• Đồi sói hú

Tên tù binh


Chia sẻChia sẻChia sẻ

Đưa lệnh của Huyện đội cho Xã đội du kích trót lọt, Dũng ghé về nhà thăm bố mẹ.

Sáng hôm sau Dũng theo người đi chợ qua khỏi bốt gác. Vừa đi Dũng vừa bồi hồi lo lắng nghĩ đến số phận của con Sói Lửa. Nhưng rồi câu chuyện chắp vá của các bà đi chợ kể với nhau làm nó yên tâm:

- Con Sói Lửa ấy khôn lắm.

- Nó về rừng dễ gần đến hai năm rồi còn gì?

- Thế mà nó còn nhớ làng, nhớ chủ đấy. Năm ngoái nó chả đã cứu con bé tản cư khỏi chết đuối là gì?

- Cứu con bé nào? Con Hương Giang, con gái bà giáo Nhân ấy à?

- Nó cũng biết phân biệt bạn thù đấy. Nó cắn chết tươi con béc-giê của lính bốt.

- Chuyện, đuổi theo nó thì nó cắn chứ bạn thù gì.

- Không biết lính bốt bắn có trúng nó không?

- Trúng thì đã không mất một tên lính.

- Nó cắn chết cả tên lính à?

- Nghe nói mất tích. Mất cả con chó Khoang nữa, con chó cái vẫn buộc ở cái cọc trước cửa bốt ấy mà.

Dũng tạm biệt những người đi chợ, rẽ vào đường rừng. Đang rảo bước ở đoạn đường mà hôm qua bọn địch phục kích thì Dũng nghe có tiếng người gọi:

- Dũng ơi, cháu có thư.

Thôi chết, lại rơi vào ổ phục kích rồi! Dũng giật thót, nhưng trấn tĩnh lại ngay. Nó lẩn nhanh vào một gốc cây, phòng nếu là địch thì luồn ngay vào rừng.

Một người bị trói lỏng cả chân lẫn tay, từ bên ven đường bước ra, theo sau gã đàn ông bị trói là một người cắp một khẩu súng, lưỡi lê tuốt trần.

Dũng nhận ra đó là ông Nghĩa, em họ của bố mình.

- Chú đây mà.- Ông Nghĩa nói và trao cho Dũng một mảnh giấy - Thư của chú Tín gửi cho cháu đây.

Dũng nhận mảnh giấy, đọc nhanh:

"Cháu Dũng, cháu dẫn chú Nghĩa đưa tên tù binh lên chiến khu. Chúc hai chú cháu thắng lợi. Chú Tín".

Nhét mảnh giấy vào túi, Dũng tươi cười nói:

- Tưởng gì, vậy mà chú Tín cũng viết thư, cứ như là bảo lãnh ấy. Chú là chú Nghĩa, em họ bố cháu.

Ông Nghĩa nói vui:

- Tao có cãi là không phải em họ bố mày đâu. Cái thằng mấtcảnh giác. Thế ngộ nhỡ tao theo Tây, vờ làm du kích để lọt vào chiến khu thì sao?

Dũng cãi:

- Họ mình thì theo Tây thế nào được.

Ông Nghĩa cười:

- Lại chủ quan rồi. Thời buổi này biết đâu mà lường.

Dũng chỉ vào con đường trước mặt, nói với tên tù binh:

- Cứ theo con đường mòn mà đi.

Tên tù binh tóc đã hoa râm lầm lũi đi trước, cách hai chú cháu Dũng hơn một tầm đòn gánh. Vừa đi, ông Nghĩa vừa kể cho Dũng nghe đủ thứ chuyện, rồi đến chuyện tên tù binh...

Tổ du kích, năm người, có nhiệm vụ bám sát đồn giặc, tìm cách bắt sống bằng được gã lính già trong bốt có tên là Nhân, mới chuyển đến. Chiều qua nghe tiếng súng nổ ở gần bìa rừng, ngõ có bộ đội, cán bộ... đi công tác lẻ sa vào ổ phục kích, tổ du kích luồn rừng tới nơi. Bấy giờ lính bốt đang rượt theo con Sói Lửa. Con Sói Lửa và con Khoang cùng sóng đôi đã vào sâu trong rừng. Ba tên giặc đuổi theo hai con chó một đoạn. Hai tên dừng lại gọi tên thứ ba đang luồn sâu vào rừng theo hướng hai con chó vừa chạy. Một tên cất tiếng gọi, giọng lính tráng:

- Ê Nhân già, quay lại kẻo du kích tóm cổ bây giờ!

Tên Nhân vừa tiến sâu thêm, vừa nói với lại:

- Càng tốt. Tao đang định tìm du kích đây.

Lúc này tổ du kích của ông Nghĩa đang bám sát ba tên giặc. Nghe tên kia gọi tên thứ ba này là Nhân già, họ mừng rơn. Dịp may để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao thật có một không hai. Ông Nghĩa ra hiệu cho đồng đội bỏ hai tên kia, bám chặt tên Nhân.

