Dũng tỉnh lại lần thứ hai. Nó với bi đông nước lúc này con Sói Lửa tha đến, tu mấy ngụm. Nó cảm thấy tỉnh táo hẳn. Nó chợt hốt hoảng. Tên tù binh đâu? Dũng hiểu ra, tên khốn kiếp đã chống lại mình và bỏ trốn. Nhưng tại sao hắn không giết mình, chỉ nhét giẻ vào mồm, trói lại rồi bỏ trốn? Hay là hắn sợ con Sói Lửa? Không đúng! Hắn làm vậy, vì nghĩ rằng chưa chắc đã trốn thoát. Hẳn là thế! Không, hắn... Dũng mang máng nhớ lại lời gã tù binh: "Tao không."
Dũng đến chỗ gốc cây lúc nãy dụng khẩu súng. Khẩu súng vẫn còn. Thấy chủ, con Khoang mừng rỡ vẫy đuôi rối rít. Nhưng Dũng thì chẳng còn lòng dạ nào để âu yếm con chó tình nghĩa này nữa. Dũng đang băn khoăn không biết tìm tên tù binh hướng nào. Giá có con Sói Lửa ở đây thì hay. Bỗng Dũng nghe tiếng con Sói Lửa sủa, con Khoang nhìn Dũng, rồi quay ngoắt về hướng tiếng con Sói Lửa sủa vọng tới, lao đi. Vừa phóng như bay, nó vừa sủa nhịp ba. Đúng rồi! Dũng xách súng chạy theo con Khoang, tin chắc con Sói Lửa đang sủa tên tù binh. Vừa chạy, Dũng vừa cất tiếng đuổi thú.
Dũng đến chỗ con Sói Lửa và con Khoang đang sủa. Bỗng nó sửng sốt kêu lên:
- Bố! - Dũng xúc động suýt ném súng xuống ôm chầm lấy bố -Sao bố lại ở đây?
- Rồi bố sẽ kể! - Ông Giáp ra hiệu cho con trai dừng lại, chỉ lêncây bứa, nói với tên giặc - Xuống ngay! Xem ta găm mũi tên vào nách áo mi đây!
Một phát nỏ nổ căng. Một mũi tên găm vào ống tay áo tên giặc, phía gã đang nắm cành cây. Tên tù binh run lên như cầy sấy. Gã khóc lóc van lạy:
- Cắn rơm, cắn cỏ lạy ông tha chết cho con. Con còn vợ và hai con thơ dại. Con đã không giết con trai ông. Con không dám xuống, sợ con chó sói ăn thịt con mất.
Cổ Dũng bỗng nhói lên, có lẽ vì ấn tượng chiếc khăn bị tù binh Nhân nhét vào miệng quá lâu. Nó nói với ông già:
- Lão ta đã xô con ngã, nhét giẻ vào mồm con, trói con lại. May mà có con Sói Lửa...
Dũng giương súng lên hãm đạo. Nhưng ông bố sợ con không kìm được cơn tức giận lẩy cò thật. Gạt nhẹ mũi súng của con trai, ông nhẹ nhàng bảo:
- Khoan con! Giết một kẻ tội lỗi thì dễ, nhưng cứu vớt họ thành một con người thì khó. Hãy đưa gã về chiến khu.
Những lời ông Giáp nói, tù binh Nhân nghe hết. Nhưng đáng lẽ phải ngoan ngoãn tụt xuống nhận hết mọi tội lỗi thì trái lại gã với tay nắm lấy một cành cây cao hơn, định đu lên. Ngay tức khắc, một phát nó nữa lại nổ, lần này mũi tên găm vào cành cây, sát ngay bàn tay tù binh Nhân đang nắm. Ông Giáp nói:
- Đừng ngoan cố. Bắt anh xuống không khó đâu. Những mũi tên này sẽ găm vào bàn tay anh, và tự anh sẽ lộn cổ xuống. Nhưng ta không muốn xử ác như thế.- Ông Giáp gọi hai con chó: - Khoang, Sói Lửa, - lại đây, êu, êu, êu... Con Khoang và con Sói Lửa được chủ gọi, chạy tới, mừng rối rít. Ông già lại nói với tên giặc:
- Nào xuống đi, hãy nghe ta. Về chiến khu anh sẽ được hưởnglượng khoan hồng của Cụ Hồ!
- Dạ, con xin xuống!
Bây giờ tên tù binh mới chịu tụt xuống khỏi cây bứa. Ông già bảo tên giặc:
- Quay mặt đi, đưa tay ra sau lưng.
Tù binh Nhân lại khóc lóc:
- Lạy ông đừng giết con. Thề có trời đất chứng giám, con muốn trốn theo du kích, nhưng bị du kích bắt oan...
