Tay Dũng không bị gãy xương, đứt gân, vết răng Sói Già cắn ở cổ tay trái có lẽ nguy hiểm đấy. Dũng cảm thấy mỏi mệt, gân cốt rã rời.
Bỏ con Sói Già chết cho lũ sói đàn, hai người vội vàng quay về trại. Dũng dặn tù binh Nhân chủ ở trại, rồi xách đao ra rừng kiếm thuốc. Vùng rừng này rất hiếm cây thuốc mọc. Tìm mãi mới được một nắm lá thì trời lại đổ mưa, và Dũng ướt sũng. Khắp người Dũng nổi gai ốc. Dũng như người bị say. Nó đang lên cơn sốt.
Trở về trại, chỉ kịp nhai nắm lá nuốt lấy nước, lấy bã đắp lên vết sói cắn thì con sốt đã quật Dũng xuống. Mãi quá trưa hôm sau nó mới tỉnh.
Dũng đưa mắt nhìn quanh trại. Nó chưa nhớ ra chuyện gì vừa trải qua. Cơn sốt đã lui hẳn. Con Sói Lửa và con Khoang thấy chủ mở mắt, cả hai mừng rối rít.
Dũng chợt nhớ. Tù binh Nhân đâu nhỉ? Dũng ngỡ tù binh Nhân chỉ loanh quanh đâu đó. Bỗng nó để ý thấy bi đông nước đặt ngay bên cạnh cùng gói thịt lợn rừng nướng như thể chia phần, Dũng cảm thấy đói và khát. Ăn mấy miếng thịt nướng, uống vài ngụm nước, người Dũng đỡ run rẩy hơn. Dũng xem lại cái tay bị sói cắn. May quá tay Dũng không bị sưng, vết sói cắn đã khô miệng. Thì ra con sốt không phải do vết thương. Có lẽ Dũng bị cảm đột ngột do dầm mưa và mất sức.
Dũng đứng lên, đi quanh trại. Khẩu súng đã biến mất. Gói thịt lợn rừng tù binh Nhân vẫn mang cũng biến mất nốt. Dũng hiểu ra mọi chuyện. Thể là tù binh Nhân đã bỏ đi. Ý nghĩ này mang đến cho Dũng một tâm trạng chán chường và thất vọng. Biết ăn nói với Huyện đội, với du kích xã nhà sao đây? Và tù binh Nhân ra đi, có nghĩa là ông ta mang theo cả bí mật về ông ta, nói chính xác hơn là về chuyện ông ta có phải ba Hương Giang hay không mà Dũng chưa có dịp hỏi thật kỹ. Nhưng dù có là ai đi nữa thì hành động bỏ trốn trong lúc Dũng đang mê man bất tỉnh mà nó vốn đã đối xử với ông ta vô cùng nhân đạo không phải chỉ vì chính sách tù binh mà còn cả tấm lòng nữa, là một hành động độc ác, bất nhân.
Thực ra tù binh Nhân không đến nỗi táng tận lương tâm như Dũng đã nghĩ: Ông ta còn để lại cho Dũng phần thịt nướng, bi đông nước và con dao ngang sắc. Cầu mong cho cơn sốt không quay trở lại nữa, với hai con chó trung thành, con dao ngang này thì Dũng chẳng sợ gì, kể cả cảnh ngộ xấu nhất: bọn biệt kích có thể ập đến đi nữa.
Có lẽ do quá xúc động mà Dũng tỉnh táo hẳn.
Từ nãy đến giờ hai con chó vẫn ngồi cạnh Dũng, vui vẻ cùng ăn món thịt lợn rừng nướng tuyệt vời với Dũng. Ăn uống xong, hai con chó nhìn lên mặt Dũng, đuôi ve vẩy khe khẽ, tỏ ý sẵn sàng lên đường. Nhìn hai con chó tình nghĩa, bỗng nhiên một nỗi buồn ghê gớm đến với Dũng. Trong giây lát, Dũng gần như mất hết niềm tin vào con người. Nó dang rộng hai cánh tay, quàng hai con chó vào lòng, âu yếm vuốt ve chúng.
- Chúng mày tình nghĩa quá, không nỡ bỏ tao mà đi! - Dũngnói với hai con chó như nói với những con người có hiểu biết. Còn con người, sao lắm kẻ vong ân bội nghĩa đến thế? - Tự nhiên Dũng rơm rớm nước mắt, nói rất chân tình - Thôi, cô cậu đi đi, về với đàn. Cứ mặc anh. Ân nghĩa với nhau thế là quá đủ rồi. Đừng theo anh mà có khi gặp tai vạ đấy. Nếu còn nhớ nhau, thỉnh thoảng quay lại là đủ.
Bỗng hai con chó lồng ra khỏi tay Dũng. Chúng không tỏ ra tức tối, giận dữ mà vẫy đuôi vui mừng. Dũng đang ngơ ngác, không hiểu hai con chó nhận ra tín hiệu gì, thì từ xa, một người đàn ông đang vén cành cây đi tới. Dũng đã nhận ra, người ấy là tù binh Nhân.
Vừa giận, vừa tủi thân, khi tù binh Nhân đến gần, Dũng quay mặt đi. Và tự nhiên nước mắt nó chảy giàn giụa như nước mắt con gái.
- Chú không tìm thấy đường à?
Tù binh Nhân dựng khẩu súng vào cột trại, đến ngồi cạnh Dũng. Đặt tay lên vai Dũng, ông ta nói giọng run run:
- Giận chú lắm phải không? Chú là một thằng đàn ông tồi tệ.Hãy bỏ qua cho chú. Chú đã tìm được đường.