Con Sói Lửa và con Khoang đã chạy được khá xa, cùng dừng lại sau một bụi rậm. Nhân cũng dừng lại. Trong lúc con Sói Lửa âu yếm cô bạn đời lâu ngày mong đợi thì Nhân dựa lưng vào một thân cây. Gã đang dáo dác nhìn về phía trước thì ông Nghĩa và bốn du kích đã đến gần mà vẫn không hay biết. Ông Nghĩa lao tới, nắm lấy hai tay gã, bẻ quặt ra sau lưng. Nhân cố sức giãy giụa, hai tay cố giữ chặt lấy khẩu súng, lắp bắp không nên lời:

- T…..ô..i. muốn...h...ấy...

- Im mồm! - Ông Nghĩa quát. - Chống cự là chết!

Tên Nhân nhìn quanh, thấy bốn du kích khác, đại đao sáng loáng đang hoa lên thì hồn xiêu phách lạc.

Ông Nghĩa chỉ biết có thế. Thế là nhiệm vụ nặng nề đã hoàn thành.

Thực ra tù binh Nhân bám theo hai con chó không phải vì ham mê săn bắn, mà cốt là để đánh lừa đồng đội mà thôi. Chính gã đã có ý định bỏ trốn trại lính từ lâu, hôm nay mới có cơ hội thực hiện.

Nhân vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc, họ Tôn Thất, Tôn Thất Nhân. Gã vốn là giáo viên tiểu học dưới chế độ cũ. Cách mạng thành công, trường tiểu học chưa có điều kiện mở lại, gã về nhà tham gia dạy bình dân học vụ ban đêm, sống nhờ vào gánh hàng xén của vợ cùng mấy sào ruộng cho cày rẽ. Gã có hai cô con gái sinh đôi, cực kỳ xinh đẹp đang học lớp đệ tứ Trường trung học tỉnh, trường tạm đóng cửa nên cũng trở về làng, giúp mẹ chạy chợ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, xã Cao Lãnh của Nhân, một xã đông bắc thì giáp biển, tây nam thì giáp rừng, một địa bàn mà giặc có thể đổ bộ chiếm giữ. Cấp trên có lệnh toàn xã triệt để tản cư. Trong xã thanh niên trai tráng, người thì tòng quân, người tham gia công tác khác: rời làng ra chiến khu, hoặc tản ra các làng lân cận lập đội du kích bí mật. Hầu hết trẻ em, đàn bà, con gái tản cư hết. Có tin Trường trung học mỏ lại ở vùng chiến khu, Tôn Thất Nhân gom góp vốn liếng cho vợ và hai con gái yêu tản cư ra vùng tự do. Còn gã, nặng nợ với mồ mả cha ông, hương khói tổ tiên, cùng sự trói buộc của ngôi nhà, mảnh vườn, thửa ruộng. Và lại, gã nghĩ: dù sao thì cũng đã hai thứ tóc trên đầu, thời nào mà chẳng "kính lão đắc thọ". Lại nữa, dù sao gã cũng là trí thức, là công chức cũ, là dòng dõi Tôn Thất, lũ giặc có tới thì "vuốt mặt cũng phải nể mũi". Nghĩ thế, gã quyết định ở lại.

Giặc chiếm xã Cao Lãnh. Mọi dự tính của Tôn Thất Nhân đảo lộn hết. Những người còn lại trong xã không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, già trẻ, đều phải nai lưng ra phục dịch: rào làng, xây đồn bốt... Những ai còn khỏe mạnh đều bị sung vào lính, trong số đó có Nhân.

Bước đường chinh chiến run rủi thế nào lại đưa Nhân đến làng Xoài, làng vợ con Nhân từng tản cư. Và éo le thay, hôm nay gã lại chạm trán với Dũng, ân nhân của Hương Giang, con gái gã.

Nhưng những nỗi éo le này, trong số ba người có mặt trên con đường rừng hôm nay không hề một ai hay biết. Có thể đấng bí ẩn nào đấy sắp xếp các tình tiết của câu chuyện giờ này đang mỉm cười. Còn tù binh Nhân vẫn lầm lũi đếm bước, lòng nặng trĩu lo buồn. Và hai chú cháu Dũng đang vui miệng kể sang những chuyện khác.

Đang mải nói chuyện, bỗng ông Nghĩa nhảy cẫng lên:

- Con rắn. Rắn cạp nong.

Biết ông Nghĩa bị rắn cạp nong cắn, bất giác tù binh Nhân dừng chân, quay nhìn. "Hừ, hắn lợi dụng cơ hội để thoát thân đây", ông Nghĩa thoáng nghĩ, ông quát:

- Đứng im, nhúc nhích tao bắn chết - ông nói với Dũng. - Cắt dây kia buộc chặt ngón chân lại cho chú.

Ông Nghĩa vẫn lăm lăm chĩa mũi súng về phía Nhân. Nhân hiểu rằng trong tình trạng căng thẳng này bất cứ một cử chỉ hay lời nói nào sơ suất cũng rất có thể khiến gã bị ăn đạn. Gã đau khổ đứng lặng im, nhìn Dũng lúng túng sơ cứu vết rắn cắn cho ông Nghĩa.