Ông già xẵng giọng:
- Đừng lừa ta. Nếu muốn trốn thì anh đã tìm gặp người làng.
Tên tù binh cố biện bạch:
- Cắn rơm, cắn cỏ, lạy ông hiểu cho con. Con mới chuyển tới chưa kịp bắt mối. Con chỉ mới biết được đây là nơi vợ và hai con gái con tản cư năm trước. Gia đình con nặng nợ với làng này lắm. Con không dám liều lĩnh. sợ bị lộ...
Ông già hơi có chút nghi hoặc, nhưng vẫn làm lơ, nói:
- Sắp xếp cũng khá đấy. Thế...? Nhưng thôi. Bây giờ không phải lúc kể lể. Ta không hại anh đâu. Nếu thật lòng anh muốn rời bỏ hàng ngũ giặc, thì về chiến khu sẽ có lợi cho anh. Ta không còn cách nào khác nữa...
Trong lúc ông bố cố nén lòng trói tay tên tù binh, thì Dũng bỗng thấy xao xuyến bởi những lời chắp vá của tên tù binh vừa rồi. Nó muốn được nghe tên tù binh kể nữa về hai cô con gái của gã. Nhưng rồi Dũng lại thấy cách xử sự của bố là hoàn toàn đúng đắn. Nghe gã kể nữa chẳng để làm gì, và chắc gì đó đã là sự thật.
Hai bố con Dũng dẫn tên giặc ra đường mòn. Trên đường đi Dũng đã kể cho bố nghe những chuyện xảy ra dọc đường.
Đi phía trước, tên tù binh Nhân nghe lọt chuyện, thanh minh:
- Có trời đất quý thần soi xét, con không có ý giết, con còn để đức cho con cái...
- Thôi anh im đi! Ta mong trời phật chứng giám cho anh.
Tên tù binh thở ra não nuột. Còn hai bố con Dũng lại tiếp tục câu chuyện của họ. Ông Giáp kể cho con trai nghe việc ông có mặt bất ngờ ở vùng rừng này...
Gần trưa có người báo cho ông Giáp biết, ông Nghĩa bị rắn cắn trên đường đưa tên tù binh lên chiến khu: Ông được biết thêm con trai mình phải thay ông Nghĩa. Du kích có cử người để cùng Dũng đưa tên giặc lên chiến khu. Nhưng cũng chính lúc ấy, bọn địch ở đồn Xoài mở cuộc hành quân càn quét, vì thế du kích phải thay đổi kế hoạch: vừa chống càn vừa chuẩn bị tấn công đồn Xoài theo lệnh của Huyện đội. Tính mạng ông Nghĩa đang nguy kịch. Ông già vội xách nó, đeo ông tên, cầm mác sắc vào rừng tìm cây thuốc. Ông sục tìm rất lâu mới kiếm được một nắm lá thuốc nọc rắn. Lúc tìm cây thuốc ông có nghe tiếng hổ gầm và tiếng sói hú. Chuyện hổ báo và chó sói chạm trán nhau, gầm rú là thường, ông già nghĩ vậy.
Kiếm được thuốc, đang sửa soạn ra về thì ông nghe tiếng con Sói Lửa và con Khoang sủa như đóng đanh một chỗ. Quái lạ, có chuyện gì thế nhỉ? Sao bảo con Khoang đã bị sói đàn tha mất? Và, cả ngày qua con Sói Lửa vẫn đưa đường cho thằng Dũng cơ mà? Hay là hôm nay nó cũng theo thằng Dũng? Có chuyện gì xảy ra với thằng Dũng chăng? Hay là tên giặc.... Nghĩ vậy, ông già xách nỏ, xé rừng đến chỗ hai con chó đang sủa. Và mọi chuyện xảy ra bên gốc bứa như Dũng đã biết
Ra đến đường mòn, ông Giáp xem lại dây trói cẩn thận. rồi căn dặn con trai:
- Đường về chiến khu không còn xa nữa, nhưng con khôngđược lơ là. Cố gắng kìm chế, đừng hành hạ anh ta con nhé! - Ông già nói với tên tù binh - Còn anh, mọi chuyện lành hay dữ tùy thuộc vào thái độ của anh đấy.
Nhớ lấy kẻo hối không kịp. Lòng nhân ái của con người cũng chỉ có hạn độ thôi.
Ông Giáp ôm lấy Dũng, đặt một cái hôn lên trán con trai. Rồi vỗ về hai con chó. Ông già nói:
- Nhớ săn sóc thằng bé, cô cậu nhé!
