳng ai làm gì nó. Nó thường bám theo Dũng khi thì bên chân núi đá, lúc bên bãi sông. Có lẽ nó thấy con Khoang hay theo chân cậu chủ.

Hôm ấy Dũng ra sông, leo lên một cành mưng đâm ngang là là mặt nước, ngồi thả câu xuống chùm rễ mưng, câu, cá chạch.

Trời hè đã quá trưa, nhưng mặt sông vẫn tĩnh lặng. Thủy triều đang lên nên thác nước ngừng chảy. Như thể linh tính mách bảo, Dũng đưa mắt nhìn ngược lên bãi cát. Con Sói Lửa đang gò lưng từ lèn đá chạy ra với Dũng. Dũng đưa chân vào cho con sói ngửi hít, rồi nhẹ nhàng bảo:

- Nằm xuống đây!

Con Sói Lửa nằm xuống gốc mưng, đưa mắt mơ màng nhìn dòng nước. Dũng thì trở về với những con chạch hám mồi đang xúm lại dưới chùm rễ mưng.

Thủy triều bắt đầu xuống. Đàn cá chạch đang háu cắn câu. Dũng như quên mất "người bạn rừng" đang nằm dưới gốc mưng. Bỗng có tiếng vỗ nước bì bõm như ai đó đang tập bơi phía dưới bến nước vọng lên. Cùng lúc con Sói Lửa đứng bật dậy, nhảy xuống nước vừa bơi xuôi, vừa sủa. Bất giác Dũng nhìn xuôi dòng sông, hướng con Sói Lửa. Theo bản năng tự nhiên, nó chợt rùng mình khi thấy thấp thoáng một làn tóc xòa vật vờ trên mặt nước, cùng hai bàn tay chới với một lúc rồi mất hút trong lòng sông phẳng lặng. "Có người chết đuối!". Dũng kêu lên, rồi lao sầm xuống dòng sông, bơi tới chỗ con Sói Lửa đang bơi vòng quanh, mồm vừa đớp nước vừa sủa. Người bị nạn đã chìm nghỉm. Cũng may nước vẫn đang đứng, không chảy. Dũng hít một hơi dài, lặn xuống đáy sông. Nước trong vắt, nó thấy rõ một cô gái đang vùng vẫy yếu ớt, nhưng chưa nhận ra là ai. Kéo được người bị nạn vào bờ, bấy giờ Dũng mới nhận ra, đấy là Hương Giang. Cô bé đã uống no nước, hầu như đã ngừng thở. Có lẽ vừa tắm, vừa đợi cho khô quần áo, nên khi sẩy chân, sợ xấu hổ cô bé đã không dám kêu cứu.

Nén hồi hộp, lo âu, Dũng dốc ngược hai chân Hương Giang lên vai mình, xóc nước cho cô. Nó lại đặt Hương Giang nằm xuống bãi cỏ bằng phẳng làm hô hấp nhân tạo. Một lúc lâu Hương Giang mới thở ra nhè nhẹ. Dũng thở phào mừng rõ. Bấy giờ nó mới để ý thấy con Sói Lửa ngồi у bên cạnh, đang cuống quýt, rên rỉ. Dũng xoa đầu con Sói Lửa, nói âu yếm:

- Đừng lo! Hương Giang sống rồi!

Hương Giang nằm thiêm thiếp trên bãi cỏ nom như tượng thần vệ nữ. Dũng chợt cảm thấy xấu hổ, co một chân lên cho bạn, rồi vội quay mặt đi. Một lát sau, Hương Giang giật mình như thể vô ý ngủ quên. Cô bé ngồi bật dậy, khép hai chân lại, co vào ngực, hai tay vòng ôm lấy đầu gối. Giọng cô bé lí nhí:

- Cảm ơn anh đã cứu em!

Dù lâu nay Hương Giang vẫn dành cảm tình cho Dũng hơn các bạn trai khác, nhưng chưa bao giờ cô bé họ Tôn Thất này chịu hạ mình gọi Dũng bằng anh, và xưng em. Thái độ dịu dàng khác thường cùng lời xưng hô ấy của cô bé khiến Dũng rất xúc động. Nó xử sự như một người anh trai, một người lớn, đến bên bụi rì rì, lấy bộ quần áo của Hương Giang phơi trên ngọn đã khô, đưa lại cho cô bé. Không đến gần, vẫn quay mặt đi. Dũng vo tròn bộ quần áo lại, ném cho cô bé.