Dũng lúng túng không phải vì vụng về mà vì nỗi lo lắng ập đến quá đột ngột. Vốn con của một thầy lang nổi tiếng trong vùng, nó biết rất rõ mối nguy hiểm của vết thương này. Nó cũng biết một vài loại lá chữa rắn cắn. Nhưng bây giờ không thể bỏ mặc ông Nghĩa ở lại đây với tên tù binh để đi kiếm thứ lá thuốc hiếm này. Nó ghé miệng hút máu độc ở vết thương ra, rồi buộc chặt ngón chân cái, sau chỗ rắn cắn cho ông Nghĩa. Nó bảo:

- Chú nên quay về ngay gặp bố cháu. Ông Nghĩa quát bảo tù binh Nhân.

- Tù binh Nhân, áp mặt vào gốc cây.

Tù binh Nhân ngỡ bị hành hình, sợ hãi van lạy:

- Cắn rơm, cắn cỏ lạy ông đừng giết con mà oan cho con.

- Im mồm, không nhiều lời. Úp mặt vào gốc cây kia thì sống.

Tù binh Nhân dành ngoan ngoãn làm theo lời ông Nghĩa. Ông Nghĩa trói giật cánh khuỷu hai tay tù binh Nhân thật chặt. Ông rút chiếc khăn lau ra, bảo gã:

- Há mồm ra.

Tù binh Nhân lại van lạy lần nữa, nhưng vô ích, đành há mồm ra. Nhét chặt chiếc khăn vào mồm tù binh Nhân, ông Nghĩa nói với Dũng:

- Cháu có nhiệm vụ giải anh ta về chiến khu. Cứ yên tâm, chú sẽ cho người đến với cháu. Bao giờ đi xa đồn giặc, cháu lôi cái khăn ra cho anh ta. Nếu tù binh Nhân chống lại, cháu có quyền dùng súng. Này súng đây.

Trao súng cho Dũng, ông Nghĩa còn dặn nó vài câu. Những câu nói sau cùng của ông Nghĩa giọng nghe đã rền rền như người buồn ngủ.

Dũng nhận khẩu súng, ái ngại nhìn ông Nghĩa rồi bảo:

- Xin chú đừng băn khoăn, cháu sẽ làm tròn nhiệm vụ.

Nhưng ông Nghĩa vẫn còn ngập ngừng, chưa chịu trở gót. Để cho ông Nghĩa thật sự yên tâm và cũng là có ý cảnh cáo trước tên tù binh, Dũng nhìn con vẹt đất đậu trên ngọn cây ràng ràng, cách chừng trăm mét, nom như một giọt mực, bảo:

- Chú đã trao súng vào tay cháu thì đừng lo. Nếu chú chophép, cháu sẽ bắn rơi con vẹt đất kia. Ông Nghĩa đồng ý:

- Đồng ý, cháu thử xem!

Dũng nâng súng lên, tì hờ nòng vào một cành cây, nhằm "giọt mực" xiết cò. Trên ngọn cây ràng ràng, con vẹt đất im tiếng, chớp cánh rồi lộn cổ xuống. Không rõ vì tiếng súng nổ hay vì thấy thằng nhóc nọ bắn quá giỏi mà bất chợt tên tù binh giật mình. Dũng trao lại súng cho ông Nghĩa - không nhận ra vẻ mặt ông Nghĩa đang lo lắng vì mất cảnh giác đã cho nó nổ súng Dũng phân bua:

- Chú cầm hộ cháu. Cháu bắn vào mỏ.

Dũng chạy đến gốc cây, rồi quay về ngay với con vẹt đất trên tay. Con vẹt đất vẫn nguyên vẹn, chỉ có chiếc mỏ bay mất, vì viên đạn đã tiện cụt. Mặc dù cơn đau đã buốt tận óc, ông Nghĩa cũng cố thốt lên.

- Giỏi quá! Cháu phải đi nhanh khỏi đây. Chúc cháu thắng lợi.

Ông Nghĩa chia tay Dũng. Dũng bùi ngùi nhìn theo người chú họ cho đến khi bóng ông khuất sau đoạn đường ngoặt mới bảo tên tù binh:

- Nào, lên đường. Hãy cố gắng đừng để buộc phải xảy ra chuyện đáng tiếc. Nhanh lên!

Tù binh Nhân lại khẽ rùng mình, đầu cúi gục, im lặng cất bước.


  • Giữa đàn sói
  • Ổ phục kích
  • Tên tù binh
  • Tiếng hổ gầm
  • Làm ơn nên oán
  • Tiếng gầm rú của tử thần
  • Nhớ về một người thân
  • Lần theo dấu vết
  • Hành động táo bạo
  • Nỗi kinh hoàng
  • Con trăn rút
  • Gặp nạn
  • Kẻ chạy trốn
  • Toán biệt kích
  • Mò mẫm giữa rừng già
  • Người con gái rủi ro
  • Hương Giang
  • Niềm tin
  • Con hổ hám mồi
  • Thằng Kiên
  • Tiếng sói hú trên đồi
Copyright Silver Tracer - All Graphics and Scripts by Morning's Ears