Dũng thoảng có chút vui mừng, nhưng rồi một dấu hỏi lại chợt hiện trong óc, Dũng bật thành lời:
- Đường về đồn giặc ấy à? Chú có thể được thưởng to đấy.
Dũng nhận ra câu nói của mình quá cay độc, nhưng đã muộn. Nó ngồi im lặng hối lỗi.
Tù binh Nhân cũng im lặng. Một lúc lâu ông ta mới lên tiếng:
- Chú chưa tồi tệ đến thế đâu. Oán thù và hiềm khích đôi khi chỉ vì không hiểu mà nghi kỵ lẫn nhau thôi. Nhưng thôi, suy cho cùng là tại chú cả. Không trách được cháu.
Tù binh Nhân giọng sám hối kể cho Dũng nghe câu chuyện vừa xảy ra.
Hôm qua lúc về khuya, sau mấy lần vật vã, cuồng loạn, Dũng nằm bất tỉnh nhân sự. Tù binh Nhân hoang mang, tuyệt vọng cực độ. Nghĩ mình đang mang một cái án tày đình - theo giặc làm Việt gian - về chiến khu chết sống chưa biết đâu mà lường. Người có thể minh oan, bênh vực mình phần nào thì đang hôn mê, khó bề vượt qua cái chết. Nếu cậu chàng lính trẻ có mệnh hệ gì thì tội lỗi lại đổ lên đầu mình, và cái án tử hình khó mà tránh khỏi. Thôi thì mọi cái nhà trời. Nếu số cậu ta không chết thì có bỏ vào cối mà giã cũng không chết, và tự cậu ta có thể tìm về cơ quan được. Nhược bằng trời không cho cậu ta sống thì có mình bên cạnh, mình cũng chẳng kéo lại được. Thôi, đành tự mình cứu lấy mình. Âu cũng là dịp may thoát được cảnh chém giết, tìm đường về với vợ con... Nghĩ thế, tù binh Nhân để lại cho Dũng phần thịt nướng, bi đông nước, con dao ngang, rồi ngậm ngùi ra đi.
Trên đường bỏ trốn, tù binh Nhân thấy mỗi bước đi lòng lại thêm nhức nhối, vò xé, cho đến khi tình cờ ông ta bắt gặp con đường từng hành quân qua, con đường từ đó có thể về được xã nhà, người lính ngụy già như chợt tỉnh cơn mê.
Bỗng có tiếng sói đàn sủa râm ran. Tù binh Nhân đứng khựng lại. Liệu cậu chàng lính trẻ - thằng Dũng - có là mồi cho chó sói không, trong lúc nó mê man bất tỉnh? Nó không nỡ bỏ mặc mình làm mồi cho hổ đói, sao ta lại nỡ...
Tù binh Nhân chợt ứa nước mắt, quay trở lại. Vừa đi, ông ta lúc bẻ cành cây, lúc thì vạc vỏ cây để đánh dấu đường. Đang đi ông ta đụng đầu với đàn sói mà đầu lĩnh vừa bị con Sói Lửa giết chết. Sói đàn không có con đầu đàn trở nên liều lĩnh. Chúng xông vào tấn công tù binh Nhân. Ông ta nã luôn hai phát đạn, nhưng trượt, súng hết đạn. Nhanh trí, tù binh Nhân tung gói thịt lợn rừng nướng ra. Sói đàn xúm vào tranh nhau những miếng mồi thơm ngon. Tù binh Nhân lặng lẽ luồn rừng chạy thoát...
Câu chuyện tù binh Nhân kể lại khiến Dũng quên hết những nỗi hờn giận. Dù sao tù binh Nhân vẫn còn chút tình người. Tìm được đường về xã Nhân, là tìm được Huyện đội. Bởi vì xã nào lại không có xã đội dân quân du kích? Và cả chuyện bí mật về gia đình Nhân sẽ rõ, chẳng việc gì phải hỏi vội vàng. Trong lòng Dũng chợt lóe sáng một niềm vui và hy vọng. Ôi nếu ông Nhân là ba của Hương Giang thật. Và nếu làng của ông đã được giải phóng, gia đình Hương Giang tình cờ có mặt trong cuộc gặp gỡ sắp tới thì Dũng sung sướng biết chừng nào!
Nhưng... không biết Dũng có quá tin không đây? Hay lại bị đánh lừa lần nữa? Những dấu hỏi mới lại xuất hiện, khiến Dũng băn khoăn. Để cố giấu nỗi băn khoăn của mình, Dũng trở nên vui vẻ. Phần vì mệt, phần vì muốn có thì giờ để suy nghĩ, cân nhắc thêm, Dũng tìm có hoãn lại cuộc đi. Nó nói:
Thế thì hay rồi, nhưng cháu còn mệt lắm, chưa thể đi được. Bây giờ thì cháu sống rồi. Cháu có thể xoay xở lấy một mình. Hay là... - Dũng đắn đo - Hay là chú đi trước. Về xã, nếu liên lạc được với du kích, chú cứ sự thật mà nói, rồi nhờ họ báo với Huyện đội cho người đi đón cháu. Cháu sẽ theo đường chú đã đánh dấu mà đi...
Tù binh Nhân mở to mắt, vẻ kinh ngạc, bảo:
- Cháu nói gì lạ thế? Cháu chưa tin chú sao? Đã hai thứ tóc trên đầu, chẳng lẽ lại phạm sai lầm lần nữa? - Hay là tạm nghỉ lại đây, mai hãy đi?