- Mặc vào đi kẻo bị cảm!

Hương Giang nhận bộ quần áo. Cô bé thật sự cảm kích cách xử sự rất đàn ông ấy của Dũng. - Anh lại đằng kia, đợi em cùng về.

Chỉ lát sau, hai đứa đã sánh vai nhau vừa đi vừa trò chuyện trên con đường về nhà. Chẳng ai rõ họ đã nói với nhau những gì. Cuối cùng, lúc chia tay để ai về nhà nấy, Hương Giang chỉ dặn Dũng:

- Anh đừng nói với ai nhé. Cả với mẹ em.

Chuyện Dũng cứu Hương Giang chết đuối vẫn chỉ có hai đứa biết.

Tin lan truyền trong học sinh là Trường trung học sẽ chuyển đến một địa điểm mới ở huyện khác. Tin này khiến Dũng lo lắng. Nếu quả thật như thế thì việc học của Dũng coi như chấm dứt. Vì hoàn cảnh nhà Dũng hiện giờ lấy đâu ra tiền gạo cho nó theo học. Và như vậy Dũng sẽ xa bạn mãi mãi.

Một hôm đến thăm Dũng, Hương Giang chợt hỏi:

- Trường chuyển, anh có theo trường không?

Dũng buồn rầu nói:

- Bố mẹ anh nghèo, lấy đâu ra tiền. Còn em?

- Em là dân tản cư, làng bị giặc chiếm rồi, trường đi đâu chúng em theo đó.

Dũng buột miệng thốt lên:

- Thế là vĩnh biệt.

Hương Giang ngạc nhiên nhìn Dũng, hỏi:

- Anh Dũng nói chi lạ? Vĩnh biệt cái chi? Vĩnh biệt ghế nhàtrường, vĩnh biệt bạn bè, vĩnh biệt Hương Giang! Hương Giang bùi ngùi nói:

- Anh Dũng bỏ học thì tiếc lắm. - Nghĩ ngợi một lát, mắt Hương Giang chợt sáng lên, cô bé nói - Em nghĩ ra rồi. Khối đứa tản cư vừa học vừa dạy thêm. Anh thừa sức dạy kèm bọn đệ nhị, đệ tam3. Anh học giỏi mà.

- Hay đấy. Nhưng ai người ta nhờ. Phải quen biết cơ. Gần Tết rồi, hơi cập rập. Nếu trường chuyển, em sẽ đến đấy trước. Em sẽ nhờ bọn bạn tìm giúp. Em sẽ viết thư cho anh.

Sau lần gặp gỡ giữa hai đứa ít lâu thì trường chuyển. Gia đình Hương Giang chuyển theo. Khu Trường trung học do công sức thầy trò và dân làng dựng lên ở xã Dũng được ít lâu, lá cọ vẫn còn mới, giờ thành dãy nhà kho. Những mảnh sản xưa vốn là "bãi chiến trường" của lũ học trò con trai trong những giờ ra chơi, nay cỏ mọc um tùm, thành bãi chăn trâu bò. Còn con sông làng Xoài với bờ cát chạy dài, với những cụm rì rì xanh um, nơi từng bao dung những chuyện vui, buồn của cái lũ "nhất quỷ nhì ma...", nay im lìm, lặng lẽ và đơn điệu. "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!".

Mọi bận những ngày giáp Tết dài lê thê, mong mãi Tết chẳng đến. Lần này như thể Tết ập đến bất ngờ với Dũng.

Chiều mồng một Tết, theo tục lệ cổ truyền, ông bố bắt Dũng làm lễ khai bút. Bố Dũng là một nhà nho, những tục lệ cũ ông giữ rất nghiêm ngặt. Chính ông cũng bày nghiên bút ra, đang ngồi khai bút.

Dũng vắt óc suy nghĩ mãi mà chẳng biết nên viết gì. Có những gương mặt thân quen, những kỷ niệm, những nỗi nhớ...

Nhưng nó lại không dám viết ra trên tờ giấy khai bút này.

Dũng đang nghĩ miên man thì bỗng tiếng con Khoang sủa khe khẽ ngoài sân. Dũng ngẩng nhìn, thấy con Khoang đang vẫy đuôi mừng rỡ. Khách nào mà nó vui vẻ thế kia? Chợt tiếng bà mẹ chào khách vọng vào:

- Chúc năm mới cô! Chúc năm mới cháu gái!