- Bố ơi, giờ này chúng nó phục kích đấy bố ạ! - Dũng rơm rớm nước mắt, suýt khóc - Cẩn thận đấy bố ạ!
Ông già cười:
- Đừng lo cho bố! Rừng này bố là chủ cơ mà!
Dũng nhìn theo bố cho đến khi bóng ông già khuất vào con đường ngoặt. Phía trước hai con chó vẫn bám sát tên tù binh.
Tên tù binh lầm lỳ cất bước. Hình ảnh bố con Dũng quyến luyến nhau khiến gã nhớ tới hai con, nhớ tới làng xóm. Rồi gã hồi nhớ lại những ngày làm lính. Bình sinh gã chưa làm điều ác. Tuy là Tôn Thất, nhưng gã chỉ thuộc lớp trí thức nhỏ, nghèo. Có thể trong dòng họ vua chẳng còn mấy ai biết đến gã nữa. Gã chỉ muốn sống cuộc sống lương thiện bên vợ con và làng xóm. Ai đã đẩy gã vào con đường làm lính? Chinh chiến phận trai không cầm súng cho bên này thì cũng buộc phải cầm súng cho bên kia đã đành. Còn gã thì đã già rồi, đầu đã hai thứ tóc, sao vẫn chưa thoát khỏi vòng oan nghiệt này? Gã nghĩ quẩn, có súng trong tay, ra trận bên này bắn bên kia, ai bắn trước thì được, đâu còn thì giờ, đâu còn tâm can để nghĩ đến nhân nghĩa? Cũng may lạy trời, thề trước thần linh, ma quỷ, gã chưa giết người, chưa đốt nhà. Nói cho đúng, gã chưa có hoàn cảnh, chưa có dịp, chưa đến lúc bức bách phải làm việc ấy. Phải tìm cách thoát nhanh ra khỏi cái nơi luôn đẩy người ta giết hại lẫn nhau này! Và thần linh đã phù hộ gã. Gã không bị du kích giết chết. Nhưng lần này thì khó lòng thoát khỏi bị trừng trị. Chỉ cần thằng bé ấy kể lại đúng sự thật như gã đã làm và nó hiểu, không thêm thắt, gã cũng đã đủ chết rồi. Huống chi thêu dệt thêm không hại gì cho chính mình, mà lại tô điểm được cho công trạng vốn là tính xấu của con người thì thằng nhóc ấy tiếc gì không làm? Vậy thì cái chết cầm chắc trong tay. Càng nghĩ tù binh Nhân càng lo sợ. Với việc làm của gã, giới hạn giữa thật và giả, ngay và gian quá mỏng manh may ra chỉ có quỷ thần mới biết.
Đi phía sau, đã nguôi cơn giận, nhìn dáng hình tiều tụy của gã tù binh già với mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc, bỗng Dũng cảm thấy thương hại. Từ sáng đến giờ gã chưa có lấy một hạt cơm, ngụm nước vào bụng, làm gì chẳng mệt! Sực nhớ đến mấy miếng đường móng ngựa mẹ gói cho lúc sáng, lại nghe có tiếng nước suối chảy róc rách cạnh đường, Dũng nói với tên giặc:
- Này tù binh, rẽ về phía suối kia nghỉ một lát đã.
Tù binh Nhân ngoan ngoãn "vâng" một tiếng. Gã chệnh choạng lần theo bờ suối như một tên say rượu. Đúng là sức lực của gã đã cạn, hình hài tiều tụy trông thấy. Dũng rất muốn giúp dìu gã xuống suối, nhưng bài học lúc nãy chưa quên ngăn nó lại. Khó nhọc lắm tên tù binh mới tới được bờ suối. Dũng chỉ một tảng đá bên mép nước bảo gã ngồi xuống, rồi mọi trong bọc ra mấy miếng bánh đường móng ngựa đưa cho tên tù binh:
- Này, ăn đi cho đỡ mệt. Lúc trưa giá anh đừng giở trò độc ác ra, chả phải đã có cơm, có nước rồi không?
Nhìn thấy mấy miếng đường móng ngựa, mắt tù binh Nhân sáng lên, vừa vui mừng, vừa có chút xấu hổ. Nhưng rồi vẻ thất vọng hiện ngay trên mặt gã. Dũng chợt hiểu, tay gã bị trói chặt ra sau lưng, không thể nào cầm miếng đường đưa lên miệng được, mà nhờ Dũng thì không dám.
Dũng không chút do dự, đến trước mặt gã nói:
- Chịu khó một chút, đừng ngại, tôi đút cho anh ăn nhé! Ăn mà lấy sức.
Dũng đưa từng miếng đường vào mồm tên tù binh. Tù binh Nhân nhai đường rau ráu, ngấu nghiến. Chờ tù binh Nhân ăn xong mấy miếng đường, Dũng lại ngắt lá rừng làm thành gàu, múc nước suối cho gã uống. Ăn đường, uống nước xong, nom tên tù binh tỉnh táo hẳn. Gã nghiêng cổ, chùi mồm vào vai áo. Còn Dũng thì bây giờ mới cảnh giác lùi ra xa, nhưng không hướng nòng súng đã nạp đạn vào gã, mà lơ đãng ngồi lắng nghe tiếng chim rừng hót trên những tán cây dọc hai bên ven suối.
Tù binh Nhân nhìn Dũng rất chăm chú với ánh mắt hối hận, gã hỏi:
- Tội tôi cũng đáng chết lắm. Sao ông già và anh không giết tôi?
Dũng không trả lời câu hỏi của gã, mà hỏi lại:
- Tôi không nó bỏ mặc anh làm mồi cho hổ, tôi mang cơm nước lại cho anh, lấy khăn ra cho anh, sao anh định hại tôi?
Tù binh Nhân suy nghĩ một lát rồi nói:
- Nói ra thì anh không tin. Thề có trời, chưa bao giờ tôi có ý định hại anh. Tôi chỉ... mà thôi. Có lẽ tôi sợ, tôi muốn trốn thoát, để thấy lại các con tôi...
Một lần nữa lời người tù binh già lại gợi Dũng nhớ tới những kỷ niệm về người bạn gái tản cư hồi nào. Nó đang tìm cách nhân không khí thuận tiện này lần hỏi những điều trắc ẩn mà tù binh Nhân chưa nói ra. Nhưng Dũng chưa kịp thực hiện ý định của mình, thì bỗng con Sói Lửa ngồi xổm xuống, hướng mõm lên trời, rú dài, tiếng rú nghe như tiếng gào của tử thần. Cùng lúc khắp cánh rừng sói đàn rú lên điên loạn. Dũng chưa kịp hiểu ra điều gì thì tiếng máy bay oanh tạc đã gầm vang trên nền trời. Chỉ nháy mắt, bốn chiếc máy bay cánh quạt B26 đã thi nhau nhào lộn, trút hàng loạt bom xuống khu Huyện đội.
Thì ra con Sói Lửa thính tai, đã nhận ra tiếng gầm của thần chết có cánh từ xa, cất tiếng rú báo cho đàn biết. Sói đàn nhận ra tín hiệu báo nguy hiểm của đầu lĩnh, đã nhất loạt rú đáp lại, rồi cúp đuôi, cụp tai, chạy biến vào rừng xa.
Dũng xách súng đứng lên, nói nhanh với tù binh Nhân:
- Cố đứng lên! Phải về chiến khu ngay, càng nhanh càng tốt.
Những cột khói ở khu Huyện đội bốc lên như thiêu đốt lòng Dũng. Biết Dũng đang sốt ruột, tên tù binh ngoan ngoãn bước nhanh.
Dũng dẫn tù binh Nhân về đến doanh trại thì trên các khu nhà lá lửa đã tắt. Khu Huyện đội chỉ còn lại những cột gỗ cháy đen. Xung quanh tĩnh mịch, không một bóng người. Các chú, các anh ấy đâu cả rồi? Chả lẽ... Chả lẽ họ đi cả rồi sao? Chả lẽ người ta nỡ bỏ nó một mình? Dũng tủi thân ứa nước mắt.
Dũng nghi nghi hoặc hoặc tìm quanh mà chẳng biết tìm gì. Bỗng con Sói Lửa xộc đến chỗ cây sồi rậm lá, xa lán. Ở đấy có một cái hầm trú ẩn cá nhân1. Con sói sành hơi này ngửi hít gì đó một lúc, rồi lùi lại, ngồi lên hai chân sau, tru một tiếng thê thảm.
Dũng quên cả tên tù binh già đang mệt mỏi và hoảng loạn ngồi dựa lưng bên gốc cây, chạy vội tới chỗ con Sói Lửa. Còn cách hầm trú ẩn vài bước, nó sững lại, mắt hoa lên, đứng như chết lặng. Ai thế này? Trước mặt Dũng, con Sói Lửa đang ngồi bên một thây người; đôi tai con sói cụp xuống vẻ ảo não. Dũng sực tỉnh, bước tới. Nó bàng hoàng nhận ra xác chết là người mà cả nó và con Sói Lửa đều thân thiết: Anh Bình. Thế đấy, một con chó sói mà giữa khỏi đạn khét lẹt vẫn nhận ra hơi người quen!
Không phải bỗng dưng nó đang xót xa, rên rỉ thế kia.