Dũng sững sờ vì niềm vui bất ngờ. Mẹ Hương Giang và cả cô bé vui vẻ bước vào.

Hương Giang ngồi xuống bên bàn Dũng. Họ trò chuyện với nhau thì ít mà ngắm nhìn nhau nhiều hơn. Tuy thế thỉnh thoảng Dũng cũng nghe thấy câu được câu chăng giữa người lớn từ bàn bên. Thì ra mẹ Hương Giang đến chúc Tết và tạ ơn Dũng đã cứu sống con gái! Câu chuyện làm Dũng ngượng ngùng vì xấu hổ. Có lẽ Hương Giang hiểu tâm trạng của Dũng, cô bé đứng lên rủ:

- Đến thăm bạn Kiên đi! Bạn Kiên được về phép. Dũng vui vẻ nhận lời. Cả hai xin phép người lớn rồi ra khỏi cổng, đi về phía con đường mòn chạy sát chân núi đá.

Dũng khẽ trách Hương Giang:

- Thế là Hương Giang không giữ lời hứa nhé!

Hương Giang ngạc nhiên hỏi:

- Hứa gì ạ! Tìm chỗ dạy ấy à?

- Không, chuyện tắm sông ấy.

Hương Giang tươi cười, nói:

- Em chỉ dặn anh không được nói với ai, chứ em có hứa gìđâu?

Ừ, đúng thế thật. Dũng lại hỏi:

- Sao Hương Cầm không cùng đi? Ba Hương Giang không lênăn Tết cùng à?

- Chị ấy có ở đằng nhà bạn Kiển, còn ba em ... - Hương Giang buồn - Lên sao được, làng em bị chiếm rồi. Lại một chuyện bất ngờ nữa.

Hai đứa vừa đi vào con đường núi được một lát thì bỗng một con báo màu lông vàng cháy lao ra chắn ngang đường. Hương Giang sợ hãi, quay lại, ôm chặt lấy Dũng. Ở đây làm gì có báo? Dũng đang nghĩ thế thì chợt thấy con thú vẫy đuôi. Thì ra là con Sói Lửa. Trước đây thỉnh thoảng con Sói Lửa lại đón đường thăm cậu chủ như thế. Nhưng đã lâu lâu nó dẫn đàn vào rừng sâu, không ngờ hôm nay nó lại xuất hiện đột ngột như thế. Dũng nói với Hương Giang:

- Con Sói Lửa đấy! Nó nhận ra em, mà em quên nó à?

Hương Giang buông Dũng ra. Con chó rừng rón rén bò tới, nằm xuống chân hai bạn trẻ. Dũng bảo con Sói Lửa:

- Thôi, về với đàn đi. Chúc năm mới nhé!

Dũng ném về phía rừng một hòn đất ra hiệu. Con Sói Lửa nhảy thụt lùi một bước rồi quay ngoắt, lao vào rừng. Có tiếng con Khoang sủa phía sau. Nó đang phóng như bay vào rừng với con Sói Lửa.

Bỗng từ trên chóp núi đá cao ngất tiếng trống ngũ liên4 vang rền. Trống báo động giặc càn. Cả làng Xoài sôi lên như kiến lửa bị dội nước sôi. Dân quân du kích tản ra rìa làng chống càn. Đàn bà, trẻ con, những người già cả, tạm lánh vào rừng.

Cũng buổi chiều hôm ấy, hai người bạn xa nhau cho đến lần gặp lại bất ngờ này.


  • (1) Bấy giờ học sinh trung học rất nhiều anh chị lớn tuổi.
  • (2) Mặt ghế được ghép bằng những thanh tre.
  • (3) Tương đương lớp 7, lớp 8 bây giờ.
  • (4) Năm tiếng một liên tiếp.
  • Giữa đàn sói
  • Ổ phục kích
  • Tên tù binh
  • Tiếng hổ gầm
  • Làm ơn nên oán
  • Tiếng gầm rú của tử thần
  • Nhớ về một người thân
  • Lần theo dấu vết
  • Hành động táo bạo
  • Nỗi kinh hoàng
  • Con trăn rút
  • Gặp nạn
  • Kẻ chạy trốn
  • Toán biệt kích
  • Mò mẫm giữa rừng già
  • Người con gái rủi ro
  • Hương Giang
  • Niềm tin
  • Con hổ hám mồi
  • Thằng Kiên
  • Tiếng sói hú trên đồi
Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears